Làm sáng tỏ nhận định: Những chiếc bình đẹp nhất. Nặn từ đất bình thường. Như câu thơ đẹp nhất. Từ những chữ bình thường…

lam-sang-to-nhan-dinh-nhung-chiec-binh-dep-nhat-nan-tu-dat-binh-thuong-nhu-cau-tho-dep-nhat-tu-nhung-chu-binh-thuong

Trong cuốn Đaghetxtan của tôi, nhà thơ Nga Raxun Gamzatop đã viết:

“Những chiếc bình đẹp nhất
Nặn từ đất bình thường
Như câu thơ đẹp nhất
Từ những chữ bình thường…”

Ý thơ trên đã gợi cho anh/chị suy nghĩ như thế nào về vẻ đẹp của ca dao?


* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích:

– Mượn cách diễn đạt hình ảnh, lối nói so sánh, Raxun Gamzatop đã khẳng định: Nếu như những chiếc bình gốm đẹp nhất được nhào nặn chỉ từ nguyên liệu thô sơ là đất có sẵn trong tự nhiên; thì ca dao dân gian cũng như vậy, đã dâng tặng cho đời những áng thơ vô giá được chưng cất nên bởi những con chữ rất bình thường.

⇒ Vẻ đẹp , ý nghĩa của ca dao được kết tinh từ ngôn từ bình thường, giản dị mà chuyển tải được những nội dung trong sáng, cao quý vô ngần.

2. Bàn luận:

* Ca dao là những câu thơ đẹp nhất:

– Thơ nói chung và ca dao nói riêng là tiếng nói của tình cảm cảm xúc, ca dao bắt rễ từ lòng người, ca dao đã thể hiện trực tiếp những yêu thương, sướng vui, đau khổ của người bình dân trong cuộc sống trăm dắng ngàn cay dưới xã hội xưa.

+ Yêu thương: Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

+ Sướng vui: Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre vừa đủ lá đan sàng nên chăng

+ Buồn khổ: Em thương anh chẳng dám nói ra/ Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời

– Là những câu thơ đẹp nhất bởi ca dao là sáng tác của tập thể nhân dân, và chỉ những gì là tiếng nói tình cảm chung của tất cả mọi người, những gì hướng đến vẻ đẹp nhân văn nhất mới được lưu truyền đến muôn đời. Viên ngọc ca dao càng mài càng sáng theo thời gian. Ca dao đã trở thành thơ của vạn nhà, của muôn đời. Sức sống trường cửu của những áng thơ- ca dao là minh chứng rõ nhất cho vẻ đẹp nhân văn của thể loại này. Dẫn chứng diện:

– Làm thế nào để biết đó là tiếng nói tình cảm chung của tất cả mọi người, ngoài việc ca dao được ghi nhớ và lưu truyền lâu dài, có một con đường đặc biệt đi bằng cảm xúc, dùng trái tim và tâm hồn mình để nhận ra. Đọc câu ca dao Chiều nay có kẻ thất tình/ Tựa cây cây đổ tựa đình đình xiêu ta cứ thấy xôn xao trong lòng, có phải ta đã từng như thế. Lắng nghe tiếng lòng của người con gái trong Khăn thương nhớ ai, ta thấy thổn thức vì mình cũng đã từng thương, yêu, nhớ nhung và âu lo như thế. Cứ thế, ca dao đã nói hộ chúng ta nỗi lòng, bộc bạch hộ ta những điều ta hằng giấu kín, gần gũi dung dị mà sâu xa đến lạ thường.

Mỗi bài ca dao là một viên ngọc quý. Đẹp nhất trong những câu ca dao được trân quý là những bài ca ngợi lối sống yêu thương tình nghĩa của người bình dân…

– Điều đáng nói là những câu thơ đẹp nhất ấy lại được dệt nên bởi những con chữ bình thường. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, nói đến ngôn ngữ thơ là nhắc đến ngôn ngữ giàu tính nghệ thuật, uyển chuyển mà hàm súc. Nhưng chỉ riêng ở ca dao dân gian, ngôn ngữ của thơ mới đặc biệt như thế, các nghệ sĩ dân gian đã thể hiện biệt tài của mình ngay trên nền của lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động. Những câu nói đưa đẩy, ví von, chào hỏi, trách móc, giận hờn, thậm chí là cả khẩu ngữ, từ địa phương đã được sử dụng biến hóa trong những bài ca dao ngắn gọn. Giản dị mà không giản đơn, giản dị như không hề có sự gia công về nghệ thuật . Để từ đó cả một thế giới tình cảm, cảm xúc của con người được vút lên.

+ Từ ngữ giản dị nhưng chọn lọc : Dẫn chứng diện: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi

+ Từ ngữ sinh động, hấp dẫn: phát huy cao độ giá trị biểu đạt, gợi hình gợi tả của từ, âm thanh tiếng Việt. Lối nói ví von, đưa đẩy, vòng vo, phương thức chuyển nghĩa..

“Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng…”

“Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”

“Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.”

Tiếng lòng của cô gái đang yêu giãi bày niềm thương nỗi nhớ và những băn khoăn trong tình yêu. Ngôn ngữ biểu cảm: thương nhớ ai trở thành điệp khúc đi suốt bài ca dao. Hệ thống hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ gợi liên tưởng sâu sắc về thế giới nội tâm của cô gái trẻ. Lối nói trùng điệp nhấn mạnh vào tình yêu sâu nặng của của cô gái. Sự chuyển đổi hình thức câu thơ, nhịp điệu bài ca dao cũng giúp chuyển tải những cung bạc cảm xúc phong phú trong tình yêu

– Ngôn từ của ca dao giản dị mà không dễ dãi, tình ý của ca dao dung dị nhưng sâu sắc, vì thế ca dao, đặc biệt là ca dao tình yêu trở thành câu hát của những chàng trai muôn đời với các cô gái muôn thuở.

* Đánh giá:

– Ý thơ của Gamzatop đã chỉ ra vẻ đẹp của ca dao nói riêng cũng như thơ ca nói chung từ nội dung cho đến sức hấp dẫn của nghệ thuật. Thơ ca muôn đời phải là cuộc đời, vì cuộc đời, cái đẹp suy cho cùng là sự giản dị. Dẫn chứng mở rộng: Thơ Nguyễn Du còn vọng đến mai su, thơ Nguyễn Bính giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm hồn người Việt Nam, thơ Puski mãi được nhân dân đón nhận cũng vì lẽ đó- giống như ca dao, trở thành thơ của mọi nhà

– Bài học cho người thưởng thức, cũng là bài học cho những nhà thơ muốn tác phẩm của mình bất tử với thời gian, với tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ . Trau dồi ngôn ngữ không có nghĩa là cầu kì, hay dùng mỹ từ, mà phải là biết lựa chọn, sắp đặt, phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc từ những gì giản dị nhất.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.