Làm sáng tỏ nhận định: Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp…

lam-sang-to-nhan-dinh-du-bai-tho-the-hien-y-tu-doc-dao-den-dau-no-cung-nhat-thiet-phai-dep

Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta – là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình và thấy được mình – nghĩa là trở thành nhà thơ. ( Raxun Gamzatop, Đaghetxtan của tôi, NXB Kim Đồng, 2018)

Anh/chị có đồng tình với quan niệm của Raxun Gamzatop? Hãy làm sáng rõ ý kiến của mình qua hiểu biết về tác phẩm của một nhà thơ mà anh/chị tâm đắc.


* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích:

– “ Nhà thơ”: Nhà thơ là một danh hiệu cao quý cho người làm thơ, người tạo tác những áng thơ ca vươn tới chân, thiện, mỹ ở đời, giúp cho ánh sáng xua tan bóng tối, cho lương tâm, trí tuệ và tiến bộ cũng như hạnh phúc của con người.

– “cách viết, bút pháp của anh ta – là một nửa việc làm”: cách thức sử dụng các phương thức, phương tiện biểu đạt ngôn ngữ để thể hiện tư tưởng tình cảm của  người làm thơ là một nửa hành trình sáng tạo của người thi sĩ khi hoài thai hạt đau hạt xót làm ra khối tình con.

– “Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp”: Sáng tạo tinh thần của người làm thơ luôn gắn liền với những cảm nhận, phán đoán, phát hiện mới mẻ độc đáo về cuộc sống được thể hiện qua một phương thức phương tiện nghệ thuật riêng. Những tìm tòi sáng tạo đó nhất thiết phải đẹp: cái đẹp của cuộc sống, con người, của cảm xúc,  của nghệ thuật diễn đạt. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung.

– “không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp theo một cách riêng”: Cái đẹp được bộc lộ trong sáng tạo của nhà văn phải độc đáo, riêng nhất, không lặp lại người khác, không lặp lại chính mình.

– Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình và thấy được mình – nghĩa là trở thành nhà thơ:  Điều cốt yếu đối với một nhà thơ là xây dựng được hệ thống cách thức biểu hiện của thơ mình và làm sắc nét bản ngã của mình ấy là một phẩm chất làm thơ đích thực.

⇒ Quan niệm của Raxun Gamzatop đã đề cao phẩm chất thẩm mỹ của thơ ca và cá tính sáng tạo của người làm thơ muôn đời, điều kiện tiên quyết của một nhà thơ chân chính.

2. Bàn luận:

* Ý kiến của Raxun Gamzatop là có cơ sở:

Bắt nguồn từ quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, như con ong sau bao nhiêu dặm đường bay tinh kết mật ngọt dâng tặng cho đời, người làm thơ từ những nghiền ngẫm, nếm trải nắng gió cuộc đời, từ những xúc cảm thành thực qua một trạng thái rung động khác thường mà chưng cất nên thơ. Khi cảm xúc tìm cho mình một hình thức phù hợp, khi ấy ta có thơ.

– Bởi vậy, quá trình mã hóa những suy ngẫm, linh cảm, rung động, những ẩn ức cao sâu hay mơ hồ… vào trong các ký hiệu, tín hiệu, từ ngữ hình ảnh, vần nhịp, cả những khoảng trống, khoảng trắng,… là một nửa hành trình sáng tạo của nhà thơ. Đó là một Nguyễn Du trước những điều trông thấy mà đau đớn lòng đã viết nên kiệt tác truyện Kiều – một tiếng kêu dài đứt ruột vọng mãi ngàn năm. Đó cũng là một  Hoàng Cầm khi  nhận tin giặc tàn phá quê hương xiết bao yêu dấu đã viết liền một mạch, trong đêm, gửi tiếng lòng của mình về khúc ruột quê hương làm nên thi phẩm Bên kia sông Đuống tài hoa, lay động lòng người. Và ai có thể hình dung, phía sau một tuyệt bút Tôi yêu em làm bao người mê đắm, lại là nỗi đau đớn và tuyệt vọng của thi sĩ cho một mối tình không bao giờ được bắt đầu!

* Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp:

– Thơ ca cũng như văn học nghệ thuật muôn đời lấy cuộc sống và con người làm đối tượng phản ánh. Những không phải bất cứ điều gì cũng trở thành cội nguồn cảm hứng cho thơ, thi ca có xu hướng khám phá cuộc sống ở khía cạnh thẩm mỹ, nhìn nhận cuộc sống và con người ở phẩm chất thẩm mỹ. đó là những giá trị hướng tới cái đẹp. Sáng tạo cái đẹp là một mục đích và nhu cầu của con người trong nhiều lĩnh vực. Nhưng đối với nghệ thuật và văn học, đây là yêu cầu tiên quyết, là chức năng quan trọng nhất vì mọi giá trị mà văn học hướng tới đều là vì con người, xây dựng giá trị tốt đẹp để nâng con người lên. Và mỗi nhà văn phải là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp (Pautopxki), đưa ánh sáng vào trái tim con người. Lạc vào thơ Mới những năm 1932-1945, ta không khỏi xuyến xao khi  “thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu” ( Trích Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh).

– Nghệ thuật có khả năng vĩnh viễn hóa cái đẹp, ghi nhận và lưu giữ cái đẹp khoảnh khắc của đời sống để biến nó thành vĩnh cửu. Cái đẹp trong nghệ thuật thường được nâng cao hơn cái đẹp ngoài đời, được chắt lọc, kết tinh và kết cấu lại, nên mang tính độc đáo, điển hình. Hơn nữa, hình tượng nghệ thuật không chỉ là hình ảnh sao chép của đời sống thực tế, mà còn chứa đựng tư tưởng tình cảm của con người với những ý nghĩa nhân sinh. Cho nên cái đẹp trong nghệ thuật mang sắc thái biểu cảm cao.

– Cái đẹp trong nghệ thuật thống nhất ở nội dung và hình thức một cách cao độ. Các yếu tố hình thức bao giờ cũng để làm rõ cái đẹp về nội dung. Các tác phẩm chỉ đẹp khi nó thể hiện chân thực đời sống trong mọi biểu hiện thẩm mĩ của nó thông qua lăng kính nhân đạo, thể hiện được sự phong phú về tinh thần của cá nhân con người và dưới một hình thức nghệ thuật hoàn thiện. Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi là một thi phẩm giàu giá trị thẩm mỹ, là bởi có một bức tranh thiên nhiên và cuộc sống rực rỡ, phồn thịnh được miêu tả, có một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm với thiên nhiên và cuộc đời, trĩu nặng nỗi ưu dân ái quốc được khắc họa, và cũng bởi thi phẩm đã chọn được một hình thức ngôn ngữ, hình ảnh dung dị phù hợp với vẻ đẹp nội dung.

– Bản chất của lao động nghệ thuật ở người nghệ sĩ là sáng tạo, quá trình tạo tác ra các giá trị giàu tính thẩm mỹ độc đáo mới mẻ. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cho đến những tác giả văn học hiện đại về sau đều thấm nhuần mà tạo nên nhiều tác phẩm có tầm vóc không thể thay thế.

 Con đường đến với sự yêu thích và trái tim bạn đọc, đánh dấu giá trị của tác phẩm văn học là chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Mọi người nghệ sĩ sáng tác đều thuộc lòng chân lí nghệ thuật này và hướng tác phẩm của mình tới đích giá trị chân – thiện –mĩ.

* Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp theo một cách riêng:

Bản chất của nghệ thuật là loại hình mang đậm dấu ấn cá nhân, cá thể.

Trong lao động nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ sáng tạo ra thế giới mà còn kiến tạo nên cõi riêng cho chính mình. Văn chương là địa hạt “người nghệ sĩ không được lặp lại người khác, kể cả lặp lại chính mình”. Đây vừa là yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật, vừa là nhu cầu khẳng định chính mình của người làm thơ. Đọc thơ viết về mùa thu trong văn học tự cổ chí kim, ta không khỏi ngỡ ngàng trước một lý lẽ thật giản đơn: dù đề tài đã mòn cũ nhưng chưa bao giờ thiếu sức hấp dẫn, mời gọi bạn đọc khám phá, thưởng thức vì người nghệ sĩ đã không chịu lặp lại người khác và kể cả chính mình. Có thể ảnh hưởng thơ thu của Đường thi, nhưng thơ thu của Nguyễn Khuyến thực sự mang dấu ấn riêng cùa mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, mang nhãn giới riêng của một bậc đại quan lui về ẩn cư. Thơ Thu của Xuân Diệu tiếp nối mạch thi cảm truyền thống nhưng vẫn có những sáng tạo riêng mang tinh thần thời đại và cảm quan của một thi sĩ tân kỳ…

– Từ góc độ tiếp nhận: Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay”.  Người đọc thơ khi đón nhận một thi phẩm  không chỉ đồng cảm, chia sẻ với tiếng lòng của người làm thơ mà còn mong muốn được ngộ ra, thức nhận một điều gì đó về chính mình, về con người đồng nghĩa với nhu cầu hướng về nhà văn anh có đem lại điều gì mới mẻ cho văn chương không?( Leptonxtoi).

* Tìm ra được bút pháp của mình, thấy được mình, đó là nhà thơ

Thông qua sáng tạo, mỗi nghệ sĩ có sở trường, thói quen và cung cách riêng trong xây dựng hình tượng, lựa chọn ngôn ngữ, kết cấu,… khi chuyển hóa nhận thức đời sống vào tác phẩm.

– Những phương thức, cách thức có giá trị thẩm mỹ, định hình nhất quán và ổn định trong hầu hết sáng tác của nhà thơ sẽ giúp anh ta nhận diện được mình- hình thành phong cách riêng.

– Ở những nhà thơ lớn, tài năng thường định hình rõ rệt hệ thống phương thức biểu hiện trong sáng tạo nghệ thuật của mình: Hàn Mặc Tử với phong cách thơ Điên độc đáo, Chế Lan Viên với lối thơ suy tưởng giàu chất triết lý, Huy Cận đi về trong những mực thước cổ điển khoác chiếc áo tân kỳ…

3. Chứng minh:

– Vẻ đẹp thẩm mỹ của thi ca trong bài Vội vàng:

+ Minh chứng cho cái đẹp của nội dung tư tưởng: cảm xúc bồng bột sôi nổi, triết lý nhân sinh và quan niệm thẩm mỹ mới mẻ độc đáo. Cái đẹp của nội dung đó tìm được hình thức phù hợp: thơ tự do, nhịp thơ linh hoạt, giọng thơ sôi nổi, lôi cuốn, ngôn ngữ thơ tươi mới, hình ảnh thơ sống động, tân kỳ. Từ đó, so sánh với một số nhà thơ đương thời để thấy nét khác biệt trong cảm quan; so sánh với thơ xưa để thấy nét hiện đại.

– Làm rõ vẻ đẹp rất riêng của hồn thơ Xuân Diệu:

+ Có thể chọn chùm ba bài thơ viết về đề tài mùa thu:  Thơ duyên, Đây mùa thu tới, Nguyệt cầm, cảm nhận tập trung vào cái đẹp của thiên nhiên, của lòng người, của tình cảm, tư tưởng và của phương thức biểu hiện.

+ So sánh: với mùa thu trong thơ cổ để thấy lối cảm lối nghĩ và cách biểu đạt không lặp lại người khác.

+ Chỉ ra nét khác biệt trong ba bài để thấy Xuân Diệu không lặp lại chính mình.

– Khái quát những đặc điểm thống nhất, ổn định, sắc nét góp phần khẳng định phong cách thơ Xuân Diệu qua những thi phẩm đó.

⇒ Tìm ra được bút pháp, thấy rõ được mình → Xuân Diệu đích thực là nhà thơ tài năng.

4. Mở rộng – nâng cao.

Đây là một ý kiến rất đúng đắn, sâu sắc đã nêu ra những yêu cầu cơ bản, nghiêm ngặt đối với mỗi nhà thơ nói riêng và với những người hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung. Muốn tác phẩm làm tổ lâu bền trong lòng người đọc, thơ của anh phải đẹp, phải hay, cả hồn lẫn xác, hay cả bài. Muốn trở thành nhà thơ anh phải sáng tạo, phải có phong cách riêng, nếu không anh chỉ là một người thợ khéo mà thôi (ý của Nam Cao). Dòng thơ Việt Nam đương đại cũng hứa hẹn nhiều cây bút với sức sáng tạo dồi dào luôn nỗ lực tạo dựng phong cách riêng cho thơ mình: Vi Thùy Linh,

– Quan niệm của Raxun Gamzatop có ý nghĩa định hướng cho cả người sáng tác và người tiếp nhận.

+ Nhắc nhở người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật phải luôn chú ý hình thành và xây dựng phong cách nghệ thuật của riêng mình, từ đó có những góp riêng cho nền văn học nước nhà.

+ Định hướng cho người tiếp nhận một tiêu chí thẩm mỹ quan trọng để thẩm bình các tác phẩm thơ ca, để đánh giá một nhà thơ tài năng – nhất định phải có phong cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.