Chứng minh: Mọi tác phẩm dù được sáng tạo theo một thi pháp nào cũng mở ra theo các cách đọc. Mỗi cách đọc mang đến cho tác phẩm một đời sống mới

moi-cach-doc-mang-den-cho-tac-pham-mot-doi-song-moi

“Mọi tác phẩm dù được sáng tạo theo một thi pháp nào cũng mở ra theo các cách đọc. Mỗi cách đọc mang đến cho tác phẩm một đời sống mới”.

Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn THPT.


* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích

– Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc một tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống, con người; biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ …của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng nghệ thuật.

– Thi pháp có hai cách hiểu. Thứ nhất, đó là các nguyên tắc, biện pháp chung để làm cho một văn bản trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Thứ hai, thi pháp là các nguyên tác, biện pháp nghệ thuật cụ thể để tạo nên giá trị đặc sắc của một tác phẩm, tác giả, trào lưu.

– Cách đọc: là cách tiếp nhận văn học của người đọc, người đọc dùng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống và cả tâm hồn của mình để chiếm lĩnh giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm văn chương.

⇒ Ý kiến khẳng định: bất cứ tác phẩm nào cũng là tác phẩm mở cho các sự đọc, các người đọc khác nhau. Tác phẩm sinh ra từ ý thức (tâm lý) người viết và sống dậy trong tâm lý (ý thức) người đọc. Sức sống của tác phẩm nằm ở trường nhìn, trường cảm của từng cá nhân đọc khác nhau.

2. Bình luận:

* Ý kiến đúng đắn và xác đáng.

– Tác phẩm văn học là một văn bản ngôn từ. Nhưng đặc trưng của ngôn từ là tính mơ hồ đa nghĩa nên người ta gọi tác phẩm văn học là một “văn bản mở”. “Văn bản mở” nghĩa là tác phẩm gồm hai phần: “phần cứng” là những con chữ bề mặt văn bản đang nằm im, “phần mềm” là hệ thống tư tưởng, ý nghĩa được xuất hiện trong quá trình tiếp nhận. Từ xưa Phương Đông đã có mệnh đề: Thi tại ngôn ngoại và văn hữu dư ba. Cái phần ngôn ngoại và dư ba này không tồn tại trên văn bản mà do ngữ cảnh tạo ra trong tưởng tượng và cảm xúc của người đọc. Vì thế, cái gọi là “tác phẩm văn học” chỉ thực sự tồn tại khi nó biến thành cái “phần mềm” kia, còn nếu không nó trở thành “quyển sách chết”.

– Tác phẩm chỉ thực sự tồn tại khi người ta ý thức được về nó mà thôi. Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộ của sách, giúp nó sống lại và bước đi giữa cuộc đời và hồn người. Tác phẩm tái sinh trong lòng bạn đọc. Tuỳ từng tư tưởng, kinh nghiệm, thẩm mĩ của mỗi độc giả mà tác phẩm có muôn ngàn cuộc sống khác nhau. Vì thế, tác phẩm vừa là nó, vừa chẳng là nó. Sự thú vị trong đa dạng tiếp nhận cũng chẳng kém sự thú vị trong đa dạng sáng tạo. Vì thế sức sáng tạo của nhà văn, qua bạn đọc cứ nhân lên đến vạn lần. Và thế là nghệ thuật có sự sống vĩnh hằng vì nghệ thuật có hai con đường: sáng tạo hay là chết.

– Vai trò của người đọc là rất quan trọng đối với sức sống của một tác phẩm song cho rằng phải có nó mới có tác phẩm văn học thì đó là một lập luận khiên cưỡng. Văn bản tác phẩm có thể tạo ra các dị bản khác nhau trong tiếp nhận của người đọc song, đó là các dị bản tiếp nhận từ một văn bản ổn định duy nhất là tác phẩm văn học. Cũng như mọi giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp ngôn ngữ nghệ thuật qua tác phẩm văn học bao gồm khâu phát ngôn của tác giả thành ra diễn ngôn của tác phẩm rồi đi vào tiếp nhận diễn ngôn đó của độc giả. Đây là quá trình tâm lý có sự đồng nhất, thống nhất mà cũng có sự sai biệt, mâu thuẫn. Chính điều này tạo ra cái mà chúng ta gọi là sức sống của tác phẩm văn học trong đời sống xã hội vô cùng phong phú, phức tạp, đa dạng giữa các nhà văn, nhà thơ các tác giả với công chúng người đọc, người phê bình văn học.

3. Chứng minh:

Chọn một số tác phẩm tiêu biểu, phù hợp phân tích để làm sáng tỏ ý kiến:

Truyện Kiều của Nguyễn Du:

+ Nguyễn Công Trứ coi Kiều là kẻ tà dâm, không đáng nhận sự thương xót. Dưới cái nhìn khắt khe của lễ giáo phong kiến ông viết:

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.

+ Hoài Thanh: Truyện Kiều là tiếng nói đau đớn, hiểu đời của một trái tim lớn.

+ Tố Hữu : Truyện Kiều kết tinh của lời non nước, tiếng ru, tiếng thương có sức vọng đến ngàn đời.

+…

– Bài thơ: Lặng lẽ đêm của Y Phương:

Trên đầu ta
Trăng khe khẽ sáng
Sương khe khẽ lắng
Mây khe khẽ trôi
Dưới lưng ta
Chiều khe khẽ thở
Trong ngực ta
Khe khẽ NGƯỜI.

– Khi đọc bài thơ, có người đã dựa vào điệp từ khe khẽ lặp lại năm lần để coi đó là nhãn tự, là phép ẩn dụ về sức sống nhỏ nhoi, yếu ớt, thoi thóp của sự vật. Bài thơ vẽ nên một bức tranh trăng, sơn mây. Đọc kĩ bài thơ nhiều người lại cho rằng, danh từ NGƯỜI mới là nhã tự làm bừng sáng bài thơ, bởi với chữ người ấy ta nhận ra một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm đến vô cùng để cảm nhận bức tranh đa chiều với vẻ đẹp của trăng, sương, mây, sự vận động của sự vật lặng lẽ, khẽ khàng, nhưng trong trái tim lại là sự sống tiềm ẩn mạnh mẽ.

– Đôn-ki-hô-tê: Người Tây Ban Nha gọi chàng là kẻ điên rồ, người Pháp gọi là chú hề đáng thương, đến chủ nghĩa lãng mạn gọi Đôn-ki-hô-tê là người anh hùng còn sót lại, chủ nghĩa hiện thực lại coi là biểu tượng của sự suy vi một thời phong kiến đã qua.

4. Đánh giá:

– Sức sống của tác phẩm văn chương không chỉ tạo nên bởi quá trình tiếp nhận mà con ở sức sống nội tại của tác phẩm do người nghệ sĩ tạo ra.

– Người nghệ sĩ cần sáng tạo nên những tác phẩm văn chương chân chính, một tác phẩm văn chương giống như tảng băng trôi để tạo nên sức hấp dẫn, đánh thức niềm khát khao khám phá của người đọc.

– Bạn đọc không nên suy diễn tùy tiện, phải bắt nguồn từ văn bản. Phải thấy, khi đọc một văn bản văn học, người đọc đã thực hiện một quá trình kép: vừa sáng tạo ra tác phẩm vừa kiến tạo nên con người mình.

Bài văn tham khảo:

Trong “Tùy viên thi thoại”, Viên Mai từng kể, Lý Phi đời Đường cho thơ Bạch Cư Dị là dâm, diễm, phóng túng, cuối cùng, người đời sau chỉ biết có Bạch mà chả hề nhắc tới tên họ Lý năm nào. Mọi tác phẩm muốn đi theo năm tháng, muốn trường tồn với nhân gian, phải có sự giúp đỡ của người đọc. Người đọc là đối tượng mà văn học cần truyền tải và cũng là con thuyền giúp nhà văn đi qua những bão giông, úa tàn của vô thường, của vũ trụ. Dẫu vậy, vấn đề tiếp nhận vẫn còn là một câu chuyện nan giải, chưa có hồi kết. Vì thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người người rất khác nhau, cảm xúc thẩm mỹ lại thay đổi theo thời đại. Một tác phẩm bị quên lãng vào thời đại mà nó sinh ra, lại có thể bùng lên ngọn lửa vào những thế kỉ sau. Vậy nên, việc đánh giá sự thành bại, hay dở của một tác phẩm văn học, luôn cần soi chiếu nhiều phương diện khác nhau.

Tác phẩm ban đầu chỉ là một dạng giá trị tinh thần bên trong những cảm xúc, tư tưởng của nhà văn. Sau đó, nhờ những phẩm chất đặc biệt, những giá trị tinh thần này được truyền tải dưới dạng chất liệu là ngôn từ, trở thành một dạng giá trị vật chất . Công cuộc thai nghén của nhà văn kết thúc từ đây. Tác phẩm đã được “cắt rốn” ra khỏi suy nghĩ nhà văn, bắt đầu cuộc hành trình sống, đi tìm chỗ đứng của bản thân mình. Cuộc đời của tác phẩm chỉ bắt đầu khi nhà văn kết thúc nó. Và rồi, khi nó đến được với người đọc, quá trình tiếp nhận bắt đầu được thực hiện, giờ đây, nhà văn và tác phẩm tách biệt nhau, mỗi người đều có một cuộc đời khác. Chỉ đến lúc này, tác phẩm mới chính thức được công nhận là một tác phẩm toàn vẹn.

Dẫu vậy, tác phẩm cũng đòi hỏi ở người đọc một số năng lực tối thiểu, cần thiết. Trước hết, người đọc phải đọc được ở lớp từ ngữ một cách trọn vẹn, sau đó, thâm nhập vào hệ thống hình tượng, những ẩn ý mà nhà văn đã đưa ra. Rồi từ những hình tượng này, thể nghiệm nó trong đời sống, nâng cấp nó trở thành một dạng quan niệm, tư tưởng, để từ đó tác phẩm có thể tìm được chỗ đứng của chính bản thân trong đời sống lịch sử.

Những suy nghĩ ỷ lại, tầm thường, rằng chỉ nhà văn mới cần phẩm chất, còn người đọc thì không, cần được triệt tiêu càng sớm càng tốt. “Người làm văn nhờ xúc cảm dồi dào, mà viết thành văn, thì người đọc cũng phải biết rẽ văn mà thâm nhập vào tình cảm” (Lưu Hiệp). Nếu không chỉ như nhân vật trong truyện ngắn Sekhov, xem xong kịch Opera chỉ biết khen diễn viên có giọng hát hay. Đọc một tác phẩm mà chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, cuối cùng chẳng đọng lại được gì, chỉ như “nước đổ đầu vịt”.

Tiếp nhận văn học luôn là một lĩnh vực đòi hỏi tính khách quan, như trong một thời gian dài, nó đã được coi như một hoạt động giữa những cá nhân. Văn học Trung Hoa cổ đại rất coi trọng tính chất cá nhân này, coi “tri âm”, “tri kỉ” là một đích đến trong cuộc đời thơ văn. Thời Xuân Thu, Chương Tử Kỳ đàn cho Bá Nha nghe, Bá Nha thấy được sông núi biển trời. Sau Bá Nha chết, Chương Tử Kỳ cũng đập cây đàn độc nhất, không sử dụng một lần nào nữa. Cách nghĩ này khiến văn chương trở thành một lĩnh vực chỉ dành cho những người sành nghệ thuật, mang cách đọc tầm nguyên, cốt tìm cho ra dụng ý của tác giả mà không quan tâm tới những tư tưởng thời đại, xã hội thời bấy giờ. Lại có ý cho rằng “ý của tác giả chưa chắc đã vậy, tại sao ý của người đọc lại không được như vậy”.

Cách nghĩ này dẫn đến những lối nghĩ chủ quan, xa rời thực tế, xa rời ý đồ thực sự của tác phẩm. Như xưa kia, Kinh Thi bị coi là một dạng sách vở giáo điều, lại có kẻ cho rằng là một dạng dâm ô tục tĩu, nhưng vẫn có khía cạnh đề cao trượng nghĩa. Đến khi được nhìn nhận đúng, Kinh Thi là những bài dân ca tình tứ mang đậm suy nghĩ thế nhân, Và chỉ đơn giản là như vậy. Điều đó cho thấy văn học phải được nhìn nhận khách quan, dưới những khía cạnh trong đời sống lịch sử xã hội. Những biến chuyển của xã hội sẽ tác động tới suy nghĩ, tư tưởng, những định kiến của con người khi nhìn nhận một vấn đề. Đó chính là lí do tác phẩm có thể không phù hợp với giai đoạn này nhưng lại là “bất hư” với giai đoạn khác.

Thời Nguyễn Công Trứ, khi nho giáo, những ràng buộc đối với người phụ nữ vẫn còn, ông cho Kiều là “ đáng kiếp tà dâm”, nhưng đến thời Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh, khi thời đại đang đề cao tiếng nói cá nhân, những tình cảm rất riêng tư, con con, mộc mạc, thì một nhân vật như Kiều lại đáng được trân trọng. Nhà văn thường không được công nhận vào đúng thời của mình, chính là vì anh ta đang đi trước thời đại quá xa. Hay chuyện của Sekhov, kể về một người đàn bà có nhiều đời chồng. Lênin cho rằng vậy là “gió chiều nào theo chiều ấy”, là không chung thủy, là bởi ông thuộc về con người của tư duy, của lí trí, của những kiên định và sắt đá. Lep Tônxtôi lại bênh vực, thương cảm thay cho người phụ nữ kia. Rằng người đàn bà ấy sao mà khổ, mà thương, khi dành trọn tình cảm cho ai cũng không có được kết cục viên mãn. Là người con gái, ai chẳng mong được hạnh phúc bên người mình yêu, có một mái ấm, một bờ vai vững chắc. Hai người có hai lí lẽ rất khác nhau. Không ai đúng, sai, hoàn toàn, chỉ bởi hai người khai thác ở hai khía cạnh khác nhau, và tâm tư, lối nghĩ của hai người cũng được định hình theo những lối khác nhau.

Ngoài tính khách quan, cũng không thể phủ nhận khả năng sáng tạo của người đọc. Người đọc và nhà văn sẽ cùng thực hiện chức năng “đồng sáng tạo”. Nhưng đây hoàn toàn là hai lối sáng tạo khác nhau. Với nhà văn, là sáng tạo ra tác phẩm mới, ra một đứa con tinh thần đến với người đọc. Và bởi “ Viết thông minh là không viết hết” (Faulre), nên quá tình sáng tạo của người đọc bắt đầu. Người đọc sẽ hiểu, thâm nhập sâu vào hệ thông ý nghĩa và hình tượng trong tác phẩm, rồi phát hiện ra những khía cạnh mới, những lối nghĩ mới trong không gian đa chiều của tác phẩm. Thế đứng và vai trò của tác phẩm trong đời sống lịch sử cũng nhờ thế mà được khẳng định một cách sâu sắc hơn. Nhưng số phận của tác phẩm không chỉ ở người đọc, mà còn ở “phẩm chất bên trong” (Phạm Văn Đồng), nên người đọc cũng nên tránh những lối đọc xa rời thực tế, xa rời ý nghĩa ban đầu.

Bằng những yếu tố nêu trên, có thể, có thể thấy, tiếp nhận văn học là một khái niệm rất đa dạng, đa chiều, nhưng vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của tác phẩm và của nhà văn. Để đánh giá một tác phẩm hay hay dở, sẽ phụ thuộc vào phẩm chất nhà văn, những giá trị mà nó đem lại trong đời sống văn học và tác động của những giá trị đó đối với những biến chuyển của xã hội. Còn thực chất, chẳng thể nói rõ cho được, tác phẩm nào là thành hay bại. Đã là một đứa con tinh thần được nhà văn thai nghén suốt bao tháng ngày, là một sản phẩm chứa đựng thế giới tinh thần và xúc cảm của nhà văn, thì nó không bao giờ là điều thất bại.

Trong khi tác phẩm cùng thời chỉ tập trung vào việc đề cao, phóng đại hóa cái chân – thiện – mỹ, thì William Golding lại đi vào những điều trần trụi nhất, phũ phàng nhất của thế giới loài người – cái ác bản. Trong khi ai ai cũng tin rằng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (Khổng Tử) thì ông tuyên bố cái ác có sẵn trong tâm tưởng mỗi người. Đi ngược thời đại như vậy, “Chúa Ruồi” của William Golding đã gây rất nhiều tranh cãi. Ông để những tâm hồn lương thiện nhất, non nớt nhất, ở một nơi chẳng hề có luật lệ, và xem xét sự tương quan giữa chúng, giữa cái cách mà hoàn cảnh tác động lên bản tính người. Ở nơi hoang sơ như vậy, lũ trẻ buộc phải giết những sinh vật khác để sinh tồn, như cách mà bao đời nay vẫn thực hiện để bảo toàn chuỗi thức ăn.

Nhưng trong những cảnh giết chóc đó, một điều gì đó đã được bùng lên, một dạng khoái cảm, thỏa mãn khi được nắm quyền sinh sát, được là kẻ cai trị, được nếm trải cảm giác của máu, của những tiếng than khóc, và sự tuyệt vọng. Có câu chuyện là một chuỗi những sự lựa chọn, văn minh hay mọi rợ, luật kệ hay không luận lệ, giết hay sống. “Chúa Ruồi” được sinh ra khi lòng trắc ẩn không còn được rung lên nữa, người sống không còn là người, mà đã trở về với nguyên bản, với dạng hoang dã, với sự biến mất của những bữa trà chiều, những tiếng nói trọn vẹn, và thay vào đó, là những mái tóc dài, những vỏn vẹn, những cuộc săn người man rợ.

Người ta thường nói nhiều về những giọt nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc vỡ òa, của những nỗi buồn thương, của mỉa mai chua xót. Nam Cao, nhà văn cả cuộc đời mình mải miết viết chỉ để giữ gìn sự trong sáng của giọt lệ, đã để Chí Phèo, trong những khoảnh khắc cuối cùng, là “hình như mắt hắn ươn ướt”. Dẫu chỉ là thoáng qua, là mong manh, nhưng Chí Phèo cũng đã khóc. Còn khóc là còn ánh lên chút thiện trong bản tính người. Trong “Chúa Ruồi”, William Golding cũng để Ralph khóc. “Khóc cho sự ngây thơ đã chết và lòng dạ đen tối của con người”. Khóc cho em, và cho cả cuộc đời. Khóc thay cho những tháng năm về sau sống trong bóng tối và ám ảnh, vì đã nhìn thấy những góc khuất, những đớn đau của cuộc đời này quá sớm, khi mà em còn chưa được trang bị gì, chưa phải va vấp gì. Đời đã ném em vào hố đen, và giờ chỉ còn mình em khuất bóng trong những năm tháng về sau. Và người lớn, chừng như còn biết bao điều phải lo nghĩ, phải bộn bề giữa trăm nghìn công việc, nên chẳng hề quan tâm đến cái nỗi đau hồ mơ, chênh vênh của một đứa trẻ vặt. Nhưng con người thì hoàn toàn, mãi mãi, có thể làm những gì đáng sợ ấy lại một lần nữa, trên hòn đảo vô danh của Thái Bình Dương
nắng gắt.

Khi mới được xuất bản, “Chúa Ruồi” không được nước sở tại, đất nước quê hương của tác giả đón nhận. Anh vừa trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt, và người ta cho rằng, không cần thêm bất cứ một sự u ám, một sự khốc liệt và trần trụi nào nữa. Tác phẩm đã không được công nhận theo đúng tầm vóc và vị trí mà nó xứng đáng phải có. Nhưng khi được đưa qua Mỹ, “Chúa Ruồi” lại được đón tiếp nồng nhiệt. Vốn với tư tưởng phóng khoáng, yêu thích những gì mới, những điều khác lạ, “Chúa Ruồi” như một làn gió hạ mang theo hương mùa, phả lên cảnh vật những điều tươi mới nhất. Công chúng Mỹ đã đón nhận tác phẩm một cách nồng nhiệt.

Cho đến quãng thời gian sau này, “Chúa Ruồi” cũng tìm được chỗ đứng của nó trong lòng độc giả quê nhà. Tác phẩm của William Golding được giảng dạy trong trường học, để giáo dục và mặt nhận thức. Nhận thức về thế giới, rằng con người nói nhiều về quá khứ, về những người đã chết vì chiến tranh, mà không hề hay biết, lịch sử chưa bao giờ dừng lại. Thế giới sẽ đi về đâu, trong một xã hội mà những cuộc chiến tranh cứ liên tiếp nổ ra, do nhân loại và để tiêu diệt chính nhân loại?

Không chỉ ở nước ngoài, mà văn học Việt Nam cũng có những khía cạnh tiếp nhận rất thú vị. “Người đàn bà ngồi đan” của Ý Nhi đã khiến bao thế hệ thiếu nữ Hà Nội, sống và học theo cung cách đó.

“Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót.
Không thở dài
Không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là đang hạnh phúc
Lòng chị tràn đầy niềm vui
Hay là đang ngờ vực”.

Người đàn bà của Ý Nhi đan những sợi tơ trong guồng quay cuộc đời. Sợi rối, sợi quăn, sợi quấn vào nhau, như những nghĩ suy đan xen phức tạp. Bởi chị đang đan những sợi tơ lòng. Tiếng nói chẳng còn, xúc cảm cũng không thể biểu lộ, chị chỉ còn biết gửi tâm tư vào trong bao sợi tơ lòng. Đan rồi, tơ ơi, liệu có còn phải phải chờ đợi? Liệu có còn phải sống giữa những lặng câm, giữa những kìm nén để thấy mình mạnh mẽ ? Tơ lòng, rối rắm, buồn thương. Tơ lòng, đan xen, vất vưởng. Tơ lòng, chênh vênh.

Còn với Ý Nhi, chị đan vào lòng những người con gái Hà Nội biết bao sợi tơ thơ. Khiến những người con gái Tràng An, giữa bao bộn bề đau thương, biết sống dịu dàng, đoan trang, biết sống hiền thục, nữ tính. Nhưng quyện với đó, là bao mạnh mẽ, sục sôi, bao sức sống và xúc cảm đang chờ ngày được tỏ bày. Tơ thơ của Ý Nhi đã đan cài vào cả một thế hệ. Biết yêu, biết sống, những cũng biết chờ đợi, biết nhớ mong. Biết thương, biết buồn, nhưng cũng biết xoa dịu, mạnh mẽ. Tơ Thơ đi vào lòng người nhẹ nhàng và thầm lặng như chính bản thân của nó. Tơ mà, mong manh, dịu nhẹ, nhưng đan quyện cũng rất đậm, rất sâu.

Có thể thấy, tiếp nhận văn học không chỉ giúp tác phẩm, nhà văn có được chỗ đứng, mà còn giúp người đọc sống được nhiều cuộc đời. Nếu đã từng trải, có dịp chiêm nghiệm và nhận xét. Nếu chưa từng trải bao giờ, có dịp trải như chính cuộc đời mình. Từ đó tự quan sát, soi xét lại mình, thanh lọc bản thân để trở thành một con người tốt hơn. Văn học giáo dục con người là như vậy. Nhờ văn chương mà thay đổi được cả một lớp người, biến chuyển được cả một thời đại, cũng là nhờ những thần kỳ mà ta có được nhờ văn chương. Nói đến văn chương là nói đến tình cảm, mà tình cảm thì thấm sâu, thấm lâu. Những gì nhờ tình cảm mà có cũng được níu giữ lâu dài. Văn là tình, người cũng là tình, văn nhờ người mà sống, người cũng nhờ văn mà trở nên hoàn thiện, toàn vẹn hơn, ngày càng hướng đến chân – thiện – mỹ.

Tác phẩm, xét cho cùng, cũng nhờ phẩm chất nhà văn mới có. Nhà văn phải có đủ tài – tâm – thức, thì văn mới sâu, ý mới rộng, người mới nhờ đó mà tỏ, mà sáng biết bao chuyện ở đời. Vậy nên, một khi quá trình tiếp nhận diễn ra thành công, tác phẩm đến được với lớp lớp người đọc nhà văn luôn cần được đề cao về vai trò, về năng lực sáng tác. Tác phẩm có chỗ đứng trong tiến trình văn học, trong đời sống nội tại, trong lịch sử xã hội, thì cũng đồng thời với việc nhà văn đó được công nhận, có vị trí trong lòng người đọc. Hai mối quan hệ này luôn bổ sung lẫn nhau, và không thể tách rời. Cũng như tác phẩm không có tiếp nhận sẽ không được toàn vẹn. Haniki Munraka từng nói: “Một khi cơn bão đã thực sự chấm dứt, khi ta bước ra, ta sẽ không còn là người khi đã bước vào”. Và những thay đổi ấy chưa bao giờ là xấu, chưa bao giờ là muộn.

Văn học trường tồn và đi mãi với thời gian, vượt qua những vô thường và bao sự vô tâm của dòng đời, chính là vì nó mang trong mình tổ hợp của những giá trị. Văn học được dựng xây bởi giá trị. Mà giá trị thì không bao giờ bị những bão giông của năm tháng làm cho vụn vỡ. Nó được lưu truyền và gìn giữ trong lòng người, trong suy nghĩ và tâm tư của thế nhân, từ đó nảy nở biết bao tư tưởng của thời đại. Tiếp nhận sẽ mãi và luôn luôn, được khai hoa kết quả trong tác phẩm, trong lòng người đọc, và trong cuộc đời nhà văn. Để rồi, từ đó, nó trả hương cho nhân thế.

“Nền đất ẩm, chiếu manh, trang giấy trắng
Ta hi sinh bao nhiêu vật cho  
Nên ta chết như chuyến đi dài hạn
Bởi họ sống thay ta, có mặt giữa muôn đời.”

(Đào Cảng).

1. M. Gorki: “Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó”.

→ Nhận định nhấn mạnh vai trò của người đọc trong quá trình tiếp nhận. Người đọc là người quyết định số phận của tác phẩm văn học.

2. J. P. Sartre: “Tác phẩm như một con quay kỳ lạ, chỉ có thể xuất hiện và vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một hoạt động cụ thể gọi là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ là những vệt đen trên giấy trắng”.

→  Ý kiến của J.Paul.Sartre đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học. Ông quan niệm văn học là hoạt động giao tiếp, là một quá trình. Mỗi độc giả giống như một mắt xích không thể thiếu trong chu trình sáng tạo – tiếp nhận.

3. “Mọi tác phẩm dù được sáng tạo theo một thi pháp nào cũng mở ra theo các cách đọc. Mỗi cách đọc mang đến cho tác phẩm một đời sống mới”.

→  Nhận định đã nhấn mạnh vai trò của độc giả trong quá trình tiếp nhận. Mỗi tác phẩm chân chính mở ra nhiều cách đọc khác nhau. Đồng thời mỗi cách hiểu, cách đọc đó sẽ tạo nên giá trị của tác phẩm.

4. “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”.

→  Nhận định khẳng định: Tác phẩm văn học là “đứa con tinh thần” của nhà văn nhưng nghệ sĩ không thể quyết định được số phận của nó. Số phận của tác phẩm chỉ được định đoạt khi nó đến với công chúng. Có thể nói, người đọc có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định giá trị của tác phẩm văn học chân chính.

5. Nguyễn Hiến Lê: “Nhà văn có thể không cần tiền, cũng không cần vàng, nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu không thì viết làm gì?”.

→  Nhận định nhấn mạnh vai trò của người đọc. Nếu ví tác phẩm là “đứa con tinh thần của nhà văn”, được nghệ sĩ thai nghén, hình thành thì khi tác phẩm hoàn thành chỉ ứng với việc tác phẩm ra đời, còn số phận, sự sống của nó chưa được đề cập. Chỉ khi nào tác phẩm đến tay bạn đọc được bạn đọc tiếp nhận thì số phận của nó mới được định đoạt.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.