Chứng minh: Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí mang một vẻ đẹp của thời đại mới.

bai-tho-dong-chi-mang-mot-ve-dep-cua-thoi-dai-moi

Chứng minh: Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí mang một vẻ đẹp của thời đại mới.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí mang một vẻ đẹp của thời đại mới.

  • Thân bài:

Là người lính thuộc trung đoàn thủ đô rồi trở thành nhà thơ quân đội, Chính Hữu chủ yếu viết về người lính và hai cuộc kháng chiến. Đồng chí được sáng tác năm 1948, là bài thơ thành công nhất của ông. Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn của những chiến sĩ quân đội nhân dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Vẻ đẹp của thời đại mới trong hình tượng thơ ở đây là tình đồng chí, đồng đội gắn với giai cấp của người lính. Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ mộc mạc, giản dị, chân chất khi tác giả giới thiệu về quê hương của các anh bộ đội. Các anh mỗi người một quê – những vùng quê nghèo khó – song đã về đây để cùng tham gia kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau

Cuộc sống người lính vất vả biết bao nhiêu. Nào là “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”… Lại nữa, những đêm trời rét chỉ có một mảnh chăn mỏng hay những cơn sốt rét rừng hành hạ… Vượt lên trên tất cả những khó khăn đó để “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Chỉ cần thương nhau tay nắm lấy bàn tay là đủ hơi ấm để chống chọi với cái rét run người nơi đại ngàn. Chính đôi tay nắm chặt ấy đã nói lên ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của tình đồng đội, của ý chí quyết tâm đánh giặc.

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đặc sắc :

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo

Ba câu thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong bức tranh trên, nổi bật là ba hình ảnh gắn kết với nhau: Người lính, khẩu súng, vầng trăng giữa cảnh rừng hoang sương muối phục kích giặc. Trong cái cầm tay nhau ấy, hình ảnh đất nước và tinh thần đoàn kết giai cấp được diễn đạt thật cao đẹp, cô đọng và thuyết phục. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ. Hình ảnh Đầu súng trăng treo là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh tượng trưng.

Tác giả Chính Hữu đã từng nói : “Đầu súng trăng treo”, ngoài hình ảnh, bốn chữ này còn có nhịp điệu như lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng như một người bạn” Đó là hình ảnh thực của cuộc kháng chiến, của những người lính khi chờ giặc tới.

Ngoài tả thực, hình ảnh “Đầu súng trăng treo” còn mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, vừa thực, vừa mơ, vừa xa vừa gần, vừa mang tính chiến đấu, vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Đây là hình ảnh tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời chiến đấu. Hình ảnh thơ thật độc đáo, gây xúc động bất ngờ, thú vị cho người đọc. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của mục đích lí tưởng chiến đấu và tình nghĩa thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Chính tình cảm cao đẹp và lí tưởng sáng ngời “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” đó mà những người lính được nâng lên tầm cao khái quát trong đó có sự hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn, trữ tình. Đầu súng trăng treo mang ý nghĩa sâu sắc cho tinh thần thời đại.

Với nhịp chậm, giọng thơ hơi cao, ba câu thơ cuối của bài một lần nữa khắc họa chân thực mà sâu sắc về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

  • Kết bài:

Tình cảm đồng chí, đồng đội là tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của những người lính. Đó là sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn trở ngại, mọi thiếu thốn để chiến thắng kẻ thù. Bài thơ Đồng chí đặc biệt là ba câu kết như một lời nhắn nhủ với mọi người : Hãy biết nâng niu và gìn giữ những tình cảm đẹp trong cuộc sống, phải biết kính trọng những người lính

* Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chứng kiến bao kì tích của những người nông dân. Họ đã làm nên lịch sử từ đôi bàn tay cày cuốc, đôi bàn chân lấm lem bùn lầy. Họ là những chàng “Thạch Sanh của thế kỉ XX”. Đã có biết bao tiếng hát, lời thơ ca ngợi những anh hùng “chân đất” ấy. Là một chiến sĩ, đồng thời cũng là một nghệ sĩ, với bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã góp một bản hùng ca hoà vào bản đàn chung về những người lính anh dũng của một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng.

  • Thân bài:

Năm hai mươi tuổi, Chính Hữu viết về người lính trong “Ngày về” nhưng ở bài thơ này hình ảnh người chiến sĩ hiện lên với nhiều nét ước lệ, với những thanh gươm, áo bào, đôi giày vạn dặm, khác xa lắm người lính trong cuộc chiến thực tại:

“Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phui bạc áo hào hoa”

(Chính Hữu – Ngày về)

Ba năm sau (1948), khi tham gia vào hàng ngũ cách mạng, được trực tiếp trải nghiệm đời lính, được chứng kiến những mất mát, hi sinh, những khó khăn gian khổ, được sống trong tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, Chính Hữu đã có cái nhìn, cách cảm nhận khác về người lính. Điều đó được thể hiện rõ trong bài thơ Đổng chí. Ngay từ khi mới ra đời, Đồng chí đã được đón nhận nồng nhiệt. Có thể coi đó là một trong những áng thơ đẹp nhất về người lính, vẻ đẹp của bài thơ chính là vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội được hiện lên qua những “chi tiết và hình ảnh tự nhiên, bình dị mà cô đọng, giàu sức biểu cảm” (SGK Ngữ văn 9, tập 1).

Mở đầu bài thơ là sự khái quát về cảnh ngộ của những người lính:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.”

Ngôn ngữ thơ giản dị như lời ăn tiếng nói thường ngày của người dân quê. Ta bắt gặp ở đây những thành ngữ quen thuộc “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”, thể hiện rõ nhất nguồn gốc xuất thân của những người lính. Họ đến từ mọi miển Tổ quốc, từ những vùng đồng bằng châu thổ quanh năm ngập lụt đến vùng đồi núi trung du khô cằn. Những con người xa lạ, cách nhau cả một phương trời nhưng giống nhau ở cái nghèo, sự lam lũ khó nhọc của người dân quê Việt Nam. Chính sự đồng cảnh ấy đã khiến họ xích lại gần nhau, để từ những “người xa lạ”, họ tập hợp lại trong hàng ngũ cách mạng và trở thành quen biết, thân thiết với nhau:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.”

Những hình ảnh thơ rất thực nhưng cũng đầy sức gợi. Điệp từ “bên” cùng cấu trúc song hành có tác dụng khẳng định sự gắn bó khăng khít giữa những người lính. Họ cùng chung nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc “súng bên súng” (cùng chung lí tưởng, suy nghĩ – “đầu sát bên đầu”). “Cái hay của nhà thơ là đã biết đem cái ấm áp của “đêm rét chung chăn” vào bài thơ, sưởi nóng mối tình đồng chí lên thành mức độ tri kỉ”. Những người lính đến với nhau nhẹ nhàng bình dị, vừa có cái chung của lí tưởng lớn, vừa có cái riêng của một đôi bạn ỷ hợp tâm đầu. Và cứ giản dị như thế, những con người cùng chung gian khó ấy trở thành đồng chí của nhau: Đồng chí!

Hai tiếng “đồng chí” vang lên, như một tiếng gọi thiết tha. Nhịp thơ đang dàn trải, như những lời thủ thỉ, tâm tình, đến đây chợt lắng lại, ngắt ra thành một câu thơ riêng, chỉ với hai từ và dấu chấm than, tựa như một nốt nhấn ngân vang. Nó vừa là một định nghĩa giản dị về tình đồng chí, vừa có ý nghĩa bản lề đóng lại những dòng cảm xúc bên trên và mở ra những nguồn mạch biểu hiện mới của tình đồng đội. Chính Hữu đã từng có những định nghĩa giản dị như vậy về tình đồng đội thiêng liêng:

“56 ngày đêm bom gầm, pháo giội
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Nắm cơm sẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.”

(Chính Hữu – Giá từng thước đất)

Đồng chí là thế. Là sự gắn bó tha thiết tự trong tim, là sự sẻ chia những tâm tư, những gian khó cuộc đời, là sự thấu hiểu những tình cảm, nghĩ suy:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Đối với những người nông dân, thiết thân nhất là ruộng vườn cả đời cày sâu cuốc bẫm, là ngôi nhà nhỏ có gia đình thân yêu. Vậy nhưng họ vẫn quyết tâm gạt bỏ lại sau lung, lên đường theo tiếng gọi của quê hương, đất nước. Từ “mặc kệ” mộc mạc như cách nói quen thuộc của người dân quê vang lên, ẩn chứa cả ý chí kiên định. Đó không phải là thái độ buông xuôi, vô trách nhiệm mà là biểu hiện của lòng quyết tâm sắt đá. Họ vẫn gắn bó lắm, vẫn yêu nhớ lắm cái mảnh đất quê hương nghèo khó, nên mới có thể cảm nhận được nỗi lòng của người thân nơi hậu phương:

“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Đã bao lần ta bắt gặp hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình trong ca dao xưa, nhưng vẫn thật mới mẻ trong thơ Chính Hữu. Biện pháp nghệ thuật hoán dụ “giếng nước”, “gốc đa” gợi ta nhớ tới nơi hò hẹn của những người dân quê, nhắc đến những kỉ niệm một thời gắn bó trên mảnh đất quê hương. Chúng cũng biết “nhớ” khi cách xa những người con thân yêu của làng quê. Nghệ thuật nhân hoá được sử dụng thật đắc địa. Bao tình cảm nặng sâu như đều dồn tụ trong tiếng ”nhớ“ giản dị ấy. Câu thơ gợi ta nhớ đến những tiếng thơ của Hồng Nguyên:

“Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gao canh khuya.”

(Hồng Nguyên – Nhớ)

Giữa người đi xa và người ở lại luôn có một sợi dây vô hình gắn kết. Những người lính cùng nhau san sẻ mọi buồn vui, khó khăn của cuộc sống kháng chiến. Không chỉ thế, tình đồng chí còn tiếp thêm cho họ sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, gian khổ của đời lính:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.”

Câu thơ khắc hoạ hoàn cảnh thực của người lính : thường xuyên phải chống chọi với những cơn sốt rét rừng triền miên. Hình ảnh thơ chân thực, cụ thể, nhịp thơ 3/5 đều đều như những lời kể chuyện nhẹ nhàng mang lại cho ta cảm giác se xót trước những gian khó mà người lính phải trải qua trong cuộc đời chiến đấu.

Những hiện thực trần trụi tưởng như không phải là thơ, nhưng lại gieo vào lòng người đọc bao cảm xúc:

“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày”.

Nhịp thơ nhanh, câu thơ ngắn, kết hợp cùng cấu trúc song hành có tác dụng đặc tả sự thiếu thốn của đời lính trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ta cũng từng bắt gặp những câu thơ đậm chất hiện thực như thế trong thơ Chính Hữu:

“Súng nặng
Đường trơn
Vai gầy
Áo rách”

(Chính Hữu – Tháng năm ra trận)

Nhưng bất chấp gian khổ, người lính vẫn cười – tiếng cười ngạo nghễ của những con người coi thường khó khăn, tiếng cười được sưởi ấm bằng đôi bàn tay nắm chặt:

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”

Câu thơ giản dị, nhẹ nhàng, đậm chất lính. Hai tiếng “thương nhau” được đặt lên đầu câu khiến cho nhịp thơ như lắng lại. “Thương” chứ không phải là “yêu”. Trong “thương” không chỉ có tình yêu mà còn có sự cảm thông, sự xót xa cho nhau. Chính trong tâm thế đó, người lính tìm đến nhau trong cái nắm tay tình nghĩa. Đó là cái nắm tay truyền hơi ấm để giúp đồng đội vượt qua cái giá lạnh nơi núi rừng, cũng là cái nắm tay truyền ý chí chiến đấu, truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Đây là ngọn nguồn tạo nên sức mạnh bất diệt của người lính Việt Nam trong kháng chiến. Những người nông dân vốn chỉ lo “côi cút lùm ăn” (Nguyễn Đình Chiểu), quanh năm gắn bó với ruộng đồng, con trâu, cái cày. Nhưng tình yêu quê hương lên tiếng giục giã họ cất bước lên đường. Những gian khổ là nhiều, những hi sinh là không ít, nhưng tình yêu Tổ quốc và tình đồng chí thiêng liêng đã tiếp thêm sức mạnh để người lính vượt qua những khó khăn thử thách đó, để họ vững tay súng, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”

Ba câu thơ ngắn là sự kết tinh tình đồng chí. Giữa nơi chiến trường khốc liệt, thiên nhiên khắc nghiệt : (rừng hoang, sương muối) hình ảnh những người lính kề vai nhau ngời sáng lên đẹp biết bao ! Nó là sự đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và sự khốc liệt của hiện thực chiến tranh. Từ “bên” ở đây tương thích với từ “bên” trong câu thơ: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Nhưng nếu như ở trên, hai cá thể vẫn tách biệt (súng – súng ; đầu – đầu) thì đến đây, từ “bên nhau” cho ta thấy một sự gắn kết trọn vẹn giữa những người lính. Họ kề vai sát cánh cùng nhau, truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và niềm tin để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, chính hoàn cảnh khắc nghiệt của núi rừng hoang lạnh, hiểm nguy lại là nơi thử thách tình đồng đội thiêng liêng cao cả của những người lính. Hình ảnh họ toả sáng trong câu thơ kết bất ngờ, độc đáo:

“Đầu súng trăng treo”

Đây là hình ảnh độc đáo, kết tinh giá trị nghệ thuật của cả bài thơ. Chính Hữu từng tâm sự: “Trong chiến dịch, nhiều đêm có trăng. Phục kích giặc trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật : khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện lại với nhau thành hình ảnh “Đầu súng trăng treo”. Tưởng như không hề có sự dụng công nghệ thuật trong hình ảnh đó, vậy mà nó đưa lại cho người đọc khoái cảm thẩm mĩ thật đặc biệt. Nhịp thơ 2/2 “như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng, chông chênh trong sự bát ngát” (Chính Hữu). Súng và trăng như cũng tạo thành một cặp đồng chí, góp phần soi rọi, tô sáng hơn vẻ đẹp của cặp đồng chí kia, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Súng tượng trưng cho khói lửa chiến tranh, trăng tượng trưng cho cuộc sống thanh bình. Súng và trăng vừa đối lập lại vừa hài hoà, một bên là hiện thực, một bên là ước mơ. Ta nhận ra trong câu thơ sự kết hợp hài hoà giữa tâm hồn chiến sĩ và thi sĩ, giữa chất hiện thực đằm sâu và chất lãng mạn bay bổng. Đó chính là yếu tố làm nên giá trị độc đáo của câu thơ này.

  • Kết bài:

Nhà thơ Chính Hữu từng tâm sự: “Trong bài Đồng chí, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Suốt cả cuộc chiến đấu, chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu, là tình đồng chí, đồng đội”. Cả bài thơ là khúc ca về tình cảm chân thành, thiêng liêng của những người lính nông dân. Từ những miền quê nghèo khác nhau trên dải đất hình chữ S, cùng chung sự khốn khó, chung lí tưởng chiến đấu, họ đến với nhau, giản dị mà chân thành. Bài thơ sẽ còn ngân vang mãi trong trái tim, tâm hồn mỗi người dân Việt Nam như một biểu tượng đẹp về tình đồng chí bất tử!

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.