Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ

cam-nhan-hinh-tuong-nhan-vat-mi-trong-dem-cat-day-troi-cuu-a-phu

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài viết: “Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. […] – Ở đây thì chết mất”. (Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr.13-14)
Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị ở đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.

BÀI LÀM

  • Mở bài:

“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài. Dù không giỏi miêu tả tâm lí nhân vật như nhà văn Nam Cao, cũng không giỏi miêu tả cảnh vật như nhà văn Nguyễn Tuân nhưng ở Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã tỏ ra rất già dặn trong nghệ thuật khắc hoạ tâm lí nhân vật. Một trong những đoạn trích tiêu biểu là cảnh đêm mùa đông, khi Mị táo bạo cắt dây trói cứu A Phủ và giải thoát chính mình: Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. […] – Ở đây thì chết mất.

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm:

Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục. Ông là người có vốn hiểu biết rất phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta đặc biệt là vùng miền núi Tây Bắc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại dấu ấn riêng với rất nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó nổi tiếng nhất là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Truyện “Vợ chồng A Phủ” được Tô Hoài sáng tác vào năm 1952, sau chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Truyện đã thể hiện nỗi thống khổ của người Mèo ở Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất và lũ Tây đồn; sự thức tỉnh và vùng dậy của họ giành lấy tự do, hạnh phúc và tham gia kháng chiến giải phóng quê hương. Đoạn trích mà chúng ta được học thuộc phần đầu của truyện ngắn, nói về cuộc sống của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài.

2. Cảm nhận nhân vật Mị trong đoạn trích:

Mở đầu đoạn trích là những câu văn thông báo về mặt thời gian: “Lúc ấy trời đãi khuya” và bối cảnh “trong nhà đã ngủ yên”. Trong bối cảnh tĩnh mịch và khuya khoắt ấy, Mị lại trở dậy “thổi lửa hơ tay”. Nó cho thấy trong lòng cô gái này đang chất chứa nhiều tâm sự, khiến cô không thể ngủ ngon giấc. Và nhờ đó mà cô nhìn thấy A Phủ bị trói. Ban đầu Mị dửng dưng, thản nhiên, vì nỗi đau trong Mị quá lớn nên Mị không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến A Phủ. Nhưng rồi Mị chuyển sang trạng thái xúc động khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đây chính là một chi tiết nghệ thuật quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt. Việc nhìn thấy dòng nước mắt này đã khiến Mị nhớ về quá khứ đắng cay, tủi nhục: “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được”. Việc nhớ lại quá khứ đắng cay, như một lẽ tất yếu, làm bùng lên trong Mị lòng căm thù cha con nhà thống lí.

Hàng loạt tội ác của cha con thống lí hiện lên trong đầu Mị: “nó bắt trói người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Sau chừng ấy bằng chứng mà Mị vừa nghĩ đến, lần đầu tiên, lòng căm giận trong Mị cất lên thành tiếng, như một sự vỡ lẽ, như một kết luận cuối cùng: “Chúng nó thật độc ác”. Tội ác của chúng lại sắp sửa lấy đi một mạng người vô tội nữa dưới mái nhà này: “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”.

Từ việc nhớ về quá khứ, căm thù tội ác của cha con thống lí, mạch suy nghĩ dẫn Mị nghĩ đến A Phủ đang bị trói ngoài kia. Mị so sánh giữa mình và A Phủ: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì phải chết thế, A Phủ”. Câu hỏi này thể hiện sự tỉnh ngộ trong tâm trí Mị. A Phủ đáng sống, dù có phạm tội để mất bò đi chăng nữa, thì cái tội ấy cũng không đến nỗi phải chết.

Thế nhưng, ngòi bút Tô Hoài một lần nữa chứng tỏ sự cao tay, sự am hiểu tâm lí nhân vật sâu sắc. Thay vì để Mị ngay lập tức cứu A Phủ, ông lại để cho Mị thực hiện một hành động khác: Mị ngồi nhớ lại đời mình. “Đám than đã vạc hẳn lửa, Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình”. Khoảnh khắc này giống như sự im lặng trước cơn bão. Nhớ lại đời mình có nghĩa là nhớ lại tất cả những đau khổ tột cùng qua bao nhiêu năm tháng dằng dặc dưới mái nhà thống lí. Đời người có lẽ chẳng còn nỗi đau khổ nào lớn hơn, ghê gớm hơn những nỗi đau khổ mà Mị đã chịu đựng. Cái chết cũng không khổ bằng. Suy nghĩ này dẫn đến một trạng thái tâm lí rất bình thản ở Mị: nếu Mị cứu A Phủ, thì cùng lắm là Mị sẽ bị trói thay vào đấy, “Mị phải chết trên cái cọc ấy”. Điều ấy, đối với Mị, thật quá đỗi bình thường. Còn đối với A Phủ, anh ta sẽ được giải thoát, được cứu sống. “Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Chính thái độ bình thản và tỉnh táo này đã dẫn đến hành động dũng cảm: Mị quyết định cắt dây trói cứu A Phủ. “Mị rón rén bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”.

Tuy nhiên, một lần nữa, Tô Hoài lại cho thấy sự sâu sắc của mình. Nếu như trước khi cắt dây trói cho A Phủ, Mị mạnh mẽ bao nhiêu thì sau khi hành động xong, Mị trở nên “hốt hoảng” bấy nhiêu. Đó là một điều hoàn toàn hợp lí. Hành động cắt dây trói cho A Phủ phần nào đã giải tỏa được tâm lí căm phẫn trong Mị. Và bây giờ, khi nỗi căm phẫn đó không còn ngùn ngụt cháy nữa, thì Mị thấy hành động của mình trở nên liều lĩnh. Con người xét cho cùng ai cũng sợ chết, nhưng họ chỉ thực sự sợ chết khi phải đối mặt với cái chết mà thôi. Mị cũng vậy. Lúc trước, khi chuẩn bị cứu A Phủ, Mị chỉ mới nghĩ đến cái chết. Còn bây giờ, Mị đang thực sự đối mặt với nó. Nỗi lo sợ về cái chết, cộng với việc Mị đứng nhìn A Phủ đang cố gắng thoát chết bằng chút sức lực cuối cùng, khiến Mị rơi vào do dự: Mị không muốn ở lại để phải nhận lấy cái chết. Nhưng Mị cũng không đủ dũng cảm để ngay lập tức chạy theo A Phủ, bởi niềm tin về con ma nhà thống lí đã ăn sâu trong tâm trí Mị. Câu văn “Mị đứng lặng trong bóng tối” thể hiện phút im lặng đầy băn khoăn giữa hai sự lựa chọn. Thế nhưng cuối cùng, tiếng gọi của bản năng đã chiến thắng. Không một con ma nào, không một thế lực tinh thần nào, không một luật lệ, một tập tục nào có thể ngăn con người ta vùng vẫy để sống sót, một khi mạng sống bị đe dọa. Mị chạy theo A Phủ. “Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”. Mị đuổi kịp A Phủ. Mị bày tỏ nguyện vọng một cách rất ngắn gọn nhưng chân thành, chuẩn xác: “A Phủ cho tôi đi”, “ở đây thì chết mất”. Những câu văn ngắn, dồn dập thể hiện sự quyết đoán của Mị, thể hiện sức mạnh của một con người khi đã nhận ra rằng mình cần phải sống. Như vậy, ở lần vùng dậy này, Mị đã chiến thắng.

3. Nghệ thuật:

Thành công về mặt nghệ thuật trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa đông là cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, sinh động; nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế; ngôn ngữ giàu chất thơ, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc v.v… Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó cũng góp phần quan trọng vào sự thành công chung của tác phẩm.

4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí:

Đoạn trích đã cho thấy khả năng cảm nhận tinh tế và ngòi bút sắc sảo của ông trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Mị có những diễn biến tâm lí hết sức phức tạp nhưng lại rất logic. Tô Hoài đã để cho nhân vật của mình, ban đầu thờ ơ với cảnh A Phủ bị trói, bởi nỗi khổ trong Mị quá lớn, đã khiến cô dường như trở nên vô cảm. Rồi dòng nước mắt đã đánh thức trong Mị nỗi đau năm xưa. Từ nỗi đau ấy dấy lên thành nỗi căm thù cha con thống lí, khiến Mị muốn cứu A Phủ để người ấy không phải lâm vào hoàn cảnh giống mình. Tuy nhiên Tô Hoài đã rất sâu sắc khi không để cho Mị ngay lập tức cứu A Phủ. Thay vào đó, cô ngồi nghĩ lại đời mình. Việc nhớ lại những nỗi khổ nhục dưới mái nhà thống lí đã cho cô can đảm để quyết định dứt khoát. Lúc này, Mị đã không còn sợ hãi. Những nỗi khổ nhục mà Mị đã phải chịu đựng còn đáng sợ hơn cả cái chết, đáng sợ hơn mọi sự trừng phạt mà Mị sẽ phải chịu đựng nếu cứu A Phủ. Ngòi bút của Tô Hoài cũng rất sâu sắc khi diễn tả cái phút im lặng trọng đại của Mị, trước khi tiếng gọi bản năng lên tiếng, khiến cô vùng chạy theo A Phủ để cởi trói cuộc đời mình.

  • Kết bài:

Tóm lại, đoạn trích mà chúng ta vừa đi vào cảm nhận là một đoạn trích đặc sắc, thể hiện rõ nét diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ, qua đó thể hiện tinh thần nhân đạo lớn lao và sâu sắc của Tô Hoài. Đoạn trích đã góp phần làm nên thành công chung cho truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, đồng thời khẳng định vị trí không thể thay thế của Tô Hoài trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Với “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã thực hiện được “chuyến về” của mình để trả “món nợ” ân tình với những con người Tây Bắc mà ông yêu quý.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.