Lí luận văn học là gì? Nhiệm vụ của lí luận văn học; Lí luận văn học với một số ngành nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

li-luan-van-hoc-la-gi

Lí luận văn học là gì? Nhiệm vụ của lí luận văn học; Lí luận văn học với một số ngành nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

I. Khái niệm.

Lí luận văn học là bộ môn có nhiệm vụ nghiên cứu những quy luật chung nhất của văn chương. Nó có nhiệm vụ thông qua việc nghiên cứu hàng loạt tác phẩm Ðông – Tây, Kim – Cổ, tìm ra các quy luật chung nhất, cái bản chất chung của văn chương – cái mà bất kỳ tác phẩm nào được gọi là văn chương đều có sự tồn tại của nó.

Ví dụ: “Văn chương phản ánh đời sống bằng hình tượng”, đó là đặc tính chung của văn chương. Như vậy, những tác phẩm ngôn từ nào không phản ánh đời sống thì không gọi là văn chương. Nhưng phản ánh cuộc sống mà không bằng xây dựng những hình tượng – tức là “những bức tranh về đời sống” – thì cũng không phải là văn chương. Chẳng hạn: những bài diễn ca như diễn ca điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, hay những bài kiểu như: “Bài ca hóa trị” là không thuộc văn chương nghệ thuật. Vì chúng chỉ là những đoạn văn vần nhằm mục đích làm cho người ta dễ thuộc, dễ nhớ những điều khoản, những công thức. Chúng không có tính hình tượng.

Trong lúc đó, Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi là bộ sử thi và là những bức tranh, là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga” những năm đầu thế kỷ XIX. Hoặc bộ Tấn trò đời của Balzac là bức tranh hiện thực sinh động về xã hội tư sản pháp cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Hoặc cuốn tiểu thuyết bằng thơ Truyện Kiều là bức tranh hiện thực sinh động về xã hội Việt Nam, những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Chúng là những tác phẩm văn chương vì chúng phản ánh đời sống dưới dạng những bức tranh về đời sống.

II. Nhiệm vụ của lí luận văn học.

Lí luận văn học có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Xác định bản chất xã hội của văn chương. Tức nó chỉ ra nguyên nhân hình thành và thúc đẩy văn chương phát triển; mục đích phục vụ của văn chương là gì; văn chương có tác dụng trong đời sống xã hội như thế nào…

Xác định chức năng thẩm mĩ của văn chương. Trong quá trình cải tạo thế giới, đồng hóa thế giới, con người có nhiệm vụ đồng hóa thế giới về mặt thẩm mĩ. Tức là chiếm lĩnh các giá trị thẩm mĩ của thế giới và tạo ra cho thế giới các giá trị thẩm mĩ mới. Bất kỳ một hoạt động sáng tạo nào của con người cũng có thứơ đo thẩm mĩ. Marx nói: con người sáng tạo thế giới theo qui luật của cái đẹp. Vậy văn chương, cái đẹp mà nó biểu hiện và truyền thụ cho con người là gì? Và biểu hiện bằng cách nào? cách biểu hiện có gì khác với các hoạt động sáng tạo khác của con người? v…

Xác định qui luật phản ánh hiện thực và đặc trưng của quy luật ấy. Giữa văn chương và đời sống xã hội có quan hệ gì? Quan hệ đó như thế nào? Ðặc trưng của quan hệ đó được biểu hiện ra làm sao?

Xác định nguyên tắc xây dựng hình tượng và điển hình. Là một bộ môn nghệ thuật, văn chương biểu hiện tính nghệ thuật của mình trước hết ở tính hình tượng. Tức là ở chỗ phản ánh đời sống không phải trực tiếp khái quát thành công thức, định lí mà gián tiếp qua hình tượng. Vậy hình tượng là gì? Giữa nó với công thức, định lí khoa học khác nhau ra sao. Giữa nó – những bức tranh về đời sống – và chính đời sống giống và khác nhau như thế nào? Tại sao? Bản chất, đặc trưng của hình tượng là gì?

Xác định phương pháp phân tích tác phẩm văn chương với những tiêu chuẩn về nội dung và hình thức. Phân tích tác phẩm là làm gì và làm như thế nào? Những tiêu chuẩn nào được dùng làm căn cứ để phân tích.

Xác định các loại và thể của văn chương. Thế giới văn chương rất phong phú, đa dạng. Từ trước tới nay, từ Ðông sang Tây, ta không thể tìm thấy 2 tác phẩm nào giống nhau hoàn toàn. Tuy vậy, sáng tạo nghệ thuật không phải là tùy tiện, tùy hứng, mà là một công việc được tiến hành một cách có nguyên tắc, có căn cứ, theo một phương thức nhất định. Những tác phẩm có cùng một phương thức phản ánh, một cách thức xây dựng tác phẩm sẽ được xếp vào một loại nhất định và trong từng loại sẽ có các thể.

Xác định qui luật phát sinh và phát triển các trào lưu và phương pháp sáng tác. Sáng tác văn chương cũng như nhiều hoạt động nhận thức và sáng tạo khác của con người là phải có phương pháp, có nguyên tắc. Lí luận văn học chỉ ra những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật bao quát của mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thực tại đời sống trong quá trình xây dựng hình tượng.

III. Lí luận văn học với một số ngành nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

1.  Lí luận văn học với Lịch sử văn học.

Lịch sử văn học là bộ môn nghiên cứu lịch sử của văn chương. Nó có nhiệm vụ nghiên cứu quá trình phát sinh và phát triển của các hiện tượng văn chương dân tộc để xác đặc điểm, vai trò vị trí, ý nghĩa, tác dụng của chúng; vạch ra sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn chương , các giai đoạn văn chương, các hiện tượng văn chương.

Ví dụ: Quy luật phát sinh và phát triển của văn chương Việt Nam là gì? Sự giống nhau và khác nhau giữa nó với văn chương các dân tộc khác ra sao?…

Giữa lí luận văn học và lịch sử văn học có mối quan hệ mật thiết. Cả hai đều có cùng đối tượng là văn chương. Một bên sẽ nghiên cứu phương diện cấu trúc của văn chương, một bên khác nghiên cứu phương diện sinh thành của văn chương. Nhưng chúng quan hệ qua lại. Không có cái này thì sẽ không có cái kia và ngược lại. Cái này sẽ làm tiền đề cho cái kia và ngược lại. Nghĩa là nếu không có quá trình phát triển của văn chương thì cũng không thể có quy luật và đặc trưng chung của văn chương. Mặt khác, nếu không thấy được đặc trưng, quy luật chung thì cũng không chỉ ra được quá trình phát triển của  văn chương.

2.  Lí luận văn học với Phê bình văn học.

Phê bình văn học là bộ môn chuyên phát hiện, phân tích bình giá các hiện tượng văn chương cụ thể mới ra đời theo quan điểm hiện đại.

Nó có nhiệm vụ cổ xúy những thành tựu văn chương theo một khuynh hướng nhất định; đồng thời, công kích những khuynh hướng trái ngược. Phê bình văn học còn có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ, gợi ý cho người thưởng thức và vạch rõ ưu khuyết điểm cho người sáng tác.

Ví dụ: Một tác phẩm văn chương nào đó mới xuất hiện, nhà phê bình có nhiệm vụ xem xét, định giá cho nó; giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật đối với đương đại và đối với truyền thống cũng như đối với thế giới … Phê bình văn học và lịch sử văn học đều đề cập tới những hiện tượng văn chương cụ thể. Nhưng phê bình văn học đứng trên quan điểm hiện đại để bình giá một một hiện tượng văn chương mới ra đời. Cho nên, tính hiện đại và tính thời sự là đặc điểm quan trọng của phê bình văn học. Còn lịch sử văn học, tính lịch sử lại là đặc điểm quan trọng. Nghĩa là nó nghiên cứu những hiện tượng văn chương đã xảy ra và trở nên ổn định. Người ta không thể tìm thấy gương mặt toàn diện của một nền văn chương trong quá khứ hay trong hiện tại ở phê bình văn học, nhưng điều đó lại là yêu cầu bậc nhất của lịch sử văn học.

Phê bình văn học, lịch sử văn học đề cập tới những hiện tượng cụ thể, lí luận văn học nghiên cứu những quy luật chung nhất. Cho nên, phê bình văn học và lịch sử văn học sẽ cung cấp những nhận định khái quát cho lí luận văn học. Ngược lại lí luận văn học được xem như là bộ môn triết học cụ thể của văn chương. Nghĩa là nó cung cấp quan điểm, kiến thức cho phê bình văn học. Cũng trên ý nghĩa ấy, về cơ bản, lí luận văn học được xem như là môn phương pháp của phê bình văn học và lịch sử văn học.

3. Lí luận văn học và Phương pháp luận nghiên cứu văn học.

Ngày nay, trong quá trình phát triển của mình. Khoa nghiên cứu văn học hình thành bộ môn mới: phương pháp luận nghiên cứu văn học.

Phương pháp luận nghiên cứu văn học có nhiệm vụ xác lập hệ thống những lí luận về phương pháp nghiên cứu văn chương. Nó chỉ ra sự vận dụng những quan điểm Mác – xít, những tri thức khoa học và

phương pháp nói chung vào nghiên cứu văn chương và chỉ ra và chỉ ra phương pháp có tính chất đặc thù nghiên cứu văn chương.

Nghiên cứu văn học là một khoa học. Ðã là khoa học thì không thể có phương pháp. Nếu không có phương pháp thì không thể có khoa học. Vì, phương pháp là con đường dẫn đến kiến thức. Nhưng giữa nhà khoa học xã hội và nhà khoa học tự nhiên, con đường dẫn đến kiến thức ấy là không giống nhau, mà là, có tính đặc thù. Hệ thống lí luận những phương pháp nghiên cứu văn chương sẽ mở đường cho các nhà nghiên cứu văn học nhanh chóng tiếp cận với chân trời khoa học.

So với lí luận văn học, phê bình văn học, lịch sử văn học… thì phương pháp luận là khoa học của khoa học. Hay nói cách khác nó là loại siêu khoa học.

Các khoa học: lí luận văn học, lịch sử văn học, phê bình văn học… có phương pháp luận của mình. Ðó là, phương pháp luận lí văn học, phương pháp luận lịch sử văn học, phương pháp luận phê bình văn học…

Ðấy cũng là tất cả lí do vì sao lí luận văn học là một bộ môn khó, trừu tượng, rất mới đối với học sinh phổ thông nhưng lại được bố trí vào học ngay đầu năm thứ nhất.

4. Lí luận văn học với Mĩ học.

Theo Lukin, Mĩ học là khoa học về thẫm mĩ trong hiện thực, về bản chất và quy luật của nhận thức thẩm mĩ và hoạt động thẩm mĩ của con người, là khoa học về các quy luật chung của sự phát triển nghệ thuật [1]

Ðối tượng của mĩ học là toàn bộ những quy luật cơ bản và phổ biến nhất của đời sống thẩm mĩ: tự nhiên, xã hội, nghệ thuật.

So với mĩ học, lí luận văn học chỉ là một ngành của khoa nghiên cứu một loại nghệ thuật. Mĩ học là khoa học phương pháp luận của lí luân văn học. Mĩ học sẽ trang bị cho người nghiên cứu văn chương nói chung và lí luận văn học nói riêng những cơ sở lí luận, những tiêu chí thẩm mĩ, sự định hướng cho lí luận văn học.

Chẳng hạn, một trong những vấn đề của lí luận văn học là lí giải về hình tượng văn chương. Muốn lí giải được điều này, lí luân văn học phải xem mĩ học đã giải quyết vấn đề hình tượng nghệ thuật như thế nào, rồi dựa vào đó mà lí giải hình tượng văn chương.

5. Lí luận văn học với Ngôn ngữ học

Ngôn ngữ học nghiên cứu mọi hoạt động ngôn từ của con người để xác định đặc điểm và quy luật của các ngôn ngữ dân tộc.

Như vậy, đối tượng của ngôn ngữ học là ngôn ngữ của dân tộc nói chung. Trong lúc đó đối tượng của lí luân văn học là văn chương nghệ thuật. Lí luận văn học có đề cập đến vấn đề ngôn ngữ, nhưng là ngôn ngữ văn chương nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật. Hơn nữa, ngôn ngữ đối với lí luận văn học chỉ là một trong các phương diện của hình thức nghệ thuật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.