Cảm nhận đoạn thơ: Ngửa mặt lên nhìn mặt. có cái gì rưng rưng. như là đồng là bể. như là sông là rừng (Ánh trăng – Nguyễn Duy)

cam-nhan-doan-tho-ngua-mat-len-nhin-mat-co-cai-gi-rung-rung-nhu-la-dong-la-be-nhu-la-song-la-rung-anh-trang-nguyen-duy

Cảm nhận đoạn thơ:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.

(Ánh trăng – Nguyễn Duy)

  • Mở bài:

Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Ánh trăng là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Duy giai đoạn sau chiến tranh. Bài thơ là một câu chuyện riêng nhưng có ý nghĩa triết lý như một lời tự nhắc nhỏ thấm thía của nhà thơ đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước và đồng đội. Khổ thơ: “Ngửa mặt lên nhìn mặt .. như là sông là rừng” biểu hiện sâu sắc tình cảm ấy.

  • Thân bài:

Khác với những bài thơ thời chiến tranh mà con người chỉ có một lí tưởng là chiến đấu và sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, con người không có điều kiện để sống cho những gì thuộc về riêng tư, hay chuyện đời thường. Đọc bài thơ này ta nhận ra cái điều mới lạ ấy. Bước từ  chiến tranh sang thời bình, con người bắt đầu có những toan tính, những ham muốn được hưởng thụ. Nguyễn Duy mượn vầng trăng và người lính nói về một sự thay đổi trong lòng người.

Vầng trăng đã từng gắn bó với tuổi thơ, với cuộc đời người lính, đã trở thành người bạn tri kỉ, ngỡ không bao giờ quên. nhưng hoàn cảnh sống đổi thay, con người cũng thay đổi, có lúc cũng trở nên vô tình. Sau chiến thắng trở về thành phố, quen “ánh điện cửa gương”, khiến cho vầng trăng tình nghĩa vô tình bị lãng quên nhưng một tình huống đời thường xảy ra làm cho con người phải giật mình tỉnh ngộ, phải đối mặt với vầng trăng mà sám hối:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.

Trong phút giây mặt đối mặt, lòng nhân vật trữ tình tràn ngập hình ảnh của quá khứ tình nghĩa thuở sống ở ruộng đồng, sông ngòi và rừng bể… Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Bao cảm xúc bên trong nhân vật trữ tình lúc này cũng như cánh cửa sổ “bật tung” ra, trào dâng đến nỗi như “có cái gì rưng rưng”.

“Rưng rưng” là biểu hiện xúc động, nước mắt đang ứa ra, sắp khóc. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.

Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng – biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”.

Hình ảnh “đồng”, “bể”, “sông”, “rừng” gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm. Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.

  • Kết bài:

Với giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng, hai khổ thơ trên đã gây nhiều xúc động cho người đọc. Nó như là lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc chân thành. Qua đoạn thơ, tác giả muốn nói rằng: phải thuỷ chung, trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với nhân dân, với đất nước, và ngay với chính bản thân mình.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.