Làm thơ lục bát (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

Làm thơ lục bát

I – LUẬT THƠ LỤC BÁT

1. Đọc kĩ câu ca dao

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng, dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

2. Trả lời câu hỏi

a) Cặp thơ lục bát mỗi dòng có mấy tiếng? Vì sao lại gọi là lục bát?
b) Điền các kí hiệu B, T, V ứng với mỗi tiếng của bài ca dao trên. Các tiếng có thanh huyền và thanh ngang (không dấu) gọi là tiếng bằng, kí hiệu là B. Các tiếng có thanh sắc, hỏi, ngã, nặng là tiếng trắc, kí hiệu là T. Vần kí hiệu là V.
c) Hãy nhận xét tương quan thanh điệu giữa tiếng thứ sau và tiếng thứ tám trong câu 8.
d) Nêu nhận xét về luật thơ lục bát (về số câu, số tiếng trong mỗi câu, số vần, vị trí vần, sự đổi thay các tiếng bằng, trắc, bổng, trầm và cách ngắt nhịp trong câu).

* Ghi nhớ:

– Lục bát là thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam.
– Luật thơ lục bát thể hiện tập trung ở khổ thơ lục bát gồm một câu sáu tiếng và một câu tám tiếng sắp xếp theo mô hình sau đây (B: bằng; T: trắc; V: vần; chưa tính đến các dạng biến thể ngoại lệ):

* Câu 6:
– Tiếng 1: –
– Tiếng 2: B
– Tiếng 3: –
– Tiếng 4: T
– Tiếng 5: –
– Tiếng 6: BV
* Câu 8:
– Tiếng 1: –
– Tiếng 2: B

– Tiếng 3: –
– Tiếng 4: T
– Tiếng 5: –
– Tiếng 6: BV
– Tiếng 7: –
– Tiếng 8: BV

Chú ý: Các tiếng ở vị trí 1, 3, 5, 7 không bắt buộc theo luật bằng trắc được thể hiện bằng dấu (-). Tiếng thứ hai thường là thanh bằng. Tiếng thứ tư thường là thanh trắc (nhưng có khi ngoại lệ tiếng thứ hai là thanh trắc thì tiếng thứ tư sẽ đổi thành thanh bằng). Trong câu 8, nếu tiếng thứ sáu là thanh ngang (bổng) thì tiếng thứ tám phải là thanh huyền (trầm). Ngược lại cũng vậy.

II – LUYỆN TẬP

1. Làm thơ lục bát theo mô hình ca dao. Điền nối tiếp cho thành bài và đúng luật. Cho biết vì sao em điền các từ đó (về ý và về vần).

– Em ơi đi học trường xa
Cố học cho giỏi… mẹ mong.

– Anh ơi phấn đấu cho bền
Mỗi năm mỗi lớp…

– Ngoài vườn ríu rít tiếng chim,…

2. Cho biết các câu lục bát sau sai ở đâu và sửa lại cho đúng luật.

– Vườn em cây quý đủ loài
Có cam, có quýt, có bòng, có na.

– Thiếu nhi là tuổi học hành
Chúng em phấn đấu tiến lên hàng đầu.

3. Có thể tổ chức lớp thành hai đội, một đội xướng câu lục, đội kia làm câu bát. Đội nào không làm được là thua điểm. Đội thắng được quyền xướng câu lục. Thầy, cô giáo làm trọng tài.

4. Muốn làm thơ lục bát cho hay, vượt qua trình độ “vè”, thì câu thơ phải có hình ảnh, có hồn.

BÀI THAM KHẢO

– Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

(Ca dao)

– Non cao, cao mấy từng mây,
Anh đi bên ấy, bên này em trông
Bao giờ lúa chín đầy đồng
Anh về gặt hái gánh gồng đỡ em.

(Trần Tuấn Khải, Phong dao)

– Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

(Tú Xương, Sông Lấp)

– Sương rơi trắng bạc đầu non
Bao nhiêu sông cái đổ dồn về khơi.
– Ru con tròn giấc mẹ ngồi
Con lên mười tám, mẹ rời chiêm bao.

(Ngô Kha, Chờ)

– Ta về, mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hoà bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Tố Hữu, Việt Bắc)


* Soạn bài:

Làm thơ lục bát

I. Luật thơ lục bát.

1. Đọc kĩ câu ca dao: SGK ngữ văn 7

2. Trả lời câu hỏi

a. Cặp câu thơ lục bát:

– Dòng đầu: 6 tiếng

– Dòng sau: 8 tiếng

b. Cặp lục bát được sắp xếp theo mô hình dưới:

1 2 3 4 5 6 7 8

Anh (B) đi (B) anh (B) nhớ (T) quê (B) nhà (V)
Nhớ (T) canh (B) rau (B) muống (T) nhớ (T) cà (V) dầm (B) tương (B)
Nhớ (T) ai (B) dãi (T) nắng (T) dầm (B) sương (V)
Nhớ (T) ai (B) tát (T) nước (T) bên (B) đường (V) hôm (B) nao (B)

c. Nếu tiếng thứ 6 là thành huyền (trầm) thì tiếng thứ 8 sẽ là thanh ngang (bổng) hoặc ngược lại.

d. Luật thơ lục bát:

– Số câu: tối thiểu là 2, câu lục có 6 tiếng, câu bát có 8 tiếng.

– Các tiếng chẵn: 2,4,6,8 bắt buộc phải đúng luật:

+ Câu lục: B – T – B
+ Câu bát: B – T – B – B

– Các tiếng lẻ: 1,3,5,7 không bắt buộc phải đúng luật.

– Vần:

+ Tiếng thứ 6 câu lục vần với tiếng thứ 6 câu bát.
+ Tiếng thứ 8 câu bát mở ra một vần mới, vần này vần với tiếng thứ 6 của câu lục và tiếng thứ 6 câu bát tiếp theo. Các vần này thường là thanh bằng.

– Nhịp:

+ Câu lục: nhịp 2/2/2; 2/4; 3/3
+ Câu bát: 2/2/2; 4/4; 3/5; 2/6.

II. Luyện tập

Câu 1: Điền từ:

(1): như là

(2): vững bền mai sau

(3): cây xoè bóng nắng cùng em trốn tìm

Lý do điền từ:

+ Hợp về nghĩa
+ Hợp về vần

Câu 2:

– Hai câu lục bát sai vì không đúng nguyên tắc hiệp vần, và luật bằng trắc.

– Sửa lại là:

+ (1) thay bòng bằng xoài
+ (2) thay tiến lên hàng đầu thành trở thành trò ngoan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang