Đặc điểm chung của tác phẩm trữ tình

dac-diem-chung-cua-tac-pham-tru-tinh

Đặc điểm chung của tác phẩm trữ tình

1. Tác phẩm trữ tình biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của con người.

Nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng là sự biểu hiện thế giới chủ quan của con người trước cuộc đời. Tuy nhiên, do phương thức tổ chức, do kiểu tái hiện đời sống và do sự giao tiếp nghệ thuật khác nhau nên sự biểu hiện đó ở những loại tác phẩm văn học cũng khác nhau. Trong tác phẩm trữ tình; tình cảm, cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ … được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ yếu của tác phẩm. Ở đây, nhà thơ có thể biểu hiện cảm xúc cá nhân mình mà không cần kèm theo bất cứ một sự miêu tả biến cố, sự kiện nào.

Trong ca dao:

Hôm qua tát nước đầu đình.
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà

Trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (sau này nhiều người cho là ca dao).

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Bốn câu thơ trên thể hiện tình cảm của người ra đi đối với quê hương, đối với người thương…, là nỗi buồn, là sự nhớ nhung lúc xa xôi cách trở. Ngoài những tình cảm, nỗi niềm đó, người đọc không biết gì cụ thể hơn về chàng trai và cô gái, về mối quan hệ cụ thể của hai người với nhau.

Bài Nguyên đán của Xuân Diệu cũng thể hiện rõ đặc điểm này:

Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ độ yêu nhau hoa nở mãi.
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.

Trong bốn câu thơ trên, không hề có mâu thuẫn, xung đột như trong kịch, cũng không có những biến cố, sự kiện, hệ thống sự kiện nào. Ðiều mà người đọc cảm nhận chủ yếu là niềm vui, hạnh phúc, là tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Như vậy, từ ca dao đến những tác phẩm thơ ca hiện đại, người đọc cảm nhận trước hết là thế giới nội tâm, là thái độ xúc cảm và tâm trạng của nhân vật trữ tình đối với con người, cuộc đời và thiên nhiên. Nhà thơ có thể không cần phải miêu tả kỹ về con người và những nguyên nhân cụ thể dẫn tới những tình cảm đó. Ðiều này chứng tỏ sự biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của tác giả là đặc điểm tiêu biểu, đầu tiên của tác phẩm trữ tình.

2. Tác phẩm trữ tình phản ánh thế giới khách quan nhằm biểu hiện thế giới chủ quan.

Tác phẩm trữ tình biểu hiện cảm xúc chủ quan của nhà thơ nhưng điều đó cũng được xác lập trong mối quan hệ giữa con người và thực tại khách quan bởi vì mọi cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của con người bao giờ cũng đều là cảm xúc về cái gì, tâm trạng trước vấn đề gì… Do đó, hiện tượng cuộc sống vẫn được thể hiện trong tác phẩm trữ tình. Chế Lan Viên đã nói lên mối quan hệ này qua những câu thơ:

Thơ, thơ đong từng ngao nhưng tát bể
Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.
Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.

Người ta có thể bắt gặp một bài thơ miêu tả một bức tranh phong cảnh thiên nhiên. Trong bài Ðây thôn Vĩ Giạ của Hàn Mặc Tử, ngoài những nét chấm phá về một bức tranh thiên nhiên với những vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế…là tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ơí đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

(Ðây thôn Vĩ Giạ. Hàn Mặc Tử.)

Có những bài thơ có ít nhiều sự kiện khá liên tục- đó là những câu chuyện được kể lại một cách ngắn gọn. Những sự kiện, biến cố ở đây không được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ…mà được thể hiện hết sức cô đọng. Các bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính, Núi Ðôi của Vũ Cao, Bà má Hậu Giang của Tố Hữu…nằm trong trường hợp này. Qua bài Quê hương của Giang Nam, người đọc có thê kể một số nét chính về mối quan hệ giữa chàng trai và cô gái một cách khá liên tục nhưng chức năng chủ yếu của hệ thống sự kiện đó là để nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc, suy tưởng. Chúng làm cho tình cảm được bộc lộ dễ dàng, gợi cảm.

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm.
Có những lần trốn học bị đòn ri
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

(Quê hương – Giang Nam.)

Mặc dù thể hiện thế giới chủ quan của con người, tác phẩm trữ tình vẫn coi trọng việc miêu tả các sự vật, hiện tượng trong đời sống khách quan bằng các chi tiết chân thật, sinh động. Những chi tiết chân thật, sinh động trong đời sống dễ khêu gợi những tình cảm sâu sắc, mới mẻ. Có điều những chi tiết trong tác phẩm trữ tình bao giữ cũng hết sức cô đọng, súc tích.

Như vậy, tác phẩm trữ tình cũng phản ánh thế giới khách quan nhưng chức năng chủ yếu của nó là nhằm biểu hiện những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ …của con người.

3. Tình cảm điển hình trong tác phẩm trữ tình.

Tác phẩm trữ tình bao giờ cũng mang đậm dấu ấn riêng của nhà thơ. Ðó là những nỗi niềm chủ quan thầm kín nhưng khi sáng tác nhà thơ luôn luôn nâng mình lên thành người mang tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ cho một loại người, một thế hệ và cả những chân lí phổ biến…Người ta thường nói đến từ chân trời của cái “tôi” đến chân trời của cái “ta”, “từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả” cũng trên ý nghĩa này. Biêlinnki đã diễn đạt điều đó bằng một câu nói hàm súc: “Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ do ở mình và miêu tả mình – dù là miêu tả những nỗi đau của mình hay những hạnh phúc của mình. Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại là vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ trong sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại”.

Tóm lại, trong tác phẩm trữ tình, nhà thơ trực tiếp bộc lộ những tình cảm yêu thương, căm giận của mình trước hiện thực cuộc đời. Ở đây, tình cảm riêng tư của nhà thơ bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng tạo nên giá trị của tác phẩm. Những tác phẩm trữ tình có giá trị được người đọc yêu mến xưa nay bao giờ cũng thắm đẫm suy tư và dằn vặt của cá nhân nhưng đồng thời cũng đánh động tình cảm, tâm trạng …của cả một lớp người, một thời đại nhất định.

4. Nhân vật trữ tình trong tác phẩm trữ tình.

Nội dung tác phẩm trữ tình gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình (có người gọi là chủ thể trữ tình). Ở đây, cần phân biệt rõ 2 khái niệm: nhân vật trữ tình và nhân vật trong tác phẩm trữ tình. Nhân vật trong tác phẩm trữ tình là đối tượng để nhà thơ gửi gắm tâm sự, cảm xúc, suy nghĩ …của mình, là nguyên nhân trực tiếp khêu gợi nguồn cảm hứng cho tác giả. Nhân vật trữ tình không phải là đối tượng để nhà thơ miêu tả mà chính là những cảm xúc, ý nghĩ, tình cảm, tâm trạng, suy tư…về lẽ sống và con người được thể hiện trong tác phẩm. Khi đọc một bài thơ, trước mắt chúng ta không chỉ xuất hiện những cảnh thiên nhiên, sinh hoạt, những con người mà còn một hình tượng của một ai đó đang ngắm nhìn, rung động, suy tư về chúng, về cuộc sống nói chung. Hình tượng ấy chính là nhân vật trữ tình. Ðó là tâm hồn, nỗi niềm, tấm lòng…mà người đọc cảm nhận được qua tác phẩm thơ ca.

Phần lớn nhân vật trữ tình xuất hiện với tư cách là những tình cảm, tâm trạng, suy tư… của chính bản thân nhà thơ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhân vật trữ tình không phải là hiện thân của tác giả. Do tính chất tiêu biểu, khái quát của nhân vật trữ tình nên nhà thơ có thể tưởng tượng, hóa thân vào đối tượng để xây dựng nhân vật trữ tình theo qui luật điển hình hóa trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể coi đây là những nhân vật trữ tình nhập vai.

5. Lời văn trong tác phẩm trữ tình.

Là hình thức của tác phẩm văn học, lời thơ cũng như lời của tác phẩm tự sự và kịch đều mang tính chính xác, gợi cảm, hình tượng, hàm súc. Tuy nhiên, lời thơ cũng có những đặc điểm riêng.

Trước hết, đó là lời của chủ thể, thường bộc lộ trực tiếp sự đánh giá, nhận xét về đối tượng, trực tiếp thể hiện cảm xúc ca ngợi, khẳng định hoặc phê phán, phủ định. Chính vì vậy, sự lựa chọn từ ngữ, phương thức tu từ trong tác phẩm trữ tình- chủ yếu là trong thơ- luôn luôn nhằm làm cho nội dung cảm xúc, thái độ đánh giá, sự đồng cảm hoặc phê phán của chủ thể trở nên nổi bật.

Lời văn trong tác phẩm trữ tình đòi hỏi bộc lộ những tình cảm mạnh mẽ, những ý tập trung, hàm súc do đó nó phải tìm cho mình những lời văn phù hợp với yêu cầu gây ấn tượng mạnh, không phải chỉ bằng ý nghĩa của từ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ nữa. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người khẳng định đặc điểm quan trọng nhất của lời văn trong tác phẩm trữ tình là giàu nhạc tính. Nhạc tính này, do đặc điểm ngôn ngữ của từng dân tộc, được biểu hiện khác nhau. Trong thơ Việt Nam, tính nhạc thường được biểu hiện ở các mặt: sự cân đối, trầm bỗng, nhịp nhàng và trùng điệp.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.