Làm rõ nhận định: Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới

lam-ro-nhan-dinh-mot-cuoc-tham-hiem-thuc-su-khong-phai-o-cho-can-mot-vung-dat-moi-ma-can-mot-doi-mat-moi

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:
“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.
Anh/chị hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên?

1. Giải thích vấn đề.

– “Cuộc thám hiểm thực sự”: quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn để sáng tạo nên tác phẩm đích thực.

– “Vùng đất mới”: hiện thực đời sống chưa được khám phá

– “Đôi mắt mới”: cái nhìn và cách cảm thụ đời sống mới mẻ

Ý nghĩa: Trong quá trình sáng tạo, điều cốt yếu là nhà văn phải có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện về con người và cuộc đời.

2. Lí giải.

– Trong sáng tác văn học, đề tài mới chưa phải là cái quyết định giá trị của một tác phẩm. Đề tài chính là phạm vi hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Với một đề tài mới nhưng nhà văn chỉ sao chép nguyên xi theo lối chụp ảnh thì không mang lại giá trị đích thực cho tác phẩm.

– Giá trị tác phẩm và phong cách nghệ thuật của nhà văn được quyết định bởi cái nhìn và cách cảm thụ đời sống của người cầm bút. Dù đề tài cũ nhưng bằng cái nhìn độc đáo, giàu tính phát hiện và khám phá, nhà văn có thể thấu suốt bản chất đời sống, mang lại cho tác phẩm giá trị tư tưởng sâu sắc.

– Để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải có tài năng, tâm huyết, có bản lĩnh và phải biết lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ giống như “cuộc thám hiểm thực sự”. Nếu dấn thân vào “vùng đất mới” mà nhà văn không có cách nhìn, cách cảm thụ đời sống mới mẻ thì cũng không thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực.

– Dù viết về đề tài đã cũ nhưng bằng cái nhìn độc đáo, giàu tính khám phá, phát hiện, nhà văn vẫn thấu suốt bản chất đời sống, mang lại cho tác phẩm giá trị tư tưởng sâu sắc.

– Nếu nhà văn có “đôi mắt mới”, biết nhìn nhận con người và đời sống giàu tính khám phá, phát hiện lại tiếp cận với một “vùng đất mới”, thì sức sáng tạo của nhà văn và giá trị của tác phẩm càng độc đáo, càng cao. Vì thế, coi trọng vai trò quyết định của “đôi mắt mới” nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của “vùng đất mới” trong thực tiễn sáng tác.

– Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo nhà văn phải bám sát vào hiện thực đời sống; trau dồi tài năng, bản lĩnh (sự tinh tế, sắc sảo…); bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời…); xác lập một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ.

(HS dựa vào tri thức lí luận về đặc trưng phản ánh của văn học, phong cách nghệ thuật của nhà văn, tư chất nghệ sĩ … để triển khai luận điểm).

3. Phân tích, chứng minh.

– Phong trào Thơ mới đã hướng đến đề tài mới là thế giới của cái tôi cá nhân cá thể song không phải tác phẩm nào cũng có giá trị…). (Vội vàng là kết quả của cái nhìn tươi mới, của cặp mắt “xanh non, biếc rờn” trước vẻ đẹp mùa xuân, đã bày ra trước mắt người đọc một thiên đường mặt đất, một bữa tiệc trần gian. Hơn nữa, với nhận thức mới mẻ về thời gian tuyến tính, nhà thơ đã đề xuất một quan niệm sống tích cực…)

– Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.

+ Đề tài: Cuộc sống của người nông dân nghèo Việt Nam thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Đây là đề tài quen thuộc, được nhiều nhà văn khai thác và đã xây dựng được những hình tượng điển hình như trong: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan),…

+ Cũng viết về cuộc sống của người nông dân thời kì trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất của người nông dân mà còn xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: Bi kịch bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền sống làm người lương thiện.

+ Nhà văn trân trọng phát hiện phẩm chất tốt đẹp của con người. Khẳng định bản chất lương thiện của con người không bao giờ mất đi cho dù họ có bị hủy hoại và tàn phá cả nhân hình lẫn nhân tính…

– Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:

+ Khác với các thi sĩ cùng thời, khi viết về đề tài người lính (anh bộ đội Cụ Hồ) thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng thể hiện một cách nhìn mới, một “đôi mắt mới”:

+ Nhà thơ không né tránh hiện thực mà nhìn thẳng vào cuộc chiến khốc liệt để làm nổi bật những hi sinh, mất mát.

+ Con đường Tây Tiến hiện ra vừa dữ dội, hùng vĩ vừa thơ mộng, mĩ lệ một thời.

+ Bức tượng đài người lính Tây Tiến (xuất thân từ tầng lớp trí thức Hà Nội) hào hoa, lãng mạn, đậm tinh thần bi tráng.

4. Bình luận.

– Nếu đã có cái nhìn giàu tính khám phá, phát hiện lại tiếp cận với một đề tài mới mẻ thì sức sáng tạo của nhà văn và giá trị độc đáo của tác phẩm càng cao. Nếu có“đôi mắt mới”, cách nhìn mới thì cho dù có viết về “vùng đất cũ” nhà văn vẫn tạo ra được những áng thơ, thiên truyện độc đáo, có giá trị, có phẩm chất và cốt cách văn học, có sức lay động lòng người, có khả năng sống mãi với thời gian. Vì thế, coi trọng vai trò quyết định của “đôi mắt mới” nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của “vùng đất mới” trong thực tiễn sáng tác.

– Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, nhà văn cần trau dồi tài năng (sự tinh tế, sắc sảo…), bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời…) và xác lập một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ.

Bài viết tham khảo 1:

Mác Xen-Pruxt cho rằng: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Mà văn nghệ thuật của văn học cũng vậy, văn chương luôn đòi hỏi những người nghệ sỹ biết đào sâu, tìm tòi, khơi những điều chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai có. Sự lặp lại trong văn học chính là cái chết. Nếu tác phẩm của một người tạo ra từ một cái nhìn mới, một góc độ khác của vấn đề mà ta đặt ra thì người đó đã tạo ra được sự sáng tạo cho riêng mình. Đó là sự chiến thắng trên con đường nghệ thuật văn học.

Ta có thế nhận ra, trong câu nói trên, “cuộc thám hiểm thực sự” chính là quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ và đầy bản lĩnh của nhà văn để sáng tạo nên tác phẩm đích thực. Họ luôn kiếm tìm những “vùng đất mới”, những hiện thực đời sống chưa được khám phá. Để có tể sáng tạ, khám phá, những nhà văn luôn cần có cái nhìn mới tư nhiều khía cạnh, “đôi mắt mới” về cái nhìn, cách cảm thụ con người và đời sống mới mẻ. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, điều cốt yếu là nhà văn phải có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện về con người và đời sống.

Mỗi nghệ sĩ nhìn nhận hiện thực và xây dựng trong tác phẩm của mình những địa hạt riêng biệt và độc đáo. Điều này phụ thuộc vào cách nhìn, vào quan điểm, vào tư tưởng, vào nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ đánh giá cao vai trò của đôi mắt hơn là vai trò của đề tài. Đôi mắt là yếu tố đầu tiên, yếu tố quyết định của một tác phẩm. Đề tài là phạm vi hiện thực được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình. Đề tài rất phong phú và đa dạng, bao nhiêu hiện tượng cuộc sống sẽ có bấy nhiêu đề tài. Nhưng hiện thực ấy được đưa lên trang viết như thế nào lại phụ thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá của người nghệ sĩ. Qua cách trình bày một hiện tượng, người đọc nhận ra quan điểm, lập trường, tư tưởng của người nghệ sĩ.

Đề tài người lính luôn là một trong những đề tài được khai thác rộng rãi và sâu sắc qua nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại lựa chọn khai thác chất liệu hiện thực của đời sống chiến tranh: những chiếc xe không kính và phẩm chất cao đẹp của người lính lái xe Trường Sơn. Bằng giọng điệu ngang tàng pha chất tinh nghịch, hóm hỉnh, phù hợp với đối tượng (lính lái xe) qua các dạng câu: giải thích, tự sự, câu ngắn, dài đa dạng, gần với lời nói bình thường nhưng rất giàu nhạc điệu, hình ảnh và cảm xúc. Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, ngồn ngộn chất đời sống chiến trường khiến lời thơ giàu chất văn xuôi nhưng thú vị. Chất thơ toát lên từ hình tượng độc đáo – những chiếc xe trần trụi và tâm hồn trẻ trung, năng động, lãng mạn, yêu đời của người lính lái xe. Bài thơ góp phần tạo nên chất thơ mới, giọng điệu, thanh khí mới cho thơ ca chống Mĩ.

Như vậy, vấn đề đôi mắt là vấn đề về cái nhìn, cách nhìn, là vấn đề quan điểm, lập trường, tư tưởng và cao hơn, nó biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đôi mắt quy định phạm vi hiện thực được biểu hiện trong tác phẩm. Cái quyết định tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm, giá trị của tài năng không phải ở đề tài. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn riêng, những khám phá riêng độc đáo về đề tài đó.

Bài văn tham khảo 2:

Trong cuộc hành trình vĩ đại tạo nên sự sáng tạo, việc nắm bắt và truyền tải tinh thần con người hay cuộc sống là một lối đi độc đáo của các nhà văn. Một quan điểm được nhiều tác giả đồng tình của Mác – xen Pruxt là: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới.” Đây không chỉ là một câu nói ngẫu nhiên mà còn là một tuyên bố vĩ đại về bản chất và yếu tố quan trọng nhất của sự sáng tạo trong nghệ thuật.

“Cuộc thám hiểm thực sự” ở đây không chỉ đơn thuần là một cuộc hành trình vật lý trên một vùng đất mới. Nó được hiểu là một cuộc phiêu lưu trong thế giới tinh thần, trong không gian sáng tạo và trí tưởng tượng của nhà văn. Để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải dấn thân vào một quá trình lao động nghiêm túc và gian khổ tương tự như một cuộc thám hiểm. Một tác phẩm nghệ thuật không chỉ là sản phẩm của trí óc, mà là sự kết tinh của tâm huyết và bản lĩnh của người sáng tạo. Vậy nên để tạo ra được nó, con người phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt, đánh đổi thời gian và sức lực. “Vùng đất mới” không chỉ đề cập đến đề tài mới mẻ, mà còn là việc khám phá sâu sắc vào hiện thực cuộc sống nhưng ở những khía cạnh khác nhau. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là việc kể chuyện, mà là hiện thực hóa thế giới tinh thần và cảm xúc của con người. Vậy nên, “đôi mắt mới” chính là sự nhạy bén, sự sáng tạo và không rập khuôn theo những gì đã có.

Nam Cao đã viết về cuộc sống của người nông dân nghèo thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, một đề tài vô cùng quen thuộc đối với văn học Việt Nam. Nhưng nó không hề đi theo cái lối mòn cũ là cứ thể hiện cái nghèo và khốn khó của người nông dân, ông đã thông qua nhân vật để kể một câu chuyện có tình yêu lãng mạn, có hiện thực tàn khốc. Truyện “Chí Phèo” không chỉ kể về sự đau khổ khi thiếu thốn vật chất mà còn xoáy sâu vào bi kịch tinh thần, bản chất con người trong hoàn cảnh khốn khó. Vậy nên Chí Phèo mới bừng tỉnh mà chạy đến chất vấn, “đòi lại công đạo” cho mình từ chỗ Bá Kiến.

Không chỉ Chí Phèo, Tây Tiến của Quang Dũng cũng xuất sắc khi viết về “con đường cũ” nhưng lại sử dụng “đôi mắt mới”. Thay vì tập trung vào những tình huống chiến đấu hoặc hình ảnh anh hùng quen thuộc, bài thơ này đặt người lính vào tâm điểm với một cái nhìn tinh tế và nhân văn hơn. Nhà thơ đã tạo ra hình ảnh một con đường Tây Tiến hùng vĩ và đầy mạnh mẽ, nhưng cũng không quên thể hiện một vẻ đẹp thơ mộng của con người trong cuộc chiến tranh. Nơi đó, những người lính vẫn có một giấc mơ về bóng nàng nơi xa, có những hình ảnh đoàn binh “trọc lốc” đầy cảm động.

Trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, quan điểm của Mác-xen Pruxt rất đúng khi khẳng định rằng “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới.” Lao động nghệ thuật của nhà văn là một cuộc hành trình tinh thần, đòi hỏi sự tận tâm, sáng tạo và khả năng nhìn nhận cuộc sống từ nhiều góc độ mới mẻ hơn. Bởi chẳng ai thành công khi đi trên một đường mòn, chẳng ai “tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

Bài văn tham khảo 3:

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:
“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.
Qua bài thơ về tiểu đội xa không kính của Phạm tiến Duật, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Nhà văn R.Gamzatop từng nhận định: “Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo tới đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp, không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn phải đẹp một cách riêng”. Thật đúng như vậy, văn chương luôn đòi hỏi những người nghệ sỹ biết đào sâu, tìm tòi, khơi những điều chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai có. Sự lặp lại trong văn học chính là cái chết. Tác phẩm của anh không thể tồn tại nếu như anh chỉ viết về một vấn đề, con đường người khác đã từng đi, người ta đã từng viết. Như vậy tác phẩm của anh chỉ như một quyển sách nằm trên giá sách phủ đầy bụi mà không ai hay biết sự tồn tại của nó. Nhưng nếu tác phẩm của anh tạo ra từ một cái nhìn mới, một góc độ khác của vấn đề mà ta đặt ra thì anh tạo ra được sự sáng tạo cho riêng mình, con đường của riêng bạn. Đó là sự chiến thắng trên con đường nghệ thuật văn học. Như Mác-xen Pruxt từng nói: “một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.

Mỗi nghệ sĩ nhìn nhận hiện thực và xây dựng trong tác phẩm của mình những địa hạt riêng biệt và độc đáo. Điều này phụ thuộc vào cách nhìn, vào quan điểm, vào tư tưởng, vào nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đó là vấn đề “đôi mắt” đã được Raxun Gamzatov đề cập đến trong nhận định của mình. Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ đánh giá cao vai trò của đôi mắt hơn là vai trò của đề tài. Đôi mắt là yếu tố đầu tiên, yếu tố quyết định của một tác phẩm. Đề tài là phạm vi hiện thực được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình. Đề tài rất phong phú và đa dạng, bao nhiêu hiện tượng cuộc sống sẽ có bấy nhiêu đề tài. Nhưng hiện thực ấy được đưa lên trang viết như thế nào lại phụ thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá của người nghệ sĩ. Qua cách trình bày một hiện tượng, người đọc nhận ra quan điểm, lập trường, tư tưởng của người nghệ sĩ.

Như vậy, vấn đề đôi mắt là vấn đề về cái nhìn, cách nhìn, là vấn đề quan điểm, lập trường, tư tưởng và cao hơn, nó biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đôi mắt quy định phạm vi hiện thực được biểu hiện trong tác phẩm. Trong Đaghextan của tôi, Raxun Gamzatop từng phát biểu: Ý nghĩ và cảm xúc là những cánh chim, đề tài là khoảng trời; ý nghĩ và cảm xúc là những con hươu, đề tài là cánh rừng; ý nghĩ và cảm xúc là những con sơn dương mà đề tài là núi; ý nghĩ và cảm xúc là những con đường và đề tài là thành phố mà những con đường sẽ dẫn đến và đưa đi xa. Câu nói của Raxun Gamzatop thực chất muốn khuyên các nhà văn trẻ: cái quyết định tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm, giá trị của tài năng không phải ở đề tài. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn riêng, những khám phá riêng độc đáo về đề tài đó.

Trước hết, cái riêng được thể hiện qua những chiếc xe không kính. Hình ảnh xe không kính vô cùng quen thuộc nơi chiến trường, nhưng chỉ mình Phạm Tiến Duật “chộp” được cái chất thơ ấy để cho vào đề tài văn chương của mình. Phạm Tiến Duật đã đưa hình ảnh không thơ chút nào, hình ảnh những chiếc xe vận tải trần trụi đến chân thực với những từ ngữ mộc mạc giản dị song hành cùng điệp ngữ “không có” cứ vương vấn trong tim.

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Điệp từ “không” ấy thôi mà người đọc, người nghe cảm nhận được cái ngang tàng của tứ thơ này. Những chiếc xe không kính không chỉ là chứng tích cho thấy sự tàn phá ác liệt của chiến tranh mà còn là minh chứng hào hùng vẻ vang của các chiến sỹ cách mạng.

“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Chiếc xe được miêu tả bằng điệp từ tăng cấp nhấn mạnh sự biến dạng của chiếc xe. Càng vào sâu trong chiến trường, xe càng méo mó, xuống cấp. Quả thực hình ảnh thơ là chiếc xe không kính, đây là cái rất riêng của tác giả.

Từ hình ảnh “xe không kính”, Phạm Tiến Duật cũng xây dựng hình ảnh người lính vô cùng độc đáo trên nền chiếc xe ấy. Từ sự khó khăn, gian khổ, vẻ đẹp của người lính trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ càng được nổi bật, càng được tỏa sáng “lửa thử vàng, gian lao thử sức”. Họ có đời sống vật chất khá hơn người lính của thời đại trước. Họ đều là những người trẻ tuổi có xuất thân từ tầng lớp trí thức và có sự dũng cảm, ung dung, lạc quan:

“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng,
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”

Đảo ngữ “ung dung”, điệp ngữ nhìn thấy nhấn mạnh tư thế ung dung, cái nhìn đầy tự chủ, bất khuất, không thẹn với trời đất của người lính. Xe không kính biết bao gian khổ, người lính vẫn vươn lên bằng sự kiên cường, lạc quan.

“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười haha
Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”

Cấu trúc “không có kính ừ thì… chưa cần” lặp lại và chi tiết “phì phèo châm điếu thuốc” – “Nhìn nhau mặt lấm cười haha”, “lái trăm cây số nữa” đã cho thấy sự ngang tàng, bất chấp gian khổ của người lính. Lời thơ xô bồ, phóng khoáng. Thực tế, gió, bụi, mưa gây rất nhiều khó khăn cho người chiến sĩ cách mạng, đặc biệt khi ngồi trên chiếc xe không kính, nhưng người lính vẫn lạc quan, hiên ngang, vượt lên mọi gian khổ ấy. Họ chấp nhận đó như một điều tất yếu, lạc quan, gắn bó với đồng đội.

Cả bài thơ lấp lánh ánh cười ”ha ha” sảng khoái, tự hào. Đó chính là cái riêng đích thực của thơ ca Phạm Tiến Duật. Bên cạnh đó, hình ảnh người lính trong thơ ông còn có tính đồng đội, đồng chí son sắc, gắn bó. Xe không kính, cả đoàn xe có thể bắt tay qua cửa kính vỡ mà không cần mở nó ra, thật thú vị. Tình đồng đội hóa tình gia đình. Ăn thì phải nấu bếp bí mật là bếp Hoàng Cầm, ngủ thỉ võng mắc ngay trên đường xe chạy chông chênh, nhưng có hề chi, người lính lại đi, lại đi, bầu trời vẫn xanh thêm. Và động lực mạnh mẽ sâu xa tạo lên sức mạnh tinh thần lớn lao, bất chấp gian lao, hiểm nguy đó chính là vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ để thống nhất đất nước, Bắc Nam về chung một mối nghĩa tình. Chính vì lẽ đó, người lính cụ Hồ vẫn đi mặc cho gian khổ, thiếu thốn thế nào.

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Hình ảnh hoán dụ, trái tim tượng trưng cho lý tưởng cách mạng, niềm tin, tinh thần yêu nước. Cách lí giải của nhà thơ rất bất ngờ và chí lí: trái tim cầm lái. Dù chiếc xe méo mó biến dạng bao nhiêu cũng không quan trọng, điều quan trọng ở đây là vẫn có một trái tim rực lửa đang trong xe, linh hồn của chiếc xe, người lính trẻ nhiệt tình với lòng yêu nước lớn lao, xe cứ thế mà băng qua bao chiến trường, bao trận địa vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

Hơn thế, đọc bài thơ, ta còn cảm thấy cái riêng của Phạm Tiến Duật trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật. Đầu tiên là ở giọng thơ, Phạm Tiến Duật có cách nói ngang tàng, có cả chất nghịch ngợm, phù hợp với đối tượng miêu tả, giọng điệu ấy được tạo lên từ kiểu câu đa dạng, khi giải thích, khi tự sự. Vì thế, lời thơ gần với lời nói tự nhiên, sinh động. Ngôn ngữ cũng là một cái riêng. Bài thơ có ngôn ngữ giản dị, ngôn ngữ chất sống – đời sống chiến trường, khiến cho lời thơ gần với văn xuôi, nhưng vẫn đầy thú vị, có chất thơ. Bên cạnh đó còn là cấu trúc đối lập tương phản giữa cái “không“ và “có“. Thể thơ tự do linh hoạt, bảy chữ và tám chữ, làm cho bài thơ gắn với tự nhiên và rất sinh động.

Cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chứa nhiều điều bí mật, kỳ diệu cần được khám phá. Bề dày lịch sử văn học thế giới đã được tạo dựng hàng loạt những khám phá riêng ấy. Song điều đó không có nghĩa người nghệ sĩ được phép lùi bước trong sáng tạo. Viên Mai cho rằng: “Làm thơ quý nhất là lật đổ cái án cũ mới hay”. Điều Viên Mai cho rằng “quý nhất” ấy thực chất cần thiết với văn học nói chung, nào phải chỉ riêng, thơ ca. Chỉ có điều: với tư cách là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng phương thức trữ tình, yêu cầu “lật đổ cái án cũ” với thơ ca được đề cao hơn hết thảy.

Người nghệ sĩ phải có một con mắt tinh sắc, một tâm hồn nhạy cảm và một tài năng đã đến độ chín để gửi vào trong tác phẩm giọng nói riêng của mình. Anh có thể học tập, tiếp thu tinh hoa trong tác phẩm của các nhà văn lớp trước nhưng phải trên cơ sở sự sáng tạo. Nói như M.Gorki: “các anh hãy học tập tất cả những nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các anh hãy tìm lấy nốt nhạc lời ca cho riêng mình”.

Người nghệ sĩ không được phép lười biếng hay bắt chước mà phải luôn trong tâm thế tìm tòi, sáng tạo. Tất nhiên điều đó không có nghĩa nhà văn được phép tìm tòi theo hướng cực đoan, viết những điều không ai hiểu được.

Cảm quan của người nghệ sĩ, đôi mắt của người nghệ sĩ, tài năng của người nghệ sĩ đã tạo lập trong tác phẩm của mình một thế giới quan khác nhau. Thế giới được tạo lập không phải một lần. Hiện thực cuộc sống ở tác phẩm này không bao giờ là hiện thực cuộc sống ở tác phẩm khác. Hai tác giả sẽ có hai cách tái hiện cuộc sống khác nhau. Văn chương chân chính không có những lối mòn và người nghệ sĩ chân chính không bao giờ đi theo con đường của người khác. Nghệ thuật là tự khơi lấy một dòng sông (Nam Cao). Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo. Bởi vậy, mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới khác nhau và không thể thay thế nhà văn này bằng một nhà văn khác, nhà thơ này bằng một nhà thơ khác. Qua các tác phẩm, bức tranh hiện thực xã hội không chỉ được tái tạo mà còn được phản ánh sinh động, thể hiện tư tưởng, tình cảm, tài năng của người nghệ sĩ.

Qua các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn, người đọc nhận ra những vấn đề lớn lao của thời đại mình, nhận ra những quan điểm nhân sinh sâu sắc về cuộc sống và con người. Cái độc đáo của người nghệ sĩ là sự sáng tạo, là sự riêng biệt trong cách khám phá hiện thực và đưa hiện thực vào trong trang viết. Người nghệ sĩ độc đáo là người nghệ sĩ có tài năng lớn. Thế giới được tạo lập chính là kết quả sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ càng lớn thì thế giới được tạo lập trong tác phẩm của họ càng trở nên sâu sắc và thực sự trở thành bước ngoặt vĩ đại. Như ý của Ang-ghen về bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Ban-dắc: qua sáng tác của Ban-dắc, tôi hiểu được xã hội Pháp nhiều hơn qua tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế, chính trị, các nhà thống kê thời bấy giờ gộp lại. Văn học là một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống mà mỗi chương của nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, không có chương nào giống chương nào.

Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật, người làm thơ phải luôn ý thức: sáng tạo cái độc đáo. Không ai đòi hỏi khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, xúc động thế kia. Đấy là công việc của nhà làm thơ. “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể”. Bởi vì mỗi tâm hồn là một “vương quốc riêng”, mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ, thật khó tìm thấy sự trùng lặp trong sáng tạo. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn đời của văn chương nghệ thuật.

Bài văn tham khảo 4:

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:
“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.
Qua bài thơ về truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Mácxen Prút quan niệm: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, điều cốt yếu là nhà văn phải có cách nhìn, cách cảm thụ độc đáo về con người và đời sống. Nam Cao cũng có một “đôi mắt mới” như vậy. Trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945, Nam Cao là người đến muộn. Trước ông, đã có nhiều tác giả thành công về đề tài người nông dân như Nguyễn Công Hoan với “Bước đường cùng”, Ngô Tất Tố với “Tắt đèn”, Vũ Trọng Phụng với “Giông tố”… nhưng chỉ đến khi “Chí Phèo” xuất hiện, người đọc mới thấy được tường tận cái khổ đau, bi kịch của những người nông dân lương thiện bị đẩy vào ngõ cụt đến mức tha hoá. “Đôi mắt mới” của ông đã phát hiện ra ánh sáng lương tri còn sót lại trong con quỷ dữ ấy. Điều đó được thể hiện rõ nét qua diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

Nhà văn Lê Định Kỵ nhận xét: “Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo gân guốc soi mói như của Nam Cao.” Nam Cao là một tài năng lớn, giàu sức sáng tạo, có đóng góp quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ngòi bút của ông vừa tỉnh táo sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy tư, vừa đằm thắm yêu thương. Truyện ngắn “Chí Phèo” được viết năm 1941 là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Chí Phèo là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Bằng sự cảm thông sâu sắc,nhà văn đã phát hiện ra nỗi khổ khi nhân tính bị chà đạp, bị cự tuyệt quyền làm người và cả sự thức tỉnh,khát khao được sống cháy bỏng trong tâm hồn nhân vật. Gấp trang sách lại, ta vẫn thấy day dứt về một con người vốn hiền lành, lương thiện thế nhưng dưới sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị đã khiến hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Tưởng chừng Chí Phèo đã bị tha hóa hoàn toàn với một tâm hồn chai sạn, nhưng trong trái tim hắn vẫn le lói một thứ ánh sáng nhiệm màu, đó là ánh sáng của lương tri. Chính thị Nở là người đã đánh thức lương tri trong hạnh phúc, đem đến cho hắn sự thức tỉnh và khát khao làm người một lần nữa. Điều đó được Nam cao miêu tả lúc Chí Phèo tỉnh rượu. Đây là đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật tài tình của nhà văn.

Sự thức tỉnh của Chí Phèo trước hết là ở sự trở về của ý thức. Hắn đã nhận ra thực tại của mình qua hình ảnh cái túp lều ẩm thấp, tối tăm: “Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài trời vẫn sáng.” Đây không phải nơi ở của người bình thường, nó là địa ngục trần gian mà Chí Phèo đang chết dần chết mòn trong đó. Vậy mà hắn chưa bao giờ nhận ra hiện thực phũ phàng ấy bởi hắn chưa bao giờ hết say.Tiếp đó, Chí Phèo cảm nhận được những thanh âm của cuộc sống: tiếng chim ríu rít, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá… Đây là lần đầu tiên sau một giấc ngủ dài,Chí nghe thấy những âm thanh ấy. Những thanh âm của cuộc sống giản dị đã thức tỉnh cảm xúc trong hắn. Điều đó gợi ta nhớ đến bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu, những âm thanh vốn bình dị, gần gũi, thân quen nhưng với người tù bị giam hãm trong bốn bức tường thì đó là “tiếng đời lăn náo nức”.

Khi cô đơn, người ta càng thấm thía hơn ý nghĩa của cuộc sống tự do thường nhật: “Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!” Nó cũng gợi nhắc đến sự hồi sinh sức sống của Mị trong đêm tình mùa xuân, khi cô nghe thấy âm thanh tiếng sáo. Điều đó chứng tỏ khi tình yêu cuộc sống vẫn còn trong sâu thẳm những tâm hồn đã cằn cỗi thì chỉ cần một ngọn gió có thể thổi bùng lên khách vọng sống trong họ. Nhận ra thực tại, đón nhận được giọt âm thanh của cuộc đời, Nam Cao thể cho Chí nhớ về những ước mơ: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng quốc mướn cây thuê, vợ dệt vải…” Đó là ước mơ thời quá khứ xa xôi của một nông dân lương thiện, an phận. Ước mơ chân chính, nhỏ nhoi nhưng lại quá khó đối với Chí bây giờ. Sau khi ý thức trở về, cảm xúc của Chí Phèo cũng được hồi sinh. Lòng hắn bỗng “mơ hồ buồn”, “nôn nao buồn”. Hắn buồn khi nhận ra thực tại tăm tối và tương lai mờ mịt của mình với đói rét, khổ đau và cô độc. Đây cũng chính là lúc người đọc cảm nhận rõ nỗi lo lắng và khát khao được sống của hắn. Dấu chấm than rơi xuống cùng cụm từ “Buồn thay cho đời!” như một tiếng thở dài não ruột.

Ta có thể hiểu tại sao Chí Phèo lại buồn. Con người ham sống thì thường sợ tuổi già, tuổi già đến nhanh quá khiến Chí cho là phi lý: “Có lý nào như thế được ?” Câu hỏi của chí hoàn toàn hợp lý vì có bao giờ hắn tỉnh để nhận biết thời gian, thậm chí là không gian sống của hắn. Chí Phèo nhận thấy rõ sự chảy trôi của thời gian để rồi tiếc nuối quãng đời mê muội, tội lỗi và tha thiết yêu cuộc đời này biết bao nhiêu. Dòng độc thoại nội tâm với giọng điệu buồn da diết lại tiếp tục: “Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời…” Phép so sánh độc đáo của Nam cao cho thấy sức khỏe của Chí đã bắt đầu đổ dốc. Trận ốm lúc tờ mờ sáng là những chiếc lá vàng báo hiệu mùa thu cuộc đời đã đến, Chí Phèo giật mình lo âu khi sắp trôi về mùa đông tàn lạnh. Khả năng bươn chải mưu sinh của những hạn chế, sự mệt mỏi đó bắt đầu xuất hiện,trong khi đó Chí phải sống bắt đầu từ thời điểm này thì còn gì buồn hơn. Chí Phèo dường như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc.

Mạch suy tư của Chí Phèo rất phù hợp với quy luật tâm lý,khi con người cô độc đối diện với chính mình. Hắn đã và đang sống giữa sa mạc cô đơn, cách ly với xã hội nên tha thiết trở về đến hưởng chút nắng ấm của bình minh, của tình người nơi mảnh đất lương thiện. Khát vọng và niềm hy vọng đó chứng tỏ Chí Phèo đã thực sự thức tỉnh. Sau khi ý thức trở về, cảm xúc của Chí Phèo cũng được hồi sinh. Khi Thị Nở đến mang theo nồi cháo hành, Chí Phèo rất ngạc nhiên và thấy “mắt mình hình như ươn ướt”. Đây là lần đầu tiên trong đời hắn khóc sau những năm tháng bị đày đọa và cũng là lần đầu tiên hắn nhận được một thứ người ta cho, cho một cách vô tư, không tính toán, không phải “dọa nạt hay giật cướp” mà có được. Đây cũng là lần đầu tiên Chí được một người đàn bà quan tâm, chăm sóc, dành tình cảm cho; cũng là lần đầu tiên sau sau khi ra tù Chí được một con người nhìn nhận mình như một con người, đối xử với mình theo cách con người dành cho nhau. Bát cháo ấy do Thị Nở nấu có thể chẳng ngon nhưng Chí Phèo vẫn thấy “Cháo mới thơm làm sao!” và khẳng định rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon.

Có lẽ, thứ khiến Chí thấy ngon không phải là vị cháo hành mà là hương vị của hạnh phúc, của tình yêu muộn màng mà hắn được hưởng. Bác cháu hành giản dị, mộc mạc nhưng chứa chan tình yêu thương chân thành trong một xã hội rất hiếm tình người. Hương vị cháo hành – hương vị tình yêu tỏa sáng, vượt lên hoàn cảnh, lên trên mọi định kiến của xã hội. Nó mãi mãi còn thân thoảng, lan tỏa theo suốt cuộc đời Chí. Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, nó đã góp phần thức tỉnh con người bị tha hóa, khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong Chí Phèo. Chi tiết này cũng gợi ta nhớ đến bát cháo cám trong “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Hai tác phẩm, hai câu chuyện khác nhau về những mảnh đời bất hạnh nhưng cả hai hình ảnh ấy đều là biểu tượng của tình người ấm áp. Hai chi tiết ấy đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc và tình yêu thương con người của hai nhà văn.

Chí thực sự đã tỉnh, tỉnh để suy tư, chiêm nghiệm và ý thức về cuộc sống sau những trận say triền miên, vô tận. “Hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Vào một cái gì nữa giống như là ăn năn.” Đó là những cảm xúc rất “người”, là dấu hiệu của nhân tính đã trở về trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Rồi Chí nghĩ đến những tháng ngày bị bà ba nhà Bá Kiến – “con quỷ cái” hãy gọi hắn đấm lưng, bóp chân “mà lại kêu bóp lên trên, trên nữa”. Hắn chỉ thấy nhục chứ sung sướng gì. “Hai mươi tuổi người ta không là đá nhưng cũng không toàn là xắc thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh.” Chi tiết này hé mở Chí Phèo vốn là người tự trọng, lương thiện và giờ đây hắn đã tìm lại được những điều đó nhờ tình yêu thương của Thị Nở; đồng thời cũng cho thấy tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao: chỉ có tình yêu thương chân thành, tình người mộc mạc mới có thể đánh thức tỉnh người trong tâm hồn những con người đã bị tha hóa.

Sau khi cảm xúc được hồi sinh, khát vọng được làm người lương thiện cũng trỗi dậy trong tâm hồn Chí Phèo. Từ một kẻ lưu manh trở thành con quỷ dữ, giờ đây Chí Phèo lại tự hỏi: “Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù ?” Không chỉ vậy, hắn còn cảm thấy “hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!” Chí khao khát được làm người lương thiện và tin rằng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Hạnh phúc chớm nở như hoa hàm tiếu và hy vọng được nhén lên rồi bùng cháy mãnh liệt như ngọn lửa được tiếp thêm dưỡng khí. Chí khao khát cuộc đời lương thiện và muốn làm hòa với mọi người. Cái ước mơ của chí rất giản dị mà thiêng liêng, cao cả biết bao. Nó đã khẳng định bản chất tốt đẹp của Chí Phèo. Mặc dù đã bị tha hóa nhưng bản chất ấy không thể bị hủy diệt mà vẫn tiềm ẩn sâu sa trong tâm hồn hắn. Khao khát chấm dứt kiếp sống tăm tối để trở về làm lại cuộc đời là biểu hiện mạnh mẽ nhất của sự thức tỉnh tìm lại nhân tính trong Chí Phèo.

Nam Cao đã miêu tả rất chân thực, tinh tế tâm trạng Chí Phèo sau khi được Thị Nở chăm sóc, từ đó hé mở sự thức tỉnh của nhân vật. Người nông dân lương thiện trong Chí đang trở về sau những năm tháng bị đầy đi xa tắp. Truyện ngắn Chí Phèo thông qua quá trình thức tỉnh của nhân vật Chí đã thể hiện rõ nét tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của nhà văn Nam Cao. Tác giả đã lên án tố cáo tội ác của giai cấp thống trị trong xã hội thực dân nửa phong kiến chà đạp lên số phận của những người dân lao động lương thiện, đẩy họ vào bước đường cùng. Đồng thời nhà văn cũng bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho tình cảnh bi kịch của họ. Một bộ phận đã bị đẩy xã hội xã hội, rơi vào con đường lưu manh, tha hóa nhân phẩm, bị tước đoạt, bị cự tuyệt quyền làm người. Hơn thế nữa, nhà văn đã phát hiện, khẳng định bản chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi họ tha hóa. Chính niềm tin vào phẩm giá và lương tri người nông dân của nhà văn khiến tư tưởng nhân đạo của tác phẩm trở nên sâu sắc, mới mẻ, độc đáo. “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung.”

Truyện ngắn Chí Phèo cũng vậy. Để tạo nên thành công của tác phẩm, những yếu tố nghệ thuật cũng góp phần vô cùng quan trọng. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật hết sức tinh tế, diễn biến tâm lý của Chí Phèo lúc này được phản ánh đúng quy luật, dòng độc thoại nội tâm, mạch suy nghĩ phát triển tự nhiên không có sự áp đặt chủ quan của tác giả. Giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật sắc lạnh ở bề ngoài mà ấm áp yêu thương ở bề sâu. Lời kể lửa trực tiếp sinh động, lôi cuốn, ngôn ngữ đời sống chân thực, đậm chất hiện thực. Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác.”Nhân vật trong văn học chính là nơi tác giả gửi gắm những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của mình đến người đọc và cũng chính là thước đo giá trị của một tác phẩm. Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao đã thực sự khẳng định được tài năng và vị trí của nhà văn trên văn đàn. Con người ấy sống mãi trong trái tim độc giả, tuy cuộc đời kết thúc những khát vọng được làm người lương thiện vẫn còn là dư âm xót xa.

Bài văn tham khảo 5.

Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”, nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại thuyết phục vô cùng. Dưới góc độ của văn chương, ta thấy rằng, để sáng tạo nên cái mới cái hay đủ sức làm lay động tâm hồn bạn đọc, để lại dư quên cho hậu thế muôn đời không phải là vấn đề của một thứ hiện thực mới mẻ ở đâu xa. Mải mê kiếm tìm một ‘vùng đất mới’ đôi khi sẽ làm người viết lạc lõng nơi những miền đất nào tưởng sẽ thật thú vị và hấp dẫn với người đọc đây nhưng hóa ra lại làm ta lạc lõng nơi những chân trời nào không quen biết.

Văn chương theo tôi nghĩ, không phải là thứ mây ngũ sắc phiêu lãng bồng bềnh trôi trên tận mấy tầng trời bỏ mặc trần gian lam lũ trong những thân xác nặng nề kia. Một cuộc thám hiểm thực sự hay một tác phẩm văn học chân chính thành công không nằm ở chỗ anh đã khai phá nên một vùng đất, một thứ đề tài mới. Phải từ cuộc sống vốn tưởng đã quá quen nhàm, mòn cũ khi người ta đã cày xới và in dấu ở đấy vô vàn vết tích. Nhà văn có thể đến đó, dùng “đôi mắt’ tinh anh của một nghệ sĩ tìm ra được cái độc đáo, mới mẻ trong sự quen thuộc ấy. Hay thậm chí là phát hiện ra một ‘hại bụi quý’ mà người trước đã bỏ sót để mà viết, mà tôn vinh. Giống như giây phút Chế Lan Viên đã cất tiếng trong thơ ca của mình mà đấu tranh cho cái lẽ cái nhìn tạo nên phong cách

“Nhà thơ sông Hồng nguy nga sắc đỏ
Nhà thơ sông Thương lấy bi thương làm bản ngã
Nhà thơ sông Mã
Mà dòng thơ là sức ngựa tung hoành”

(Ví với sông Hồng-Chế Lan Viên)

Giống như giây phút Nam Cao xuất hiện trên văn đàn Việt Nam và nhanh chóng gây tiếng vang lớn trở thành một trong những tác gia lớn của nền văn học nước nhà. Tôi tưởng như Nam Cao sẽ thất bại khi bước chân vào mảnh đất thâm canh viết về người nông dân khi trước Chí Phèo đã có một chị Dậu, một anh Pha ngồi chễm chệ trên văn đàn Việt Nam. Nhưng không, ông đã thành công, thành công rực rỡ trên những đường cày đã mòn đế. Người đọc hẳn sẽ ngạc nhiên lắm khi tưởng Nam cao sẽ cho Chí Phèo sống hết cuộc đời trong men say và sự tha hóa sau nhà tù. Nhưng không, ông lại để Chí chết, chết trong thân xác “quỉ” tâm hồn người một cách đau đớn chỉ vì muốn đòi quyền sống. Ngòi bút ấy hướng người ta tự hiểu rằng sau cái chết quằn quại đó là một tâm hồn đang tìm về chốn thiện lương mong được làm người, muốn yêu những gì chưa yêu, muốn làm những gì chưa làm, vội vã và hấp tấp để được ban cho cái quyền sống cao quý. Thật vậy, cần tìm một vùng đất mới đâu xa khi anh chỉ cần sáng tạo với một đôi mắt?

Bên cạnh đó, cảm hứng chủ đạo và giọng điệu riêng trong sáng tác của người nghệ sĩ cũng là một biểu hiện của một “đôi mắt mới”. nói về cảm hứng Bêlinxki cho rằng “cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực. Đó là “tình cảm mãnh liệt say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật gắn với một tư tưởng nhất định”. Trong những sáng tác cúa Nguyễn Đình Thi đều thấm đượm một hồn thơ đất nước- một đất nước đẹp và anh hùng, một dân tộc giàu sức mạnh và muôn đời bất diệt “Nước Việt Nam từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Hay giọng điệu trong thơ trào phúng của Tú Xương thường chua chát, thẳng thắng, bộc trực. Trong khi thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến lại nhẹ nhàng, mỉa mai, thâm thúy “Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”. Thế giới hình tượng cũng là một biểu hiện đặc sắc của phong cách. Thơ tình Pushkin là sự lặp đi lặp lại của biển và sóng. Trang thơ Nguyễn Bính tràn ngập hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò… Còn nơi trời Tây xa xăm, có một Hê-minh-uê luôn say đắm mãnh liệt với cách xây dựng hình tượng vật hóa với kiệt tác “Ông già và biển cả” đã in dấu tên tuổi anh mãi muôn đời.

Về vấn đề “đôi mắt” theo tôi nghĩ đó là vấn đề của cách nhìn, cách cảm mới mẻ độc đáo. Tuy nhiên, để tạo nên dấu ấn phong cách cần sự thống nhất trong cái đa dạng của sáng tác. Cái độc đáp, vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tinh chất bền vững, nhất quán. Thống nhất từ cốt lõi nhưng triển khai phải đa dạng, đổi mới. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc cổ súy cho anh viết nên những tác phẩm lặp lại đơn giản dập khuôn. Người nghệ sĩ không ngừng khám phá, phát hiện và biểu hiện cuộc sống. Phong cách nghệ thuật không chấp nhận sự mờ nhạt, đòi hỏi phải có giá trị thẩm mĩ cao, phải đem đến cho độc giả khoái cảm thẩm mĩ. Để tạo ra được phong cách bắt buộc phải có sự lặp lại nhưng nếu anh ta cứ lặp đi lặp lại thì có một điều tối kị trong hoạt động sáng tạo. Nhà văn không được dẫm lên dấu chân của người khác nhưng càng dẫm lên được dấu chân của chính mình. Lặp lại ở một mức độ nào đó nhưng phải có sự đổi mới trên từng chặng đường, giữ được những giá trị cốt lõi của riêng mình nhưng phải luôn linh hoạt thay đổi. “Đôi mắt” nhà văn luôn vận động, phát triển theo sơ đồ trôn ốc để đạt đến một trình độ mới cao hơn để phù hợp với nhu cầu thời đại, thích biến với mọi đổi thay của xã hội.

Nghệ thuật vốn là hoạt động tinh thần đặc biệt chứ không phải là sản xuất hàng loạt bởi sáng tác của nhà văn là tạo ra một thế giới sinh động. Thế nên Marcel Proust cho rằng: “Thế giới được tạo lập không chỉ một lần mà mỗi khi một người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới được tạo lập”. Cách nói này cũng mang nội dung tương tự như Mác-xen Pruxt bởi lẽ “thơ ca là mở ra được một cái gì mà trước nhà thơ đó, trước câu thơ đó vẫn như bị phong kín” ( Nguyễn Tuân). Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, không phải công việc “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào’. Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới, một tiểu vũ trụ riêng vì thế mà hiện thực cuộc sống trong trang viết cũng được khám phá một cách độc đáo. Cùng viết về tình yêu nhưng cái khát vọng xen lẫn âu lo của Xuân Quỳnh lại không giống với Xuân Diệu: “Dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ”. Cùng viết về tình yêu nhưng thơ tình Puskin lại mang những điểm riêng biệt với thơ tình của Henrich Heiner: “Tôi yêu em, chân thành đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. “Thế giới được tạo lập không phải một lần” là nằm ở chỗ đó. Văn chương chân chính không có những con đường mòn và để có thể sống mãi với mai hậu thì người nghệ sĩ cần ý thức được: “Nghệ thuật là tự khơi lấy một dòng sông” ( Nam Cao).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.