Qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ ý kiến: Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả

qua-bai-tho-song-cua-xuan-quynh-de-lam-sang-to-y-kien-van-chuong-khong-co-gi-rieng-se-khong-la-gi-ca

Qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ ý kiến: “Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả”.

I. Mở bài:

– Khái quát đặc trưng của tác phẩm văn chương.

– Dẫn dắt vấn đề: “bài thơ Sóng” biểu hiện cái riêng của văn chương: “Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả”.

II. Thân bài:

1. Giải thích nhận định:

– Văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một “chân trời” riêng, một “biên cương” riêng. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.

– Mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Nhà văn có phong cách nghệ thuật mờ nhạt sẽ bị người đọc quên lãng; lặp lại mình hoặc lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn…

– Biểu hiện của cái riêng trong văn chương:

+ Giọng điệu riêng biệt của tác phẩm.
+ Cách nhìn, cách cảm của nhà văn có tính chất khám phá.
+ Yếu tố mới trong nội dung tác phẩm.
+ Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn riêng.

2. Phân tích bài thơ để làm rõ vấn đề nghị luận:

a/ Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

– Tác giả: Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong chống Mĩ. Tác giả của những thi phẩm nổi tiếng: Hoa dọc chiến hào (1968), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989)… Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường.

– Tác phẩm:

+ Sóng là bài thơ viết về tình yêu hạnh phúc, trích trong tập Hoa dọc chiến hào, viết năm 1967, tại biển Diêm Điền, Thái Bình.

+ Thơ năm chữ, có cấu tứ độc đáo – mượn sóng để nói đến khát vọng tình yêu.

b/ Phân tích:

– Giọng điệu chung của bài thơ: dào dạt, da diết, khát khao, âu lo, day dứt… Mỗi câu thơ như một con sóng vỗ vào bờ, gợi tả tinh tế nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.

– Cách nhìn, cách cảm mới mẻ về tình yêu: Qua hình tượng “sóng” và “em”, tình yêu được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc độ:

+ Những biến động khác thường, nghịch lí trong lòng người phụ nữ đang yêu. (Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ).

+ Khát vọng vươn xa, thoát khỏi sự chật chội, tầm thường ; tìm sự đồng điệu. Yêu là đưa lòng ra biển lớn (Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể).

+ Tình yêu là nỗi khát vọng muôn đời. Yêu là hiện tượng vĩnh hằng (Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế).

+ Nhu cầu lí giải sự khởi nguồn, khởi điểm của tình yêu. (Em nghĩ về anh em/Em nghĩ về biển lớn/Từ nơi nào sóng lên ?…Khi nào ta yêu nhau).

+ Nỗi nhớ nhung da diết, mãnh liệt. Nó chiếm cả bề rộng và tầng sâu ; khắc khoải trong mọi thời gian, cả trong ý thức và vô thức ; khắc khoải trong mọi không gian. (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức/Dẫu xuôi về phương bắc/Dẫu ngược về phương nam/Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh một phương).

+ Niềm tin về một tình yêu dù cách trở vẫn đến được bến bờ hạnh phúc. (Ở ngoài kia đại dương/Trăm ngàn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở).

+ Nỗi trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời; niềm mong mỏi về sự vô hạn trong tình yêu. (Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua/Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa).

– Nét mới trong nội dung:

+ Tình yêu nồng cháy, mãnh liệt, bí ẩn nhưng giàu nữ tính, đòi hỏi sự thủy chung trong

một tình yêu đúng nghĩa, hướng đến cuộc sống chung.

+ Khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá cái tôi bản thể.

– Hình thức, kĩ thuật biểu hiện mang đậm dấu ấn riêng:

+ Kết cấu: kết cấu song hành “sóng” và “em”.

+ Cách biểu hiện vừa mới mẻ vừa truyền thống, đặc biệt là cách sử dụng hình tượng sóng: mỗi trạng thái tâm hồn của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng với một khía cạnh, một đặc tính của sóng.

+ Thể thơ 5 chữ, các câu nối tiếp gợi liên tưởng từng đợt sóng vào bờ.

c/ Đánh giá chung:

– Nội dung: Tình yêu trong bài thơ là tình yêu hạnh phúc, gắn liền với cuộc sống chung (không phải tình yêu đau khổ, không phải tình đầu non nớt, vụng dại), với nhiều đam mê khao khát, đòi hỏi chiều sâu trong tình cảm.

– Nghệ thuật: Bài thơ hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh.

→ “Sóng” là một đóng góp đặc biệt của Xuân Quỳnh cho thơ ca viết về tình yêu của văn học dân tộc.

III. Kết bài:

Trình bày ý kiến về nhận định, nêu suy nghĩ bản thân.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.