Bài thơ “Sang thu” (Hữu Thỉnh), SGK Ngữ văn 9, tập 2

sang-thu-sgk-ngu-van-9-tap-2

Sang thu
(Hữu Thỉnh)

Nội dung.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình[1] qua ngõ
Hình như thu đã về.

Sông được lúc dềnh dàng[2]
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Chú thích.

[1] Chùng chình: cố ý chậm lại.
[2] Dềnh dàng: chậm chạp, thong thả.

Nguồn: Hữu Thỉnh, “Từ chiến hào đến thành phố”, NXB Văn học, Hà Nội, 1991

LUYỆN TẬP.

Câu 1: Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ đâu và gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì?
Câu 2: Phân tích sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những biến chuyển trong không gian lúc sang thu. (Gợi ý: qua hương vị, qua sự vận động của gió, sương, của dòng sông, cánh chim, đám mây, qua nắng, mưa, tiếng sấm. Chú ý các từ ngữ phả vào, chùng chình, dềnh dàng…)
Câu 3: Theo em, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ – thu này được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua hình ảnh, câu thơ nào? Em hiểu thế nào về hai dòng thơ cuối bài:
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Câu 4. Dựa vào các hình ảnh, bố cục của bài thơ, viết một bài văn ngắn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu.


* Soạn bài:

Sang thu
(Hữu Thỉnh)

Câu 1:

– Sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu được cảm nhận tinh tế bắt đầu từ những tín hiệu chuyển mùa: “Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se”. Gió se là ngọn gió nhẹ, khô và hơi lạnh. Trong ngọn gió ấy lúc này, có mang theo hương ổi, mùi thơm của hương ổi đang vào độ chín.

– Trước thời điểm giao mùa hạ – thu, nhà thơ một thoáng ngỡ ngàng và bâng khuâng vương vấn. Tâm trạng ấy thể hiện qua các từ bỗng, hình như.

Câu 2:

Sự biến chuyển trong không gian lúc sang thu được nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận qua nhiều yếu tố, nhiều giác quan và sự rung động thật tinh tế:

– Khứu giác và xúc giác: bất chợt nghe mùi thơm của ổi đang vào độ chín phả vào ngọn gió nhẹ, khô và hơi lạnh.

– Thị giác và cảm giác: nơi đường thôn ngõ xóm, sương giăng mắc nhẹ nhàng chuyển động chầm chậm khiến nhà thơ ngỡ ngàng nhận ra thu đã về.

– Dòng sông thanh thản trôi êm dịu và những cánh chim bắt đầu vội vã như chuẩn bị cho chuyến thiên di tránh rét.

“Đám mây mùa hạ, vắt nửa mình sang thu” thể hiện thật sinh động cảm giác giao mùa.

– Nắng vẫn còn nhiều nhưng đã vơi dần những cơn mưa.

Sự tinh tế của tác giả thể hiện trong những từ ngừ đầy gợi cảm: “bỗng”, “phả vào”, “chùng chình”, “hình như”, “dềnh dàng”, “vắt nửa mình”.

Câu 3:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

– Ý nghĩa tả thực về thiên nhiên (hiện tượng “sấm”, “hàng cây đứng tuổi”) lúc sang thu.

– Tính ẩn dụ của hình ảnh “sấm”: những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời. “Sấm” là hình ảnh ấn dụ chí vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” cũng là hình ảnh ẩn dụ chí con người đã từng trải.

– Hai câu thơ có nhiều cách hiểu: hàng cây đứng tuổi không còn bị bất ngờ, bị giật mình vì tiếng sấm. Hay lúc sang thu, đã bớt đi những tiếng sấm bất ngờ. Theo tác giả, với hình ảnh có giá trị tả thực về hiện tượng thiên nhiên này, ông muốn gửi gắm suy ngẫm của mình – khi con người đã từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

II. Luyện tập.

Dựa vào các hình ảnh, bố cục của bài thơ, viết một bài văn ngắn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu.

Bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh là một trong những bài thơ miêu tả tinh tế, đặc sắc nhất sự biển đổi của cảnh vật trong không gian cuối hạ đầu thu. Trước khung cảnh giao mùa tuyệt đẹp ấy, tác giả không chỉ thể hiện lòng yêu mến vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương đất nước mà còn đồng thời thể hiện những suy ngẫm về triết lý cuộc đời.

Ở hai khổ thơ đầu, một loạt những sự vật, hiện tượng thiên nhiên được tác giả khắc họa như: hương ổi, sương, sông, chim, đám mây mùa hạ. Trong khoảnh khắc giao mùa, mọi sự vật đều có sự thay đổi. Mùa thu đến kéo theo hương ổi thoang thoảng trong không gian. “Sương chùng chình qua ngõ” như cố ý nán lại, tiếc nuối níu kéo mùa hạ. Dòng chảy của sông cũng như chậm lại, thong thả hơn trong cái tiết mùa thu đang đến gần. Đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu”, hình ảnh đầy tính gợi hình.

Những sự vật thiên nhiên trong bài thơ đã được tác giả thổi vào đó những hành động của con người. Cả không gian cũng như có xúc cảm, có tâm hồn. Thiên nhiên đất trời được tác giả Hữu Thỉnh khắc họa trong trạng thái lửng lơ, nửa còn là hạ, nửa đã là thu. Sang thu, nhịp sống dường như chậm lại, tất cả trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn. Những hình ảnh trên đã thể hiện sự quan sát nhạy bén, tinh tế của nhà thơ trước những chuyển động dù khẽ khàng của thiên nhiên. Nó cũng đồng thời bộc lộ tâm trạng vừa như nuối tiếc mùa hạ, lại vừa đang chào đón mùa thu của nhà thơ khi đứng giữa thiên nhiên giao mùa.

Nếu hai khổ thơ đầu là xúc cảm của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên thì đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Thông qua cảnh sắc thiên nhiên đất trời khoảnh khắc giao mùa, nhà thơ đã bày tỏ những suy nghĩ về triết lý nhân sinh: Khi bước sang nửa bên kia con dốc cuộc đời, con người ta sẽ trở nên bản lĩnh hơn, bình tĩnh hơn trước những biến cố, bất ngờ của cuộc sống. Những hiện tượng thiên nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. “Hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ.

Những hình ảnh giàu tính biểu tượng cùng với bố cục của bài thơ đã góp phần khắc họa dòng tâm trạng, cảm nhận của nhà thơ Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu.

Cảm nhận ý nghĩa bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa thu Bắc bộ trong bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.