Suy nghĩ về lẽ sống của con người trước cuộc đời qua bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh.

suy-nghi-ve-le-song-qua-bai-tho-hoi-cua-huu-thinh

Suy nghĩ về lẽ sống của con người trước cuộc đời qua bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh.

“Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau!
Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau!
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau!
Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
– Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với nhau như thế nào?”

(Hỏi – Hữu Thỉnh) 

1. Giải thích nội dung ý thơ:

– Phương thức tồn tại của tự nhiên:

+ Phương thức tồn tại của đất: “tôn cao nhau” → Là cách tồn tại trong sự nâng đỡ, bổ sung, bồi đắp lẫn nhau, biết tạo điều kiện để cùng tiến bộ.

+ Phương thức tồn tại của nước: “làm đầy nhau” → Là cách tồn tại trong sự san sẻ, bổ khuyết, khỏa lấp, bù đắp những chỗ còn khiếm khuyết.

+ Phương thức tồn tại của cỏ: “đan vào nhau” → Là cách tồn tại trong sự gắn bó, đoàn kết để tạo nên sức mạnh, kết thành một khối thống nhất để hoạt động vì một mục đích chung.

– Từ sự nhận thức về phương thức tồn tại của tự nhiên (đất, nước, cỏ), nhà thơ thể hiện nỗi trăn trở, chiêm nghiệm, day dứt về lẽ sống của con người trước cuộc đời.

→ Đó là cách diễn đạt hình ảnh để khẳng định một phương châm sống cao đẹp. Đó là lối sống vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hẹp hòi của đời thường để hướng tới một lẽ sống lớn lao, đích thực, biết vị tha và biết sống vì người khác để cùng nhau tiến bộ, biết giúp đỡ để hoàn thiện lẫn nhau, biết đoàn kết để cùng vươn tới những điều kì diệu trong cuộc sống.

2. Những bài học về cách sống của con người:

– Cần phải biết tôn cao nhau vì khi biết sống vị tha, biết đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình, biết giúp đỡ cho nhiều người cùng tiến bộ thì chúng ta mới nhận được hạnh phúc đích thực và hạnh phúc đó lớn hơn nhiều lần hạnh phúc vị kỉ cá nhân…. Cần phải học cách hi sinh và dâng hiến.

– Biết làm đầy, biết giúp đỡ nhau để cùng hoàn thiện vì ai cũng có những thiếu sót, thậm chí sai lầm… và ý thức trách nhiệm giúp đỡ hoàn thiện nhau là biểu hiện cuả tinh thần khoan dung độ lượng, phẩm chất cao quý của con người. Cần phải sống với nhau bằng thái độ sẻ chia, cảm thông.

– Biết đoàn kết với nhau vì chỉ có tình đoàn kết, sự tương thân tương ái mới tạo ra sức mạnh giúp vượt qua những khó khăn của mỗi người, những thử thách chung của toàn nhân loại; để hoà nhập với cộng đồng, cống hiến cho xã hội…. Sức mạnh của sự sống đích thực chính là sự đoàn kết, gắn bó giữa người với người.

– Phê phán lối sống ích kỉ, đố kị, thờ ơ, vô trách nhiệm, không biết hoà nhập với cộng đồng, không biết ước mơ, vươn tới… của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

– Tuy nhiene, caanf phải áp dụng phương châm sống đẹp một cách đúng đắn, hợp lí, tránh những sự hi sinh mù quáng, sự sẻ chia không đúng chỗ, nhắm mắt làm ngơ trước hành vi tội lỗi của người khác, gây bè kết phái với mục đích không trong sáng…

3. Liên hệ bản thân:

– Biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh

– Sống vị tha, độ lượng, đoàn kết, biết hi sinh vì người khác

– Sống có ước mơ, luôn hướng về những điều tốt đẹp.

– Học sinh cần phải luôn học hỏi nâng cao, trau dồi nhận thức để có một phương châm sống cao đẹp. Cần phải vận dụng phương châm sống một cách linh động và phù hợp trong thực tiễn, tránh áp dụng một cách máy móc, khô cứng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.