Đọc hiểu văn bản Đề đền Sầm Nghi Đống (Hồ Xuân Hương) (Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

doc-hieu-van-ban-de-den-sam-nghi-dong-ho-xuan-huong-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Đọc hiểu văn bản:

Đề đền Sầm Nghi Đống
(Hồ Xuân Hương)
(Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả: Hồ Xuân Hương. 

– Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Theo các tài liệu lưu truyền quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long.

– Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng.

– Nổi bật trong sáng tác thơ của Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ

→ Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa Thơ Nôm”.

2. Tác phẩm.

– Bố cục 2 phần:

+ Phần 1 (2 câu đầu): Thái độ của tác giả với ngôi đền quan Thái thú

+ Phần 2 (2 câu cuối): Khát vọng lập nên sự nghiệp anh hùng của tác giả.

II. Đọc hiểu văn bản.

1. Thái độ đối với ngôi đền của tướng giặc (hai câu thơ đầu).

– Hai câu đầu tả ngôi đền và cách nhìn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân tiện đi qua, vô tình “trông ngang” mà chợt “thấy” ngôi đền của quan Thái thú.

“Ghé mắt trông ngang” là một cái nhìn bằng nửa con mắt, khinh dẻ. Ngôn từ và giọng điệu thơ bỡn cợt, khinh thị, sắc nhọn. Nữ sĩ tả qua ngôi đền, tả thực bằng hai nét: mặt tiền là cái “bảng treo”; thế đứng của ngôi đền rất “cheo leo”, không chút uy nghi, vững vàng, lại heo hút!

– Từ “kìa” hàm ý chỉ trỏ, chẳng giấu giếm sự bất kính với chốn đền miếu linh thiêng, đồng thời cho thấy nữ sĩ tuy ngắm cảnh, vịnh cảnh, nhưng cũng chẳng thèm lại gần.

– Từ “cheo leo” vừa gợi ra vị trí xây dựng của ngôi đền (trên gò), vừa gợi cảm giác không vững vàng.

Hai câu thơ cho thấy dù là một viên tướng được thờ phụng, dù là một ngôi đền được xây cao thì trong mắt của nữ thi sĩ thì đó là một thứ rẻ rúng, coi thường và sự tôn nghiêm, thiêng liêng của ngôi đền đã biến mất sạch sẽ trong mắt nữ thi sĩ. Biểu thị một cái nhìn thiếu trân trọng đối với ngôi đền. Những ai được lập đền, dù là quân giặc, đều được coi là thần, đề mọi người đến thắp hương cúng bái, cầu vọng. 

2. Thái độ mỉa mai của tác giả (hai câu thơ cuối).

Hồ Xuân Hương không chỉ nhìn ngang chỉ trỏ trước một ngôi đền, bà lại còn tự ví mình, so sánh mình với người được thờ nữa:

Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu

– Cái ý nghĩa “đổi phận làm trai” đã thể hiện cái mặc cảm phụ nữ đối với nam giới trong xã hội phong kiến đã áp đặt vào ý thức nhà thơ. Nhưng mặt khác, nó cũng thế hiện nhu cầu đổi phận, không chịu an phận của bà.

– Cách bà tự xưng là “đây”: coi thường vị Sầm Nghi Đống.

“Há bấy nhiêu” : tự cho mình có thể làm gấp nhiều lần, so với sự nghiệp của Sầm nghi Đống → biểu hiện một lời dè bỉu. khinh bỉ.

III. Tổng kết.

– Nội dung:  Đề đền Sầm Nghi Đống là tiếng cười trào phúng vừa sâu cay, vừa mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương dành cho một kẻ xâm lược, góp phần củng cố thêm lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam.

– Nghệ thuật: Đề đền Sầm Nghi Đống là một bài thơ độc đáo không chỉ vì giá trị tư tưởng và cách đặt vấn dề táo bạo của nó, mà còn vì một nghệ thuật thơ xuất sắc… Cách sử dụng từ thuần Việt, sắc sảo, sinh động, có sức gợi tả sâu sắc, kết cấu chặt chẽ, đầy kịch tính, gây nhiều hứng thú cho người đọc.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.