ban-luan-ve-vai-tro-cua-tinh-than-tu-hoc

Bàn luận về vai trò của tinh thần tự học

Bàn luận về vai trò của tinh thần tự học.

I. Mở bài.

– Học tập là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong đời sống con người. Có nhiều cách học: học từ thầy cô bạn bè, học từ sách vở báo chí, học từ cuộc sống… và có một cách học mà đem lại kết quả cao trong học tập đó là tự học.

II. Thân bài:

1. Tự học là gì?

+ “Học” là hoạt động thu nhận kiến thức và hình thành kĩ năng của một chủ thể học tập nào đó.

+ “Tự học” là tự nguyện không ai bắt buộc mà chính bản thân ta tự tìm tòi khám phá, tự làm phong phú thêm vốn hiểu biết của mình, đó cũng là nhu cầu tự nhiên tất yếu của con người.

2. Tinh thần tự học là gì?

+ Là có ý thức tự học, ý thức ấy dần dần trở thành một nhu cầu thường trực  đối với chủ thể học tập.
+ Là có ý chí v­ượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tự học một cách có hiệu quả
+ Là có ph­ương pháp tự học phù hợp  với trình độ của bản thân, hoàn cảnh sống cụ thể , các điều kiện vật chất cụ thể.
+ Là luôn khiêm tốn học hỏi ở bạn bè và những người khác.

3. Vai trò của tinh thần tự học:

– Tự học là con đường tốt nhất: Người tự học hoàn toàn có khả năng làm chủ bản thân mình và biết mình cần gì, mình muốn học như thế nào và vào thời điểm như thế nào. Nếu chung ta có cái đầu tốt cùng với sự chăm chỉ cao thì tự học là phương pháp học hiệu quả nhất. (lấy dẫn chứng).

Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng tự học (lấy dẫn chứng).

Tự học là việc rất cần thiết với con người : bổ sung kiến thức, tăng sự tự giác học tập của mỗi người (Lấy dẫn chứng: học sinh, bác sĩ, …) nếu không họ sẽ tụt hậu…

+ Tâm gương sáng của các danh nhân, vĩ nhân: Bác Hồ, M.Gorki,…

+ Các tấm gương được phản ánh trên sách báo.

+ Các tấm gương ở bạn bè xung quanh mình.

4. Bài học nhận thức:

– Tự học là vấn đề cần thiết học để mở mang đầu óc, trao dồi kinh nghiệm, trao dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân và tự học là con đường ngắn nhất dẫn đến sự thành công cho nên mỗi chúng ta phải tự học…

– Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải có tinh thần tự học….

III. Kết bài.

– Khẳng định vai trò của tự học và tinh thần tự học trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi ng­ười.


Tham khảo:

Suy nghĩ về vai trò của tinh thần tự học.

  • Mở bài:

Học vấn do người siêng năng đạt được, tài sản do người tinh tế sở hữu, quyền lợi do người dũng cảm nắm giữ, thiên đường do người lương thiện xây dựng. Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, còn học trong cuộc sống là công việc cả đời. Việc cả đời ấy không gì khác chính là tự học. Tự học là công việc phải làm suốt cuộc đời. Bởi chỉ có tự học, chúng ta mới có thể lĩnh hội tri thức, độc lập và thành công, là công dân của thời đại mới.

  • Thân bài:

Tự học là gì?

Tự học là thái độ chủ động, tự giác trong học tập mà không cần ai sai bảo, khuyến khích hay nhắc nhở. Người có tinh thần tự học luôn tự mình khám phá tri thức, say mê với công việc học tập và sáng tạo, chủ động rèn luyện và hoàn thiện bản thân theo những yêu cầu của công việc và thực tế đời sống.

Tự học là một năng lực. Năng lực ấy ai cũng có, chỉ có điều là mỗi chúng ta có tự giác vận động và hoàn thiện năng lực ấy hay không. Ai cũng biết rằng nếu học sẽ có được nhiều hơn kiến thức và kĩ năng, làm tăng cơ hội thành công. Thế nhưng mấy ai làm được điều đó. Hầu hết, chúng ta đều dựa dẫm vào kiến thức và kĩ năng đã tiếp thụ và rèn luyện trong trường học. Trong khi, bấy nhiêu đó chỉ đủ để chúng ta sống một cuộc đời bình thường, không vi phạm các nguyên tác, đảm bảo xã hội phát triển ôn định, trật tự, an ninh được đảm bảo hứ chưa đủ để chúng ta có thể thành công. Muốn thành công và được những điều lớn lao, nhất định phải biết tự học.

Tại sao chỉ có tự học, chúng ta mới đạt được thành công trong cuộc sống?

Lê-nin từng nói: “Tri thức là sức mạnh; ai có tri thức, người đó có sức mạnh”. Còn Mandela lại cho rằng: “Ai có tri thức, người đó sẽ làm chủ thế giới”. Điều đó quả thực không sai. Nhưng chớ nghĩ rằng, kho tri thức mà bạn học được ở trường học sẽ có thể giúp bạn có sức mạnh đủ để làm chủ thế giới. Albert Einstein, bậc đại trí tuệ, người sáng tạo vĩ đại nhất khẳng định: “Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm”. Có nghĩa là, ngoài việc học ở trường, bạn cần phải biết tự học, học từ sách vở và học trong đời sống, vừa học tập, vừa rèn luyện thuần thục.

Người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá tri thức song việc tiếp nhận tri thức ấy lại phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Thầy cô có thể truyền thụ tri thức nhưng không thể ghi nhớ và học tập thay chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng từng khẳng định: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt”. Chỉ có tự học mới có niềm say mê, hứng thú, chủ động trong học tập. Chủ động suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, người tự học sẽ phát triển tính sáng tạo, khả năng tư duy của bản thân khi đứng trước vấn đề. Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình, cho nên từ độc lập trong suy nghĩ, sẽ tạo dựng được được độc lập trong hành động và cuộc sống. “Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước” (William Arthur Ward).

Tự học bổ ích bởi kiến thức của nhân loại là vô cùng tận còn sự hiểu biết của chúng ta chỉ như giọt nước giữa đại dương mênh mông, như một hạt cát giữa sa mạc rộng lớn. Kiến thức chúng ta được học ở nhà trường chỉ có thể đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu hiểu biết của con người. Tự học giúp chúng ta bắt kịp những thức phong phú, mới mẻ, đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Dù làm ngành gì, nghề gì, chúng ta cũng cần tự học, “Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học” (Đac-uyn).

Tự học mang lại sự hứng thú cũng giống như thú đi chơi bộ “Người ta được tự chủ, tự do, người ta vui vẻ. Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại di, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản” (Huy-gô). Tự học như một chuyến dạo chơi bằng trí óc, học ở mọi nơi, mọi nguồn khác nhau. Học tập không chỉ còn là trách nhiệm, là áp lực nữa mà trở thành một thú vui, “Sự học xua đuổi sự chán ngán, khuây khoả được nỗi buồn rầu, tiêu tan được niềm đau đớn. Nó làm vui vẻ và đông đúc cái cảnh cô tịch” (Lê-guy).

Macxim Gorki, bằng tinh thần tự học từ nhỏ đã trở thành nhà văn kiệt xuất của nền văn học Nga thế kỉ 20. Mồ côi khi chỉ mới mười tuổi, Gorki đã sớm bươn trải trong trường đời lắm gian lao. Cậu phải làm việc nhiều, đến mê mụ cả người, ngày nào cũng chồng chất hàng đống công việc lặt vặt. Bằng đôi chân của mình, Gorki đi khắp nước Nga, dọc theo sông Volga vĩ đại, xuyên qua những thảo nguyên vùng sông Đông mênh mông, những cánh đồng Ucraina màu mỡ, đi xuống Biển Đen, rồi tiến lên vùng núi Kavkaz hùng vĩ. Ông tự mày mò, tự tìm hiểu để viết lên những trang văn thấm đẫm chất đời. Có thể nói, Maxim Gorky là một huyền thoại: một con người từ nơi dưới đáy cùng của xã hội, hoàn toàn bằng con đường tự học đã vươn lên thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất của văn học Nga nói riêng và nước Nga xô viết nói chung.

Không thể phủ nhận vai trò của tự học trong hành trình chiếm lĩnh tri thức của con người. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ tầm quan trọng của nhà trường và của người thầy. Người thầy chính là người định hướng, soi đường và chúng ta chính là người tiếp tục tiến lên dưới ánh sáng của thầy cô để đến với những chân trời tri thức mới, lớn lao hơn. “Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi” (Benjamin Franklin) và “thà học muộn còn hơn là không bao giờ học” (Publilius Syrus). Để việc tự học đạt được hiểu quả cao nhất, chúng ta cần sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, không ngại cái mới, cái khó, có một phương pháp học tập hợp lí… Thật đáng xấu hổ cho những con người không bao giờ chịu học hỏi, luôn cho mình là đúng hay luôn cố gắng che giấu sự ngu dốt của bản thân mình…

Vậy cần làm gì để phát huy tinh thần tự học ở mỗi chúng ta luôn là câu hỏi nan giải. Không phải bạn chịu ngồi xuống cầm sách lên và bắt đầu học và nghĩ rằng mình đang tự học. Muốn tự học, nhất định phải có kế hoạch và mục tiêu nhất dịnh để đạt tới. Kế hoạch và mục tiêu chính là con đường và cũng là một người thầy nghiêm khắc nhắc nhở bạn hành động. Bạn có thể cần có (hoặc không cần có) một người hướng dẫn bạn tự học để chắc chắn bạn đang đi đúng hướng.

Hãy học tất cả những gì bạn cần. Dĩ nhiên, nó phục vụ cho mục tiêu bạn cần đạt được. Học từ cuộc sống xung quanh bạn, học ở những người bạn có thể gặp, có thể hỏi miễn bạn thấy ở học có cái bạn cần. nhưng quan trọng nhất vẫn là đọc sách. Có nhiều con đường để chiếm lĩnh tri thức nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng nhất.

Đọc và nghiền ngẫm chứ đừng đọc qua loa, đại khái. Nghiền ngẫm để nhận ra cái hay, cái đẹp, cái hữu ích của tri thức và biến nó thành sức mạnh chân thực của trí tuệ. Đọc ít mà tinh chứ đừng đọc nhiều mà vụng về, mơ hồ. Cái cốt lõi của việc đọc sách là nắm bắt và vận dụng tri thức chứ không phải ghi nhớ để cất giữ hay chỉ để trang trí cho trí tuệ của bạn. Tri thức là con mắt của đam mê, và có thể trở thành hoa tiêu của tâm hồn. Nghĩa là việc chiếm lĩnh tri thức không có mục đích nào khác ngoài việc làm cho bản thân bạn hạnh phúc, cuộc sống bạn tươi đẹp và hành động vì lẽ sống cao thượng.

Chúng ta hãy dịu dàng và tử tế nâng niu những phương tiện của tri thức. Chúng ta hãy dám đọc, nghĩ, nói và viết. Lòng dũng cảm, đức hi sinh được nuôi dưỡng và cổ vũ bởi tri thức và tình thương. khi đó, bạn sẽ có sức mạnh để làm chủ chính bạn và làm chủ thế giới này.

  • Kết bài:

Tất cả chúng ta đều là người mới học. Thật sai lầm khi nghĩ rằng rời khỏi trường học là kết thúc việc học thêm những điều mới. Cuộc sống chính là một quá trình không ngừng tự học và không ngừng vươn lên. Càng hiểu biết, con người càng tự do. Và muốn có hiểu biết đích thực, không có con đường nào khác ngoài con đường tự học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang