Dàn bài phân tích truyện ngắn LÀNG của Kim Lân

dan-bai-phan-tich-truyen-ngan-lang-kim-lan

Dàn bài phân tích truyện ngắn LÀNG của Kim Lân.

  • Mở bài:

Kim Lân là một trong những nhà văn nổi bậc nhất trong đề tài viết về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước cách mạng. Truyện ngắn Làng được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Tác phẩm thể hiện tình yêu làng và lòng yêu nước của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp

  • Thân bài:

Nội dung và tình huống truyện.

Tóm tắt: Câu chuyện kể về ông Hai Thu, người làng Chợ Dầu. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo lời kêu gọi của cụ Hồ Chí Minh, toàn dân tham gia kháng chiến, kể cả hình thức tản cư. Do hoàn cảnh neo đơn, ông Hai đã cùng vợ con lên tản cư ở Bắc Ninh dù rất muốn ở lại làng chiến đấu. Ở nơi tản cư, tối nào ông cũng sang nhà bác Thứ bên cạnh để khoe về làng mình rằng làng ông có nhà cửa san sát, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ. Ông khoe cái phòng thông tin, cái chòi phát thanh và phong trào kháng chiến của làng, khi kể về làng ông say mê, háo hức lạ thường. Ở đây, ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến, ông vui mừng trước những chiến thắng của quân dân ta. Nhưng rồi một hôm, ở quán nước nọ, ông nghe được câu chuyện của một bà dưới xuôi lên tản cư nói rằng làng Dầu của ông theo giặc. Ông vô cùng đau khổ, xấu hổ, cúi gầm mặt đi thẳng về nhà, suốt ngày chẳng dám đi đâu, chẳng dám nói chuyện với ai, chỉ nơm nớp lo mụ chủ nhà đuổi đi. Buồn khổ quá, ông tâm sự với đứa con út cho khuây khoả. Ông chớm có ý định về làng để xác minh sự thật nhưng lại tự mình phản đối vì nghĩ về làng, làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ bởi làng ông đã theo Tây mất rồi. Thế rồi một hôm có ông chủ tịch dưới xã lên chơi cải chính tin làng ông theo giặc. Ông lão sung sướng mùa tay đi khoe khắp làng rằng nhà ông đã bị đốt nhẵn. Tối hôm ấy, ông lại sang nhà bác Thứ kể về làng mình.

Tình huống truyện:  Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống rất gay cấn. Ông Hai vốn rất yêu làng, lúc nào cũng tự hào và khoe khoang về ngôi làng của mình với sự giàu có và tinh thần kháng chiến. Nhưng đột nhiên ông nhận được tin sét đánh mang tai từ những người tản cư – làng ông theo Tây, làm việt gian. Ông vô cùng đau đớn tủi hổ và nhục nhã. Cách tạo tình huống như vậy nhà văn Kim Lân muốn làm nổi bật lòng yêu làng gắn liền với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân Việt Nam thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Phân tích tác phẩm.

1. Nhân vật ông Hai.

a. Tình cảm của ông Hai với làng.

– Ông đau đáu nhớ về quê hương, nghĩ về “những ngày làm việc cùng anh em”, ông nhớ làng. Rõ ràng,  ông Hai là người yêu nước và giàu tinh thần kháng chiến.

– Ông khoe về làng: giàu và đẹp, lát đá xanh, có nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre

– Ông luôn đến phòng thông tin nghe ngóng tình hình về ngôi làng của mình và tin tức về kháng chiến. Lúc nào cũng quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, các tin chiến thắng của quân ta Trước những tin chiến thắng của quân ta, ruột gan cứ múa cả lên

→ Ngôn ngữ quần chúng, độc thoại thể hiện niềm tự hào, vui sướng, tin tưởng khi nghe tin về cuộc kháng chiến, đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc .

b. Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.

* Trước khi nghe tin xấu về làng:

Vui mừng vì tin tức kháng chiến: “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”.

– Tự hào vì quê vẫn sản xuất: “Hừ, đánh nhau thì cứ đánh nhau, cày cấy cứ cày cấy, tản cư cứ tản cư … Hay đáo đề”.

* Khi nghe tin dữ về làng:

– Đột ngột, sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tên rân rân”.

– Cố trấn tĩnh, cố không tin, hỏi lại với hy vọng là có sự nhầm lẫn: “một lúc lâu ông mới rặn è è: Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”.

– Được khẳng định rành rọt, ông đau đớn, xấu hổ như chính mình mắc lỗi: “Cúi gằm mặt xuống mà đi về”.

* Sau khi nghe tin dữ:

– Tủi thân cho mình và cho các con: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?”

– Ông kiểm điểm lại tin nghe được, càng thêm thất vọng và đau đớn: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!”

– Cái tin dữ xâm chiếm, nó trở thành nỗi ám ảnh day dứt trong ông: lúc nào cũng tưởng người ta đang để ý, người ta đang bàn tán “cái chuyện ấy”. Ông tránh né cả các cuộc trò chuyện với mọi người.

Trong ông Hai có nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sợ hãi thường xuyên cùng với nỗi đau xót, tủi hổ trước cái tin làng mình theo giặc.

* Khi bị đầy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng: Mụ chủ nhà đuổi đi.

– Mâu thuẫn, xung đột nội tâm: Về làng là quay lại làm nô lệ, phản bội cuộc kháng chiến của dân tộc; đi nơi khác thì không ai chứa chấp, bi xua đuổi.

– Ông dứt khoác: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

– Quyết định như thế nhưng vẫn không dứt bỏ tình cảm với làng quê, vì thế mà càng đau xót, tủi hổ.

– Trút nỗi lòng vào lời thủ thỉ tâm sự với con. Khẳng định tình yêu làng Chợ Dầu, tấm lòng chung thủy với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ → Tình cảm sâu nặng, bền vững mà thiêng liêng.

Tình yêu làng của của ông Hai thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến.

* Khi nghe tin làng theo giặc được cải chính:

– Thái độ ông Hai thay đổi hẳn:

+ “cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”

+ “mồm bỏm bẻm nhai trầu, mắt hấp háy”.

+ “Chạy đi khoe khắp nơi về làng của mình”.

Vui mừng tột độ, tự hào, hãnh diện khi làng không theo giặc, cũng đồng thời thấy được tình yêu làng, yêu nước của người nông dân như ông Hai.

2. Đặc sắc nghệ thuật.

– Nghệ thuật tạo dựng tình huống làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng nhân vật:

+ Đặt nhân vật vào tình huống éo le, bất ngờ: Ông Hai luôn yêu và tự hào về làng của mình, nay nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

+ Tình huống khiến diễn biến tâm trạng nhân vật thay đổi mạnh mẽ, thử thách lòng yêu làng và yêu nước của nhân vật ông Hai.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật chủ yếu qua việc miêu tả nội tâm:

+ Tâm trạng ông Hai biến chuyển từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc tới khi nghe tin cải chính diễn ra phức tạp, tinh tế.

+ Nhiều đoạn miêu tả tâm lí rất sâu sắc (ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc: da mặt tê rân rân, cổ nghẹn ắng lại, lúc ông Hai lựa chọn giữa tình yêu nước với tình yêu làng).

+ Gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật chứng tỏ Kim Lân am hiểu về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

– Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: ngôn ngữ truyện đặc sắc nhất là ngôn ngữ nhân vật ông Hai.

+ Ngôn ngữ đậm tính khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân.

+ Lời nói trần thuật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu, truyện được trần thuật chủ yếu theo lời nhân vật ông Hai (hình thức trần thuật ngôi thứ 3).

+ Ngôn ngữ nhân vật của ông Hai vừa mang nét chung của người nông dân nhưng cũng mang điểm riêng biệt đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.

+ Giọng điệu trần thuật tự nhiên thân mật đôi khi dí dỏm của nhân vật.

– Kể chuyện ở ngôi thứ 3 (tác giả) giúp miêu tả nội tâm nhân vật ông Hai thêm chân thực, sâu sắc, thể hiện sự đấu tranh nội tâm, nỗi đau đớn, dày vò của ông khi ngôi làng mà mình đã sinh ra, lớn lên lại mang danh bàn nước, cái tội ghê gớm nhất, đáng khinh bỉ nhất lúc bấy giờ.

  • Kết bài:

– Nhà văn Kim Lân đã rất thành công trong việc xây dựng tình huống truyện và trong việc miêu tả tâm lí, ngôn ngữ nhân vật. Đoạn trích thể hiện tình yêu Làng và lòng yêu nước sâu đậm của người nông dân thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tác giả đã rất thành công trong việc tạo dựng tình huống thắt nút và cởi nút câu chuyện rất tự nhiên và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động suy nghĩ và lời nói, từ đó tạo ra được một tác phẩm hoàn hảo.

Phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.