Cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên

cam-nghi-ve-nhan-vat-de-men

Cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên.

  • Mở bài:

Bài học đường đời đầu tiên (tên do người biên soạn đặt) trích từ chương I của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí, một sáng tác tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài. Đoạn trích miêu tả sinh động vẻ đẹp ngoại hình của chàng dế mới lớn nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi, sau một lần ngỗ nghịch dại dột đáng ân hận suốt đời đã rút ra bài học đầu tiên cho chính mình. Hành động dại dột và sự hối hận của Dế Mèn sau cái cái chết của Dế Choắt để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc.

  • Thân bài:

Khắc họa nhân vật Dế Mèn, nhà văn chú trọng miêu tả ngoại hình và hành động. Về ngoại hình, Dế Mèn là một chàng dế thanh niên khỏe mạnh, cường tráng. Những đặc điểm được nhà văn miêu tả một cách chi tiết. Đôi càng “mẫm bóng” với “những cái móng vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt”. Thân hình “rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn”. Cái đầu “to ra và nổi từng tảng, rất bướng”. Hai cái răng thì đen nhánh và “lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc” cùng với sợi râu “dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”.

Không chỉ ngoại hình, hành động của Dế Mèn cũng toát ra vẻ khỏe mạnh. Với cái móng vuốt nhọn hoắt, Dế Mèn đã “co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ” để thử sự lợi hại của chúng. Những cử chỉ như “chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu”, “thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái” đã góp phần thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ của Dế Mèn.

Nhà văn vừa tả hình dáng vừa chọn lọc những chi tiết tiêu biểu của con dế; vừa miêu tả ngoại hình vừa diễn tả cử chỉ, hành động để bộc lộ vẻ đẹp sống động, cường tráng và cả tâm tính của một chú dế mới lớn, mới được bố mẹ cho phép sống tự lập. Đây là một đoạn văn miêu tả hết sức đặc sắc và độc đáo. Việc sử dụng hệ thống tính từ để miêu tả hình dáng và tính cách Dế Mèn góp phần quan trọng khắc họa hình ảnh của chàng Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng, đây kiêu ngạo và tự phụ: Mâm bóng nhọn hoắt, hun hoắn, dài bóng mỡ, đen nhánh, ngoàm ngoại… Nhờ cách miêu tả chân thực, sinh động này của nhà văn Tô Hoài mà người đọc đã cảm nhận được vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt của chàng Dế Mèn đang độ tuổi thanh niên cường tráng, sung sức.

Cùng với ngoại hình, Dế Mèn còn được khắc họa qua nét tính cách hết sức đọc đáo. Nhà văn Tô Hoài có “biệt tài” khi xây dựng nhân vật Dế Mèn ở chỗ: qua việc miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn còn bộc lộ được tính tiết và thái độ của nhân vật. Sau các chi tiết, hình ảnh và trong giọng kể của Dế Mèn về bản thân, ta nhận thấy chàng Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng nhưng cũng thấy được cả vẻ kiêu căng, tự phụ (đến mức nghĩ “mình có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”, ngộ nhận về sức mạnh của mình: “Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dấy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu”, “Tôi đã quát mấy chị Cào Cào… ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó “). Những nét chưa đẹp trong tính cách của Dế Mèn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Đối với Dế Choắt, một người hàng xóm, thái độ của Dế Mèn tỏ ra coi thường, trịch thượng. Dế Mèn đặt tên cho anh bạn hàng xóm cùng tuổi nhưng yếu đuối, gầy gò là Dế Choắt một cách chế giễu. Một lần sang chơi nhà Choắt, Dế Mèn lên tiếng chê bai: “Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế. Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng… Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn..”. Cách xưng hô kể cả – gọi Dế Choắt là chú mày, giọng điệu khinh rẻ, nhạo báng: “Chú mày sinh sống quá cầu thả.., … chú mày có lớn mà chẳng có khôn…,.. chú mày hội như cú mèo…… im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi…, gương mặt ra xem tạo trêu con mụ Cốc đây này…”. Thái độ ngông nghênh, không coi Dế Choắt ra gì: Hếch răng lên, xì một hơi rõ dài khi Dế Choắt nhờ Dế Mèn; quắc mắt, mắng Dế Choắt khi Dế Choắt biết sợ, không dám trêu tức chị Cốc cùng Dế Mèn;…

Sở dĩ Dế Mèn có thái độ như vậy cũng bởi vì Dế Mèn tự phụ, huênh hoang về ngoại hình và sức lực của mình. Nếu đem so sánh cách Dế Mèn nhìn ngoại hình Dế Choắt (đoạn “Cái chàng Dế Choắt… ngơ ngơ”) với thái độ “tự ngắm nghía” một cách thái quá của Dế Mèn (phần đầu đoạn trích) ta sẽ nhận ra hai nhân vật” này được nhà văn miêu tả trong tương quan đối lập: Nếu Dế Choắt gầy gò, ốm yếu, nhìn cái cũng sợ thì Dế Mèn hung hăng, ngỗ nghịch. Thái độ của Dế Mèn là thái độ của kẻ không coi ai ra gì.

Bởi tính căng kiêu căng, Dế Mèn đã gây ra một tai họa. Cậu ta bày trò trêu chị Cốc khiến chị ta nổi giận. Nhưng sau đó, Dế Mèn lại trốn biệt trong hang. Ngay cả khi Dế Choắt bị vạ lây, bị chị Cốc mổ cho đến chết. Dế Mèn vẫn không dám ra cứu bạn. Đến khi chị Cốc bay đi, Dế Mèn mới ra khỏi hang, hỏi han Dế Choắt nhưng đã quá muộn. Sự việc này cho thấy Dế Mèn là một kẻ nhút nhát, dám làm không dám chịu.

Dế Mèn trêu chị Cốc vì hai lí do: Ngỗ nghịch và muốn chứng tỏ cho Dế Choắt biết mình chẳng sợ ai. Ở sự việc này, nhà văn miêu tả tâm lí Dế Mèn rất tinh tế, sinh động, hợp lí. Lúc đầu, Dế Mèn huênh hoang trước Dế Choắt: “Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa!”. Run sợ khi thấy chị Cốc “trợn tròn mắt, giương cánh lên”, liền “chui tọt ngay Vào hang”, khiếp sợ “nằm im thin thít” khi nghe chị Cốc mồ Dế Choắt (do tưởng Dê Choắt trêu chọc chị ta); biết chị Cốc đi rồi mới “mon men bò lên”. Khi thấy tình cảnh Dế Choắt thoi thóp thì hoảng hốt và vô cùng hối hận.

Trước khi chết, Dế Choắt đã đưa ra những lời khuyên chân thành cho Dế Mèn: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết suy nghĩ sớm muộn rồi cũng mang họa vào thân”. Câu nói của Choắt giống như một lời thức tỉnh cho Dế Mèn. Cậu ta đứng trước mộ của Choắt và nghĩ về bài học đường đời đầu tiên của mình.

Tuy ngỗ nghịch, hung hăng trước kẻ yếu, khiếp sợ trước kẻ mạnh nhưng nhân vật Dế Mèn không phải là kẻ ác. Trêu chị Cốc là vậy nhưng Dế Mèn không ngờ hậu quả lại dẫn đến cái chết thảm thương của Dế Choắt. Dế Mèn rất hối hận về hành động xốc nổi của mình, “đứng lặng giờ lâu” trước mộ Dế Choắt, nghĩ về “bài học đường đời đầu tiên”: Không được cậy khỏe bắt nạt yếu, hung hăng bậy bạ, trước khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ cận thận kẻo mang va vào thân. Đó là điều đáng quý. Chúng ta tin rằng “bài học đường đời đầu tiên” từ lời khuyên và cái chết của Dế Choắt sẽ giúp Dế Mèn sống tốt hơn trong những chặng đời tiếp theo.

  • Kết bài:

Đoạn trích miêu tả chàng Dế Mèn cường tráng nhưng kiêu căng, xốc nổi. Vì kiêu căng nên Dế Mèn trêu chị Cốc, vô tình gây ra cái chết của Dế Choắt. Dế Mèn hối hận và rút ra bài học cho mình. Đoạn trích thể hiện tài miêu tả loài vật của nhà văn Tô Hoài rất sinh động, cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.