Liên kết nội dung trong văn bản (Liên kết câu và liên kết đoạn văn) – SGK Ngữ văn 7

lien-ket-noi-dung-trong-van-ban-lien-ket-cau-va-lien-ket-doan-van

Liên kết nội dung trong văn bản

I. Khái niệm.

+ Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ dề của đoạn văn (liên kết chủ đề).

+ Các đoạn văn và các câu phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí (liên kết lôgic).

II. Phân loại.

1. Lặp từ vựng.

Để bảo đảm cho văn bản có tính liên kết chủ đề, nghĩa là các câu phải cùng hướng tới việc thể hiện một chủ đề cho trước, thì biện pháp đơn giản nhất là lặp từ vựng. Biện pháp lặp từ vựng, nói chung, dựa trên việc sử dụng những yếu tố từ vựng (từ, tên gọi, cụm từ) trong các phát ngôn khác nhau, khiến cho chủ đề của văn bản được duy trì. Tuy nhiên, ở đây có thể quan sát thấy hai hiện tượng lặp từ vựng: ‘lặp cả âm và nghĩa’ và ‘lặp nghĩa’.

(1) Lặp cả âm và nghĩa, tức là lặp lại trong một/ những phát ngôn mới những đơn vị từ vựng đã được sử dụng ở một phát ngôn khác. Trong thực tế, cũng giống như trong lặp ngữ âm và lặp ngữ pháp, các đơn vị từ vựng có thể được lặp lại đầy đủ hoặc chỉ được lặp lại một bộ phận. Vì vậy, có thể phân biệt ‘lặp hoàn toàn’ và ‘lặp bộ phận’.

Trong trường hợp lặp từ, biện pháp chủ yếu là lặp hoàn toàn, mặc dù cũng có thể quan sát thấy những trường hợp lặp bộ phận.

Ví dụ:

* Lặp hoàn toàn:

– Tôi nghĩ đó là chuyện buồn. Tôi chưa đến bảy mươi. Mặc dầu vậy xin đừng kể, ngày hôm nay xin đừng kể bất cứ điều gì buồn. 

* Lặp bộ phận:

– Tôi không ưa danh thiếp, đó là một thứ biểu hiện quy ước, thường là giả dối. Bản thân tôi cũng ít khi gửi thiếp.

Đối với trường hợp lặp cụm từ thì lặp bộ phận thường được dùng để tránh gây cảm giác nặng nề, hoặc để tiết kiệm lời. Khi lặp bộ phận, người ta thường phải dùng đại từ chỉ định (này, ấy, đó …) để tăng thêm tính liên kết giữa các câu. Tuy nhiên, đối với các tên gọi của các tổ chức, cơ quan hay phong trào… thì không nhất thiết phải dùng đại từ chỉ định đó.

Ví dụ:

* Lặp hoàn toàn:

Bình thường thì các thi hài được chuyên chở bằng máy bay trong những chiếc quan tài kẽm đặc biệt.[…]. Ở Lvov không có quan tài kẽm cho Natalia. (CĐTM)

* Lặp bộ phận:

– Ban lãnh đạo Phòng thể dục thể thao quận đã xuống hiện trường cùng công an quận, phường tiến hành lập biên bản và điều tra sự việc. Sau đó đại diện ban lãnh đạo Phòng và Chủ nhiệm hồ bơi Chi Lăng đã đến gia đình nạn nhân thăm hỏi chia buồn và hỗ trợ cho gia đình số tiền là 2.000.000 đ để lo mai táng. (Tờ trình)

2. Lặp nghĩa.

Lặp nghĩa cũng dựa trên việc ‘lặp lại’ nhưng chỉ là lặp nội dung chứ không lặp âm thanh của của một từ, một tên gọi hay một cụm từ. Biện pháp này không chỉ có tác dụng tạo sự liên kết cho văn bản mà còn tránh được cảm giác đơn điệu hoặc bổ sung những thông tin phụ (ví dụ: sư đánh giá tốt/ xấu hay diễn đạt những sắc thái nghĩa khác nhau). Thực chất, đây là biện pháp sử dụng một đơn vị tương đương để thay thế cho một đơn vị đã được sử dụng trong một phát ngôn khác.

Những đơn vị có thể thay thế nhau phải là những đơn vị có nghĩa/ giá trị tương đương nhau nên ‘từ đồng nghĩa’ thường được dùng làm phương tiện để lặp nghĩa. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ, nói chung, thường ít xảy ra hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn mà chủ yếu là hiện tượng gần nghĩa, nên biện pháp này có thể thay đổi một phần ý nghĩa được lặp lại, tức là bổ sung cho nó một nội dung nào đó (xem bên dưới). Vì vậy, phương thức lặp đồng nghĩa có tác dụng làm cho văn bản trở nên đa dạng và phong phú. Ngoài từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, còn có những phương tiện khác cũng được dùng để lặp nghĩa như: đại từ, cách nói vòng hay hoán dụ… Ví dụ:

* Lặp nghĩa dùng yếu tố đồng nghĩa:

– Sinh nhật. Anh đã ra đời như thế nào nhỉ?

* Lặp nghĩa dùng đại từ:

– Anh thì thầm. Đôi khi anh thì thầm bằng tiếng Pháp. Cô thích nhất thế.

* Lặp nghĩa dùng cách nói vòng:

– Nhiều người bảo chùa Bà Đanh không linh, không ai đến là sai. Mặt khác làng Đanh Xá hy vọng rằng, cái tên ngôi chùa vắng sẽ được nhiều người biết đến bằng cái tên ngôi chùa đệ nhất khách.

– Lặp nghĩa dùng hoán dụ:

– Người mẫu không chỉ có thù lao thấp hơn mà số sô diễn trong ngày, trong tuần cũng không bao giờ bằng ca sĩ. Giỏi lắm một siêu mẫu có chừng ba sô diễn một tuần đã là “như mơ”. Trong khi với những ca sĩ đương thời thì một đêm chạy sô bốn điểm diễn là bình thường, hỏi sao các chân dài hiện nay không tính đường lấn sân ca hát dù thực lực có hạn!

3. Đối nghĩa.

Đối nghĩa là phương thức liên kết chủ đề sử dụng những đơn vị ngôn ngữ (từ hoặc cụm từ) có ý nghĩa đối lập nhau trong những phát ngôn khác nhau để tạo ra sự liên kết nội dung giữa các phát ngôn đó. Tuy nhiên, khái niệm ‘nghĩa đối lập’ không đồng nhất với khái niệm ‘từ trái nghĩa’, vì ở đây các yếu tố có nghĩa đối lập không phái bao giờ cũng là những từ trái nghĩa mà có thể chỉ là những yếu tố được xã hội hay cá nhân nhìn nhận là có nghĩa đối lập nhau, vi dụ như: xuân/hạ/thu/đông, hay thậm chí: cao/lắm, rộng/nhiều. (xem ví dụ bên dưới). Do vậy, sự đối lập nghĩa trong những trường hợp này thường mang tính chất lâm thời và thể hiện tính sáng tạo của các cá nhân.

Trong tiếng Việt, đối nghĩa được sử dụng như là biện pháp liên kết quan trọng nhất trong những văn bản đặc biệt gọi là ‘câu đối’.

Ví dụ:

Nhà cao cửa rộng con rể ở
Tiền lắm bạc nhiêu cháu ngoại tiêu.

Trong các văn bản bình thường, sự đối lập nghĩa thường gần với hiện tượng trái nghĩa hơn, trong đó có cả hiện tượng đối phủ định, ví dụ:

Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh.

Hoặc:

Nếu trạng thái yêu kéo quá dài, con người sẽ chết vì kiệt sức, rối loạn nhịp tim hoặc tim đập nhanh, vì đói hoặc hội chứng mất ngủ. Những người dù sao cũng không bị chết, thì trong trường hợp khá nhất cũng phải vào bệnh viện tâm thần.

4. Liên tưởng.

Biện pháp liên tưởng thể hiện ở việc sử dụng trong những phát ngôn khác nhau những đơn vị ngôn ngữ (từ, cụm từ) có liên quan về nghĩa với nhau hoặc được liên hệ mạnh mẽ với nhau để tạo sự liên kết giữa các phát ngôn đó.

Sự liên tưởng luôn luôn dựa trên hai loại quan hệ: nội ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ, do đó ở đây có thể có hai kiểu liên tưởng:

* Liên tưởng dựa trên quan hệ nội ngôn ngữ (trong phạm vi của cái gọi là trường nghĩa).

Ví dụ:

– Ở đây tuyệt nhiên không có một nhà thờ nào. Mà em thì muốn cầu nguyện biết bao. Dù sao thì em vẫn muốn cầu nguyện. Em mang theo cây thánh giá bằng gỗ của mẹ.

* Liên tưởng dựa trên quan hệ ngoài ngôn ngữ (liên quan đến kiến thức ngoài ngôn ngữ).

Ví dụ:

– Có lẽ tôi không còn là người Xlavơ nữa. Tôi không uống rượu, rất đúng giờ, giữ lời hứa và không tổ chức các cuộc khởi nghĩa.

Những yếu tố như: thuộc tính điển hình, vị trí điển hình hay chức năng điển hình của người/ sự vật là những yếu tố quyết định đến khả năng sử dụng biện pháp liên tưởng ngoài ngôn ngữ.

5. Tỉnh lược.

Tỉnh lược là biện pháp lược bỏ một/ một số thành phần nào đó của một phát ngôn nhằm tránh lặp lại chúng trong một/ những phát ngôn khác. Chính nhờ sự lược bỏ này mà các phát ngôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Biện pháp này còn có tác dụng tránh lặp từ vựng và lặp nghĩa (không dùng yếu tố đồng nghĩa hay đại từ). Yếu tố tỉnh lược có thể là bất cứ thành phần nào đó của phát ngôn.

Ví dụ:

– Từ lâu anh đã thích mùi nước hoa. Chúng như một bức thông điệp mà người ta muốn truyền đạt. Mà không cần đến bất cứ một ngôn ngữ nào.

Hoặc:

Cô đam mê ngủ. Đặc biệt là thời gian gần đây. Cô có những giấc mơ không bình thường.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.