Phân tích văn bản Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức của Nguyễn An Ninh

phan-tich-van-ban-tieng-me-de-nguon-giai-phong-cac-dan-toc-bi-ap-buc-cua-nguyen-an-ninh

Phân tích văn bản Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức của Nguyễn An Ninh

  • Mở bài:

Nguyễn An Ninh (1899 – 1943) là một trí thức yêu nước mà tên tuổi gắn liền với nửa đầu thế kỉ XX. Ông sinh ở quê mẹ (Long An) và lớn lên ở quê cha (Thành phố Hồ Chí Minh). Sinh trưởng trong một gia đình Nho học có truyền thống tự hào dân tộc, ông theo đuổi con đường học hành để có một học vấn cao rộng. Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức thuộc hệ thống các bài viết của Nguyễn An Ninh nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc bằng cách vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nước ngoài vừa biết bảo vệ, gìn giữ và phát triển tiếng mẹ đẻ. Đây được coi là bài chính luận xuất sắc của ông với bút danh Nguyễn Tịnh đăng trên báo Tiếng chuông rè (1925).

  • Thân bài:

Bài viết này thuộc văn bản nghị luận chính trị – xã hội, ở đây tác giả trực tiếp trình bày quan điểm của mình về tiếng mẹ đẻ. Thể loại nghị luận không chỉ đòi hỏi tính chặt chẽ trong lập luận, tính khoa học trong khi chứng minh hay giải thích các vấn đề mà còn đòi hỏi phải có tình cảm sâu nặng khi bình giải những vấn đề mà mình trình bày, ở đây là tình yêu tiếng mẹ đẻ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên sẽ tạo ra phong cách nghị luận riêng của cá nhân, từ đó người đọc vừa có thể cảm nhận được vẻ mượt mà, trau chuốt của ngôn từ, vừa cảm nhận được ý đẹp lòi hay qua tính chất suy lí của các lập luận đó.

Đoạn trích mở đầu bằng sự phê phán thói “thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình”. Đây là kiểu học đòi nói tiếng Pháp thường được gọi là kiểu Pháp bồi, chỉ chuyên đi “cóp nhặt những cái tầm thường” để tạo ra một hình thức để bắt buộc những người khác “tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương”. Những người học đòi theo kiểu bồi đó không hiểu được rằng họ không những không có đủ trình độ hiểu biết cần thiết mà cũng không thể hiểu được đầy đủ chính xác các nền văn hoá “ngoại bang” khác. Nguyễn An Ninh gọi điều đó là “Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu”. Ông phê phán cách học như vậy và chỉ rạ sự lai căng mà những kẻ “Tây học” kiểu đó cố tình tạo ra : “Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo cái mà những người ở Đông Dương gọi là văn minh Pháp, chứng tỏ rằng những người An Nam bị Tây hoá chẳng có được một thứ văn minh nào”. Hệ quả của việc làm đó là : “Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng”.

Tiếp đó, ông phân tích bản chất của tiếng mẹ đẻ, của ngôn ngữ dân tộc. Ông chỉ ra lợi ích thiết thực của việc bảo vệ tiếng mẹ đẻ, của việc dùng tiếng mẹ đẻ : “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”. “Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình”. Vì sao lại thế ? Bởi vì : “Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian”. Như vậy, học châu Âu không phải để thu được vài tiếng bồi mà là tiếp thu khoa học, các học thuyết lớn, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để tìm ra con đường đi thích hợp cho dân tộc mình, là lấy lí luận của phương Tây để phản bác lại phương Tây.

Ông chỉ trích những người chê bai tiếng Việt nghèo nàn và chỉ rõ những lời trách cứ như vậy đều không có cơ sở. Bởi vì những người đó : “Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu ?” Từ đó ông đưa ra câu hỏi buộc những người có lương tâm với dân tộc đều phải suy nghĩ : “Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?”

Ở đây, ông chỉ rõ thái độ vô trách nhiệm, thái độ phủ nhận một chiều của những người cam tâm làm nô lệ, chấp nhận làm tay sai cho thực dân, bởi lẽ chê bai đất nước một cách thụ động, giản đơn, một chiều, sẽ dẫn tới thái độ khinh rẻ đất nước, dẫn tới sự tự ti dân tộc. Từ đó, ông chủ trương học người để làm cho mình lớn lên: “Chúng ta không tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không phải giữ riêng cho mình. Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình”. Thực tiễn của mấy chục năm sau khi đất nước độc lập đã chứng minh điều mong muốn này của Nguyễn An Ninh. Từ đây, việc bảo vệ tiếng mẹ đẻ và việc tiếp thu văn hoá nước ngoài không hề loại trừ nhau hay mâu thuẫn nhau mà bổ sung cho nhau.

Nổi bật lên ở đây là nghệ thuật lập luận dẫn dắt vấn đề. Trước hết, cũng cần nói tới khả năng của tư duy lí tính theo mô hình tư duy phương Tây, đặc biệt là kiểu hình tư duy khoa học của người Pháp mà tác giả Nguyễn An Ninh đã tiếp thu được từ nhà trường Pháp, cũng có đóng góp quan trọng cho việc nhìn nhận và lí giải vấn đề tiếng mẹ đẻ này. Tiếp đó, tác giả lần lượt đề cập tới các khía cạnh khác nhau của vấn đề tiếng mẹ đẻ và đặt ra trách nhiệm chung cho toàn xã hội, đặc biệt cho những người có học, những người Tây học, là phát triển hơn nữa tiếng mẹ đẻ, tiếng nói chung của dân tộc. Bảo vệ tiếng mẹ đẻ không chỉ dừng lại ở mức độ biết hoặc thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ mà phải làm cho tiếng mẹ đẻ đó phát triển đi lên, bằng cách tiếp nhận các khái niệm mói, bổ sung, hoàn thiện vốn từ ngữ của dân tộc, dùng tiếng mẹ đẻ để chuyển tải những học thuyết tiến bộ về “đạo đức và khoa học” để mở đường đi lên cho dân tộc.

  • Kết bài:

Việc lập luận chặt chẽ này có tính thuyết phục cao bởi đối tượng .quan trọng mà tác giả hướng tới là đội ngũ trí thức Tây học, nhằm thức tỉnh họ, đặt họ trước nhiệm vụ lịch sử của dân tộc. Do đó, việc bảo vệ tiếng mẹ đẻ cũng chính là một hành động yêu nước, thương nòi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.