Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật (Ngữ văn 11, tập 1, Cánh Diều)

gioi-thieu-mot-tac-pham-nghe-thuat-bai-2-ngu-van-11-tap-1-canh-dieu

Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật.

I. Định hướng.

1. Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật theo lựa chọn cá nhân là bài thuyết minh của người nói về đặc điểm (nội dung và hình thức) của một tác phẩm mà mình thấy có giá trị và yêu thích. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ là các văn bản văn học mà còn là tác phẩm ở các lĩnh vực khác như điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, hội họa,…

Trong khi giới thiệu nội dung và hình thức tác phẩm, người nói có thể nhận xét, đánh giá, bình luận bằng các ý kiến chủ quan của cá nhân; giải thích lí do yêu thích tác phẩm ấy. Bài nói cần có ba phần: mở đầu, nội dung chính, kết thúc; sử dụng ngôn ngữ nói kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ, các thiết bị công nghệ một cách phù hợp và hiệu quả.

2. Để giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật tự chọn có hiệu quả, các em cần chú ý:

– Xác định rõ mục đích, đối tượng người nghe và nội dung tác phẩm cần giới thiệu: tác phẩm văn học hay tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, hội họa,…

– Lựa chọn cách trình bày phù hợp.

– Có thái độ phù hợp, tôn trọng người nghe,…

II. Thực hành.

Dựa vào tư liệu sau đây, em hãy giới thiệu bài hát “Làng tôi” của Văn Cao (Tư liệu trang 58 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1 – Cánh diều)

1. Chuẩn bị.

– Đọc kĩ tư liệu ở trên.

– Lập dàn ý cho bài giới thiệu.

– Xem xét các phương tiện có thể hỗ trợ, ví dụ: hình ảnh bản nhạc Làng tôi, video clip bài hát Làng tôi do các ca sĩ nổi tiếng hát; chân dung Văn Cao,…

2. Tìm ý và lập dàn ý.

– Tìm ý cho bài giới thiệu bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Nội dung của bài hát là gì?

+ Hình thức nghệ thuật của bài hát có gì đặc sắc?

+ Em có nhận xét và đánh giá gì về giá trị bài hát được giới thiệu?

+ Vì sao em thích bài hát này?

– Lập dàn ý cho bài nói gồm ba phần:

Mở đầu: – Nêu khái quát lí do em giới thiệu bài hát Làng tôi của Văn Cao.
Nội dung chính: + Nêu các điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của bài hát Làng tôi.

+ Nhận xét, đánh giá về giá trị của bài hát.

+ Minh họa bài giới thiệu bằng các phương tiện phù hợp.

Kết thúc: – Tóm lược nội dung để trình bày và trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

3. Nói và nghe.

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c (trang 31): nội dung nói và nghe đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở mục b nêu trên.

4. Kiểm tra và chỉnh sửa.

– Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục d (trang 32); nội dung kiểm tra đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở mục b nêu trên.

* Bài nói tham khảo 1:

Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em xin giới thiệu về bài hát “Làng tôi” của Văn Cao.

Đầu năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Văn Cao cùng các văn nghệ sĩ tản cư đi kháng chiến về đóng quản rải rác tại các thôn xóm thuộc huyện Ứng Hòa – Hà Đông. Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi trên sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh dưới nắng chiều nhẹ êm. Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ ngân lên…, tiếng chuông tỏa lan trên mặt nước hòa trong tiếng mái chèo khua nước. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của Văn Cao bồi hồi xao xuyến đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm… Từ những cảm xúc đó ông viết:

Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu

Kỉ niệm về những tháng ngày dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương đã được nhạc si Văn Cao thể hiện qua đoạn:

Ngày diệt quân Pháp tan
Là lúc tiếng chuông ngân
Tiếng chuông nhà thờ rung
Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng
Đánh tan lũ quân thù về làng xưa
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu
Cùng lập chiến lũy đào hào sâu
Giặc chưa tan chiến đấu không thôi
Đồng quê chào đón ngày mai.

Bài hát được viết ở nhịp 6/8, điệu valse nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm, bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ. Bài hát gồm có ba lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết và có phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai sáng lạn. Từ điệu luân vũ cung đình sang trọng của châu Âu, Văn Cao đã biến thành một bài hát bình dị, nhẹ nhàng về làng quê Việt Nam. Có thể nói ông là vua valse thập niên 40 với những bài hát nổi tiếng như Ngày mùa, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Làng tôi…

Tóm lại, Làng tôi của Văn Cao có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc của nhân dân ta. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý để phần giới thiệu được hoàn thiện hơn.

* Bài nói tham khảo 2:

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, một trong ba bài hát mang tên Làng tôiđược đánh giá là bài hát hay, bất tử với thời gian, ta không thể không nhắc tới bài hát do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1947.

“Làng tôi” giống như bức tranh xinh đẹp viết về làng quê Việt Nam bằng âm nhạc. Ở đây, tài năng tổng hợp giữa thi ca, âm nhạc và hội họa ở tác giả đã phát huy tác dụng. Chúng liên thông với nhau nhằm tạo nên những tuyệt phẩm bất hủ. “Làng tôi” viết trên nền điệu valse truyền thống châu Âu nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm,, nếu bỏ đi lời ca, chẳng ai lần ra dấu vết “đấu tranh cách mạng” của nó.

Ngoài ra, giai điệu bài hát còn giản dị, nhẹ nhàng, sang trọng, ca từ sử dụng nhiều hình ảnh giàu chất biểu trưng, biểu cảm, như: “bóng tre”, “bóng cau”, “con thuyền”, “dòng sông”, “nhà thờ”, “đồng quê”… Như ở “Ngày mùa”, tuy xuất hiện: “giáo với gươm”, “súng” và “liềm”, nhưng đặt trong bối cảnh “đầy đồng giáo với gươm”, “súng tỳ tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang” tình tứ, lãng mạn, những sự vật vô tri trở thành nét chấm phá tạo thêm sức sống cho cảnh đồng quê ngày mùa. Ở Làng tôi, tác giả quay “ống kính” thị giác vào những hình ảnh vừa cụ thể, vừa tượng trưng với góc nhìn biểu cảm, chủ quan, chứ không hề đặc tả theo quan điểm hiện thực.

Bởi vậy, ca khúc “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao đã sớm vượt khỏi biên giới, lãnh thổ Việt Nam, chuyển dịch lời ca sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, đạt được thành tựu lớn để đời cho nền âm nhạc Việt Nam.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.