Thuyết minh về cây lúa trong đời sống con người Việt Nam

thuyet-minh-ve-cay-lua-trong-doi-song-con-nguoi-viet-nam

Thuyết minh về cây lúa trong đời sống con người Việt Nam.

  • Mở bài:

Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó thân thiết với con người, làng quê Việt Nam.Bằng hạt gạo – hạt ngọc trời ban cho, Lang Liêu đã làm nên bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất – để kính dâng vua Hùng. Chính vì thế, cây lúa nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Hình ảnh của cây lúa và người nông dân đã trở thành những mảnh màu không thể thiếu trong bức tranh của làng quê Việt Nam bây giờ và mãi mãi về sau

  • Thân bài:

1. Nguồn gốc cây lúa nước.

Lúa là một thực vật quý giá, là cây trồng quan trọng nhất trong nhóm ngũ cốc, là cây lương thực chính của người Việt Nam nói riêng và người dân Châu Á nói chung. Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa có phiến dài và mỏng,mọc bao quanh thân, mặt lá nhám, gân lá chạy song song.

2. Đặc điểm hình thái.

Lúa là loài thân cỏ, sống một năm. Thân lúa có thể cao tới 1-1,8 m, đôi khi cao hơn. Cây lúa có lá mỏng, hẹp khoảng (2-2,5 cm) và dài 50-100 cm, bề mặt nhám. Rễ lúa là loại rễ chùm, có thể dài tới 2–3 m/cây trong thời kỳ trổ bông.

Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.

Sản phẩm thu được từ cây lúa là hạt lúa, hoặc còn gọi là thóc. Sau khi xát bỏ lớp vỏ ngoài thu được sản phẩm chính là gạo và các phụ phẩm là cám và trấu. Gạo là nguồn lương thực chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới (chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ La tinh), điều này làm cho nó trở thành loại lương thực được con người tiêu thụ nhiều nhất.

Lúa là loài cây trồng ngắn ngày nhưng cũng có thể coi là dài ngày. Tùy thời kì sinh trưởng, phát triền mà lá lúa có màu khác nhau. Khi lúa chín ngả sang màu vàng, bông lúa chín khoảng 80%, sẽ được thu hoạch. Đây là thời ddiemr thu hoạch phù hoạch nhất đảm bảo hạt lúa ít bị rơi rụng và chất lượng hạt gạo cũng tốt nhất.

3. Đặc điểm sinh thái.

Lúa nước được gieo trồng trên các thửa ruộng bằng phẳng. Sau khi ngâm ủ, người ta có thể gieo thẳng các hạt lúa đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính. Cây lúa non được gọi là mạ.

Trước đây, người Việt chỉ có hai vụ lúa: chiêm và mùa. Ngày nay, khoa học phát triển, mỗi năm có nhiều vụ nối tiếp nhau. Trồng lúa phải qua nhiều giai đoạn: từ hạt thóc nản mầm thành cây mạ; rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng. Ruộng phải cày bừa,làm đất, bón phân. Ruộng phải sâm sấp nước. Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi (đang thì con gái) lại phải làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ. Rồi lúa làm đòng, trổ bông rồi hạt lúa chắc hạt,chín vàng. Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô,xay xát thành hạt gạo… Biết bao công sức của nhà nông để có hạt gạo nuôi sống con người.

4. Vai trò của cây lúa nước trong đời sống con người.

Hạt gạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất của chúng ta.Hạt gạo cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu,rất cần thiết cho cơ thể con người.Ngoài việc nuôi sống con người,hạt lúa,hạt gạo còn gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt.Có nhiều loại gạo:gạo tẻ, gạo nếp…

Gạo nếp dùng làm bánh chưng, bánh giầy là hai loại bánh truyền thống của con người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán.Bánh chưng, bánh giầy còn gắn liền với Lang Liêu thời vua Hùng dựng nước. Lúa nếp non còn dùng để làm cốm- một thức quà thanh lịch của người Hà Nội.Gạo nếp dùng để đồ các loại xôi – một món đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt Nam trong ngày Tết và ngày cúng giỗ tổ tiên. Đồng thời xôi cũng là thức quà quen thuộc hằng ngày.

Từ lúa gạo, người Việt còn làm rất nhiều loại bánh như:bánh đa,bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ,bánh nếp,bánh phở,cháo…Nếu không có gạo, thật là khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ngày nay, nước ta đã lai tạo được gần 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia.Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về xuất khẩu gạo.

  • Kết bài:

Cây lúa trong đời sống của con người Việt nam có tầm quan trọng rất lớn đối đối với việc duy trì, phát triển đời sống và sự phồn thịnh của đất nước. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:

“Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Thuyết minh cây lúa nước

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Ý nghĩa câu tục ngữ: Lúa chiêm nép ở đầu bờ / Hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên - Theki.vn

Đã đóng bình luận.