Đọc hiểu văn bản: Bài học đường đời đầu tiên (Trích Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài – Ngữ văn 6, Kết nối tri thức)

doc-hieu-van-ban-bai-hoc-duong-doi-dau-tien-trich-de-men-phieu-luu-ki-to-hoai-ngu-van-6-ket-noi-tri-thuc

Đọc hiểu văn bản:

BÀI HỌC ĐƯỜNG ĐỜI ĐẦU TIÊN
(Trích Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài)

I. Kiến thức văn bản.

1. Tác giả Tô Hoài.

– Tô Hoài (1920-2014) viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

– Ông có khối lượng tác phẩm phong phú và đa dạng, gồm nhiều thể loại.

2. Tác phẩm.

– Xuất xứ: “Bài học đường đời đầu tiên”(tên do người biên soạn đặt) trích từ chương I của “Dế Mèn phiêu lưu kí”, một tác phẩm nổi tiếng và đặc sắc nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

– Thể loại: Truyện đồng thoại.

– Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm.

– Bố cục 2 phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến (“sắp đứng đầu thiên hạ rồi”): Miêu tả vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn

+ Phần 2: Phần còn lại: Câu chuyện bài học đường đời đầu tiên đối với Dế Mèn.

– Giá trị nội dung: Truyện miêu tả vẻ đẹp của Dế Mèn cường tráng nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Sau khi bày trò trêu chị Cốc, gây ra cái chết cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Qua đó, truyện để lại những bài học sâu sắc: Không quá đề cao bản thân rồi rước hoạ; Cần biết lắng nghe, quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh.

– Giá trị nghệ thuật:

– Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn

– Nghệ thuật miêu tả loài vật sinh động, đặc sắc

– Ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.

– Miêu tả loài vật sinh động, nghệ thuật nhân hoá, ngôn ngữ miêu tả chính xác

– Xây dựng hình tượng nhân vật gần gũi với trẻ thơ.

II. Đọc hiểu văn bản.

1. Hình ảnh nhân vật Dế Mèn.

– Ngoại hình:

  • Đôi càng “mẫm bóng”.
  • Những cái vuốt “nhọn hoắt”.
  • Cái đầu “nổi từng tảng, rất bướng”.
  • Hai cái răng đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp như hai cái liềm máy.
  • Sợi râu “dài và uốn cong”.

→ Một chàng dế khỏe mạnh, cường tráng.

– Hành động, tính cách:

  • Đi đứng rất oai vệ, làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu.
  • Cà khịa với tất cả bà con hàng xóm: quát chị Cào Cào, đá anh Ghẹo Vó, …
  • Co cẳng lên, đạp phành phạch vào các ngon cỏ.
  • Lúc đi bách bộ thì cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ.
  • Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng ngai ngoàm ngoạp; chốc chốc lại “trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.

→ Kiêu căng, ngạo mạn.

* Nhận xét: Tất cả các chi tiết đều thể hiện được vẻ đẹp cường tráng, trẻ trung, chất chứa sức sống mạnh mẽ của tuổi trẻ ở Dế Mèn, nhưng đồng thời cũng cho thấy những nét chưa đẹp, chưa hoàn thiện ở tính nết, trong nhận thức và hạnh động.

2. Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn

a) Nhân vật Dế Choắt và quan hệ giữa Dế Choắt và Dế Mèn.

– Dế Choắt chạc tuổi Dế Mèn nhưng ốm yếu và gầy gò:

  • Người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
  • Cánh ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê.
  • Đôi càng bè bè, năng nề.
  • Râu ria cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ.
  • Tính nết: như Dế Mèn nhận xét thì “ tính nết ăn xổi ở thì”.

– Quan hệ giữa Dế Mèn và Dế Choắt là họ hàng của nhau. Nhưng Dế Mèn luôn coi mình ở bề trên:

  • Khi Dế Choắt nhờ đào giúp cho một cái hang thông sang ngách thì Dế Mèn thẳng thừng từ chối.
  • Xưng hô: “ Chú mày” rất coi thường, trịnh thượng.
  • Cư xử: rất ích kỉ, không nghĩ đến tình làng nghĩa xóm.

b) Câu chuyện bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.

– Dế Mèn rủ Dế Choắt trêu chị Chốc nhưng Dế Choắt từ chối còn khuyên ngăn.

– Dế Mèn không nghe vẫn tiếp tục thực hiện ý định của mình. Sau đó còn chạy, “chui tọt ngay trong hang”.

– Dế Choắt phải chịu những cú mổ vào đầu của chị Cốc dẫn đến vẹo cả xương.

– Kết quả: gây ra cái chết thương tâm cho Dế Choắt.

– Tâm trạng của Dế Mèn: lúc đầu thì hả hê, vui sướng vì trêu được chị Cốc. Nhưng khi nhìn thấy Dế Choắt nằm thoi thóp thì hối hận. Ân hận, đứng trước mộ của Dế Choắt.

– Trước khi chết, Dế Choắt đã cho Dế Mèn một lời khuyên: “ở đời mà có thói hung hang, bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.” 

III. Tổng kết.

– Đoạn trích khắc họa bức chân dung tự họa của Dế Mèn còn là biểu tượng cho tuổi trẻ, cho sự nông nổi xốc nổi của bản thân khi chưa thực sự trưởng thành. Từ sai lầm của Dế Mèn chúng ta còn rút ra bài học cho chính bản thân mình: phải luôn quan tâm, giúp đỡ người xung quanh, không được có thói kiêu căng tự phụ, xốc nổi không chỉ gây ảnh hưởng đến chính mình mà còn làm hại những người khác.

– Nhà văn sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa,… Cách kể chuyện hấp dẫn theo ngôi thứ nhất, vốn ngôn từ phong phú, sinh động, lối nói dân dã “nghèo sức quá” “nói thẳng thừng” … Miêu tả tài tình, mượn câu chuyện về loài vật để gửi gắm bài học loài người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.