Nghị luận: Học được cách quên, hiểu được cách bỏ, cuộc sống vốn luôn tiến lên phía trước sau những cuộc chia tay

nghi-luan-hoc-duoc-cach-quen-hieu-duoc-cach-bo-cuoc-song-von-luon-tien-len-phia-truoc-sau-nhung-cuoc-chia-tay

Học được cách quên, hiểu được cách bỏ, cuộc sống vốn luôn tiến lên phía trước sau những cuộc chia tay.

“Diệp phong một chiều lá cuốn
Địa đàng rơi lệ tiếc thương
Bình minh sau ngày khuất dấu
Nhân sinh rực rỡ nào lâu?”

Những câu thơ của Robert Frost vào những ngày chuyển thu như một lời thì thầm buộc con người ta phải suy ngẫm. Nó như một lời gợi nhắc về sự xoay chuyển, chênh vênh vô định của con người trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Thế nhưng đôi khi chính chúng ta lại vô tình lãng quên rằng vẻ đẹp thật sự của giá trị tâm hồn ấy đang nằm trong tay ta. Như cách mà thi sĩ Xuân Diệu đã chọn lưu giữ lại vẻ đẹp của mùa xuân để tìm thấy hạnh phúc trong tâm hồn. Hay như trước quyết định buông bỏ mọi thứ để đổi lấy trị tâm hồn qua câu nói của nhà sư Gyatso Rinpoche: “Học được cách quên, hiểu được cách bỏ, cuộc sống luôn tiến lên phía trước sau những cuộc chia tay”

Cuộc đời này, có ai mà không muốn bản thân mình trước hết phải được hạnh phúc? Nhưng định nghĩa của mỗi chúng ta về giá trị ấy và cách thức để nắm bắt nó vốn dĩ cũng rất khác nhau. Sự lưu giữ trong bài thơ “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu là hành động muốn đem những thứ tươi đẹp nhất đang hiện hữu cất giấu vào bên trong ngăn kéo của trái tim. Mà tại đó, trước sự bất biến vạn biến xô đẩy của thời gian, những thứ ấy vẫn cứ bền bí sáng rực một vẻ đẹp diệu kì.

Thế nhưng, cuộc đời nếu chỉ có lưu giữ không thôi là chưa đủ. Sự buông bỏ trong câu nói của nhà sư Gyatso Rinpoche cũng là một định nghĩa khác của sự mưu cầu hạnh phúc. Nó giống như việc bạn cầm lên một ly nước sôi say đó buộc phải buông bỏ cốc nước ấy xuống vì sức nóng của nó. Và chỉ khi bạn buông tay ra rồi, bạn mới không cảm thấy đau đớn. Và chỉ khi đã thôi đau đớn, bạn mói có dũng khí để cầm lên những cái cốc khác. Chỉ khi nào buông tay được những nỗi đau, con người mới có khả năng bước tiếp.

Vậy suy cho cùng, đâu mới là con đường đúng đắn để ta bước đi? Đâu mới là mẫu số thích hợp để ra được kết quả là hạnh phúc? Không ai biết cả! Bởi vốn dĩ cuộc đời mà ta đang sống chưa bao giờ tồn tại sự đúng đắn một cách tuyệt đối. Sự lựa chọn hay quyết định nên đi theo con đường nào không thể ngay lập tức cho ta biết ta có đang đi đúng hướng hay không. Thế nhưng, chỉ khi biết được mục đích con đường mà ta lựa chọn, ta mới có thể tìm ra phương hướng của mình. Và tất cả các con đường đều có tính đúng đắn tương đối riêng của nó.

Việc lựa chọn lưu giữ mọi thứ giúp bạn phần nào nhìn nhận cuộc sống này theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Và dưới bàn tay vun vén, bảo quản của ta, những hạt mầm kí ức sẽ có thể vươn cao, vươn xa trong tâm hồn. Ấy cũng chính là tấm gương soi chiếu rõ ràng nhất của việc ta đã sống như thế nào trong cuộc đời này, là minh chứng sinh động nhất cho những điều ta đã được đón nhận. Thế nhưng, phải chăng mọi vẻ đẹp đều nên được cất giữ? Phải chăng, chỉ khi sống dưới cái ô của những gì tốt đẹp, người ta mới hạnh phúc? Không, bởi những gì tốt đẹp nhất đôi khi cũng gây ra những bi kịch đau đớn nhất. Về mặt nhất thời, nó có thể khiến ta vui vẻ, nhưng về lâu dài, nó sẽ phá hủy ta. Con người ta nếu cứ sống mãi trong những điều tốt đẹp, trong những lời ca tụng hân hoan thì cũng sẽ đến lúc ta chết chìm trong cái bể tốt đẹp ấy.

Lưu giữ mãi những vẻ đẹp có thể giúp bạn hoài niệm, hồi tưởng khi nhớ về nhưng nó cũng là một con dao hai lưỡi nếu bạn cứ níu mãi những điều ấy. Không có một mùa xuân nào có thể tồn tại mãi mãi. Ta không thể giống như chàng Narciuss xưa kia, chỉ vì mãi lưu giữ vẻ đẹp của bản thân mà không tránh khỏi cái chết đau đớn. Narcicuss là chàng trai sở hữu vẻ đẹp tột đỉnh, do đó chàng không chấp nhận nổi việc phải nhìn thấy sự tàn phai của nhan sắc. Chàng níu giữ lấy nó, mặc kệ những người xung quanh đang nói gì. Và khi chàng cứ nhìn mãi vào bản thân trong nước, chàng càng muốn lưu giữ nó và rối chính chàng phải đổi lấy bi kịch lớn nhất đời mình – cái chết. Và cũng chỉ có cái chết mới khiến vẻ đẹp trở nên bất tử, nhưng ta lại không hạnh phúc.

Vậy phải chăng chỉ khi ta buông bỏ tất cả, hạnh phúc mới gõ cửa nhà? Không ai trên đời này là người lúc nào cũng hạnh phúc. Con người ta luôn bị dày vò bởi những nỗi đau mà không biết cách nào có thể hóa giải. Thế nhưng, nếu buông tay khỏi cốc nước nóng khiến bạn không phải đau đớn nữa thì buông bỏ cũng là một giải pháp để mở ra cánh cửa mới. Rời xa những điều phải nên được quên lãng mới khiến con người ta nhanh chóng thấy được những gì tốt đẹp nhất đang chờ phía trước. Trong tạp chí Times có đăng một tấm hình gây chấn động thế giới. Đó là hình ảnh cô gái Napalm năm nào dần đã trưởng thành, trên tay cô đang ẵm đứa con – kết tính hạnh phúc nhất cà đời trong khi đó đằng sau lưng lại là những vết sẹo chằng chịt do bom gây ra. Thế nhưng điểm đáng chú ý là gì? Là sự buông bỏ những đau đớn, oán hận của cô dành cho lính Mĩ năm nào để đổi lấy một tia sáng hạnh phúc cho con trai cô và để cô có thể tự mình tìm thấy được hạnh phúc đang chờ đón mình phía trước.

Vậy đến cùng đâu mới là con đường ta nên lựa chọn? Cuộc sống vốn dĩ là mất mát và nhận lại. Ta không thể cứ khăng khăng lưu giữ mà không thể cho đi, không thể cứ mãi buông bỏ mà không biết giữ lại. Và cũng chỉ khi ta biết kết hợp hai điều trái ngược ấy, ta mới có thể phần nào tìm thấy hạnh phúc trong tâm hồn. Bởi không có một mùa xuân nào mà không có sự bắt đầu của những ngày đông giá lạnh. Không có một nỗi đau nào không có giá trị của nó. Trong cuốn “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ” của một nhà báo người Nga, ta có thể thấy được nụ cười rực rỡ của những cô gái quân nhân năm nào chiến đấu trong thế chiến thứ Hai. Nhưng ẩn sâu bên trong những nụ cười xinh đẹp ấy lại là những nỗi đau không cách nào giải thoát được. Và chỉ khi họ trút hết những đau đớn tận sâu bên trong, họ mới thấy được vẻ đẹp thật sự của hạnh phúc đang được lưu giữ.

Lưu giữ hay buông bỏ ấy là do lựa chọn ở mỗi con người – lựa chọn để tìm ra hạnh phúc. Đã có lúc, chúng ta chỉ muôn bỏ mọi thứ vì quá đau đớn, nhưng rồi lại nhận ra nếu không có nỗi đau sẽ không có chúng ta của ngày hôm nay. Sự lựa chọn lưu giữ của nhà thơ Xuân Diệu và buông bỏ của nhà sư Gyatso Rinpoche đều mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc. Chúng đặt cho chúng ta một câu hỏi: “Ta đã hạnh phúc hay chưa?”

Nghị luận: dám theo đuổi đam mê

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.