Phân tích nhân vật Giăng Van-giăng (Những người khốn khổ của V. Huy-gô)

phan-tich-nhan-vat-giang-van-giang-nhung-nguoi-khon-kho-cua-v-huy-go

Phân tích nhân vật Giăng Van-giăng (Những người khốn khổ của V. Huy-gô)

I. Mở bài:

– V. Huy-gô (1802 – 1885) là ngôi sao mọc sớm, lặn muộn nhất ở chân trời thế kỉ XIX. Ông là người thông minh, tài năng, suốt cuộc đời đấu tranh vì sự tiến bộ của loài người. Huy-go sáng tác trên nhiều thể loại: tiểu thuyết, thơ và kịch.

– Nhân vật Giăng Van-giăng là hình tượng nhân vật đại diện cho yêu thương, cho trái tim nhân hậu và tình thương cao cả.

– Nhà văn đã tập trung thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Giăng Van-giăng. Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” thể hiện rõ ràng và đầy đủ nhất tình yêu thương và đức hi sinh của Giăng Van-giăng đối với những người nghèo khổ.

II. Thân bài:

1. Hoàn cảnh và số phận của nhân vật Giăng Van-giăng.

– Vì nghèo đói nên lấy cắp bánh mì nuôi cháu, bị phạt tù khổ sai 19 năm.

– Ra tù trở thành người tốt, được làm thị trưởng luôn giúp đỡ mọi người.

– Gia – ve phát hiện, Giăng Van-giăng không muốn vì mình mà một người bị kết án oan, nhưng ông cũng không còn đủ điều kiện để cứu mẹ con Phăng – tin

– Tâm trạng giằng co, mâu thuẫn, sẵn sàng chịu bắt nhưng cũng cố sức năn nỉ hạn thêm mấy ngày để lo việc cho Phăng-tin, thực hiện lời hứa với người sắp mất

→ Giăng Van-giăng là con người của tình thương, của sự nghèo khổ và kém may mắn

2. Tính cách và phẩm chất của nhân vật Giăng-Van-giăng.

– Là một con người giàu tình thương:

+ Quyết định đầu thú để cứu nạn nhân bị Gia-Ve bắt oan.

+ Với Gia-ve: Nói với Gia-Ve giọng nhún nhường nhẹ nhàng xin hoãn lại 3 ngày để tìm con cho Phăng Tin

+ Với Phăng – tin: Trước khi Phăng – tin chết thì ông đã lo lắng cho bệnh tình của cô, một cú sốc nhỏ cũng đủ để giết chết người đàn bà ấy, hứa tìm được con gái cho Phăng-tin. Còn sau khi Phăng – tin chết thì cúi đầu, nhìn cô thật lâu, hôn lên bàn tay của Phăng – tin; chi tiết Giăng Van – giăng thì thầm điều gì bên tai Phăng-tin -> khuôn mặt Phăng-tin “sáng rỡ một cách lạ thường”

Con người đầy tình thương và trách nhiệm. Dù bị dồn vào chân tường vẫn cố gắng bảo vệ cho đồng loại bằng bản lĩnh phi thường. Những hành động và việc làm cao cả đầy tình nghĩa lòng nhân ái sống hết mình cho tình thương đồng thời thể hiện giá trị thẩm mỹ giàu chất nhân văn trong một con người nghèo khổ.

– Là một người đầy thông minh kiên cường và dũng cảm:

+ Giăng van Giăng là người thông minh, khôn khéo khi nhận thức được tình hình, dù không sợ hãi nhưng ông vẫn nói năng nhún nhường để Gia-ve giữ bí mật cho mình. Mặt khác đó là sự điềm tĩnh, dễ dàng đón nhận sự thật, từ tốn, nhún nhường, nhỏ giọng cầu xin Gia – ve hoãn lại 3 ngày để đi tìm Cô-dét.

+ Khi Phăng tin mất thì thái độ của Giăng Van-Giăng đã hoàn toàn thay đổi, ông đã mạnh mẽ kết tội Gia-ve chính là người gián tiếp gây ra cái chết của Phăng-tin. “Tôi khuyên anh đừng quấy rầy tôi lúc này”, hành động thì cầm thanh sắt như bất chấp, căm thù, dũng cảm

+  Trước hành động thô bạo, hung dữ của Gia-ve, Giăng đã không nhường nhịn nữa,thái độ và hành động của ông trở nên quyết liệt.

+  Nguyên nhân của sự thay đổi thái độ của Giăng Van – giăng: Muốn bảo vệ sự linh thiêng cho người đã khuất và đó là sức mạnh của tình thương, lòng nhân ái khiên Giăng Van-giăng vượt qua ranh giới của sự sợ hãi, quên đi bản thân mình

 V.Huy-gô đã xây dựng nhân vật Giăng Van – giăng với tình yêu thương cao cả và bản lĩnh cứng cỏi chống lại cái ác. Giăng Van-giăng là sự hiện diện ở tầm vóc phi thường, như một vị cứu tinh, một đấng cứu thế.

III. Kết bài:

– Giăng Van-giăng là hiện thân cao đẹp nhất của tình thương những người nghèo khổ. Qua việc khắc họa nhân vật Giăng van-giăng, nhà văn Huy-gô đã thể hiện được sức mạnh của tình thương, đó là sức mạnh có thể chiến thắng cái thiện với cái ác.


Bài viết tham khảo:

Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng.

  • Mở bài:

Nhắc đến văn học nhân đạo thế giới, không thể không nhắc tới đại văn hào người Pháp Vich-to-Huy-gô. Trong sự nghiệp sáng tác văn học của mình, ông đã để lại cho thế giới một tiểu thuyết vô cùng giá trị mang tên “Những người khốn khổ”. Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có thể nói là đoạn trích đặc sắc nhất của cuốn tiểu thuyết. Trong đoạn trích, nhà văn đã tập trung tái hiện thành công hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng với số phận và những phẩm chất tốt đẹp.

Giăng Van-giăng là nhân vật chính của tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. Cuộc đời và số phận của Giăng Van-giăng là hành trình đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ xiềng xích gông cùm đến tự do của con người. Trước tiên, điều mà người đọc cảm nhận được là từ cuộc đời và số phận của ông.

  • Thân bài:

Cuộc đời Giăng Van-giăng là một chuỗi dài những biến cố, không hề may mắn. Vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho đứa cháu nhỏ đang đói khát khốn khổ mà rơi vào cảnh tù giam suốt 21 năm dài. Kết quả nhận lại cho 21 năm nơi ngục tối là một tờ giấy thông hành vàng, dù đi đến bất cứ nơi đâu cũng bị người người xa lánh. Sau đó, ông gặp được vị giám mục Mi-ri-en tốt bụng. Được tình thương cứu vớt, Giăng Van-giăng tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời, ông đổi tên thành Ma-đơ-len, trở thành thị trưởng và làm chủ một nhà máy giàu có. Tuy đã đứng ở địa vị khác, ông vẫn luôn luôn giúp đỡ mọi người. Tình cờ ông gặp được Phăng-tin, người phụ nữ đã phải bán răng bán tóc để cứu con mình và cứu giúp cô.

Những tưởng sẽ bình yên trôi qua như vậy thì gã thanh tra Gia-ve vẫn không ngừng truy tìm tung tích Giăng Van-giăng. Trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”, Giăng Van-giăng xuất hiện trong hoàn cảnh cứu vớt Phăng-tin và đối đầu với Gia-ve. Sau cái chết của Phăng-tin, Giăng Van – giăng lại rơi vào cảnh tù tội. Dù sau này, Giăng Van-giăng vượt ngục nhiều lần, thay đổi tên họ, nhưng lẽ sống và tình thương vẫn luôn là ánh sáng cuộc đời ông. Có thể nói, cuộc đời ông có nhiều biến cố, song toàn bộ những biến cố ấy dường như càng tô đậm tính cách và phẩm chất đáng quý của ông.

Vẻ đẹp tỏa sáng nhất trong phẩm chất của  Giăng Van-giăng chính là tình yêu thương và tấm lòng lương thiện, luôn bao dung và sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Ngay cả hành động ăn cắp bánh mì trước kia của ông cũng xuất phát từ tình yêu thương ông dành cho cháu. Nhưng vì ở xã hội bấy giờ, hành động ấy lại trở thành tội ác không được tha thứ. Bị đẩy vào tù, bản chất tốt đẹp trong tâm hồn Giăng Van – giăng vẫn không bị dập tắt. Từ khi nhận được sự giúp đỡ của giám mục đến khi lên làm thị trưởng, ông vẫn luôn giữ trọn bản tính lương thiện của mình. Trước sự truy đuổi của Gia-ve, ông thậm chí còn tự ra đầu thú để cứu người bị bắt oan. Tất cả đều chứng minh cho tấm lòng lương thiện và tình yêu thương ông dành cho mọi người.

Tình yêu thương ấy được thể hiện rõ ràng và cảm động nhất trong cuộc gặp gỡ với chị Phăng-tin, trong thời điểm trước khi theo Gia-ve về. Có thể ông sẽ phải trở lại nơi ngục giam tối tăm, u ám, có thể ông sẽ phải lần nữa mang lên mình tờ giấy vàng cho danh tính phạm nhân. Nhưng điều ông quan tâm khi ấy không phải những gì bản thân sắp phải đối mặt mà là làm sao có thể tìm được con gái cho Phăng-tin và bệnh tình của chị.

Thấy Phăng-tin run lên vì sợ hãi, Giăng Van-giăng nhẹ nhàng trấn an: “Cứ yên tâm. Không phải nó bắt chị đâu”. Ông thậm chí đã nhún nhường với Gia-ve xin hoãn lại 3 ngày để tìm con cho chị mà không phải làm điều gì khác cho chính mình. Mọi cử chỉ, hành động ấy đều xuất phát từ tình thương của ông. Giăng Van – giăng không muốn chị Phăng-tin thêm sợ hãi, không muốn bệnh trạng của chị thêm nghiêm trọng, và cũng muốn giúp đỡ chị tìm được con gái Cô-dét bé bỏng mà chị ngày đêm mong nhớ.

Khi Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng quỳ xuống thành giường, khẽ thì thầm vào tai và hôn lên bàn tay chị, vuốt mắt cho chị. Tất cả cử chỉ đều thể hiện nỗi đau đớn xót thương chân thành. Với một người không hề quen biết, có thể làm được như vậy hoàn toàn chứng minh tấm lòng cao thượng của Giăng Van – giăng.

Không những mang trong mình tình yêu thương cao đẹp, Giăng Van-giăng còn hiện lên là người kiên cường, dũng cảm, không hề khuất phục trước quyền lực.

Bị Gia-ve phát hiện mình là người tù khổ sai, Giăng Van-giăng vẫn, không sợ hãi, không hoảng loạn, bình tĩnh đón nhận. Nhún nhường, cầu xin để đảm bảo an toàn cho Phăng-tin. Nhưng Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng hoàn toàn thay đổi. Ông sẵn sàng lên giọng đầy thách thức, kết tội Gia-ve chính là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của chị Phăng-tin. Trước hành động thô bạo, ngang ngược của Gia-ve, Giăng Van-giăng “bẻ gãy thanh giường và tiến về phía Gia-ve”. Không có sợ hãi, không có nhún nhường, chỉ có quyết liệt. Gia-ve đã khiếp sợ và lùi về phía sau. Giăng Van – giăng đã khôi phục lại uy quyền của mình, uy quyền khiến cho kẻ cầm thú Gia-ve cũng phải run rẩy.

Người đọc nhìn thấy ở đây sự tương phản đối lập vô cùng mãnh liệt giữa Giăng Van – giăng và Gia-ve. Giăng Van-giăng là hiện thân của cái thiện trong khi Gia-ve là hiện thân của cái ác. Gia-ve hiện lên như một con thú, chỉ chờ nhảy vào cắn xé, hung dữ và độc ác. Còn Giăng Van – giăng lại hoàn toàn hiện lên trong dáng vẻ của một con người, con người chân chính, biết sống vì người khác.

Có thể nói, đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là đoạn trích vô cùng ấn tượng trong toàn bộ tiểu thuyết. Đoạn trích mang đậm dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn với thủ pháp phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản đối lập. Từ đó khắc họa thành công hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng giàu tình yêu thương, lương thiện, kiên cường và dũng cảm. Đặc biệt gửi gắm trong đó niềm tin của V.Huy-gô vào con đường cải tạo xã hội, ngợi ca những con người rơi vào khốn khổ vẫn có lòng nhân ái vô bờ. Khát khao thay đổi cuộc sống bằng tình yêu thương, sự lương thiện, xua tan bóng tối và sự độc ác.

  • Kết bài:

Dù chỉ là một phần rất nhỏ trong tiểu thuyết đồ sộ của V.Huy-gô, đoạn trích cũng ghi lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Giăng Van-giăng từ tác phẩm bước ra, trở thành một nhân vật tiêu biểu cho cả văn học Pháp. Mang theo giá trị lý tưởng vô cùng cao đẹp.


Bài viết tham khảo 2:

Phân tích nhân vật Gia-ve và Giăng Van-giăng.

  • Mở bài:

Victor Hugo là một thiên tài của nền văn học Pháp. Ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà thờ Đức bà Pa-ri, Lao động và biển cả, Thằng cười, …. Những người khốn khổ là một trong những bộ tiểu thuyết gắn liền với sự nghiệp của ông. Bộ tiểu thuyết không chỉ phản ánh được hiện thực xã hội lúc bấy giờ mà còn thông qua đó nói lên tiếng nói nhân đạo, sự cứu rỗi con người bằng lòng bao dung và tình yêu thương. Tác phẩm đã rất thành công trong việc xây dựng hệ thống các nhân vật với những tính cách điển hình, đặc biệt, trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” đã thể hiện rõ nét đối lập trong tính cách giữa Jean Valjean và Javert. Từ đó, thể hiện được tầm cao tư tưởng của tác phẩm.

  • Thân bài:

Gia-ve là một kẻ luôn luôn nắm bắt pháp luật, coi pháp luật là độc tôn. Với hắn, cường quyền cao nhất là pháp luật, là một đại diện tiêu biểu nhất cho chính quyền, cho khuôn khổ của pháp luật. Hắn luôn nghi ngờ Giăng Văn-giăng, luôn quan sát và theo dõi những hành động của ông. Gia-ve như một con ác thú gian mãnh chực chờ vồ lấy con mồi, một kẻ tay sai của cường quyền, vô cùng kiêu ngạo và hống hách.

Ngoại hình Gia-ve đã bộc lộ bản chất phần nào trong con người hắn: “cặp mắt như cái móc sắt”, “bộ mặt gớm ghiếc”, “cái cười ghê tởm nhe tất cả hai hàm răng”. Trong cử chỉ, ngôn ngữ và hành động của hắn thể hiện rõ một kẻ tiểu nhân, tàn bạo và và nham hiểm, thô lỗ, vô văn hóa.

Gia-ve như một con chó sói hung hãn, vui sướng khi bắt được kẻ tình nghi. Trước một người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh, chực chờ trước cái chết, một Phăng-tin đang hấp hối, đau đớn vậy mà hắn chẳng mảy may để ý, thương xót hay quan tâm mà ra sức quát tháo như một kẻ vô học để thị uy Giăng Van-giăng.

Gia-ve là một kẻ lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Chính lời nói của hắn đã khiến cho người phụ nữ tội nghiệp đến đáng thương kia ngày cả niềm hi vọng cuối cùng được gặp lại con gái của mình cũng bị dập tắt. Chính hắn là kẻ đã gieo nơi tâm hồn tội nghiệp kia – một người đang đứng trước sinh mệnh vào cõi tuyệt vọng vô bờ bến khi nghe được tiếng quát tháo của hắn vào ngài thị trưởng, chấm dứt niềm ao ước gặp con lần cuối của chị. Đứng trước tình mẫu tử thiêng liêng bị chia cắt, ai cũng mủi lòng xót xa cho Phăng-tin, vậy mà hắn vẫn lạnh như đá, giận giữ và quát tháo điên cuồng: “Giờ lại đến lượt con này. Đồ khỉ có câm họng đi không? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng. Nhưng này! Sẽ thay đổi hết; đã đến lúc rồi đấy!”

Gia-ve là một kẻ có tính cách lạnh lùng và tàn bạo khiến người ta phải kinh hãi, sợ sệt và căm phẫn. Hắn đã chà đạp lên quyền được yêu thương, được cưu mang và trân trọng của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Hắn đã nhân danh pháp luật hà khắc, nhân danh cường quyền mà “giết người” một cách tàn nhẫn. Một kẻ mất hết tính người, vô lương tâm, tàn ác.

Nhưng có lẽ, nếu xã hội ấy chỉ tồn tại những con người như vậy thì khó thể tồn tại và phát triển, đâu đó cũng còn những tình thương, lòng tốt dành cho nhau của những người cùng khổ. Đâu đây, bóng dáng của một người thị trưởng Giăng Van-giăng nhiệt huyết và giàu vị tha cũng khiến ta nhẹ lòng và biết mình cần phải sống và biết yêu thương.

Trái ngược hoàn toàn với Gia-ve, Giăng Van-giăng luôn ấm áp trong từng hành động, trong lời nói và tính cách. Ông chấp nhận ra thú tội để cứu người bị bắt oan kia, cũng không màng đến việc mình sẽ bị bắt vào tù. Cái ông lo lắng lúc này là Phăng-tin, ông dành tất cả sự quan tâm và tình yêu thương của mình cho người phụ nữ đang trong cảnh khốn cùng ấy. Trong cơn sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy mặt Gia-ve, ông đã trấn tĩnh chị bằng giọng nói nhẹ nhàng, điềm tĩnh: “Chị yên tâm”. Ông luôn tìm cách để cứu con gái của chị ra, đó là tất cả tình thương, là niềm yêu vô bờ bến của một người phụ nữ lúc này, đứa con chính là tài sản duy nhất mà chị có được. Ông đã van xin Gia-ve cho thời hạn để giúp Phăng-tin chuộc lại con, chấp nhận phải chịu hình phạt nặng nề cho chính mình. Từng câu nói thốt ra của ngài thị trưởng đều toát lên sự quan tâm, lo lắng dành cho người phụ nữ tội nghiệp, chấp nhận hi sinh chính mình để bảo vệ, cứu vớt mạng sống của con người.

Đó là tính cách độ lượng và giàu lòng thương người, sự cảm thông với nhau giữa những khốn cùng của cuộc sống. Một tinh thần cao đẹp tuyệt vời trái ngược với sự bẩn thỉu, cay nghiệt của tên cầm quyền Gia-ve. Hắn càng tỏ thái độ, càng hống hách, kịch liệt bao nhiêu thì Giăng Van-giăng lại càng nhún nhường, nhẫn nhịn bấy nhiêu. Bởi ông hiểu ông cái cần thiết lúc này là cứu mạng sống con người, là cho Phăng-tin tia hy vọng được gặp lại con mình. Nhưng cuối cùng, Phăng-tine chấp nhận cái chết trong đau đớn, tủi nhục và tuyệt vọng. Chính lúc này, Giăng Van-giăng càng đau khổ khôn xiết.

Không những mang trong mình tình yêu thương cao đẹp, Giăng Van-giăng còn hiện lên là người kiên cường, dũng cảm, không hề khuất phục trước quyền lực. Bị Gia-ve phát hiện mình là người tù khổ sai, Giăng Van – giăng vẫn, không sợ hãi, không hoảng loạn, bình tĩnh đón nhận. Nhún nhường, cầu xin để đảm bảo an toàn cho Phăng-tin.

Nhưng Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng hoàn toàn thay đổi. Ông sẵn sàng lên giọng đầy thách thức, kết tội Gia-ve chính là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của chị Phăng-tin. Trước hành động thô bạo, ngang ngược của Gia-ve, Giăng Van-giăng “bẻ gãy thanh giường và tiến về phía Gia-ve”. Không có sợ hãi, không có nhún nhường, chỉ có quyết liệt. Gia-ve đã khiếp sợ và lùi về phía sau. Giăng Van-giăng đã khôi phục lại uy quyền của mình, uy quyền khiến cho kẻ cầm thú Gia-ve cũng phải run rẩy.

Có thể nói, đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là đoạn trích vô cùng ấn tượng trong toàn bộ tiểu thuyết. Đoạn trích mang đậm dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn với thủ pháp phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản đối lập. Từ đó khắc họa thành công hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng giàu tình yêu thương, lương thiện, kiên cường và dũng cảm. Đặc biệt gửi gắm trong đó niềm tin của V.Huy-gô vào con đường cải tạo xã hội, ngợi ca những con người rơi vào khốn khổ vẫn có lòng nhân ái vô bờ. Khát khao thay đổi cuộc sống bằng tình yêu thương, sự lương thiện, xua tan bóng tối và sự độc ác.

Dù chỉ là một phần rất nhỏ trong tiểu thuyết đồ sộ của V.Huy-gô, đoạn trích cũng ghi lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Giăng Van-giăng từ tác phẩm bước ra, trở thành một nhân vật tiêu biểu cho cả văn học Pháp. Mang theo giá trị lý tưởng vô cùng cao đẹp.

  • Kết bài:

Tác giả đã thành công trong nghệ thuật xây dựng hai nét tính cách đối lập giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve nhằm thể hiện tư tưởng nhân đạo. Đó là tình thương vươn tới những chân giá trị tốt đẹp, bằng tình thương và chỉ có tình thương con người mới trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Những người khốn khổ.

Giăng Van-giăng nuôi một đàn cháu nhỏ, vì nghèo mà một hôm phải đánh cắp bánh mì. Anh bị bắt và bị kết án năm năm tù. Bốn lần vượt ngục không thoát, anh bị giam mười bốn năm. Sau bao thăng trầm của cuộc sông, Giăng Van-giăng cũng có được một chút địa vị trong xã hội, nhưng không phải là với cái tên Giăng Van-giăng ngày xưa. Lúc này anh có tên là Ma-đơ-len, thị trưởng của một thành phố nhỏ, được mọi người yêu mến, kính trọng.

Trong nhà máy của Ma-đơ-len, cô thợ Phăng-tin, vì có một đứa con hoang nên bị giám thị ghét bỏ và đuổi đi mà Giăng Van-giăng không biết. Lúc cô gần chết, Giăng Van-giăng mới biết nỗi oan ức của cô, ông hứa sẽ chăm sóc Cô-dét. Sau khi Phăng-tin qua đời, Giăng Van-giăng đã nuôi dưỡng và yêu thương Cô-dét như con đẻ. Tuy nhiên thời gian này, ông vẫn bị viên thanh tra Gia-ve truy đuổi ráo riết.

Để cứu một người khác bị tội oan, Giăng Van-giăng ra thú nhận trước tòa về chân tướng của mình. Một lần nữa ông bị tù, và lần này ông đã vượt ngục. Đến cuộc cách mạng 1832, ông chiến đấu ngoài chiến lũy bên cạnh các chiến sĩ cộng hòa. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Giăng Van-giăng còn gặp nhiều nỗi oan khổ.

Sau khi Cô-dét khôn lớn, cô đem lòng yêu chàng trai quý tộc đóng giả làm dân nghèo Ma-ri-ớt. Mặc dù rất đau lòng vì nghĩ đến cảnh Cô-dét sẽ rời xa mình nhưng Giăng Văn-giăng vẫn âm thầm tác thành cho đôi trẻ bằng cách cứu Ma-ri-ớt thoát chết và mang anh trở về bên Cô-dét.

Dưới ngòi bút của Vích-to Huy-gô, thế giới của những người cùng khổ là thế giới của những tâm hồn siêu việt, sáng ngời đạo đức, tượng trưng cho sự vươn lên đầy đau khổ nhưng cũng hết sức vinh quang của con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.