Nghị luận: Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc. Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình, bạn hãy bình luận ý kiến trên.

hinh-tuong-nhan-vat-duoc-sinh-ra-tu-tam-tri-cua-nha-van-nhung-chi-thuc-su-song-bang-tam-tri-cua-nguoi-doc-bang-tri-thuc-va-trai-nghiem-van-hoc-cua-minh-ban-hay-binh-luan-y-kien-tren

Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.

Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình, bạn hãy bình luận ý kiến trên.


* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích.

Nhân vật văn học là khái niệm dung để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ.

Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn: nhà văn là người lao tâm khổ trí sáng tạo ra hình tượng nhân vật nhưng đó mới là hình tượng bằng chất liệu ngôn ngữ.

Chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc: người đọc mới là người biến hình tượng nhân vật ở dạng ngôn ngữ thành sinh thể trong tâm trí của mình.

Câu nói nêu lên vài trò của cả hai đối tượng là nhà văn và người đọc trong quá trình sáng tạo – tiếp nhận văn học, nhưng trọng tâm là đề cao vai trò của người đọc trong việc biến hình tượng từ những kí tự trên mặt giấy thành sinh thể tồn tại trong đời sống tinh thần của con người, của xã hội.

2. Bàn luận.

Hình tượng nhân vật do nhà văn sáng tạo ra trong tác phẩm chỉ là loại sản phẩm thuộc về tiềm năng. Người đọc mới là người quyết định biến hình tượng nhân vật từ thế tiềm năng trong ngôn ngữ, trên trang sách thành hình tượng sống động. Ví thế, hình tượng nhân vật chỉ thực sự sống như một sinh thể trong tâm trí và bằng tâm trí người đọc.

Ý đồ của nhà văn chỉ là một khả năng tồn tại của hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Mỗi người đọc, bằng nền tảng văn hóa, tâm lí, trình độ thụ cảm riêng lại tạo ra vô vàn khả năng khác, cách hiểu khác nhau, ý nghĩa khác nhau về hình tượng nhân vật.

3. Chứng minh.

– Cần lựa chọn được một số hình tượng nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm văn học để phân tích làm sáng tỏ vai trò sáng tạo của nhà văn và giới hạn của hình tượng khi còn ở dạng ngôn ngữ.

– Khẳng định người đọc có vai trò tạo ra sự sống cho hình tượng nhân vật khi đọc tác phẩm. Phân tích được những nhân tố dẫ đến vai trò quyết định của người đọc đối với sự sống của hình tượng nhân vật.

+ Nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

+ Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

+ Người vợ nhặt trong Vợ Nhặt của Kim Lân.

+ Đường Tăng trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân.

+ …….

4. Đánh giá.

– Đây là nhận định đúng đắn. Tuy nhiên không được coi thường những ý đồ tư tưởng của nhà văn. Trong đời sống lí luận văn học, câu nói  ý muốn đề cao vai trò của người đọc, nhưng vì tác giả là người sáng tạo ra hình tượng nhân vật. Mặt khác, bản thân nhân vật cũng có sức sống nội tại của mình.

– Việc đồng sáng tạo với nhà văn ở người độc không có nghĩa là bình tán, suy diễn tùy tiện, gượng ép mà phải trên cơ sở hiểu được bản chất, quy luật sáng tạo nghệ thuật, xuất phát từ văn bản tác phẩm, từ hình tượng nhân vật.

– Câu nói có ý nghĩa dẫn dắt người đọc có thái độ tích cực trải nghiệm, tranh biện khi tiếp nhận tác phẩm văn chương nghệ thuật.

Bài văn tham khảo 1:

  • Mở bài:

Văn học nói bằng hình tượng, hình tượng nghệ thuật là khối pha lê lấp lánh làm nên giá trị tác phẩm văn học. Nếu cái thần của âm nhạc là giai điệu, của hội họa là đường nét và màu sắc thì cái thần của văn chương chính là ở hình tượng nhân vật. Song những tác phẩm văn học chỉ xây dựng nên những hình tượng về con người thì đó chưa hẳn là một tác phẩm vô giá. Bởi trong sáng tạo nghệ thuật, điều quan trọng, đặc sắc nhất nhiều khi không phải ở hình tượng con người mà ở hình tượng nhân vật. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng: “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc”.

  • Thân bài:

“Nhà thơ tư duy bằng hình tượng” (Biêlinxki). Văn học ở bất kì thời đại nào muốn phản ánh hiện thực đời sống đều phải thông qua các hình tượng nhân vật điển hình. Nhà thơ tư duy bằng hình tượng, nhà văn cũng tư duy bằng hình tượng. Thế giới thêm sắc màu, cuộc sống thêm âm điệu bởi những hình tượng nhân vật điển hình độc đáo.

“Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người” (Nguyễn Minh Châu). Văn học phản ánh cuộc sống và trung tâm là con người thông qua hình tượng nhân vật. Chính những hình tượng nghệ thuật độc đáo, có sức phổ quát, mang những ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh đã góp phần làm nên nét riêng cho tác phẩm văn học. Người nghệ sĩ thường sáng tạo nên những tượng đài bất hủ về con người bằng cách xây dựng chính hình tượng nhân vật. Nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo. Nghệ sĩ là kẻ làm công việc “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao).

Viết văn là một quá trình khai phá những vỉa quặng của cuộc đời nhưng mỗi thứ kim loại quý hiếm nhà văn tìm thấy lại lấp lánh một sắc màu riêng biệt. Có phải đó là sắc màu của những hình tượng nhân vật điển hình được nhà văn nhặt nhạnh ở cuộc đời, nhào nặn trong tư tưởng và đưa vào tác phẩm dưới lớp áp chủ quan độc đáo? Ngay từ khi ra đời; văn học đã nhận thức đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm bằng các hình tượng nhân vật nghệ thuật. Từ tiếng gọi chú tiểu lẳng lơ nhưng đầy khao khát yêu đương của Thị Màu trên chiếu chèo ngày xưa đến đoạn trường mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều trong thơ Nguyễn Du, hình tượng nhân vật điển hình đã thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm văn học, bắc nhịp cầu giữa hiện thực xã hội và tư tưởng nhân văn.

Như lời nhận định đã bàn tới, “hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc” bởi nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật để khái quát hiện thực, để cắt nghĩa đời sống và thể hiện tư tưởng của chính mình. Vì vậy, hiện thực trong tác phẩm máng đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Nhà văn là chủ thể sáng tạo, là kẻ chi phối mọi tư tưởng thẩm mĩ, góc nhìn, phạm vi của hiện thực nên dù được bắt nguồn từ cuộc sống; dù được nuôi dưỡng bằng bầu sữa của bà mẹ cuộc đời thì tác phẩm văn chương; qua các hình tượng nhân vật, phản ánh hiện thực “được sinh ra từ tâm trí của nhà văn. Tác phẩm văn chương không bao giờ là bản sao của hiện thực mà hiện thực được soi chiếu vào tác phẩm bằng lăng kính chủ quan của người viết, có thể tốt, có thể xấu, có thể đáng vui và cũng có thể đáng buồn. Hiện thực cuộc sống được khoác lên tấm áo nhiều màu như vậy chính là bởi hình tượng nhân vật được nhà văn đưa vào tác phẩm.

Hình tượng nhân vật là đứa con của hiện thực cuộc sống nhưng lại được nuôi dưỡng bằng tình cảm, tư tưởng của nhà văn. Nó cũng là cuộc đời riêng; nhưng đồng thời cũng là cái loa phát ngôn của người nghệ sĩ. Trong bản thân hình tượng bao giờ cũng có sự thống nhất sinh động giữa các mặt cá biệt và khái quát, lí trí và cảm xúc, chủ quan và khách quan. Hình tượng càng độc đáo, được nâng lên mức điển hình thì hiện thực càng được phản ánh ở những góc cạnh sâu xa nhất, hướng tới một giá trị thẩm mĩ riêng – “chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc” Điều đó làm nên “ánh sáng riêng mãnh liệt” cho hình tượng nhân vật. Đến với hình tượng nhân vật là đến với một thế giới hiện thực riêng biệt được xây dựng ngay trên nền thế giới hiện thực đương thời. Hình tượng nhân vật tỏa sáng của lí tưởng thẩm mĩ lên trên hiện thực bề bộn, để cho người đọc có một cái nhìn mới mẻ; chân thực và sâu sắc hơn về cuộc đời. Lời nhận định đã khẳng định tầm quan trọng và giá trị biểu hiện của hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Đó cũng là cơ sở để đánh giá tư tưởng nhà văn và giá trị của toàn bộ tác phẩm.

“Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm của người đọc”. Nhà văn lấy tư liệu từ hiện thực để xây dựng nên hình tượng điển hình và đặt vào đó tư tưởng thẩm mĩ của mình. Tôi nhớ câu chuyện thần thoại xa xưa, thần Trụ Trời lấy đất sét nặn ra con người và thổi hơi thở của mình vào những hình tượng vô tri để cho con người sự sống. Nhà văn phải chăng cũng là người thổi linh hồn mình vào trong hình tượng nhân vật để dù mang những phẩm chất đặc trưng, phổ quát của thế giới hiện thực, nó vẫn có một sức sống riêng, một cuộc đời cá biệt trong “tâm trí của người đọc”. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực là những kẻ đại diện cho bọn thống trị như Nghị Hách, Nghị Quế, Bá Kiến… hay nhũng nạn nhận của xã hội cũ như anh Pha, chị Dậu, lão Hạc, Mị… Hiệu quả cao nhất mà những điển hình đó đạt được là bóc trần sự mục nát của xã hội thực dân phong kiến với một thái độ phủ nhận và phê phán mạnh mẽ. Nhưng độc đáo hơn, lần đầu tiên người ta biết đến một cách trị người tàn ác và mưu mô như của Bá Kiến, con đường leo lên xã hội thượng lưu nhơ bẩn và lố bịch như của Xuân Tóc Đỏ. Những hình tượng điển hình ấy không bao giờ chỉ đơn thuần là một bức tranh nhân sinh mà bao giờ cũng gửi đến người đọc một thông điệp; một triết lí sâu xa.

Biêlinxki từng phân biệt: “Nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận, nhà văn nói bằng các hình tượng và bức tranh. Dù đều đi từ cái riêng đến cái chung để khám phá cuộc sống con người, khám phá bản chất của thực tại nhưng trong quá trình nghiên cứu, trong khi các nhà triết học, khoa học gạt bỏ những chi tiết cá biệt, những yếu tố ngẫu nhiên để tìm ra cái chung; để khẳng định yếu tố khách quan, chân lí thì trong nghệ thuật lại in đậm dấu ấn chủ quan, cái chung được biểu hiện trong cái riêng; cái riêng để khái quát cái chung. Hình tượng nhân vật ra đời nhằm mục đích đó. Chí Phèo, Thị Nở từ văn chương đã bước ra cuộc đời; trở thành những cái tên như minh chứng tiêu biểu cho tính điển hình của hình tượng nhân vật. Ta thấy trong cuộc đời nhọc nhằn của anh Pha, chị Dậu… dáng dấp ông cha, những người cả đời gắn bó với ruộng đồng và chịu biết bao nhiêu áp bức. Đó chính là sự “sinh ra từ tâm trí của nhà văn”. Nhưng không bao giờ những Chí Phèo, chị Dậu ấy là bản thân cuộc đời thực.

Văn học chỉ có một Chí Phèo với bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong khi cuộc đời có cả ngàn thằng Chí Phèo uống rượu say rồi chửi bới. Văn học chỉ có một Hăm-lét với niềm trăn trở, day dứt vì lí tưởng “sống hay không sống” trong khi lịch sử có biết bao nhiêu âm mưu “chiếm ngôi vua, đoạt quyền chúa”. Không bao giờ người ta quên được tiếng nói khắc khoải của Chí Phèo: “Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện? Làm sao xóa được những vết sẹo trên mặt này?”. Không chỉ bởi một hiện thực khốc liệt của xã hội phong kiến dồn đuổi con người vào bước đường cùng mà sâu sắc hơn hết người ta nhận ra trong đó một khát vọng sống mạnh mẽ; cháy bỏng; một ước muốn lương thiện giản dị mà cao đẹp của một tâm hồn tội lỗi. Lần đầu tiên người ta nhận ra ánh sáng của lương tri, ánh sáng của tính người tỏa ra từ thân xác của con quỷ dữ. Đó chính là “ánh sáng riêng” của hình tượng Chí Phèo “chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc”.

Kinh Thư xưa có câu: “Thẩm sở mộng chi nhân, khắc kì hình tượng, dĩ tứ phương băng cửu chi ư dân gian” (Xem xét người thấy trong mộng, khắc lấy hình tượng của người ấy để đi tìm khắp bốn phương trong dân gian). Hình tượng nhân vật bao giờ cũng là ‘ con người của dân gian”. Nó được thoát thai từ hiện thực đời sống và mang những tính cách cơ bản nhất, bản chất nhất và nổi bật nhất của đời sống xã hội. Nguyễn Du từ bao nhiêu cuộc đời long đong, lận đận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã xây dựng lên hình tượng Thúy Kiều với tất cả nỗi đau khổ của loài người đúc kết lại:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Trong cuộc đời mười lăm năm lưu lạc của Kiều có những “vết xe đổ” của Đạm Tiên, của Tiểu Thanh, của người con gái đất Long Thành cùng biết bao nỗi đau khổ khác của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cuộc đời Thúy Kiều là một bức tranh toàn cảnh và sinh động về nỗi đoạn trường của người phụ nữ dưới xã hội hà khắc, nặng nề, tàn ác và thối nát của thời đại cũ. Hiện thực trong Truỵện Kiều được tái hiện qua tâm trí của Nguyễn Du. Người đọc như được cùng nàng Kiều trải qua biết bao thăng trầm, tận mắt chứng kiến và thấu hiểu muôn vàn nỗi khổ đau của kiếp người. Nhưng Kiều không chỉ là đại diện cho một lớp người, cuộc đời Kiểu không đơn thuần chỉ là một bức tranh hiện thực rộng lớn và Nguyễn Du không chỉ là ngòi hiện thực chủ nghĩa một chiều. Kiều được ca tụng là người phụ nữ đẹp nhất của văn học Việt Nam bởi những nét đẹp riêng biệt, độc đáo, chỉ tài năng Nguyễn Du mới có thể sáng tạo nên:

Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

(Truyện Kiêu – Nguyễn Du)

Vẻ đẹp khiến cho trời đất phải ghen tức, vẻ đẹp làm thiên nhiên đảo lộn, có lẽ trong cả nền văn học Việt Nam, người ta chỉ tìm thấy mình Kiều. Kiều “sống trong tâm trí người đọc” không chỉ bởi nét riêng biệt “hơn người” ấy mà còn bởi tấm lòng cao cả của Nguỵễn Du được soi rọi trong những câu thơ đẹp nhất dùng để ca ngợi sắc đẹp người con gái tài hoa.

Cũng trong Truyện Kiều, bên cạnh nhân vật điển hình Thúy Kiểu, Kim Trọng, Từ Hải thì Mã Giám Sinh cũng là một nhân vật điển hình có “ánh sáng riêng”. Ở hình tượng này, người đọc nhận ra một cách rõ ràng hiện thực biểu hiện cụ thể, sinh động như có thực:

Hỏi tên rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
(…) Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
(…) Cò kè bớt một thêm hai.

“Nghệ thuật là biết tước bỏ và tập trung” (L. Tôn-xtôi). Nguyễn Du đã “tước bỏ” những chi tiết về tên, tuổi, quê quán. Và “tập trung” với vài chữ thật đắt, thật sâu cay – “tót, sỗ sàng, “cò kè”, tác giả đã “giết chết” nhân vật của mình để khẳng định bản chất một kẻ vô học, một con buôn với đầy đủ ngón nghề và sự ma lanh. Nhưng đằng sau đó, người ta còn thấy cả một phường buôn thịt bán người tàn nhẫn của xã hội phong kiến. Nhân vật Mã Giám Sinh vừa mang tính cá biệt vừa mang tính khái quát; là một điển hình tiêu biểu cho những nhân vật phản diện trong Truyện Kiều. Người đọc vừa thấy ở hắn một tính cách xảo quyệt của kẻ buôn người hạng nhất, vừa thấy thêm một góc tối nhơ bẩn của xã hội phong kiến đương thời. Từ câu chuyện đời Minh của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, bằng tài năng bậc thầy, Nguyễn Du đã xây dựng nên những hình tượng điển hình độc đáo để từ nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, Thiên văn tự tuyệt bút – Truyện Kiều ra đời; dù vẫn giữ nguyên cốt truyện nhưng hiện thực đã trở thành hiện thực của xã hội Việt Nam đương thời, nhân vật đã trở thành con người Việt Nam. Tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc dù xây dựng từ cái nền của tác phẩm nước ngoài chính bởi những hình tượng nhân vật điển hình như Kiều, Từ Hải, Mã Giám Sinh…

Như vậy, “nghệ thuật không đòi hỏi phải thừa nhận cái tác phẩm của nó như là hiện thực” (Phơ-bách). Sự thực trong tác phẩm nghệ thuật không phải bản thân cuộc đời thực, thậm chí có lúc thực hơn ngoài cuộc sống vì hình tượng nhân vật không lệ thuộc máy móc vào yếu tố cá biệt. Sự kiện trong thực tế với sự kiện trong văn học có một khoảng cách lớn. Sợi dâỵ mỏng manh nối giữa chúng chính là hình tượng nhân vật, là tư tưởng của người viết.

“Hình tượng văn học là sự tổng hợp những tư tưởng và say mê, là kết quả của một tấm lòng đầy thiết tha” (Biêlinxki). Hình tượng nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng mang dấu ấn mạnh mẽ của chủ quan nhà văn, bộc lộ tiếng nói riêng, phong cách độc đáo của người nghệ sĩ. Mỗi hình tượng nhân vật điển hình lại tỏa chiếu ra một ánh sáng riêng. Đó chính là ánh sáng của tư tưởng nhà văn, của lí tưởng thẩm mĩ được soi chiếu qua hình tượng. Hình tượng nhân vật là nơi gửi gắm trái tim sôi nổi nhiệt thành, đầỵ yêu thương của người viết. Đằng sau ngòi bút lạnh lùng; sắc sảo xây dựng nên một hình tượng Chí Phèo là trái tim Nam Cao nhức nhối những nhịp đập yêu thương và căm phẫn. Ông xây dựng Chí Phèo trong bi kịch bị cự tụyệt quyền làm người không chỉ để cất lên tiếng nói tố cáo xã hội mà còn là tiếng nói cảm thông đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người. Những trang viết của Nguyễn Du cũng thấm đầy nước mắt khi miêu tả cuộc đời khổ đau của Thúy Kiều. Nhà thơ đã khóc cùng nhân vật, cười cùng nhân vật; nâng niu nhân vật lên bằng ngòi bút tình thương đáy lòng bác ái. Tư tưởng cùa nhà văn soi sáng trong các hình tượng nhân vật. Nó luôn hướng con người tới những giá trị đích thực của văn chương và cuộc sống. Văn học luôn là điểm tựa để con người vươn lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã, hướng tới chân – thiện – mĩ cuộc đời. “Văn học là nhân học” (M. Gorki). Mọi yếu tố của văn học đều mang giá trị nhân văn, nhân đạo hóa con người; chỉ ra cho con người sự xấu xa để vươn tới cái cao cả của tâm hồ. Đó chính là thứ ánh sáng “được sinh ra từ tâm trí của nhà văn” không bao giờ tắt trong mọi tác phẩm văn chương chhân chính.

“Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí” bằng tài năng và tâm huyết của nhà văn, làm nên đặc điểm phong cách từng tác giả. Nó tỏa ra thứ ánh sáng của riêng người viết, ánh sáng của tài năng, của lương tri. Không một hình tượng nhân vật nào giống hình tượng nhân vật nào bởi nghề văn đòi hỏi sự sáng tạo, sự thâm nhập thực tế để xây dựng nên những hình tượng nhân vật bất hủ. Khi người nghệ sĩ đã thâm nhập sâu sắc vào nhân vật, họ như được sống cuộc đời của nhân vật, xúc động, yêu thương, vui buồn, đau khổ, giận hờn… như cảnh ngộ của chính mình. Đó là những giây phút “tự quên mình” đồng thời in dấu chủ quan của mình vào đối tượng miêu tả. Các nghệ sĩ vĩ đại như L.Tôn-xtôi, M. Gorki, Banzắc, Phlô-be… đều có sự thâm nhập sâu sắc như vậy. Banzắc kể lại, sau khi đi theo và lắng nghe những người công nhân nói chuyện với nhau, ông nhanh chóng nhập thân vào đối tượng sâu sắc đến mức cảm thấy như mình cùng đang mặc những quần áo rách rưới như họ, đang đi những đôi giày rách như họ, những nhu cầu nguyện vọng của họ đều được truyền đến tâm hồn tôi hay nói đúng hơn: với tất cả hồn mình, tôi nhập vào tâm hồn họ. Chỉ có sự thâm nhập thực tế bằng cả con người và trái tim thì người nghệ sĩ mới có thể sáng tạo nên những hình tượng nhân vật bất hủ, những nhân vật vừa là con người của quần chúng; vừa là con người của văn chương, vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính nghệ thuật độc đáo. Bàn về giá trị của hình tượng điển hình trong tác phẩm, lời nhận định còn đặt ra yêu cầu của người nghệ sĩ chân chính. Đó là những yêu cầu của văn học muôn đời.

  • Kết bài:

Mỗi người nghệ sĩ khi sáng tạo mang trong mình một nhiệt huyết sáng tạo cháy bỏng và con mắt tinh nhạy, nhìn hiện thực cuộc sống với con mắt của người đầu tiên; đặc biệt là “sống toàn tim, toàn trí, toàn hồn – sống toàn thân và thức nhọn giác quan” để xây dựng hình tượng nhân vật mang ý nghĩa, ẩn chứa bao điều huỵền diệu, sâu sắc về nhân sinh. Và người tiếp nhận do đó khi thưởng thức tác phẩm cũng cần phải nâng cao trình độ thẩm mĩ, tìm hiểu và nhận ra ý nghĩa, giá trị của những hình tượng nhân vật. Nhà văn là kẻ đã dùng những hình tượng và từ ngữ hoàn chỉnh lạ lùng để cô đặc lại những ý nghĩ, những cảm xúc, những giọt máu và những giọt lệ cay đắng, nóng bóng của thế gian này. Hơn bất kì một nghề nghiệp, tôi yêu nghề văn bởi hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của tôi và hiện thực cuộc đời dắt tôi đến một chân trời mới, một tâm hồn mới và những điều kì diệu chỉ thấy trong mơ.

Bài văn tham khảo 2:

Mỗi con người khi sinh ra đều sẽ được bạn tặng một cuộc đời riêng biệt. Thế nhưng cũng có những con người không chịu sống những cuộc sống riêng ấy. Họ cứ thích đi tìm những nét đẹp thân sơ, thích ngắm nhìn cây cỏ, thích được sưởi mình cùng đàn ong, lũ kiến và thích được tận hưởng niềm vui, nỗi buồn của những mảnh đời khác. Và ta gọi họ là những người nghệ sĩ, những kẻ suốt đời đi tìm cái đẹp. Thông qua đôi mắt của họ, mỗi câu chuyện họ kể là mỗi lần đau và mỗi người họ gặp đều là một lần được sống. Và khi những con người của đời sống bước vào tác phẩm của các nghệ sĩ, họ trở thành những hình tượng nghệ thuật độc đáo mà cũng thật dung dị, thân quen. Bởi thế nên khi nói về chủ đề này, có ý kiến bàn luận rằng: “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.”

“Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc” là một quan điểm, triết lí đúng đắn. Bởi lẽ thường văn học từ bao đời nay vốn là như thế. Hình tượng nhân vật là một bức vẽ đầy đủ cảm xúc của người nghệ sĩ về đời sống, nhất là đời sống con người. Mà đã là đời sống, thì luôn có muôn hình muôn vẻ. Vậy nên, đã là nhà văn, tự xưng nhà văn và được gọi là nhà văn thì họ cần và thực sự cần phải biết cách xây dựng và mài giũa những hình tượng nhân vật bằng tình cảm, cảm xúc, bằng sự từng trải, say mê và quyến luyến của mình. Họ phải thổi hồn, thổi tim gan, thổi nước mắt của mình vào từng nhân vật. Những hình tượng nhân vật cũng giống như con người vậy, được sinh ra, được giáo dục và hoàn thiện dựa trên tư tưởng của những bậc thân sinh.

Biêlinxki đã khẳng định: “Hình tượng văn học là sự tổng hợp những tư tưởng và say mê, là kết quả của một tấm lòng đầy thiết tha”. Hình tượng nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng mang dấu ấn mạnh mẽ của chủ quan nhà văn, bộc lộ tiếng nói riêng, phong cách độc đáo của người nghệ sĩ. Thế nhưng dù là hình tượng nhân vật hay chính bản thân tác giả cũng chỉ được quyền sinh ra mà lại chẳng thể định đoạt sự sống cho các nhân vật ấy. Bởi những hình tượng nhân vật ấy chỉ thực sự sống khi được người đọc đón nhận, tiếp thu và vận dụng. Những nhân vật phải được nuôi dưỡng bằng niềm say mê, yêu thích của chính độc giả và đó là cốt lõi, là quy luật vận hành của văn học từ ngàn đời. Vậy nên mới có ý kiến rằng văn học nghệ thuật là “tiếng nói điệu đồng đi tìm những tâm hồn đồng điệu.” Nhà thơ đồng thời cũng là người đọc thơ và khi hai luồn tư tưởng giao thoa thì tác phẩm sáng rực lên thành nhịp cầu nối liền tâm hồn với tâm hồn, trái tim tới trái tim. Thế cho nên người đọc đến với văn chương cốt cũng để tìm lại chính bản thân mình, thấy những suy nghĩ, cảm xúc của mình mà người nghệ sĩ gửi gắm và truyền tải. Người đọc chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống văn chương và chất keo gắn kết người đọc và người viết chính là những hình tượng nhân vật.

Văn học hay các loại hình nghệ thuật nói chung đều là địa hạt của sự sáng tạo. Thông qua lăng kính muôn màu của cuộc đời, những nhà văn, nhà thơ đã hao tổn “cả ngàn cân quặng chữ” để xây dựng nên một nhân vật. Nhà văn tựa như là “những chú chim sơn ca náu mình nơi bóng tối” để đau nỗi đau của đời và hận nỗi hận của người. Có phải vì những sự hy sinh sương máu ấy mà những nhà văn, nhà thơ, những người nghệ sĩ mới được ban tặng những thiên chức cao cả:

Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuận cùng đời hay.

Nhà văn là những người đi tìm cái đẹp và thông qua cái đẹp để truyền đạt thiên lương, cảm hóa con người. Nhà văn hòa mình vào biển đời với một con tim phơi phới rạo rực và chuyển hóa những vật thể khách quan mình được nhìn, được thấy vào một thế giới nội tâm chủ quan của bản thân mình. Đó là khi người nghệ sĩ rung cảm trước hiện thực đời sống và sáng tạo nên những tác phẩm “nghệ thuật vị nhân sinh” chân chính. Sự nhạy cảm và dễ xúc động phải là hai yếu tố thường trực và đau đáu để bất cứ khi nào và bất cứ đâu, nhà nghệ thuật vẫn có thể mở rộng trái tim để đón nhận những âm vang ở đời. Chúng là điều đã thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tác và ta có thể ví tâm trí những con người ấy như chiếc đàn tinh tế sẵn sàng rung lên trước mọi va đập dù là nhỏ nhất. Và hơn hết, nói về hình tượng nhân vật – chiếc áo khoác ngoài thể hiện bản tính nhà văn, chính như M. B. Khrapchenko đã nhận xét: “Tất cả những gì truyền vào các hình tượng nhân vật đều mang trên mình nó dấu ấn của những xúc động, những khát vọng, những tình cảm của nhà văn”. “Hình tượng nhân vật sinh ra từ tâm trí nhà văn” cũng vì lẽ đó.

Hình tượng nghệ thuật được sinh ra từ tâm trí nhà văn và cũng làm phong phú thêm tâm hồn người nghệ sĩ. Cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng và nhà văn phải phát hiện những cốt lõi sâu xa, tiềm ẩn thẳm sâu trong sự vật hiện tượng. Họ phải “khơi những nguồn chưa ai khơi” (Nam Cao) và tự mở đường cho nền văn học của riêng bản thân mình. Bằng sự quan sát tỉ mẩn, tinh tế suốt ngày này qua tháng nọ, nhà văn có thể nhìn thấy những cái mơ hồ mà bình thường khó nắm bắt để rồi tạo ra những liên tưởng độc đáo, bồi đắp trí tưởng tượng và làm phong phú tâm hồn nhà văn. Để rồi từ đó, ngày càng nhiều hình tượng nghệ thuật được sinh ra, đẩy đủ và ngày càng hoàn thiện. Nguồn cảm hứng là hiện thực cuộc sống và con người, chất liệu là ngôn từ, nhân vật từ đó ra đời – sản phẩm của quá trình lao độn không ngừng không nghỉ của nhà văn.

Nếu từ thời xa xưa, thần trụ trời nặn hình rồi thổi hồn để tạo ra con người thì xuyên suốt nền văn học, tâm hồn bay bổng, phong phú và rộng mở đã cùng bồi đắp lên những hình tượng nhân vật độc đáo, giúp nhà văn hòa nhập vào nhân vật đến mức quên cả bản thân mình. Hồ Chí Minh và bài thơ Mộ – Chiều tối chính là một ví dụ cho điều ấy. Giữa cảnh tù đày những năm 1942-1943, Hồ Chí Minh vẫn không hề bi quan mà ngược lại, Người không được tự do sống bằng cách sống của mình thì Người sẽ nhìn và cảm đời sống của người khác để quên đi nỗi đau của bản thân:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”​

Giữa hoàn cảnh cơm không đủ no, nước không đủ uống, tâm hồn Người vẫn lạc quan và hình tượng nhân vật trữ tình được Hồ Chí Minh gián tiếp gợi ra khiến ta thật xúc động. Đó là hình ảnh những cánh chim mỏi về rừng, là những áng mây cô liêu giữa bụng trời và rồi tâm điểm của bức tranh thủy mặc ấy chính là hình ảnh người thiếu nữ sơn thôn đang hăng say lao động. Một vẻ đẹp hết sức đời thường và dung dị nhưng có mấy ai biết đâu đó chỉ là liều thuốc tinh thần cho trái tim nồng cháy của Hồ Chí Minh. Và hình ảnh ánh lửa bập bùng ngời tỏa không còn là ánh lửa thuần túy từ lò than hồng nữa mà đã trở thành ánh lửa của niềm tin, của hy vọng mà Hồ Chí Minh gửi gắm trong hình tượng nhân vật của mình. Và hơn hết, chính hình tượng nhân vật khi gặp được ngọn lửa cũng trở thành một biểu tượng, một sức mạnh để nhà thơ tiếp tục kháng chiến trường kì.

Mỗi hình tượng nghệ thuật khác nhau đều dại diện cho một cá tính sáng tạo riêng biệt. Bởi như một nhà nghệ thuật đã khẩn cầu: “Đừng cho tôi đề tài, hãy cho tôi đôi mắt”. Điều đó mới thật khôn ngoan làm sao! Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, không chỉ giúp ta học tập, vui chơi mà còn cùng ta khám phá những đề tài mới mẻ xung quanh bản thân mình. Có đôi mắt, tức là có được ánh nhìn, hoặc yêu thương, hoặc hờ hững mà cũng có thể là căm ghét, nhưng hơn tất cả, có đôi mắt còn tốt hơn là chỉ được đưa cho một chủ đề. Luận điểm trên hoàn toàn được Sê Khốp đồng tình: “Nếu nhà văn không có một lối đi riêng của mình thì những người đó chẳng bao giờ là nhà văn“. Chính vì lẽ đó mà dẫu cho bao hình tượng nghệ thuật được sinh ra từ cùng một tác giả, nhưng sẽ chẳng bao giờ là giống nhau.

Điều đó cũng được chứng minh qua lời triết lý ngàn đời: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Dòng sông dù hiền hòa dịu êm hay ồn ào dữ dội thì nó cũng không bao giờ dừng dòng chảy của mình lại, cũng như những cơn gió sẽ không bao giờ đứng yên và những loài chim sẽ chẳng bao giờ mỏi cánh, tâm hồn con người cũng vậy mà thôi. Khoa học hiện đại đã đưa ra những bằng chứng rằng tâm trạng và cảm xúc của con người “chết” đi từng ngày. Vì mỗi tế bào trong não chúng ta gắn liền với một điều gì đó mà chúng ta đã trải qua, và khi những tế bào ấy chết đi, tế bào mới thế chỗ, nếu không được “gợi nhắc”, những thứ cảm xúc, suy tư và trải nghiệm ấy sẽ chìm sâu vào đáy lòng và có thể sẽ mất đi mãi mãi. Mỗi ngày trong cuộc đời là khác nhau dù cho có nhiều điểm tương đồng thế nào đi chăng nữa.

Và nhưng cung bậc cảm xúc, những hình tượng nghệ thuật cũng vậy. Ta không thể nhầm lẫn người con gái Nam Xương – Vũ Nương với người thiếu nữ sơn thôn khao khát đi chơi – Mị, ta không thể nhầm lẫn những bài thơ Huy Cận với Hàn Mạc Tử cũng như ta không thể gọi là “buồn” khi trong buồn còn bâng khuâng, không thể gọi là “vui” khi ở vui còn vội vã được. Đó là hiện thực, vì dù có là “những vòng tròn đồng tâm”, thì hình tượng nhân vật nói riêng hay văn học nói chung cũng có hàng ngàn, hàng tỉ bán kính và tính chất khác nhau và ta chẳng thể nào tìm hiểu hay kể tên hết được.

Nhà văn Lê Định Kỵ đã khẳng định về Nam Cao rằng: “Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc, soi mói như của Nam Cao” và dẫu cho viết về đề tài người nông dân nghèo cùng khổ, nét “gân guốc, soi mói” của Nam Cao cũng có những đặc tính khác nhau trong mỗi biểu hiện. Nhất là khi ông có cho mình những hình tượng nhân vật cụ thể, cá tính nhưng cũng mang tính khái quát cao. Bàn về “Lão Hạc”, tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực. Hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm là một người nông dân hiền lành chân đất – Lão Hạc. Vợ lão mất sớm, lão ở vậy nuôi con. Vì nhà nghèo, không đủ tiền lấy vợ, thằng con lão quẫn trí bỏ đi đồn điền cao su. Lão thui thủi một mình chỉ biết bầu bạn cùng con chó cưng – cậu Vàng. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn và để giữ mảnh vườn cho con, mà lão đã cắn răng bán chó. Lão cứ ăn năn, day dứt mãi vì đã nỡ tâm “lừa cả một con chó” : “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít, lão hu hu khóc”. Còn gì khổ đau hơn khi tự tay bán đi hy vọng và niềm vui của mình. Vậy mà lão đã bán chó và điều đó đã gián tiếp dẫn tới cái chết đau đớn và quằn quoại của Lão. Xây dựng một nhân vật như Lão Hạc, Nam Cao không chỉ thể hiện năng lực ngôn ngữ bậc thầy mà còn cho thấy sự nhân đạo từ trong cốt tủy. Hình tượng Lão Hạc là điển hình cho những người nông dân bị bóc lột, chèn ép đến vô nhân đạo dưới xã hội thực dân và bọn tay sai phong kiến. Chính sự bế tắc, cùng cực đã sát hại hàng trăm nghìn sinh linh bé nhỏ và đáng thương như lão Hạc.

Thế nhưng chỉ vài năm trước đó thôi, Chí Phèo cũng được Nam Cao khai sinh. Khác với Lão Hạc, Chí Phèo cứ mãi trượt dài trên con đường tha hóa. Sau khi bị Bá Kiến đẩy vào tù, nhà tù thực dân đã biến Chí từ một anh canh điền hiền lành như đất thành một tên lưu manh rạch mặt ăn vạ. Bi kịch của Chí không dừng lại ở đó. Khi Chí vừa phát hiện ra cánh cửa để trở về với xã hội loài người – Thị Nở thì một bàn tay vô hình của xã hội đã đóng sầm cánh cửa ấy lại trước mặt Chí. Hắn đã bị từ chối cả quyền yêu và được yêu. Hắn đau đớn khôn cùng và khi hắn nhận ra bi kịch của đời mình, hắn nào chịu chết yên vị như Lão Hạc, hắn đến giết chết Bá Kiến – kẻ thù suốt đời của hắn và tự đâm chết chính mình. Một cái chết cũng dằn vặt, đau đớn không kém cái chết của Lão Hạc, cái chết để giữ chút thiên lương đáng thương hại mà hắn vừa tìm lại được và chút thiên lương mà Lão Hạc dành cả đời để bảo vệ và nâng niu. Hai nhân vật cùng nói lên những xung đột giai cấp, những đắng cay, tủi hờn của người nông dân nhưng lại khác nhau ở cả hình thức bên ngoài và nội tâm bên trong. Điều đó đủ cho ta thấy những nét khác biệt trong mỗi hình tượng nhân vật của Nam Cao cũng như của mọi nhà thơ, nhà văn khác.

“Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.” Một lần nữa ta phải khẳng định tính đúng đắn của nhận định này. Bởi bản chất thẩm mĩ của văn học là hướng tới cái đẹp, phản ánh cái đẹp, bồi đắp cái đẹp và hình thành thị hiếu thẩm mĩ, lý tưởng thẩm mĩ cao đẹp cho con người. “Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”, đó là chân lý và cũng là ngọn đèn soi sáng cho sức sống của văn học muôn đời. Người đọc trong quá trình tiếp cận nghiền ngẫm để xác định xem “sản phẩm tinh thần” đó có đáng đọc hay không? Hay hay dở? Không phải người “thai nghén”, “sinh đẻ” ra hình tượng nhân vật nhưng người đọc đã ngấm ngấm nuôi dưỡng, chăm chút hay lạnh lùng khai tử nhân vật văn học ấy đi. Rõ ràng vai trò của người đọc vô cùng quan trọng. Trong Lí luận văn học (Tập 1 – Phương Lựu chủ biên) có nhận định: “Tác phẩm mà không đến với người đọc, thì chẳng khác nào một bức thư không có địa chỉ. Ngay tác phẩm lớn mà chưa đến được người đọc, thì nhiều lắm cũng chỉ là những di vật quý báu, nhưng chưa được trưng bày”. Đối với hình tượng nhân vật, người đọc là kẻ quyết định bảo tồn hay đào thải khỏi đời sống văn học, chọn lựa cự tuyệt hay hấp thụ, tiếp nhận nhưng cũng có phán xét, bình phẩm? Ta nhận ra vấn để: Hình tượng nhân vật sinh ra từ tâm trí nhà văn nhưng chỉ thực sự sống trong tim người đọc là một vấn đề vô cùng chuẩn xác, khẳng định tính hai chiều của nhà văn – bạn đọc mà trung gian là hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn chương.

“Túp lều bác Tom” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mĩ Harriet Beecher Stewe. Tác phẩm đã nói lên sự cùng quẫn của những người nô lệ da đen ở Mĩ giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm ở nhiều bang miền Nam – nơi chế độ nô lệ vẫn được duy trì, “Túp lều bác Tom” vẫn được bán ra hơn ba trăm nghìn bản, một con số kỷ lục lúc bấy giờ. Chính câu chuyện của bác Tom đã khiến cho phong trào chống chế độ nô lệ bùng cháy, gây ra một cú chấn động trong lòng nước Mĩ, khiến những người có lương tri không thể ngồi yên với chế độ nô lệ tàn khốc nữa. Họ đã đứng lên, đấu tranh và giành chiến thắng. Ngài tổng thống Mĩ Abraham Lincoln khi gặp nhà văn Harriet Beecher Stewe đã nói rằng: “Hóa ra bà là người phụ nữ bé nhỏ đã làm bùng lên cuộc chiến tranh lớn.” Cuốn tiểu thuyết của Harriet Beecher Stewe không phải là dẫn dụ duy nhất cho thấy quyền năng của hình tượng nhân vật nói riêng và văn học nói chung với đời sống, đặc biệt là với bạn đọc. Vậy thì tại sao một hình tượng nhân vật văn học lại đạt được những sức mạnh to lớn như vậy? Câu trả lời vốn dĩ rất đơn giản. Bởi “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.”

Có thể nói, bạn đọc là những người đánh giá, thấu hiểu và đồng sáng tạo với nhà văn. Những tác phẩm có giá trị phải là những tác phẩm chạm tới sâu thẳm linh hồn bạn đọc và để làm được điều đó một cách trực tiếp và hiệu quả nhất, chính là sử dụng một hình tượng nhân vật. Trong quá trình tiếp nhận văn học, người đọc không chỉ được cảm nhận những tư duy, tình cảm, tư tưởng của nhà văn mà còn bổ sung nó theo quan điểm của chính mình. Nói tới nền văn học Việt Nam, Chí Phèo là một hình mẫu tiêu biểu cho người nông dân. Dù đã qua hơn nửa thế kỉ, nhưng mỗi khi trông thấy cái lò gạch cũ, thấy một tên say rượu, lè nhè chửi là ta lại thầm nhủ – Đấy! Y như thằng Chí Phèo. Thế chẳng phải con quỷ dữ của làng Vũ Đại đã sống trong lòng người đọc rồi đấy ư? Và phải nói thêm rằng, khi bàn về hình tượng của Chí, có rất nhiều ý kiến cho rằng hình tượng anh Chí không phù hợp đẻ giảng dạy tại chương trình ngữ văn 11. Bởi ở độ tuổi này, có mấy em học sinh đủ gà rơ, chắc chắn vốn chữ, vốn sống để coi Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị chứ không phải là một “bản sao hơi giống AQ” và tiếng than vãn khẩn thiết “Ai cho tao lương thiện: Sẽ còn có thêm nhiều ý kiến khác nữa. Cuối cùng thì” Chí Phèo “có thể thoát khỏi cái ao đời phẳng lặng để thử sức với chiều đa diện hơn, hay sẽ trở về và đối mặt với” một sự thật khác “của giá trị nghệ thuật. Dù thế nào thì” Chí Phèo “vẫn mãi là một cuộc bàn luận. Mà đã bàn luận, thì ắt phải đào sâu, mò kĩ và khi ấy, người đọc đã chính thức trở thành một phần của nhà văn, thông qua hình tượng nhân vật mà giải đáp mọi câu hỏi được đặt ra, từ đó bổ sung cho hình tượng nhân vật trên nhiều phương diện và góc độ sâu rộng hơn.

Hình tượng nhân vật sống trong lòng bạn đọc không chỉ bởi có vậy mà còn bì hình tượng nhân vật để lại những dấu ấn to lớn, những bài học tư tưởng và” sống “đúng nghĩa trong lòng bạn đọc. Được” sống “chứ không phải là” tồn tại “, tức là được ngợi ca và nhắc tới chứ không phải chỉ hiện hữu trên đời mà chẳng ai nhớ mặt, nhớ tên. Sự sống chỉ đến với hình tượng nhân vật khi chúng hội tụ đầy đủ những giá trị về nội dung và cả nghệ thuật và khi ấy, chẳng cần hình tượng nhân vật đứng ngay trước mặt, chỉ cần một tiếng gọi thôi cũng đủ sức lay động cả triệu trái tim con người. Đối với những người nông dân Nam Bộ, hình ảnh chàng Lục Vân Tiên hiền lành, dũng cảm chính là một hình tượng hoàn mỹ như vậy. Hình ảnh người thư sinh họ Lục với quan điểm cứu người độ thế:” Làm ơn há dễ trông người trả ơn “ấy đã trở thành cánh tay đắc lực của cụ đồ Chiểu trên mặt trận tư tưởng. Nguyễn Đình Chiểu bị mù hai mắt, nhưng với tình yêu nước dạt dào và tinh thần không chịu đầu hàng, ông vẫn xướng lên những khúc ca đầy khí thế để khích lệ nhân dân, tướng sĩ đứng lên cùng nhau chống giặc. Cứ như vậy, suốt bao đời nay, hình ảnh Lục Vân Tiên chính là hình ảnh” gối đầu “của những người con Nam Bộ chân chất: Họ ăn cùng Lục Vân Tiên, nói chuyện bằng lời Lục Vân Tiên và sống cũng giống như Lục Vân Tiên. Lục Vân Tiên đại diện cho những lý tưởng của lớp lớp thanh niên: Cứu người độ thế và những giá trị của Lục Vân Tiên vẫn được nhắc tới, lưu truyền và học hỏi cho đến tận ngày nay. Sức ảnh hưởng của Lục Vân Tiên không thể gói gọn trong một vài câu chữ mà hơn hết, Lục Vân Tiên ở trong trái tim mỗi người dân Nam Bộ và toàn thể con người Việt Nam.

Sức sống của hình tượng văn học không chỉ ở trong tim mà còn tràn ra đến đời sống thường nhật. Sức mạnh của văn học không chỉ ở mặt trận tư tưởng mà còn ở phương diện đời sống. Vì lẽ dĩ nhiên, khi một điều gì đã đi sâu vào trí não và tiềm thức, con người sẵn sàng hành động theo những gì đã ghi nhận và quyết tâm để bảo vệ những điều ấy. Lại nói về” Túp lều bác Tom “, hình ảnh bác Tom với quyết tâm bảo vệ tấm lòng trong sạch mà bị đẩy tới cái chết thê thảm nhưng lại hết đỗi thanh cao đã bén rễ thật sâu vào bao lớp độc giả. Hình ảnh bác Tom khi mất là một ám ảnh khó quên, nương náu mãi trong thẳm sâu kí ức mà vô tình kích phát ra trong những hành động thường nhật của những người nô lệ da đen, những người da vàng và cả da trắng nữa. Những con người có lương tri nước Mỹ đã học tập theo lý tưởng của bác Tom mà đứng lên chống lại xã hội, cũng giống như những con người biết yêu cái đẹp, cảm thông cái đẹp trân trọng và nâng niu người con gái Vương Thúy Kiều tài sắc mà bạc mệnh vậy:

Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành
Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha! 

Đau đớn làm sao! Xót xa làm sao! Cũng như cuộc đời bác Tom, số phận nàng Kiều vẫn luôn là một bài học, một mảnh trời riêng đượm sắc của những tâm hồn yêu văn học. Nàng Kiều đi vào đời sống với muôn vàn hình thái: Từ lòng hiếu thuận, đức hy sinh đến những tài đàn, tài họa của nàng, rồi đến bói Kiều, vịnh Kiều, nảy Kiều hay cả trong những lời ca dao trêu ghẹo:

Trông xa thì tưởng Thúy Kiều
Lại gần mới biết người yêu Chí Phèo

Ta thật khâm phục sức sống mãnh liệt, dai dẳng của những hình tượng nhân vật nghệ thuật ấy. Họ không chỉ ở trong tâm trí mà còn trở thành một phần trong cuộc sống con người và rồi những giá trị cứ được truyền đời cho nhau. Bà kể cho mẹ, mẹ kể cho con, con kể cho con của con, cuối cùng hòa vào máu thịt của nhân dân và đằm mình trong lịch sử văn học của dân tộc.

Như vậy, hình tượng nhân vật với tư cách là cầu nối giữa người đọc và người viết đã và đang hoàn thành tốt thiên chức của mình. Và sự đồng điệu trong cách thức thừa nhận hình tượng văn học là điều mà văn học dân tộc nào, thời đại nào đều một lòng hướng tới. Điều đó cũng đặt ra những vấn đề lớn khi ngày nay, thị hiếu thẩm mĩ ngày càng thay đổi và những người cầm bút chẳng còn mấy ai cam chịu sự” vô danh “mà cứ chạy theo thị hiếu của thị trường, viết ra những điều người đọc muốn đọc chứ không còn là những vẻ đẹp thẩm mĩ khách quan nữa. Điều đó là một hồi chuông cảnh tỉnh, cũng là một yêu cầu bức thiết cho giới văn, nghệ sĩ, cần phải sáng tạo nghệ thuật bằng cái tâm, cái hồn chứ không phải bằng cái sức mạnh của đồng tiền. Mặt khác, việc đồng sáng tạo với nhà văn ở người đọc không có nghĩa là bình tán, suy diễn tùy tiện, gượng ép mà phải trên cơ sở hiểu được bản chất, quy luật sáng tạo nghệ thuật, xuất phát từ văn bản tác phẩm, từ hình tượng nhân vật. Vậy nên những bạn đọc thương mến, xin hãy sống hết mình với từng tác phẩm, để được cảm thông, đồng điệu và sống cũng những tác phẩm, tác giả. Dù là người nghệ sĩ hãy những cá nhân tiếp nhận nghệ thuật thì hãy cùng rung lên khúc đàn Bá Nha như Tử Kì để văn chương mãi mãi tươi đẹp đầy quyền năng.

Văn học xuất phát từ hình tượng con người, từ hiện thực đời sống rồi lại thu được là hình tượng nhân vật mang tính khái quát và cá tính cao. Mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc đã được thể hiện trọn vẹn ngay tại đó với tâm điểm và cầu nối chính là những hình tượng nhân vật. Và hơn hết, vòng tuần hoàn ấy đã được hoàn thiện và bổ xung dựa trên quan điểm hoàn toàn đúng đắn: “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.