Cảm nhận bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh

cam-nhan-bai-tho-bat-nat-cua-nguyen-the-hoang-linh

Cảm nhận bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

  • Mở bài:

Nguyễn Thế Hoàng Linh là một cây bút trẻ. Thơ anh viết cho trẻ em rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong trẻo, tươi vui. Bài thơ “Bắt nạt” được in trong tập thơ “Ra vườn nhặt nắng”, xuất bản năm 2017. Bằng giọng điệu hồn nhiên, dí dỏm, thân thiện bài thơ đã thể hiện thái độ của nhân vật trữ tình đối với các bạn bắt nạt và các bạn bị bắt nạt. Qua đó nhắc nhở, thể hiện thái độ phủ định đối với thói bắt nạt – một thói xấu có thể gây ra những tổn thương, nỗi sợ hãi, ám ảnh, thậm chí cả những hậu quả nặng nề.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã nêu vấn đề trực tiếp cùng thái độ của tác giả:

“Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt”.

Thực tế cho thấy, hiện tượng “bắt nạt” đang diễn ra rất phổ biến ở nhiều lĩnh vực, đối tượng… trong cuộc sống con người. Nhiều vụ việc “bắt nạt” dẫn đến những hậu quả đau lòng, thậm chí bôi nhọ nhân phẩm, danh dự và tước đoạt tính mạng cả một con người, một nhóm người, một quốc gia.

Với cách nêu vấn đề trực tiếp, nhà thơ đã giúp người đọc nhận thức sâu sắc những vấn đề thời sự có tính chất tiêu cực đang diễn ra xung quanh chúng ta và khiến chúng ta phải có những hành động tích cực để đẩy lùi hiện tượng tiêu cực này.

Ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã nêu ý kiến, lời khuyên nhủ nhẹ nhàng, sâu lắng, chân thành mà có ý nghĩa sâu sắc cho tất cả chúng ta. “Đừng bắt nạt, bạn ơi” với dấu phẩy ngăn cách, tách đối tượng, nhấn mạnh lời kêu gọi: chúng ta không nên bắt nạt bạn, vì đó là việc làm xấu.

Nhà thơ cũng nhắn nhủ mỗi chúng ta về bài học nhân văn trong cuộc sống: Bất cứ ai sống trong cuộc đời này đều không cần bắt nạt. Bởi, bắt nạt đem lại nhiều hậu quả xấu, khiến cuộc sống của chúng ta trở nên bất ổn, tâm trạng của con người lúc nào cũng bất an, xã hội sẽ bị rối loạn. .

Khổ thơ đầu của bài thơ chỉ vẻn vẹn có 4 câu thơ 5 chữ nhẹ nhàng, ngắn gọn nhưng nhà thơ đã giới thiệu cho chúng ta về một hiện tượng đang trở thành mối lo lắng cho toàn xã hội: bắt nạt bạn và những người xung quanh. Đồng thời, tác giả cũng đã gửi đến cho mỗi người bức thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn: đừng bắt nạt vì tất cả chúng ta sống “Đều không cần bắt nạt” mà cần yêu thương, thân ái, hòa đồng với nhau để xây dựng một xã hội văn minh, một thế giới tràn đầy niềm vui,….

Nhà thơ đã gợi ý cho chúng ta hướng đến những việc làm tốt, làm cho tâm hồn trở nên sáng trong, có những suy nghĩ, hành động tốt đẹp thay vì bắt nạt bạn bè:

Tại sao không học hát
Nhảy híp – hóp cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt.

Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?

Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn?

Nhà thơ nêu những việc làm tốt mà mỗi chúng ta nên làm để cho tâm hồn con người trở nên trong sáng, rèn luyện sức khỏe, tính năng động, sáng tạo “học hát, nhảy híp-hóp”; đồng thời tác giả khuyên nhủ chúng ta nên đặt mình vào những thử thách, đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống để tôi luyện bản lĩnh, ý chí, niềm tin “thử mù tạt” để “đối mặt thử thách”.

Trong đoạn thơ, tác giả cũng nhấn mạnh việc không nên dành thời gian bắt nạt, chèn kép kẻ yếu. Những việc làm xấu này vừa tốn thời gian vừa khiến cho chúng ta trở nên hèn nhát. “Thời gian trong một ngày/ Đầu để dành bắt nạt”; “Thử kẻ yếu làm gì…”.

Nhà thơ khuyên chúng ta hãy biết yêu thương, bảo vệ, chở che cho những bạn nhút nhát, nghĩa là mỗi chúng ta nên đứng về phe kẻ yếu để cảm nhận được những điều đáng yêu ở họ, để biết yêu thương nhiều hơn: “Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non/ Trông đáng yêu đấy chứ! Sao không yêu, lại còn…?”.

Để làm nổi bật những suy nghĩ, tình cảm của mình và đưa ra những lời khuyên chân thành, hướng con người đến những bài học nhân văn trong cuộc sống, nhà thơ đã sử dụng các hình thức nghệ thuật đặc sắc. Câu hỏi tu từ kết hợp với điệp ngữ: “Tại sao…/ Sao không…” vừa bộc lộ những mong muốn, băn khoăn của nhà thơ vừa nhấn mạnh những việc con người cần làm để khiến tâm hồn mình trở nên phong phú, có lối sống đẹp… Phép ẩn dụ “ăn mù tạt”, đối diện với những thử thách, những khó khăn trong cuộc ng để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, nghị lực vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Nhà thơ đã chỉ ra các đối tượng thường xuyên bị bắt nạt và khuyên nhủ chúng ta đừng nên bắt nạt, bởi “Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu):

Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn.

Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây.

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ và điệp cấu trúc câu để nhấn mạnh quan điểm, ý kiến, lời khuyên nhủ chân thành của mình tới mọi người xung quanh: “Đừng bắt nạt” (lặp lại 6 lần trong 2 khổ thơ).

Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng thủ pháp liệt kê để nhắc đến những đối tượng mà chúng ta không nên bắt nạt: trẻ con, người lớn, ai, mèo, chó, nước khác. Như vậy, nhà thơ đã hướng tới tất cả mọi đối tượng trong đời sống mà chúng ta không nên bắt nạt. Qua đó, người đọc cảm nhận được một ý nghĩa triết lí nhân sinh mà nhà thơ gửi găm: hãy biết yêu thương và lan tỏa yêu thương đến mọi người, mỗi dân tộc, quốc gia; không nên bắt nạt lẫn nhau. Bởi, tất cả sinh vật sinh sống trên trái đất này đều đáng được yêu thương, trân trọng và mỗi chúng ta cần phải có cách cư xử nhân văn, xây dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp ….

Nhà thơ cũng chỉ rõ lí do vì sao không nên bắt nạt: “Vì bắt nạt dễ lây”. Bắt nạt có thể ảnh hưởng đến người khác, con người sẽ sống trong trạng thái bất an, luôn lo sợ và khiến xã hội hỗn loạn. Thực tế cho thấy, hiện nay, hiện tượng bắt nạt ở giới trẻ đang diễn ra rất phổ biến và thậm chí trở thành một “phong trào bạo lực học đường”. Đây là một thực trạng đáng lo ngại cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Hai khổ cuối của bài thơ, nhà thơ đưa ra lời khuyên răn cho mọi người và liên hệ bản thân của chính tác giả:

Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay.

Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi.

Nhà thơ trực tiếp xưng “tớ” và bày tỏ thái độ rõ ràng. Nhân vật “tớ” cũng cho biết bản thân bị bắt nạt quen rồi nhưng vẫn không thích bị bắt nạt. Nhân vật bày tỏ thái độ dứt khoát: nếu đi bắt nạt người khác thì hãy đọc bài thơ này và đến gặp nhân vật “tớ” ngay. Lời khuyên răn, bảo vệ phe yếu: “Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu cần bắt nạt Thì đến gặp tớ ngay”.

Thái độ của nhân vật “tớ rất rõ ràng, phê bình thẳng thắn, phủ định một cách mạnh mẽ chuyện bắt nạt nhưng vẫn cởi mở, thân thiện, trò chuyện tâm tình và dí dỏm, hài hước với các bạn bắt nạt.Với các bạn bị bắt nạt, nhân vật thể hiện sự gần gũi, tôn trọng, yêu mến, sẵn sàng bênh vực.

Nhà thơ khẳng định lần nữa ý kiến bản thân: dù bị bắt nạt quen rồi nhưng “Vẫn không thích bắt nạt Vì bắt nạt rất hôi!”. Từ “hôi” là một từ lạ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thể hiện sự xấu xa, tiêu cực của việc bắt nạt.

  • Kết bài:

Bài thơ “Bắt nạt” đã gửi đến cho chúng ta bài học nhân văn sâu sắc: cần đối xử tốt với bạn bè, có thái độ hoà đồng và đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ, bênh vực những bạn yếu hơn mình. Bắt nạt là thói xấu cần loại bỏ nhưng cần hướng đến sự thân thiện, dụng, những bạn bị bắt nạt cần được bênh vực, bảo vệ và những bạn hay đi bắt nạt cũng cần được giúp đỡ để thay đổi tích cực hơn. Qua đó, mỗi người cần có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hạnh phúc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.