Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học trong chương trình lớp 9

hoan-canh-ra-doi-tac-pham-van-hoc-lop-9-12173-2

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học lớp 9

1. Bài thơ “Đồng chí” – Chính Hữu

Bài thơ Đồng Chí được nhà thơ Chính Hữu sáng tác năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc thu đông (1947), đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Tác phẩm in trong tập thơ “Đầu súng trăng treo”.

Năm ấy, Chính Hữu mới vừa tròn 20 tuổi; đang là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ Đô. Đại đội của anh được biệt phái đi truy kích địch trên vùng Việt Bắc. Sau chiến dịch phục kích này, mình bị ốm (bệnh), đơn vị hành quân, nhưng có cử một anh ở lại trông nom, giúp đỡ mình. Chính nhờ một phần sự tận tình của anh và tình cảm của đồng đội mà sau trận ốm này mình viết bài “Đồng chí”

Bài thơ ca ngợi tinh thần đồng đội, đồng chí thiêng liêng cao đẹp, vào sinh ra tử có nhau của các anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp. Chính tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng cao đẹp là ngọn nguồn sức mạnh giúp người lính vượt qua mọi gian khổ khó khăn, dũng cảm chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ.

2. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” – Phạm Tiến Duật

Bài thơ về tiểu đội xe không kính được nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969, trên con đường chiến lược Trường Sơn. Bài thơ nằm trong chùm thơ được giải Nhẩt của cuộc thi thơ báo Văn nghệ tổ chức và được đưa vào tập thơ “Vầng trăng – Quầng lửa” (1970) của tác giả.

Bài thơ được sáng tác trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra rất gay go, ác liệt. Miền Bắc được giải phóng nhưng miền Nam vẫn tiếp tục chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, đoàn xe vận tải vẫn ngày đêm bất chấp gian khổ và hi sinh để vận chuyển tiếp viện miền Nam. Phạm Tiến Duật đã ghi lại những hình ảnh tiêu biểu của nơi khói lửa Trường Sơn. Lấy cảm hứng từ những chiếc xe không kính đã làm nền để nhà thơ chiến sĩ khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ lái xe.

Bài thơ ca ngợi những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời đánh Mĩ dũng cảm ngoan cường, lạc quan yêu đời trong mưa bom bão đạn, quyết chiến đấu hi sinh vì một lí tưởng cao cả là giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

3. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được nhà thơ Huy Cận sáng tác năm 1958, trong chuyến đi thực tế dài ngày tại vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi này hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài thơ được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958)

Hưởng ứng cuộc vân động viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc của chính phủ, năm 1958, Huy Cận hăm hở đến với vùng mở Quảng Ninh. Chính niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự  nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

Bài thơ miêu tả đoàn thuyền đánh cá trong một đêm trăng trên Hạ Long, qua đó ca ngợi thiên nhiên đất nước nên thơ tươi đẹp đang trên đà thay da đổi thịt, hình ảnh những con người mới, hăng say lao động, tư thế hiên ngang, tràn đầy lạc quan tin tưởng, đang vươn lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống của mình.

4. Bài thơ “Bếp lửa” – Bằng Việt

Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

Bếp lửa là niềm hồi tưởng xúc động của nhà thơ về hình ảnh bếp lửa quen thuộc, gần gũi và hình ảnh người bà hiền hậu. Những năm đầu theo học luật tại Kiep, nước Nga, từ xa tổ quốc, nhà thơ nhớ đến quê nhà da diết. Tháng 9 ở bên đó trời se se lạnh, buổi sáng sương khói thường bay mờ mờ mặt đất, ngoài cửa sổ, trên các vòm cây, gợi nhớ cảnh mùa đông ở quê nhà. Mỗi buổi dạy sớm đi học, nhà thơ hay nhớ đến khung cảnh một bếp lửa thân quen, nhớ lại hình ảnh bà nội lụi cụi dạy sớm nấu nồi xôi, luộc củ khoai, củ sắn cho cả nhà. Từ đó khơi gợi nguồn cảm hứng để nhà thơ viết nên bài thơ này.

Qua hình ảnh Bếp lửa – ngọn lửa, tác giả thể hiện lòng thương nhớ, kính yêu và biết ơn bà của đứa cháu đi xa, đồng thời nói lên tình yêu tha thiết đối với gia đình, quê hương, đất nước.

5. Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” – Nguyễn Khoa Điềm

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác tại chiến khu miền tây Thừa Thiên. Tác phẩm sau này được in trong tập “Đất và khát vọng” ( 1984).

Đầu năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử. Quân giặc liên tục mở những cuộc tiến công ác liệt tàn phá miền Bắc khiến cuộc sống của bộ đội và nhân dân ta trên các chiến khu rất gian nan, thiếu thốn. Ở những chiến khu miền rừng núi, cán bộ và nhân dân ta vừa bám rẫy,bám rừng vừa gia tăng  sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ. Lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động và chiến đấu của đồng bào miền núi, Nguyễn khoa Điềm viết nên bài thơ này để cỗ vũ tinh thần đánh giặc của cả nước.

Bài thơ ca ngợi tấm lòng đôn hậu, dạt dào tình thương con của bà mẹ Tà ôi, tình thương con gắn liền với tình yêu nước, yêu bộ đội Cụ Hồ, yêu bà con làng bản quê hương.

6. Bài thơ “Ánh trăng” – Nguyễn Duy

Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, khi ông đang là đại diện thường trú của Báo Văn nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên của tác giả.

Nguyễn Duy vốn là người lính. Sau khi đất nước giải phóng, ông vào làm việc và sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ chính là những trải nghiệm thực tế của chính bản thân ông. Nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà nghĩa tình. Mượn hình ảnh ánh trăng, nhà thơ bộ lộ chân thành và cảm động những ưu tư và niềm mong mỏi trân trọng và giữ gìn quá khứ nghĩa tình của con người khi bước vào cuộc sống mới.

Bài thơ ca ngợi vầng trăng tri kỉ của tuổi thơ, của người lính một thời trận mạc, đồng thời gợi nhắc mọi người biết sống ân nghĩa thủy chung, giữ tròn đạo lí tốt đẹp.

7. Truyện ngắn “Làng” – Kim Lân

Truyện ngắn Làng được Kim Lân sáng tác trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, quân Pháp lật lọng, tiếp tục dưa quân sang xâm tái lược nước ta. Năm 1946, chính phủ cách mạng đưa ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong thời kì này,ì người dân nghe theo chính sách của chính phủ: kêu gọi nhân dân ta tản cư, những người dân ở vùng địch tạm chiếm đi lên vùng chiến khu để chúng ta cùng kháng chiến lâu dài. Ở giai đoạn đầu, nhiều người dân còn hoang mang đối với chính sách của Ủy ban kháng chiến và con đường cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí minh. Để trình bày những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng, Kim Lân đã viết truyện ngắn Làng.

Truyện nói về tình yêu Làng của ông Hai Thu khi phải xa làng đi tản cư, qua đó ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và tình yêu kháng chiến chống, yêu cách mạng của người nông dân Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

8. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” – Nguyễn Thành Long

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được Nguyễn Thành Long sáng tác trong chuyến công tác tại Lào Cai giữa mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện được in trong tập “Giữa trong xanh” (năm 1972).

Hưởng ứng cuộc vận động viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, năm 1970, Nguyễn Thành Long chủ động tìm kiếm chủ đề ở miền Tây Bắc xa xôi. Ông hướng sự quan sát tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị, ẩn sâu trong cuộc sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh của đất nước. Cuối cùng, ông cũng phát hiện được hình ảnh người thanh niên làm việc trên đỉnh cao Yên Sơn – Sa Pa cao 2600 mét. Đó là hình tượng và nguồn cảm ứng để ông hoàn thành tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.

Thông qua cuộc gặp gỡ giữa bốn nhân vật, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, bác lái xe với anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn giữa núi rừng Lào Cai, tác giả ca ngợi những con người lao động bình thường đang âm thầm lặng lẽ cống hiến công sức của mình cho công cuộc xây dựng XHCN và thống nhất đất nước.

9. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng

Truyện ngắn Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên của ông.

Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng từ miền Bắc trở về miền Nam công tác. Ông hoạt động chủ yếu ở Vùng Đồng Tháp Mười. Một lần, ông đi ghe vào sâu trong rừng và sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây. Ở đó, có một đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ. Ông rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Lấy cảm hứng từ câu chuyện gia đình cảm động của nữ giao liên, sau khi nghe cô kể chuyện, lúc trở về, nhà văn ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này.

Truyện kể về tình cảm cha con sâu nặng của ông Sáu và bé Thu, qua đó tác giả ca ngợi tình cha con sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh, đồng thời ca ngợi truyền thống cách mạng yêu nước của người nông dân Nam Bộ.

10. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh khuê).

“Những ngôi sao xa xôi” ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê,viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra các liệt.Văn bản đưa vào sách giáo khoa có lược bớt một số đoạn. Truyện ngắn được đưa vào tuyển tập “Nghệ thuật truyện ngắn thế giới” xuất bản ở Mĩ.

“Những ngôi sao xa xôi” kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô thanh niên xung phong – tổ trinh sát mặt đường – Phương Định, Nho và chị Thao. Họ sống trong một cái hang,trên cao điểm tại một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Công việc của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng cuộc sống của họ vẫn không mất đi niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thảnh thơi, thơ mộng. Họ rất gắn bó, yêu thương nhau dù mỗi người một cá tính. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, hai người đồng đội hết lòng lo lắng và chăm sóc cho Nho. Một cơn mưa đá vụt đến và vụt đi đã gợi trong lòng Phương Định bao hoài niệm, khát khao.

Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng – những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.