»» Nội dung bài viết:
- Trình bày cách khắc phục và loại bỏ hiện tượng vô cảm ra khỏi đời sống con người.
- Mở Bài:
Có thể thấy căn bệnh vô cảm chỉ là một lối sống, lối ứng xử thiếu vắng tình người. Nó không phải là tội ác nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây ra tội ác. Nhìn theo gốc độ tâm lí học, vô cảm là một hội chứng thần kinh sảy ra khi con người bất mãn với xã hội. Nhìn về mặt xã hội, vô cảm là sự suy giảm của các chuẩn mực đạo đức và cách ứng xử của con người. Dù nhìn ở bất kì gốc độ nào thì vô cảm đều có thể gây ra cho con người và đời sống xã hội những hậu quả nặng nề. Bởi thế, cần phải có những giải pháp cụ thể và hiệu quả để khắc phục hiện tượng vô cảm ở con người. Từ đó tiến tới khắc phục hiện trạng này trong đời sống xã hội ngày nay.
- Thân bài:
* Đối với cá nhân:
Mỗi người phải biết sống vì mọi người. Biết yêu thương, chia sẻ, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Biết cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau thương, mất mát của người khác.
Tuổi trẻ phải biết quý trọng những thành quả do cha ông để lại. Biết tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Biết yêu nước và quyết tâm xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại mới.
Tuổi trẻ phải biết tôn trọng và làm theo các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong xã hội. Biết tôn trọng và bảo vệ pháp luật. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước xã hội và tích cực xây dựng lối sống trong sạch, vững mạnh. Chỉ có một lối sống vững mạnh, nền tảng đạo đức chắc chắn mới giúp con người vượt qua cám dỗ, trở thành người có nhân cách tốt đẹp.
Tuổi trẻ nên tham gia học tập, nâng cao tri thức và kĩ năng sống tốt đẹp của bản thân. Tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện của xã hội. Bồi dưỡng tình yêu thương con người. Hãy lấy gia đình, dân tộc và đất nước làm điểm tựa để vươn mình ra với thế giới. Hãy sống vì cộng đồng. Bởi vì chính cộng đồng là nguồn sống, nguồn sinh dưỡng giúp ta lớn lên, trưởng thành và thành công.
* Đối với gia đình:
Con cái luôn là một phần hết sức quan trọng. Vì vậy, gia đình phải chú trọng giáo dục con cái về nhân cách, nhân phẩm. Định hướng hành vi, ứng xử của con cái theo những chuẩn mực tốt đẹp của dân tộc.
Cha mẹ phải nêu gương sáng để con cái noi theo. Hãy lấy những tấm gương sáng về đạo đức và sự thành công trong xã hội làm bài học giáo dục để con. Lấy cái tốt, cái mẫu mực hình thành và phát triển những đức tính tốt cho con cái. Hạn chế cho con cái tiếp xúc với cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa. Đề cao cái tốt đẹp, cái hữu ích trong cuộc sống.
Cha mẹ hãy lắng nghe và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của con cái. Đôi khi, sự cấm đoán của cha mẹ chính là nguyên nhân gây nên sự vô cảm của con người. Hãy cho các em cơ hội để thể hiện mình và định hướng các hành động theo hướng đúng đắn, tích cực. Mỗi sự khiển trách hay trừng phạt phải có lí do. Hãy dạy cho các em lòng biết ơn, lòng hiếu thảo, biết kính trọng và quý trọng tình cảm của người khác dành cho mình.
Hãy khuyến khích hoặc cùng con cái tham gia các hoạt động cộng đồng để gắn kết tình thân. Hoạt động xã hội giúp các em phát triển khả năng giao tiếp và tình cảm cộng đồng. Hãy giáo dục con cái biết phân biệt điều phải trái, sống công bằng.
Quyết liệt chống lại cái bất công trong xã hội nếu có thể. Văn hóa gia đình chính là cội rễ của nhân cách. Nó là nguồn sống quyết định nhân cách và hành vi của con người sau này. Có làm được như vậy, chúng ta mới hi vọng cái xấu, cái ác, cái vô cảm trong xã hội bị đẩy lùi, không còn trong cuộc sống này nữa.
* Đối với nhà trường và xã hội:
Phải biết tôn trọng khát vọng sống đẹp của con người, nhất là giới trẻ. Giới trẻ ngày nay không những mong muốn sống tốt mà còn muốn sống tốt hơn nữa. Khát vọng sống đẹp là khát vọng chính đáng của con người.
Tuy nhiên, sự mất định hướng của nhà trường trong việc giáo dục lối sống cho học sinh hiện nay khiến các bạn trẻ cô đơn, lạc lõng trong hành trình tìm kiếm tương lai. Trách nhiệm của nền giáo dục và toàn xã hội là phải mau chóng xác định những chuẩn mực đạo đức tiến bộ, phù hợp trong thời đại mới, biểu dương các tấm gương tiêu biểu, tạo động lực phát triển chung cho toàn xã hội.
Nhà trường đóng vai trò chủ chốt trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách, nhân phẩm và hành vi ứng xử của con người. Để làm được điều này, trước hết nhà trường phải xây dựng chiến lược giáo dục và hình thành nhân cách con người trong thời đại mới. Từ đó, làm cơ sở để tiến hành các hoạt động giáo dục có định hướng cụ thể.
Trong dạy học, nhà trường phải lấy nhiệm vụ giáo dục đạo đức làm nền tảng. Đồng thời, giáo dục con người toàn diện, đáp ứng các yêu cầu của xã hội làm mục đích cần hướng tới. Trong chương trình giáo dục, phải hạn chế nói nhiều về các hiện tượng tiêu cực để tránh tâm lí bắt chước của học sinh. Hãy đề cao đạo đức, đề cao các tấm gương sáng. Mỗi thầy cô nên là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Lấy cái đẹp, cái thiện để lấn át cái xấu, cái ác trong nhận thức mỗi học sinh.
Có làm được như vậy, chúng ta tin rằng nhà trường sẽ là môi trường tốt nhất để rèn luyện. Là nơi tốt nhất để hình thành, phát triển và kiện toàn đạo đức của con người.
Xã hội phải nhanh chóng xây dựng một môi trường đạo đức trong sáng, lành mạnh. Phải nhanh chóng loại bỏ cái lạc hậu, cái xấu để con người có định hướng phát triển đúng đắn bản thân, góp phần xây dựng xã hội. Xã hội cũng cần tạo ra nhiều sân chơi bổ ích hướng đến các giá trị nhân bản, có sức thu hút giới trẻ, có sức gắn kết cao và đầy sáng tạo để tuổi trẻ tham gia. Từ đó tránh gia những cảm xúc tiêu cực vốn tự diễn biến trong mỗi con người.
Các cơ quan chức năng phải mạnh tay trấn áp tội ác hoặc nhanh chóng giải quyết vụ việc sớm đem lại công bằng cho xã hội, củng cố niềm tin của con người vào sức mạnh của luật pháp và pháp chế nhà nước.
Một trái tim vô cảm chẳng khác nào một trái tim đã chết. Thậm chí còn đáng sợ hơn cái chết. Một xã hội vô cảm sớm muộn gì cũng đi đến sự tự hủy diệt. Hãy sống biết yêu thương, sống chân thành và độ lượng; sống với lòng trắc ẩn, cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đau, bất hạnh của người khác. Hãy mở rộng trái tim đón nhận yêu thương của nhân loại. Hãy cho đi thật nhiều tình yêu thương để tìm kiếm sự bình yên trong chính cuộc sống này.
- Kết bài:
Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Cũng không phải lúc nào lợi ích cũng dành cho riêng mình. Không phải lúc nào lòng tốt cũng được đền đáp. Nhưng có một điều chắc chắn ai biết sống vì người khác, sống bao dung, độ lượng, nhân ái, thân tình thì sẽ luôn được nhận lại những điều tốt đẹp. Cuộc sống thêm ý nghĩa, tâm hồn được bình yên, hạnh phúc nếu biết vì người khác mà hành động.