Giới thiệu Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) (Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

gioi-thieu-hoang-le-nhat-thong-chi-ngo-gia-van-phai-ngu-van-8-chan-troi-sang-tao

Giới thiệu Hoàng Lê nhất thống chí
(Ngô gia văn phái)
(Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo)

1. Tác giả: Ngô gia văn phái.

– Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngô gia văn phái gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772-1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

– Ngô Thì Chí (1753-1788) là em ruột Ngô Thì Nhậm, từng làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống. Ông tuyệt đối trung thành với nhà Lê, từng chạy theo Lê Chiêu Thống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, dâng Trung hưng sách bàn kế khôi phục nhà Lê. Sau đó ông được Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong, lập nghĩa binh chống Tây Sơn, nhưng trên đường đi ông bị bệnh, mất tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Nhiều tài liệu nói ông viết bảy hồi đầu của tác phẩm.

– Ngô Thì Du (1772-1840) là anh em chú bác ruột với Ngô Thì Chí, học giỏi nhưng không đỗ đạt gì. Dưới triều Tây Sơn, ông ẩn mình ở vùng Kim Bảng (Hà Nam). Thời nhà Nguyễn, ông ra làm quan, được bổ Đốc học Hải Dương, đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả bảy hồi tiếp theo của Hoàng Lê nhất thống chí.

2. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí.

* Kết cấu:

– Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi, được sáng tác trong khoảng thời gian dài từ cuối Triều Lê sang đầu Triều Nguyễn (cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX).

– Toàn bộ tác phẩm gồm có 17 hồi. Bảy hồi đầu tiên là phần chính biên do Ngô Thì Chí viết, mười hồi tiếp theo là phần tục biên, trong đó có 7 hồi được cho là Ngô Thì Du viết, còn 3 hồi cuối cùng viết có tính chất chắp vá, lại có cả những sự việc thời Tự Đức, tương truyền do Ngô Thì Thuyết (có người đọc là Thiến), còn các nhà nghiên cứu cho là có thể của một tác giả vô danh khác.

* Nội dung:

Nội dung ghi chép về sự thống nhất vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh trả lại Bắc Hà cho Vua Lê đến khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất cả nước. Tác phẩm miêu tả khoảng hơn 30 năm cuối thế kỷ 18, từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1767) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Đây chính là giai đoạn rất nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam, cả cơ cấu xã hội phong kiến cùng những hình thái ý thức, tư tưởng, đạo đức… hầu như bị đảo lộn và lay chuyển tận gốc.

* Giá trị:

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm văn xuôi đầu tiên có quy mô lớn của một bộ sử thi. Tác phẩm có giá trị cả về mặt văn học và sử học.

Đây là tác phẩm văn học có một số tình tiết hư cấu, tuy nhiên tác giả là người đương thời nên đã mô tả khá sinh động về những biến động trong xã hội phong kiến cuối thế kỷ 18.

Hoàng Lê nhất thống chí còn phản ánh phần nào cuộc sống của nhân dân thời Lê mạt: cuộc sống không có trật tự, không an toàn, không ấm no trước nạn binh hỏa và nạn đói. Một phần lớn nội dung tác phẩm phản ánh khá đậm nét về nhà Tây Sơn. Dù đứng trên lập trường ủng hộ nhà Hậu Lê đối lập, các tác giả dành nhiều sự trang trọng đối với lực lượng Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ. Ông được mô tả là một “anh hùng hào kiệt”, “dũng mãnh và có tài cầm quân”. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa đánh đuổi quân Thanh cũng được tác phẩm phản ánh khá chi tiết.

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm tự sự lịch sử. Trên thực tế, tác phẩm không giữ nguyên thi pháp cổ điển của thể loại như mô tả ngoại hình nhân vật theo lối tượng trưng, ước lệ, mà có những đặc điểm được các nhà nghiên cứu đánh giá là đậm sắc thái của Việt Nam.

Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ động, mang phong cách lối nói dân gian giàu hình tượng, đôi khi có khoa trương, phóng đại hài hước, không bị gò bó theo khuôn của Hán học, vì vậy nội dung có sức hấp dẫn đặc biệt. Các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao giá trị nghệ thuật của đoạn đối thoại giữa Nguyễn Hữu Chỉnh và người em rể.

Thành công lớn nhất của tiểu thuyết này là xây dựng được những nhân vật điển hình đa dạng, vừa khái quát vừa sâu sắc. Nhân vật lịch sử có đời sống nội tâm phức tạp và số phận cụ thể trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội..

Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn sách viết theo thể chí (một thể văn vừa có tính chất văn học vừa có tính chất lịch sử), ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê, vào thời điểm anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo nông dân Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa, tiêu diệt nhà Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê, đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xâm lược. Tất cả đã được ghi chép lại một cách khá đầy đủ và khách quan trong tác phẩm.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.