Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận giải thích

cach-lam-bai-van-nghi-luan-giai-thich-13141-2

Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận giải thích

I. Các bước làm bài văn lập luận giải thích.

Đề bài: Nhân dân ta có câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hãy giải thích nội dung câu tục ngữ đó.

1. Tìm hiểu đề và tìm ý:

Đề này yêu cầu ta làm gì?

* Giải thích.

Vấn đề cần giải thích ở đây là gì?

– Giải thích nghĩa (nội dung) câu tục ngữ: “Đi một ngày … khôn”.

Người làm bài có cần giải thích: Tại sao đi một ngày đàng học một sàng khôn không?

– Ta cần giải thích, vì không hiểu rõ nghĩa câu tục ngữ dễ bị lạc đề.

Làm thế nào để tìm ý nghĩa chính xác và đầy đủ của câu tục ngữ trên?

– Hỏi người hiểu biết hơn, đọc sách báo, tra từ điển, tự mình suy nghĩ để hiểu thêm về nghĩa đen nghĩa bóng của câu tục ngữ.

* Tìm ý:

Đặt ra câu hỏi rồi trả lời: Thế nào? Tại sao? Như thế nào?

Để tìm ý cho đề văn trên ta cần phải làm gì?

– Đặt ra một số câu hỏi và trả lời dạng: hế nào? Tại sao? Như thế nào?

Liên hệ các câu tục ngữ có nội dung tương tự như: “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà … nào khôn”.

Câu tục ngữ này như một lời khuyên khuyên mọi người nên đi đây đi đó để mở mang tầm hiểu biết.

Từ tìm hiểu trên, hãy rút ra kết luận về việc tìm hiểu đề và tìm ý cho bài văn lập luận giải thích?

 – Tìm hiểu đề: Bám sát yêu cầu của đề dựa vào những từ ngữ quan trọng, nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng, nghĩa hẹp và mối quan hệ giữa các vế trong đề bài.

– Tìm ý: Đặt câu hỏi, giải thích vấn đề, liên hệ ngoài thực tế và cả trong văn học.

2. Lập dàn ý:

Bài văn lập luận giải thích bố cục cần có 3 phần không? Vì sao?

– Bài văn cần có ba phần vì trong bài văn, mỗi phần có một vai trò quan trọng.

Hãy cho biết mỗi phần nêu lên yêu cầu gì?

  • Mở bài:

– Dẫn dắt vào đề.

– Giới thiệu câu tục ngữ và nêu ý nghĩa sâu xa là đúc kết kinh nghiệm và thể hiện khát vọng đi nhiều nơi để mở rộng tầm hiểu biết.

  • Thân bài:

– Giải nghĩa câu tục ngữ:

+ Nghĩa đen: Đi một ngày đàng là gì? Học một sàng khôn là gì?

⇒ Đi ra đàng thì ta sẽ biết được nhiều thứ mà ở làng, xã, huyện mình không có. Ấn tượng về những chuyến đi xa (Đối với người nông dân xưa ít đi xa, có đi mới biết điều mới lạ). Đó là cơ sở thực tế của câu tục ngữ.

+ Nghĩa bóng: Câu tục ngữ khuyên ta nên ra đường, nên đi xa để mở rộng tầm hiểu biết. Càng đi xa thì càng biết được nhiều điều hay và mới lạ.

⇒ Đưa dẫn chứng minh họa như “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” …

+ Nghĩa sâu xa: Câu tục ngữ không chỉ đúc kết kinh nghiệm mà còn biểu hiện của một khát vọng, một lời khuyên, một lời khích lệ. Hãy đi xa để mở rộng tầm hiểu biết, để thoát khỏi sự hạn hẹp của tầm nhìn.

– Tại sao ta phải học hỏi thêm ở ngoài xã hội?

  • Kết bài:

– Khẳng định câu tục ngữ xưa vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với hôm nay, đối với những người quen sống khép mình, tự thỏa mãn với mình.

– Liên hệ rút ra bài học cho bản thân.

Xem thêm Sgk/84,85.

3. Viết thành bài văn:

Khi có dàn bài rồi, bước tiếp theo ta làm gì? à Viết bài.

Đọc các cách mở bài Sgk/85.

Các cách mở bài Sgk có đáp ứng nhu cầu của đề văn giải thích trên không? Có phải mỗi đề văn chỉ có một cách mở bài không?

– Các cách mở bài đều đáp ứng được nhu cầu của đề bài. Mỗi đề có nhiều cách mở bài khác nhau.

Làm thế nào để các đoạn trong bài văn giải thích liên kết nhau?

– Sử dụng các từ như: Thật vậy, đúng như vậy, vâng, ngày xưa ngày nay, nhìn chung, …

– Nên viết đoạn giải thích nghĩa đen như sau: Giải thích từng từ ngữ, từng vế câu, cả câu. Sau đó dựa vào nghĩa đen ta viết tiếp đoạn nghĩa bóng.

Đọc các đoạn thân bài Sgk/85,86.

Có thể áp dụng viết các đoạn thân bài trong Sgk cho phần mở bài theo cách đi từ cái chung đến cái riêng không? Vì sao?

– Không, vì đoạn thân bài phải phù hợp với mở bài để bài văn thành một thể văn thống nhất.

Đọc đoạn kết bài trong Skg và cho biết phần kết bài ấy đã cho thấy vấn đề được giải thích xong chưa?

– Vấn đề đã giải thích xong.

4. Đọc lại và sửa chữa:

Khi viết bài xong, ta cần đọc lại phát hiện lỗi sai để sửa.

Tóm lại muốn làm bài văn lập luận giải thích cần thực hiện theo những bước nào? Dàn bài văn giải thích có mấy phần?

Đọc ghi nhớ Sgk/86.

II. LUYỆN TẬP:

  • Viết mở bài:

 Học tập là nhiệm vụ của mỗi con người. Không ngừng học trong nhà trường, qua sách vở mà còn học thêm ở bên ngoài xã hội. Câu tục ngữ cha ông ta đã để lại: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là bài học về cách sống ở đời.

  • Viết kết bài:

1/ Qua giải thích trên, chúng ta đã hiểu rõ hơn, toàn diện và sâu sắc hơn ý nghĩa câu tục ngữ. Rõ ràng câu tục ngữ không chỉ đúc kết kinh nghiệm quý báu của nhân dân mà còn là lời khuyên sáng suốt cho mọi người. Vấn đề quan trọng là ở chỗ: mỗi chúng ta cần xác định cho mình đi đâu và học như thế nào cho được nhiều tri thức nhất.

2/ Rõ ràng “Đi một … sàng khôn” là một chân lí không bao giờ cũ. Ngày xưa con người cần đi để học. Ngày nay trong một XH đang phát triển mạnh mẽ, con người lại càng cần phải đi nhiều “ngày đàng” hơn nữa để học lấy nhiều “sàng khôn” nếu không muốn thấy bản thân và đất nước mình bị bỏ rơi lại phía sau.

3/ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả là một chân lí sâu sắc và tiến bộ. Chân lí ấy không chỉ tiến bộ đối với con người thời xưa mà ngày nay, khi đất nước đang trên đà đổi mới nhanh chóng, nhu cầu mở cửa để hội nhập với thế giới thì nhu cầu học lại càng cần thiết quan trọng với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.