Nghị luận xã hội là gì?

nghi-luan-xa-hoi-la-gi

Nghị luận xã hội là gì?

I. Khái niệm:

1. Văn nghị luận:

“Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…” (Sách giáo khoa Ngữ Văn 11, tập 2).

– Theo Từ điển Tiếng Việt: “Nghị luận là bàn và đánh giá cho rõ về một vấn đề nào đó. Văn nghị luận là thể văn dùng lí lẽ và dẫn chứng để phân tích giải quyết một vấn đề”.

– Từ điển thuật ngữ văn học cũng nêu rõ: “Thể văn nghị luận viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau: chính trị, xã hội, triết học, văn hoá. Mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê bình hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó. Đặc trưng cơ bản nhất của văn chính luận là tính chất luận thuyết. Văn chính luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ”.

Như vậy, có thể hiểu: Văn nghị luận là một loại văn bản nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về các vấn đề văn học, chính trị, đạo đức, lối sống… và được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, hùng hồn với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục. Đây là loại văn phổ biến trong nhà trường, thường được lấy làm yêu cầu của phần làm văn trong các đề thi hiện nay.

2. Nghị luận xã hôi.

Bàn về khái niệm văn nghị luận xã hội, đã có rất nhiều ý kiến, nhận định uy tín được đưa ra. Dưới đây là một số ví dụ:

Theo Bảo Quyến: “Văn NLXH là văn nghị luận về một vấn đề xã hội, bao gồm những vấn đề thuộc mọi quan hệ, hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội cũng như chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường, dân số…”

Theo giáo sư Đỗ Ngọc Thống: “Văn nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc về các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Mục đích cuối cùng của nó là tạo ra những tác động tích cực đến con người và những mối liên hệ giữa con người với con người trong xã hội.”

Theo nhà giáo Hoàng Dân: “Nghị luận xã hội là một kiểu bài dùng lí lẽ và thực tế để giải quyết một vấn đề đặt ra trong xã hội, từ những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày ở cộng đồng lớn nhỏ đến những vấn đề chính trị rộng lớn, từ những vấn đề luân lí đạo đức cá nhân đến những vấn đề có tầm quan trọng về triết lí nhân sinh. Đó là những vấn đề chính trị – xã hội có liên quan đến mỗi cá nhân, nó khiến mọi người phải suy nghĩ và có trách nhiệm tham gia giải quyết bằng một phương thức nào đó (nói, viết, hành động) để góp phần duy trì sự tồn tại của cộng đồng.”

Theo Từ điển từ và ngữ Hán Việt, “nghị luận” là dùng lí luận để phân tích ý nghĩa phải trái, bàn bạc, mở rộng vấn đề. Còn “xã hội” trước hết là một tập thể người cùng sống, gắn bó với nhau trong quan hệ sản xuất và các quan hệ khác. Cũng có thể hiểu, “xã hội” là những gì thuộc về quan hệ giữa người và người về các mặt chính trị, kinh tế, triết học, lịch sử, văn học, ngôn ngữ… Từ đó, có thể hiểu NLXH là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc về các vấn đề xã hội, mối quan hệ con người trong xã hội, những đòi hỏi của cuộc sống cũng như những yêu cầu của con người, thực trạng xã hội và các hiện tượng đời sống… Mục đích cuối cùng của nó là thể hiện chính kiến, quan niệm của người viết về vấn đề đặt ra đồng thời tạo ra những tác động tích cực đến con người và những mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.

Yêu cầu đối với bài văn NLXH trước hết cũng là đảm bảo kĩ năng nghị luận nói chung (tập trung hướng tới luận đề để bài viết không tản mạn, có ý thức triển khai thành những luận điểm chặt chẽ, nhất quán, tìm được những dẫn chứng xác đáng, giàu sức thuyết phục). Bên cạnh đó, bài văn NLXH cũng cần đảm bảo về nội dung kiến thức mang màu sắc chính trị, xã hội (những hiểu biết về chính trị, pháp luật, những kiến thức nền tảng về truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, tâm lí, xã hội, những tin tức thời sự cập nhật…); đảm bảo mục đích, tư tưởng: phải vì con người, vì sự tiến bộ chung của toàn xã hội.

II. Các dạng bài nghị luận xã hội:

Nghị luận xã hội trong nhà trường phổ thông thường có ba dạng đề chính. Tuy nhiên để cụ thể hơn trong việc nhận diện, từ đó có cách làm tương ứng phù hợp, dựa vào đề thi của các năm, chuyên đề sẽ cụ thể hóa thành các dạng sau:

1. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
2. Nghị luận về một hiện tượng đời sống
3. Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học hoặc trong một câu chuyện.
4. Dạng đề nghị luận kết hợp hai mặt tốt – xấu trong một vấn đề
5. Dạng đề nghị luận mang tính chất đối thoại – bộc lộ suy nghĩ, quan điểm bản thân (mang tính đối thoại) về vấn đề được đặt ra.
6. Nghị luận về một vấn đề được gợi ra từ một hình ảnh/bức tranh.

III. Hướng dẫn làm bài văn nghị luận xã hội.

1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

– Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…).
– Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông…).
– Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo… Rút ra vấn đề nghị luận).

2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

– Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).
– Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).
– Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.
– Vấn đề có tính chất đối thoại, bàn luận, trao đổi.
– Vấn đề đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.

IV. Lưu ý khi làm bài văn nghị luận xã hội.

1. Đọc kỹ đề.

– Mục đích: Hiểu rõ yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
– Phương pháp xác định: Đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ, cụm từ quan trọng để giải thích và xác lập luận điểm cho toàn bài. Từ đó có định hướng đúng mà viết bài cho tốt.

2. Lập dàn ý.

– Giúp ta trình bày văn bản khoa học, có cấu trúc chặt chẽ, hợp logic.
– Kiểm soát được hệ thống ý, lập luận chặt chẽ, mạch lạc.
– Chủ động dung lượng các luận điểm phù hợp, tránh lan man, dài dòng.

3. Dẫn chứng phù hợp.

– Không lấy những dẫn chứng chung chung (không có người, nội dung, sự việc cụ thể) sẽ không tốt cho bài làm.

– Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục (người thật, việc thật).
– Đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng).

4. Lập luận chặt chẽ, lời văn cô động, giàu sức thuyết phục.

– Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn.
– Lập luận phải chặt chẽ.
– Cảm xúc trong sáng, lành mạnh.
– Để bài văn thấu tình đạt lý thì phải thường xuyên tạo lối viết song song (đồng tình, không đồng tình; ngợi ca, phản bác…).

5. Bài học nhận thức và hành động

– Sau khi phân tích, chứng minh, bàn luận… thì phải rút ra cho mình bài học.
– Thường bài học cho bản thân bao giờ cũng gắn liền với rèn luyện nhân cách cao đẹp, đấu tranh loại bỏ những thói xấu ra khỏi bản thân, học tập lối sống…

6. Độ dài cần phù hợp với yêu cầu đề bài

– Khi đọc đề cần chú ý yêu cầu đề (hình thức bài làm là đoạn văn hay bài văn, bao nhiêu câu, bao nhiêu chữ…) từ đó sắp xếp ý tạo thành bài văn hoàn chỉnh.

V. Cấu trúc đề và các dạng đề cụ thể.

1. Nghị luận về tư tưởng đạo lý.

* Khái niệm: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…).

Cấu trúc bài văn:

a. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận.
– Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra.

b. Thân bài:

– Luận điểm 1: Giải thích yêu cầu đề

+ Cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý.
+ Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có).
+ Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ…).

– Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh

+ Các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế?).
+ Dùng dẫn chứng xảy ra cuộc sống xã hội để chứng minh.
+ Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội.

– Luận điểm 3: bình luận mở rộng vấn đề

+ Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý (vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác).
+ Dẫn chứng minh họa (nên lấy những tấm gương có thật trong đời sống).

– Rút ra bài học nhận thức và hành động

+ Rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc.
+ Áp dụng vào thực tiễn đời sống.

c. Kết bài

– Nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận.
– Mở ra hướng suy nghĩ mới.

2. Dàn ý về dạng đề mang tính nhân văn.

– Các tính nhân văn tốt đẹp: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí nghị lực, tôn sư trọng đạo…
– Hình thức: thường ra dưới dạng một ý kiến, một câu nói, một hay vài câu thơ hoặc tục ngữ, ngạn ngữ…

* Cấu trúc bài làm

a. Mở bài: giới thiệu vấn đề.

Trong trường hợp là đề yêu cầu bàn về một câu nói, một ý kiến thì chúng ta nêu nội dung của ý kiến rồi dẫn ý kiến vào.

b. Thân bài:

– Giải thích ý nghĩa truyện.
– Bàn luận về vấn đề.
– Phê phán những quan niệm, suy nghĩ sai trái.
– Bài học nhận thức và hành động.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề.
– Liên hệ.

3. Dạng đề nêu những vấn đề tác động đến việc hình thành nhân cách con người

3.1 Các vấn đề thường gặp:

– Vấn đề tích cực: tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, ý chí nghị lực, hành động dũng cảm…
– Vấn đề tiêu cực: Thói dối trá, lối sống ích kỷ, phản bội, ghen tị, vụ lợi cá nhân…

3.2 Dạng đề.

Đề thường ra dưới dạng một ý kiến, một câu nói, tục ngữ, ngạn ngữ, một mẩu chuyện nhỏ, một đoạn tin trên báo đài

4. Cách thiết lập dàn ý nghị luận về hiện tượng đời sống.

4.1 Khái niệm:

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…).
– Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.
– Phương pháp: Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể có ý nghĩa tích cực cũng có thể là tiêu cực, có hiện tượng vừa tích cực vừa tiêu cực… Do vậy, cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề để gia giảm liều lượng cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực.

4.2 Thiết lập dàn ý.

a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận.

b. Thân bài:

– Luận điểm 1: giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài.
– Luận điểm 2: nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống.
+ Thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề.
+ Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.
– Luận điểm 3: lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người. Nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài.
– Luận điểm 4 đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).

c. Kết bài:

– Khái quát lại vấn đề đang nghị luận.
– Thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.