Ôn tập Tập làm văn- SGK Ngữ văn 9, tập 1

on-tap-tap-lam-van-sgk-ngu-van-9-tap-1

Ôn tập Tập làm văn

* Câu hỏi ôn tập.

1. Phần Tập làm văn trong Ngữ văn 9, tập một có những nội dung lớn nào? Những nội dung nào là trọng tâm cần chú ý?

2. Vai trò, vị trí, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh như thế nào? Cho một ví dụ cụ thể.

3. Văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả, tự sự giống và khác với văn bản miêu tả, tự sự ở điểm nào?

4. Sách Ngữ văn 9, tập một nêu lên những nội dung gì về văn bản tự sự? Vai trò, vị trí và tác dụng của các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự như thế nào? Hãy cho ví dụ một đoạn văn tự sự trong đoạn trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm; một đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận và một đoạn văn tự sự có sử dụng cả yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận. (Có thể lấy trong các tác phẩm văn học đã học, đã đọc hoặc trong các bài văn tham khảo của bạn cũng như của mình,…)

5. Thế nào là đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm? Vai trò, tác dụng và hình thức thể hiện của các yếu tố này trong văn bản tự sự như thế nào? Tìm các ví dụ về đoạn văn tự sự có sử dụng các yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm.

6. Tìm hai đoạn văn tự sự, trong đó có một đoạn người kể chuyện kể theo ngôi thứ nhất, một đoạn kể theo ngôi thứ ba. Nhận xét vai trò của mỗi loại người kể chuyện đã nêu.

7. Các nội dung văn bản tự sự đã học ở lớp 9 có gì giống và khác so với các nội dung về kiểu văn bản này đã học ở những lớp dưới?

8. Giải thích tại sao trong một văn bản có đủ các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận mà vẫn gọi đó là văn bản tự sự. Theo em, liệu có một văn bản nào chỉ vận dụng một phương thức biểu đạt duy nhất không?

9. Các kiểu văn bản chính nào sau đây: Tự sự; Miêu tả; Nghị luận; Biểu cảm; Thuyết minh; Điều hành, có thể kết hợp với các yếu tố tương ứng trong nó? (chẳng hạn như Tự sự có thể kết hợp với Miêu tả)

10. Một số tác phẩm tự sự được học trong sách giáo khoa Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9 không phải bao giờ cũng phân biệt rõ bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài, và Kết bài. Tại sao bài tập làm văn tự sự của học sinh vẫn phải có đủ ba phần đã nêu?

11. Những kiến thức và kĩ năng về kiểu văn bản tự sự của phần Tập làm văn có giúp được gì trong việc đọc – hiểu các văn bản tác phẩm văn học tương ứng trong sách giáo khoa Ngữ văn không? Phân tích một vài ví dụ để làm sáng tỏ.

12. Những kiến thức và kĩ năng về các tác phẩm tự sự của phần Đọc – hiểu văn bản và Tiếng Việt tương ứng đã giúp em những gì trong việc viết bài văn tự sự? Phân tích một vài ví dụ để làm sáng tỏ.


* Bài soạn:

Câu 1: Phần Tập làm văn trong chương trình Ngữ văn 9, tập một có những nội dung lớn nào? Cần chú ý vào nội dung trọng tâm nào?

– Văn bản thuyết minh; kết hợp giữa thuyết minh với miêu tả, lập luận và một số biện pháp nghệ thuật.

– Văn bản tự sự:

+ Kết hợp tự sự với miêu tả (miêu tả bên ngoài và miêu tả bên trong), lập luận.

+ Đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm trong tự sự; người kể và ngôi kể trong văn bản tự sự.

– Trong các nội dung trên, cần tập trung tìm hiểu kĩ các nội dung mới, nâng cao so với chương trình Tập làm văn ở các lớp dưới như: thuyết minh kết hợp với các biện pháp nghệ thuật; tự sự kết hợp với miêu tả nội tâm, phân biệt đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm; nhận diện người kể chuyện trong văn bản tự sự, cách chuyển đổi ngôi kể.

Câu 2:

Vị trí, vai trò, tác dụng của giải thích và miêu tả trong văn bản thuyết minh.

Trong thuyết minh nhiều khi người ta phải giải thích để làm rõ sự vật cần giải thích, nhất là khi gặp các thuật ngữ, các khái niệm chuyên môn hoặc nhưng nội dung trừu tượng và đương nhiên và cũng phải vận dụng miêu tả để người nghe hình dung ra đối tượng. Yêu cầu giải thích và miêu tả là không thể thiếu trong văn thuyết minh.

Ví dụ thuyết minh về ngôi chùa cổ:

Giải thích kết cấu, những đặc điểm kiến trúc, hoặc giải thích khái niệm nào đó trong quan niệm của nhà Phật thể hiện ở cấu trúc ngôi chùa. – Miêu tả để người nghe hình dung ra dáng vẻ, màu sắc, không gian hình khối, cảnh vật chung quanh ngôi chùa.

Câu 3: Sự giống nhau giữa giải thích, thuyết minh và miêu tả.

– Giống nhau: Cùng làm cho người khác hiểu rõ về đối tượng.

– Khác nhau:

+ Thuyết minh: phản ánh chính xác, khách quan, trung thành với đối tượng được thuyết minh; hạn chế sử dụng yếu tố tưởng tượng, sử dụng nhiều đến số liệu cụ thể; dùng nhiều trong các lĩnh vực giao tiếp nhật dụng; ngôn ngữ đơn nghĩa.

+ Miêu tả: dựa vào đặc điểm, tính chất khách quan của đối tượng, phát huy trí tưởng tượng, hư cấu; sử dụng nhiều yếu tố so sánh, liên tưởng, ít sử dụng số liệu cụ thể; dùng nhiều trong sáng tác văn học nghệ thuật; ngôn ngữ thường đa nghĩa.

+ Giải thích: Sử dụng miêu tả trong thuyết minh giúp người đọc (nghe) hình dung cụ thể, sinh động hơn về đối tượng, làm tăng sức hấp dẫn cho văn bản thuyết minh.

Câu 4:

a. Văn tự sự trong ngữ văn 9 có hai nội dung:

– Kết hợp giữa tự sự với biểu cảm và miêu tả nội tâm, giữa tự sự với lập luận.

– Đối thoại và độc thoại nội tâm trong văn tự sự, người kể chuyện và vai trò của người kể chuyện trong văn tự sự.

b. Vai trò vị trí tác dụng của các yếu tố miêu tả nội tâm, lập luận trong văn tự sự:

– Miêu tả nội tâm có vai trò quan trọng trong văn bản tự sự. Đó là một bước phát triển của nghệ thuật. Vì miêu tả nội tâm là miêu tả những suy nghĩ, tình cảm, diễn biến tâm trạng của nhân vật, miêu tả những gì không quan sát được một cách trực tiếp.

– Miêu tả nội tâm làm cho nhân vật bộc lộ chiều sâu tư tưởng. Tuy nhiên miêu tả bên trong và miêu tả bên ngoài có mối quan hệ với nhau. Nhiều khi từ việc miêu tả bên ngoài mà người viết cho ta thấy nội tâm của nhân vật và ngược lại, từ việc miêu tả bên trong người đọc hình dung được hình thức bên ngoài của nhân vật.

– Lập luận trong văn bản tự sự thường xuất hiện ở các cuộc đối thoại và độc thoại, ở đó người nói nêu ra những lí lẽ và dẫn chứng nhằm thuyết phục người nghe một vấn đề nào đó, làm cho câu chuyện thật hơn sinh động hơn.

c. Tìm ba đoạn văn tự sự: một đoạn có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm, một đoạn có sử dụng yếu tố nghị luận và một đoạn có sử dụng kết hợp cả ba yếu tố tự sự, miêu tả nội tâm và nghị luận.

Có thể tham khảo:

– “Thực sự mẹ không lo lắng đến nỗi không ngủ được….” Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.

(Lí Lan, Cổng trường mở ra)

– “Phải, người hoạ sĩ già vừa nói chuyện, tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội hoạ trong cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời. […] Thế nhưng, đối với chính nhà hoạ sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan…. Mặc dù vậy, ông đã chấp nhận sự thử thách.”

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

– “Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết…Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.”
(Thanh Tịnh, Tôi đi học)

Câu 5:

– Đối thoại: Là hình thức đối đáp trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người.

– Độc thoại là lời nói của một người nào đó không nhằm vào ai hoặc nói với chính mình (Phía trước lời thoại có gạch đầu dòng).

– Độc thoại nội tâm là độc thoại không cất thành lời (Không có gạch đầu dòng).

Đối thoại và độc thoại làm cho câu chuyện có khôn khí như cuộc sống thực, đi vào nội tâm nhân vật, bộc lộ được tính cách và sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật làm cho câu chuyện sinh động hơn.

VD: Xem lại bài “Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự”

Câu 6:

a. Đoạn văn kể theo ngôi thứ nhất: tham khảo tác phẩm Tôi đi học, Trong lòng mẹ,…

b. Đoạn văn kể theo ngôi thứ 3: tham khảo tác phẩm Chí Phèo, Tắt đèn,…

Câu 7: Văn bản tự sự ở lớp 9 so với văn bản này ở lớp dưới:

– Giống nhau: Đã là văn bản tự sự cùng phải tạo nên một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, dẫn đến kêt thúc nhằm nêu lên một ý nghĩa.

– Khác nhau:

+ Văn bản tự sự ở lớp 6 tồn tại độc lập một phương thức riêng.

+ Văn tự sự ở lớp 8 có sự kết hợp với biểu cảm và miêu tả nhưng chủ yếu là miêu tả ngoại hình, hành động nhân vật.

+ Đến lớp 9, văn tự sự kết hợp cả lập luận, biểu cảm, miêu tả. Riêng miêu tả còn học thêm miêu tả nội tâm nhân vật, ngôi kể và việc chuyển đổi ngôi kể.

Như vậy, văn tự sự lớp 9 vừa lặp lại vừa nâng cao cả kiến thức và kỹ năng của lớp dưới.

Câu 8:

Miêu tả, biểu cảm, lập luận chi dùng như một yếu tố bổ trợ nhằm làm nổi bật phương thức chính là phương thức tự sự. Khi gọi tên một văn bản, người ta căn cứ vào phương thức biểu đạt chính của văn bản đó.

Trong thực tế, ít có những văn bản chỉ tồn tại một phương thức biểu đạt duy nhất.

Câu 9: Các kiểu văn bản có thể kết hợp với các yếu tố khác:

– Tự sự kết hợp với miêu tả, lập luận, biểu cảm, thuyết minh.

– Miêu tả kết hợp với tự sự, biểu cảm, thuyết minh.

– Lập luận kết hợp với miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

– Biểu cảm kết hợp với tự sự, miêu tả, lập luận.

– Thuyết minh kết hợp với miêu tả, lập luận.

– Điều hành không thể kết hợp với yếu tố nào thuộc năm phương thức trên.

Câu 10:

Một số tác phẩm tự sự được học trong SGK Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9 không phải bao giờ cũng phân biệt rõ bố cục ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Tuy vậy, khi viết bài làm văn kể chuyện, các em phải có đủ ba phần bởi vì các em đang trong giai đoạn luyện tập, phải rèn theo yêu cầu “thị phạm” của nhà trường. Sau này lớn lên, các em có thể viết tự do, “phá cách” như các nhà văn.

Câu 11:

Những kiến thức, kỹ năng về kiểu văn tự sự của tập làm văn đã soi sáng thêm nhiều cho việc đọc – hiểu văn bản các tác phẩm văn học trong SGK ngữ văn. Ví dụ học yếu tố đối thoại, độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự của phần tập làm văn giúp em hiểu sâu sắc hơn các đoạn trích trong Truyện Kiều, nhất là đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, hay truyện Làng của Kim Lân.

Câu 12:

Những kiến thức của phần đọc – hiểu văn bản và phần tiếng Việt tương ứng đã giúp em học tốt hơp khi làm văn kể chuyện. Ví dụ các văn bản tự sự trong SGK ngữ văn đã cung cấp cho em đề tài, nội dung và cách kể chuyện, cách dùng ngôi kể, người kể chuyện, cách dẫn dắt, xây dựng và miêu tả nhân vật, sự việc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.