Nhà văn Sê khốp và truyện ngắn “Người trong bao”.

nha-van-se-khop-truyen-ngan-nguoi-trong-bao

Nhà văn Sê khốp và truyện ngắn “Người trong bao”.

An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) là một trong những đại biểu cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga, bước vào lịch sử văn học Nga như một nhà cách tân thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn và kịch nói. Tác phẩm của Sê-khốp đã nghiêm khấc lên án chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và cuộc sống ăn hại của tầng lớp cầm quyền nước Nga đương thời, phê phán sự bất lực của giới trí thức và sự sa đoạ về tinh thần của một bộ phận trong số họ, đồng thời biểu hiện sâu sắc sự đồng cảm và trân trọng đối với những người lao động nghèo, tình yêu thắm thiết và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của nhân dân Nga, đất nước

Sê-khốp sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp, miền Nam nước Nga. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y, Sê-khốp vừa làm bác sĩ nông thôn vừa viết báo, viết văn đồng thời tham gia nhiều công việc xã hội, giáo dục, văn hoá; nổi bật là chuyến đi thăm đảo Xa- kha-lin (1890), nơi đày ải các tù nhân Nga.

Năm 1887, Sê-khốp được nhận Giải thưởng Pu-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga; năm 1900, ông được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga. Năm 1904, Sê-khốp ốm nặng và qua đời ở Đức.

“Người trong bao” (1898) là truyện ngắn nổi tiếng của Sê-khốp, được sáng tác trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen. Thời ấy, xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế nặng nể cuối thế kỉ Môi trường xã hội ấy đã đẻ ra lắm kiểu người kì quái mà “người trong bao” Bê-li-cốp là một phát hiện nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của nhà văn. Đây là một trong ba truyện ngắn có chung chủ đề phê phán lối sống tầm thường, dung tục tiểu tư sản, lối sống của một kiểu người, một bộ phận trí thức xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX.

Truyện ngắn “Người trong bao” được bắt đầu bằng việc bác sĩ I-van I-va-nych và giáo viên trung học Bu-kin đi săn về quá muộn đành phải nghỉ đêm tại nhà kho của ông trưởng xóm ở cuối làng My-ro-sis-koye. Tại đây, Bu-kin đã kể cho bác sĩ I-van câu chuyện của Bê-li-cốp. Bê-li-cốp là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp. Đây là một con người kỳ lạ. Dù thời tiết có như thế nào, Bê-li-cốp đều “đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông”. Mọi vật dụng của Bê-li-cốp cũng được để trong bao. Hầu như không ai có thể nhìn thấy mặt ông ta vì lúc nào ông ta cũng “đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tai nhét bông, và khi ngồi xe ngựa thì bao giờ cũng cho kéo mui lên”. Bê-li-cốp cũng khá kín đáo vì “cả ý nghĩ của mình, Bê-li-cốp cũng cố giấu vào bao”. Cả buồng ngủ của ông giáo viên này cũng ngột ngạt vì kín như hộp. Lúc nào, ông ta cũng trùm chăn kín đầu. Câu nói quen thuộc của ông ta đó là: “Nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao?”. Sống với một con người như thế, ai cũng phải sợ, vì mỗi khi làm việc gì, việc đó lại gây phiền cho con người kỳ lạ đó.

Và rồi, hai chị em Va-ren-ca và Cô-va-len-cô xuất hiện. Cô-va-len-cô là một thầy giáo vừa mới chuyển về ngôi trường mà Bê-li-cốp đang làm việc. Bê-li-cốp có tình cảm với người chị gái, Va-ren-ca. Ý nghĩ lấy vợ choán lấy tâm trí của ông giáo viên kia, nhưng ông ta cứ sợ này sợ nọ. Và rồi tình cảm đó cũng nhanh chóng qua đi. Bê-li-cốp đã nhìn thấy hai chị em kia đi xe đạp, điều mà Bê-li-cốp cho là khủng khiếp. Ông ta đến nhà của họ, nhưng chỉ gặp Cô-va-len-cô vì Va-ren-ca đã đi vắng và chỉ trích rất nhiều về việc đó. Cô-va-len-cô cũng không phải vừa, tạo nên một cuộc tranh cãi gay gắt. Cuối cùng, Cô-va-len-cô túm lấy cổ áo của Bê-li-cốp, xô ông ta xuống cầu thang, làm ông ta ngã đau điếng. Tất cả, kể cả chuyện yêu đương, chấm hết bằng điệu cười khoái chí của Va-ren-ca. Bê-li-cốp trở về nhà mà không đi bệnh viện, một tháng sau thì chết.

Sau khi kể câu chuyện đó, Bu-kin bước ra khỏi nhà. Bác sĩ Ivan, sau khi nghe câu chuyện của Bê-li-cốp, đã trầm ngâm suy nghĩ về xã hội Nga cuối thế kỷ XIX. Ông đã đi kết luận: “Không thể sống mãi như thế được!”. 

Nhìn chung, truyện ngắn của Sê-khốp thâm trầm, kín đáo, ý tứ sâu sắc, chủ đề tư tưởng thường được gửi gắm vào hình tượng nhân vật, vào nhân vật người kể chuyện, có khi vào cả nhan đề truyện. Thái độ, tình cảm của tác giả thường tỏ ra kìm nén, lạnh lùng, khách quan đứng ngoài để người đọc tự suy ngẫm, tự hiểu. Nhưng cũng có khi ông trực tiếp bày tỏ thái độ của mình một cách dứt khoát, thậm chí quyết liệt nhưng vẫn với giọng điệu bình tĩnh, mỉa mai, châm biếm và đượm một nỗi buồn sâu sắc: buồn về cuộc sống chung quanh, buồn về không ít những con người tầm thường, tẻ nhạt hoặc đê tiện khủng khiếp đang sống cùng thời với ông. Sê-khốp muốn nhắc đi nhắc lại lời nhắn gửi người đọc: “Không thế sống như thế mãi được!”.

Trong truyện ngắn “Người trong bao”, qua cuộc trò chuyện của hai người bạn: thầy giáo trường làng Bu-rơ-kin và bác sĩ thú y I-van I-va-nứt, qua việc khắc hoạ chân dung nhân vật thầy giáo dạy tiếng Hi Lạp cổ Bê-li-cốp, tác giả muốn khắc hoạ chủ đề người trí thức Nga, lối sống mê-si-an (tiểu tư sản) ở Nga, lối sống tầm thường, hủ lậu, hèn nhát, cá nhân và ích kỉ, máy móc và giáo điều, đê tiện và dung tục. Lối sống mê-si-an đầu độc tâm hồn con người, đầu độc cuộc sống. Nó gây ảnh hưởng và hậu quả nặng nề, lâu dài, dai dẳng trong xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Câu chuyện cảnh tỉnh người đọc: phải tìm mọi cách thoát ra khỏi cuộc sống, lối sống trong bao, thu mình vào bao, lối sống bò sát như con sên, nằm co như con ốc, tự mình làm khổ mình, làm khổ mọi người,… để vươn tới cuộc sống mới chân thực, rộng mở, hồn nhiên, lành mạnh, trong sáng, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Đó cũng chính là khát khao khắc khoải của Sê-khốp trong cuộc đời viết văn của mình.

Phân tích truyện ngắn “Người trong bao” của nhà văn Sê-khốp

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.