Yếu tố thần kì trong truyện dân gian.

Yếu tố thần kì trong truyện dân gian.

1. Nguồn gốc của yếu tố thần kì trong văn học dân gian.

Nguồn gốc của yếu tố thần kì trong văn học dân gian, trước hết, có thể nhận biết từ thần thoại, một thể loại văn học dân gian được coi là hình thức văn hoá tinh thần đầu tiên của loài người (C. Mác). Thần thoại là truyện kể về thần. Nhân vật trung tâm và cũng là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống yếu tố thần kì của thần thoại là thần. Nhân vật thần ấy có nguồn gốc từ thế giới quan thần linh của người nguyên thuỷ.

Khi giải thích vì sao thần thoại lại phản ánh hiện thực dưới hình thức hoang đường, Đinh Gia Khánh viết: Nhìn chung, thần thoại đã sản sinh trên cơ sở những yêu cầu của thực tiễn lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội của người xưa. Nhưng tại sao thần thoại lại phản ánh hiện thực dưới hình thức hoang đường ? Muốn giải đáp vấn đề, cần chú ý đến khả năng rất hạn chế của người nguyên thuỷ. Trong thế giới, đại bộ phận những hiện tượng có liên quan trực tiếp với đời sống vẫn còn ở ngoài tầm hiểu biết của họ. Trình độ của loài người chưa cho phép hiểu được các hiện tượng ấy, trong khi nhu cầu của cuộc sống lại buộc phải giải thích chúng. Bắt buộc phải giải thích những vấn đề vượt lên trên khả năng trí tuệ của mình, người nguyên thuỷ đã đi đến những nhận thức sai lệch, những quan niệm huyễn hoặc về thực tại.

Từ hoang đường được nhà khoa học sử dụng trong đoạn văn trên đồng nghĩa với từ thần kì. Vậy là, khi nói thần thoại phản ánh hiện thực dưới hình thức hoang đường xuất phát từ những nhận thức sai lệch, những quan niệm huyễn hoặc về thực tại là thống nhất với ý kiến cho rằng, yếu tố thần kì trong thần thoại có nguồn gốc từ những nhận thức sai lệch, những quan niệm huyễn hoặc về thực tại của người nguyên thuỷ. Xét cho cùng, những nhận thức sai lệch, những quan niệm huyễn hoặc về thực tại là nguồn gốc sinh ra thế giới quan thần linh của người nguyên thuỷ và thần thoại là thể loại văn học đầu tiên của văn học thế giới phản ánh thế giới quan ấy của loài người.

Thần thoại là thể loại văn học dân gian ra đời sớm nhất và đã để lại cho những thể loại văn học dân gian ra đời sau nó, chẳng hạn như: truyền thuyết và truyện cổ tích (nhất là cổ tích thần kì) nhiều kiểu mẫu nghệ thuật, trong đó chủ yếu là những kiểu mẫu gắn liền với yếu tố thần kì. Vì thế cho nên, khi ta nói thế giới quan thần linh của người nguyên thuỷ được phản ánh trong thần thoại là ta đã thừa nhận thế giới quan thần linh của người nguyên thuỷ là nguồn gốc (trực tiếp) của yếu tố thần kì trong thần thoại và cũng là một trong những nguồn gốc (sâu xa) của yếu tố thần kì trong tất cả các thể loại văn học dân gian ra đời sau thần thoại.

Khi đề cập đến tính hư ảo, thần kì trong truyền thuyết, sau khi không hoàn toàn chia xẻ với ý kiến của Chu Xuân Diên: truyền thuyết có quan hệ gần gũi với các thể loại tự sự dân gian khác như thần thoại và truyện cổ tích, vì trong hệ thống hình tượng truyền thuyết phần hư cấu nghệ thuật chủ yếu dựa vào những mẫu đề và hình tượng của thần thoại và truyện cổ tích thần kì, Kiều Thu Hoạch cho rằng, trong bối cảnh lịch sử – văn hoá Việt Nam, khi xem xét phần hư cấu nghệ thuật trong truyền thuyết thì không thể không xem xét đến một số yếu tố khác như: yếu tố tâm linh, các tư tưởng trong tam giáo Nho, Phật, Đạo, các thứ tín ngưỡng nguyên thuỷ…đã tích hợp thành một phức thể hỗn tạp cùng với tính hư ảo, thần kì trong hư cấu nghệ thuật của truyền thuyết.

Ý kiến trên đây của Kiều Thu Hoạch đã chỉ ra những nguồn gốc khác nhau của yếu tố thần kì trong truyền thuyết Việt Nam. Và đó không chỉ là những nguồn gốc khác nhau của yếu tố thần kì trong truyền thuyết, mà còn là những nguồn gốc khác nhau của yếu tố thần kì ở nhiều thể loại văn học dân gian khác, nhất là những thể loại ra đời sau thần thoại mà khi đề cập đến nó trong văn học dân gian Việt Nam, chúng ta không thể không xem xét tới.

2. Vai trò của yếu tố thần kì trong thần thoại và truyền thuyết.

Các Mác từng có định nghĩa kinh điển, thần thoại là tự nhiên (chủ yếu là những hiện tượng tự nhiên) và những hình thức xã hội đã được chế tác một cách nghệ thuật vô ý thức trong trí tưởng tượng dân gian. Ta có thể suy ra từ định nghĩa của Các Mác, yếu tố thần kì trong thần thoại sinh ra từ tự nhiên và những hình thức xã hội đã được chế tác một cách nghệ thuật vô ý thức trong trí tưởng tượng dân gian.

Thần thoại có chức năng chủ yếu là nhận thức và lí giải các hiện tượng tự nhiên. Yếu tố thần kì có vai trò cực kì quan trọng trong việc hình thành chức năng này của thần thoại. Bằng chứng về vai trò ấy của yếu tố thần kì trong thần thoại là thông qua yếu tố thần kì, ta biết được những hiện tượng tự nhiên, biết được cả những cách thức mà người xưa dùng để nhận thức và lí giải thế giới tự nhiên (thần Naerjia trong thần thoại Mesopotamia: mặt trời và sự tác hại của mặt trời; thần Thoth: nhận thức về mặt trăng của người Ai Cập; thần Artermis: nhận thức về mặt trăng của người Hi Lạp; trong thần thoại Ấn Độ, thần Vayu: gió, thần Agni: lửa, Surya: mặt trời, nữ thần Wushasi: bình minh; trong thần thoại Việt Nam, Thuỷ Tinh: lũ lụt và sự tác hại của lũ lụt, Thiên Lôi: sấm sét.v.v… ).

Trong thần thoại, không chỉ yếu tố nhân vật mà còn cả yếu tố không gian và thời gian nghệ thuật đều là yếu tố thần kì. Không gian vô tận, thời gian vĩnh hằng, nhân vật bất tử, đó là những đặc điểm chung của thần thoại. Vì thế cho nên có thể nói, yếu tố thần kì xuất hiện một cách trực tiếp trong thần thoại. Nó vừa là phương tiện, vừa là mục đích của sự hư cấu một cách nghệ thuật vô ý thức. Yếu tố thần kì trong thần thoại được người nguyên thuỷ (cả người kể lẫn người nghe) (có những đặc điểm tư duy khác với những người ở các giai đoạn phát triển xã hội sau đó) xem là có thực, hơn nữa đối với họ, đó còn là một thứ thực tại cao cấp, thiêng liêng, có ý nghĩa tôn giáo – ma thuật.

Thần thoại thuộc lĩnh vực sáng tác “tự phát”; truyền thuyết, trái lại, là sáng tác “có chủ đích”. Chức năng chủ yếu của truyền thuyết là đánh giá các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử. Trong bài “Suy nghĩ mới về bản chất thể loại truyền thuyết”, Trần Thị An viết: “Nhân vật và sự kiện lịch sử trong truyền thuyết không phải là đối tượng phản ánh của truyền thuyết mà tồn tại như là phương tiện đặc trưng của thể loại, biến truyền thuyết thành một thể loại truyện về các câu chuyện nửa hư, nửa thật, hay nói cách khác, “những con người và địa danh đặc biệt được kể như là những vấn đề (matter) của lịch sử”. Với lịch sử nghiên cứu văn học dân gian nước ta, ý kiến của tác giả quả thật là rất mới mẻ. Ý kiến của Trần Thị An xuất phát từ kết quả nghiên cứu truyền thuyết của giới folklore học thế giới và tác giả cũng đã có khảo sát truyền thuyết Việt Nam, nhưng ý kiến đó có phù hợp với tình hình nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là có phù hợp với đặc điểm truyền thuyết Việt Nam hay không còn phải chờ đợi kết quả nghiên cứu của nhiều người.

Nhân vật thần kì, không gian thần kì, thời gian thần kì là đặc điểm của thần thoại. Tính cố định, cụ thể về nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật là đặc điểm của truyền thuyết. Câu chuyện được kể trong truyền thuyết bao giờ cũng phải xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể, cố định. Nhân vật phải cố định, cụ thể. Sự kiện phải cố định, cụ thể. Địa điểm phải cố định, cụ thể. Thời đại phải cố định, cụ thể

Ví dụ: Cuối đời Hùng Vương, có người ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ họ Lí tên Thân…(Truyện Lí Ông Trọng). Trưng Vương vốn họ Lạc, tên là Trắc, em gái tên là Nhị, người đất Mê Linh, Phong Châu, là con gái Hùng tướng…(Truyện Trưng Vương). Ông nguyên là Thế, sau được đặt tên tự là Yết Kiêu. Ông người làng Hạ Bì, tục gọi làng Quát, huyện Gia Lộc (sau là Tứ Lộc), Hải Dương…(Sự tích Yết Kiêu). Vào thời nhà Lê, có hai vợ chồng một nhà nghèo ở làng Đồng Lủi, sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Hữu Cầu…(Quận He). Nguyễn Trãi người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh, đỗ Hoàng giáp khoa Giáp dần (1373 – 1377), làm quan đến chức Tư nghiệp, lấy con gái Trần Nguyên Đán sinh ra ông…(Truyện Nguyễn Trãi).

Nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết cố định, cụ thể. Đó là nhân vật, không gian và thời gian có liên quan đến lịch sử. Nhân vật, không gian và thời gian ấy, sở dĩ trở thành nhân vật, không gian và thời gian truyền thuyết là nhờ vào yếu tố thần kì. Vì thế cho nên, tuy không trực tiếp như trong thần thoại, yếu tố thần kì vẫn có vai trò rất quan trọng trong tác phẩm truyền thuyết.

Truyện Rùa vàng là một truyền thuyết vì sự kiện và nhân vật lịch sử triều đại An Dương Vương được kể lại trong một thế giới nghệ thuật thấm đẫm màu sắc huyền ảo: sứ Thanh Giang – một con rùa vàng nói sõi tiếng người, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Nguyên nhân xây thành không được và cách thức diệt trừ ma quỷ được sứ Thanh Giang cho An Dương Vương biết: Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống ngàn năm, hó thành ẩn ở núi Thất Diệu sơn. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều đại trước chôn ở đây. Ở bên cạnh, có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và một con gà vốn là dư khí của quỷ tinh, phàm có khách qua đường nghỉ đêm ở quán thì quỷ tinh lại biến hoá muôn hình vạn trạng để làm hại. Người chết vì thế rất nhiều. Nay con gà trống trắng lại lấy con gái chủ quán, nếu giết được con gà trống thì trấn áp được quỷ tinh, quỷ tinh sẽ thu âm khí thành yêu, hoá ra con chim cú ngậm lá thư bay lên trên cây chiên đàn tâu cùng Thượng đế xin phá thành. Thần sẽ xin cắn rớt lá thư, nhà vua tức tốc lặt lấy, thành sẽ xây được. Hình ảnh nỏ thần: vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa vàng làm lẫy, gọi là Linh quang Kim Quy thần cơ. Về sau Triệu vương là Đà cử binh Nam xâm, cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn. Cái chết của An Dương Vương: Vua cầm sừng tê bảy tấc, rùa vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống bể. Hình ảnh hạt châu: Mị Châu chết ở bờ bể, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu.

Truyện Lương Thế Vinh là một truyền thuyết, chủ yếu bởi có chi tiết hoang đường sau: vì bố kém đức mà Lương Thế Vinh từ biệt bố mẹ, thác sinh vào một gia đình khác. Thế Vinh ở làng Nam Xang, sau khi mất, thần của ông nhập vào một hòn đá, rồi từ hòn đá đầu thai vào một người đàn bà ở làng Cao Hương. Lúc người mẹ sau ở làng Cao Hương sinh Thế Vinh ra, ông chỉ một vị khóc, cha mẹ hàng xóm thay nhau ôm ẵm cũng vậy. Người mẹ trước nhớ lời con dặn, hỏi thăm đến tận làng ấy, nghe có một nhà mới đẻ con trai, mà chỉ khóc cả ngày lẫn đêm. Hỏi đến tận nhà vào chơi, xin chủ nhà ẵm đứa bé một tí, từ đấy đứa bé mới thôi khóc. Bà kia mới kể chuyện đầu đuôi con mình với nhà chủ, từ đó thường thường đi lại coi như con mình. Đến khi Thế Vinh mới lớn lên, bảo với bà mẹ trước rằng:

– Những sách của tôi thuở trước, cùng là tôi có món tiền chôn ở dưới gốc cây chuối thì đem đến đây cho tôi.

Bà kia về đào dưới gốc cây chuối, thì quả nhiên thấy có món tiền, mới đem cả sách và món tiền sang đưa cho Thế Vinh. Cha mẹ đẻ mới lấy làm tin, nuôi bà kia ở đấy một thuở.

Thế Vinh học đến đâu, như người học ôn lại. Đến năm 23 tuổi thì đỗ trạng nguyên.

Câu chuyện được kể trong truyền thuyết cũng được người nghe tin là thực, V. Guxép viết về điều này: Đây là chưa nói đến những truyền thuyết, những sử thi, nhiều bài hát mà nhân dân bao giờ cũng cảm thụ với một thái độ hết sức nghiêm chỉnh, tuyệt đối không coi đó là nói cho vui, họ tin ở thực tại của những biến cố được trình bày trong đó, mặc dù về mặt khách quan tất cả những tác phẩm này là sản phẩm của trí tưởng tượng (fantaisia). Câu chuyện được kể trong thần thoại và truyền thuyết đều được người nghe tin là thực, nhưng niềm tin vào sự thực trong thần thoại là hướng tới sự xác nhận một thứ thực tại cao cấp, thiêng liêng, có ý nghĩa tôn giáo – ma thuật (Chu Xuân Diên), còn niềm tin vào sự thực trong truyền thuyết là nhằm khẳng định tính chân thật, đánh giá nhân vật và sự kiện lịch sử. Tin vào sự thực của câu chuyện được kể trong thần thoại và truyền thuyết, thực chất là tin vào yếu tố thần kì. Vì vậy, khi một truyện cổ dân gian có yếu tố thần kì không chiếm được niềm tin của người nghe thì truyện cổ dân gian ấy có nhiều khả năng không phải là tác phẩm thần thoại hay tác phẩm truyền thuyết.

3. Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì.

Truyện cổ tích tuy không phải có nguồn gốc trực tiếp từ thần thoại, nhưng kế thừa trực tiếp nhiều truyền thống quan trọng của thần thoại. Trong nhiều truyền thống quan trọng của thần thoại mà truyện cổ tích kế thừa có yếu tố thần kì và yếu tố thần kì chủ yếu xuất hiện trong tiểu loại truyện cổ tích thần kì. Chức năng của cổ tích là nhận thức con người, nhận thức những quan hệ giữa con người với con người, đồng thời giáo dục con người khát vọng hướng thiện. Truyện cổ tích là truyện hư cấu có chủ tâm và mang tính nghệ thuật. Chức năng và đặc điểm nghệ thuật ấy của truyện cổ tích biểu hiện khá rõ trong truyện cổ tích thần kì. Mang chức năng nhận thức con người, nhận thức những quan hệ giữa con người với con người…nên truyện cổ tích thần kì hướng về đời sống xã hội, lấy con người (chủ yếu là những người lao động nghèo khổ, lương thiện) làm nhân vật trung tâm.

Người xưa lấy tự nhiên và những hình thức xã hội chế tác một cách nghệ thuật vô ý thức mà thành thần thoại; huyền ảo hoá lịch sử mà thành truyền thuyết; ngược lại, với truyện cổ tích, tác giả dân gian chủ yếu đã lấy thực tế xã hội, thực tế cuộc sống gần gũi, gắn bó với con người, rồi dùng một kiểu tưởng tượng và hư cấu riêng (có thể gọi là “tưởng tượng và hư cấu cổ tích”) kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật đặc thù sáng tạo nên tác phẩm truyện cổ tích. Ranh giới giữa thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích là ranh giới giữa thế giới nghệ thuật có sự ngự trị của thần thánh với thế giới nghệ thuật có cái lõi cốt là hiện thực lịch sử – cụ thể và thế giới cổ tích.

Trong truyện cổ tích thần kì, yếu tố thần kì có vai trò rất quan trọng ở việc hình thành thế giới cổ tích. Đỗ Bình Trị đã viết về vai trò ấy của yếu tố thần kì như sau: Thế giới cổ tích là một sáng tạo độc đáo của trí tưởng tượng dân gian. Thế giới ấy có mối quan hệ như thế nào với thực tại ? Ta đều biết “trong mỗi truyện cổ tích đều có những yếu tố của thực tế”. Điều này hết sức hiển nhiên không chỉ với truyện cổ tích sinh hoạt mà ngay cả với truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích về loài vật. Nhưng “những yếu tố của thực tế” ấy đã được trí tưởng tượng dân gian cải biến thành một thứ vật liệu, đem nhào nặn trong một chất “phụ gia” đặc biệt gọi là “hư cấu” (hay “hư cấu kì ảo”), để xây dựng nên một thế giới khác với thế giới thực tại mà ta gọi bằng “thế giới cổ tích”. Đó là thế giới không có thực.

Truyện cổ tích thần kì thể hiện chức năng nhận thức con người, nhận thức xã hội qua việc phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có nội dung rất quan trọng là phản ánh xung đột, mâu thuẫn xã hội. Xung đột, mâu thuẫn xã hội, khi đi vào thế giới cổ tích trở thành xung đột, mâu thuẫn truyện và yếu tố thần kì có vai trò to lớn, không thể thiếu, trong sự phát triển tình tiết, giải quyết xung đột, mâu thuẫn của truyện.

Khảo sát các truyện cổ tích thần kì tiêu biểu sau: Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây khế, Cây tre trăm đốt, Lấy vợ cóc, Ai mua hành tôi…(Việt Nam); Chiếc khăn của người hành khất (Trung Quốc); Ôtakê và Maxao (Nhật Bản); Cô gái và thiên thần(Triều Tiên); Ba hoàng tử (Ấn Độ); Chiếc thuyền biết bay (Nga); Người đẹp ngủ trong rừng(Pháp);…ta sẽ thấy: xung đột trong truyện cổ tích thần kì luôn luôn được giải quyết nhờ sự can thiệp của các lực lượng thần kì. Nhân vật chính ít nhiều có tính chất thụ động. Sự can thiệp của lực lượng thần kì vào việc giải quyết xung đột trong truyện cổ tích thần kì góp phần tạo nên đặc điểm cấu tạo cốt truyện cổ tích thần kì. Bằng lí thuyết hình thái học truyện cổ tích, khảo sát những chức năng của nhân vật hành động trong truyện cổ tích thần kì Nga để rút ra các chức năng của nhân vật hành động trong truyện cổ tích thần kì thế giới, Prốp xác định yếu tố thần kì biểu hiện một cách trực tiếp ở chức năng thứ XIV: Phương tiện thần kì được nhân vật chính sử dụng (Định nghĩa: sự có được biện pháp thần kì – kí hiệu Z) trong số 31 chức năng trong cấu tạo cốt truyện cổ tích thần kì.

Vận dụng lí thuyết hình thái học của Prốp, khảo sát đặc điểm cấu tạo cốt truyện cổ tích thần kì Việt, một số nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã rút ra những nhận xét lí thú. Theo Trần Đức Ngôn, sự tiếp nhận vật thần kì, Prốp chia thành 9 nhóm, trong tài liệu cổ tích Việt chỉ có 5 nhóm, còn 4 nhóm không xuất hiện. Tài liệu cổ tích thần kì Việt cũng cho thấy những biệt loại không có trong bảng kê của Prốp. Trong công trình Cổ tích thần kì người Việt, đặc điểm cấu tạo cốt truyện (Viet,s fairy tales, structural characteristics of their plots), Tăng Kim Ngân viết: Tài liệu của Prốp được ông khái quát thành 9 nhóm. Tài liệu nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự xuất hiện của 8 nhóm với tần số 39 lần…Ngoài 8 nhóm trùng hợp với những nhóm khái quát của Prốp, tài liệu của chúng tôi còn thấy xuất hiện một nhóm loại khác không có trong tài liệu của Prốp. Chúng tôi gọi đó là nhóm biệt loại và kí hiệu Z v. Chỗ gặp nhau của hai nhà nghiên cứu là bằng lí thuyết hình thái học truyện cổ tích của Prốp, khảo sát yếu tố thần kì trong cấu tạo cốt truyện cổ tích thần kì Việt, đã tìm ra một cách cụ thể nét tương đồng và dị biệt về cấu tạo cốt truyện giữa truyện cổ tích thần kì Việt và truyện cổ tích thần kì thế giới. Điều đó đã giúp chúng ta có cơ sở thực sự khoa học để đi tới nhận định: yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì là một trong những yếu tố quan trọng biểu hiện cái riêng của truyện cổ tích từng dân tộc trong cái chung của truyện cổ tích toàn thế giới.

Nhân vật, không gian và thời gian trong truyện cổ tích thần kì là nhân vật, không gian và thời gian phiếm chỉ. Nói nhân vật, không gian và thời gian trong truyện cổ tích thần kì có tính phiếm chỉ là vì sự chung chung, không rõ ràng – mơ hồ của chúng: Ngày xửa, ngày xưa, ở làng nọ, có một…(truyện cổ tích Việt); Ngày xưa, vào cái thời chim chích nuốt con sóc, con sóc nuốt con cầy, có một…(truyện cổ tích Thái); Ngày xưa, lúc chiếc bánh giầy còn biết thổi kèn, đánh trống, người Hmông chưa biết may quần áo, chưa có vàng bạc, chưa có nhẫn đeo tay…(truyện cổ tích Hmông); Ngày xưa, tại vương quốc nọ, có một…(truyện cổ tích châu Âu);…

Phiếm chỉ – mơ hồ là đặc điểm của nhân vật, không gian và thời gian trong thế giới cổ tích của truyện cổ tích thần kì và để có nhân vật, không gian và thời gian như thế trong truyện cổ tích thần kì thì không thể không có vai trò của yếu tố thần kì. Nguồn gốc và sức mạnh thần thánh của Thạch Sanh; sự không chết và hoá kiếp liên tiếp của Tấm; trút bỏ cái vỏ xấu xí để thành cô gái xinh đẹp truyệt trần của nàng Cóc; thành chàng trai khôi ngô tuấn tú của Sọ Dừa; Ngọc Hoàng; Tiên; Bụt; Long Vương; Diêm Vương; Hà Bá; Chim thần; Gậy thần; Cõi trời – Cõi tiên; Cõi đất – Âm phủ; Cõi nước – Thuỷ cung; v.v, đó là những yếu tố thần kì tiêu biểu, ta thường gặp trong truyện cổ tích thần kì Việt. Những yếu tố thần kì tiêu biểu đó mang vai trò của những yếu tố có tính nhất quyết định đối với quá trình biến các nhân vật, không gian và thời gian còn rất gần với thực tế thành những nhân vật, không gian và thời gian trong thế giới cổ tích của nhiều truyện cổ dân gian đặc sắc bậc nhất trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam: Cây khế, Tấm Cám, Sọ Dừa, Lấy vợ cóc, Thạch Sanh, Ai mua hành tôi, Cây tre trăm đốt, v.v…

Nếu cả người kể lẫn người nghe đều tin là thực đối với chuyện được kể trong thần thoại; truyền thuyết là chuyện đáng tin, chủ yếu đối với người nghe thì ở truyện cổ tích, việc tin hay không tin diễn ra khác hẳn. Một trong những đặc điểm của truyện cổ tích là những chuyện không thể và không bao giờ có thể xảy ra được, lại được kể bằng một phong cách, một giọng kể, điệu bộ, nét mặt làm như tất cả những điều được kể lại mặc dù có tính chất khác thường lại dường như có thể xảy ra thật trong thực tế, tuy rằng cả người kể lẫn người nghe đều không tin vào câu chuyện.

Truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích thần kì nói riêng không bao giờ mạo nhận là hiện thực. Trong truyện cổ tích Nga, kết thúc truyện thường có câu: Truyện thế là hết, không thể nói dóc hơn được nữa. Trong ngôn ngữ hiện đại, từ “truyện cổ tích” đồng nghĩa với từ “chuyện bịa đặt” . Truyện không thật, truyện bịa đặt, truyện nói dóc, nhưng vì sao truyện cổ tích thần kì lại làm say mê trái tim người nghe bao thế hệ ở mọi dân tộc, chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để nói lên sự tồn tại rất đỗi diệu kì của nó. Có nhiều nguyên nhân làm cho truyện cổ tích thần kì có sự tồn tại kì diệu, trong đó không thể không có nguyên nhân từ yếu tố thần kì và nguyên nhân từ yếu tố thần kì mới là chủ yếu.

Yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì là yếu tố có vai trò biến thực tế cuộc sống thành thế giới cổ tích. Người nghe say mê thế giới cổ tích, trước hết là họ say mê chính cái thần kì trong thế giới cổ tích. Mặt khác, yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì có vai trò giải quyết các xung đột của truyện. Xung đột giữa người tốt và kẻ xấu, giữa người thật thà, lương thiện và kẻ tham lam, độc ác…là xung đột có tính phổ biến trong truyện cổ tích thần kì. Nhờ sự trợ thủ của lực lượng thần kì, xung đột được giải quyết bao giờ cũng theo hướng người tốt, thật thà, lương thiện chiến thắng, hạnh phúc; kẻ xấu, tham lam, độc ác thất bại, bị trừng trị đích đáng.

Trong thực tế cuộc sống con người, nhất là cuộc sống dưới chế độ xã hội có quá nhiều phi lí, bất công (truyện cổ tích Việt Nam và nhiều nước khác, hình thành từ khá sớm, nhưng chủ yếu phát triển hoàn thiện dưới chế độ phong kiến), thì làm sao những người hiền lành, lương thiện, lại có thể chiến thắng và đạt được hạnh phúc một cách dễ dàng như thế ! Sự chiến thắng và hạnh phúc của nhân vật hiền lành, lương thiện trong truyện cổ tích thần kì gần như chỉ là biểu hiện của niềm tin vào triết lí ở hiền gặp lành và ước mơ công lí của nhân dân mà thôi. Xã hội càng bạo tàn, bất công, phi lí càng làm cho những con người bất hạnh, đau khổ nung nấu mãnh liệt niềm tin; ước mơ thêm thiết tha, cháy bỏng. Niềm tin và ước mơ ấy của họ như được xẻ chia, thông cảm trong truyện cổ tích thần kì. Vì thế, cho dù là truyện không thật, truyện bịa đặt, đã bao đời, truyện cổ tích thần kì vẫn được nhân loại gìn giữ, lưu truyền.

Ngoài thần thoại, truyền thuyết và cổ tích thần kì, các thể loại khác của văn học dân gian cũng có yếu tố thần kì. Chỗ khác nhau rõ nhất của yếu tố thần kì trong thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích thần kì với yếu tố thần kì trong tất cả các thể loại văn học dân gian khác là yếu tố thần kì trong thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích thần kì là yếu tố bắt buộc phải có, nó có vai trò quy định đặc trưng chức năng, thi pháp thể loại, quyết định sự tồn tại của tác phẩm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích thần kì; ngược lại, yếu tố thần kì trong tất cả các thể loại khác của văn học dân gian (kể cả cổ tích về loài vật – một tiểu loại của truyện cổ tích, có nhiều quan hệ với thần thoại) là yếu tố không bắt buộc phải có, nó chỉ là một phương tiện nghệ thuật thông thường như nhiều phương tiện nghệ thuật khác trong các thể loại ấy. Chẳng hạn, trong cổ tích thế sự (cổ tích sinh hoạt), yếu tố thần kì nếu có thì cũng chỉ là một phương tiện nghệ thuật thứ yếu và nhiều khi chỉ được dùng như những họa tiết hoặc cái “đường viền” trang trí để làm cho câu chuyện thêm li kì, hấp dẫn mà thôi. Truyện ngụ ngôn có thể sử dụng yếu tố kì diệu như truyện cổ tích. Nhưng ngay trong trường hợp này, yếu tố kì diệu cũng chịu sự hướng dẫn của lí trí, của tinh thần hiện thực. Truyện ngụ ngôn không hề có tham vọng khiến người nghe tin rằng sự việc kì diệu là có thực, mà chỉ muốn dùng nó làm phương tiện để đạt tới lời quy châm có tính chất triết học hay luân lí.

Ý nghĩa các yếu tố kỳ ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang