Đặc điểm của văn nghị luận văn học

dac-diem-cua-van-nghi-luan-van-hoc

Đặc điểm của văn nghị luận văn học

– Kiểu bài nghị luận văn học hai dạng đề cơ bản: Nghị luận về một tác phẩm văn học và nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

Nghị luận về tác phẩm văn học. Dạng đề này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ văn học (hiểu, phân tích, lí giải, bình giá…) của người viết. Đối tượng cảm thụ có thể là bài thơ/đoạn thơ, khía cạnh của bài thơ/đoạn thơ, truyện, kịch hoặc văn nghị luận; có thể là toàn bộ tác phẩm, nhưng cũng có thể là một đoạn trích.

Ví dụ:

-“Cái tôi” của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng.

– Cảm hứng vũ trụ và nỗi sầu nhân thế trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

– Nghệ thuật Thơ mới qua những câu thơ sau:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

– Cảm nhận của anh (chị) về đoạn văn sau:

Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ.Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!
(Nam Cao, Chí Phèo)

Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Đối tượng bàn luận ở đây có thể là một nhận định về văn học sử, về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm; hoặc một ý kiến về lí luận văn học.

Ví dụ:

– Dấu ấn của văn học dân gian đối với văn học viết qua một số tác phẩm đã học.

– Anh (chị) hiểu như thế nào về quan niệm của Bạch Cư Dị trong Thư gửi Nguyên Cửu: “Với thơ, tình là gốc, lời là ngọn, âm thanh là hoa, ý nghĩa là quả”?

– Anh (chị) hãy làm sáng tỏ lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan về sự phát triển của văn học Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỉ XX: “một năm nước ta có thể kể như ba mươi năm của người”.

– Bàn về sự nghiệp của Xuân Diệu, Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định: “Nhìn một cách tổng quát, toàn bộ sự nghiệp văn học của Xuân Diệu, thấy có một tư tưởng chi phối tất cả, ấy là niềm khát khao giao cảm với đời – cuộc đời hiểu theo nghĩa chân thật và trần thế nhất”.

– Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu viết:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

(Cảm xúc)

Sau Cách mạng ông viết:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi,
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu,
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.

(Những đêm hành quân)

Anh (chị) hãy bình luận sự thay đổi quan niệm của Xuân Diệu về mối quan hệ giữa nhà thơ và hiện thực cuộc sống.

– Nhà phê bình Belinsky viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hoặc lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc không trả lời những câu hỏi đó”. (Lí luận văn học, NXB Giáo dục, 1993, trang 62)

Trong dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT, đặc biệt là giảng dạy môn chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi, ngoài việc trang bị kiến thức thì việc rèn kĩ năng nghị luận văn học có vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả của công tác giảng dạy. Việc hình thành và rèn luyện kỹ năng nghị luận văn học cho học sinh là phương pháp giúp học sinh có khả năng vận dụng tri thức, hiểu biết về các vấn đề của văn học và đời sống vào giải quyết các yêu cầu thực tế của các dạng đề nghị luận.

– Những yêu cầu của một bài nghị luận văn học

Để tạo lập được một văn bản nghị luận, cần lưu ý tới những yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức:

+ Về nội dung tư tưởng, bài văn nghị luận cần nêu được vấn đề mới mẻ, sâu sắc, có ý nghĩa, thể hiện những tư tưởng, lí tưởng nhân văn cao đẹp của con người. Văn nghị luận cần có tình cảm lớn làm thành mạch chìm của văn bản, thiếu tình cảm lớn thì văn nghị luận trở nên khô khan, dù lí lẽ có sắc bén cũng khó đi đến được với trái tim con người.

+ Văn nghị luận đòi hỏi sự chặt chẽ của lập luận, sự xác đáng của luận cứ, sự chính xác, tinh tế của lời văn; đạt tới yêu cầu thấu lí đạt tình, không chỉ thuyết phục người ta bằng cách nêu vấn đề, cách luận giải sắc sảo, chặt chẽ mà còn tác động cả tới tình cảm của người đọc (người nghe).

+ Đảm bảo kiến thức mang màu sắc chính trị – xã hội: những hiểu biết về chính trị, xã hội: những hiểu biết về chính trị – pháp luật, những kiến thức cơ bản về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, tâm lí – xã hội …

+ Đảm bảo sự trong sáng trong diễn đạt. Lời văn nghị luận cần tự nhiên, linh hoạt, giản dị, tối kị dùng những từ ngữ xa lạ, những từ ngữ mình không hiểu, hoặc đưa từ ngữ bằng tiếng nước ngoài vào bài văn một cách không cần thiết.

+ Có kĩ năng lựa chọn và sử dụng dẫn chứng : là việc huy động dẫn chứng, chọn dẫn chứng cho phong phú, đa dạng và sử dụng hiệu quả. Kĩ năng trích dẫn dẫn chứng :yêu cầu dẫn chứng phải chính xác; dẫn chứng phải đủ trong phạm vi yêu cầu của đề về tư tiệu; dẫn chứng phải tiêu biểu, xác đáng, có tính mới. Khi lấy dẫn chứng cần chú ý đến tính hệ thống, sắp xếp theo trục thời gian tuyến tính, không gian từ xa đến gần …

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.