Nội dung bài viết:
Tổng hợp các phong cách ngôn ngữ thường gặp
1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:
– Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giao tiếp ở đây thường với tư cách cá nhân nhằm để trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, đồng hành…
– Ngôn ngữ sinh hoạt là khái niệm chỉ toàn bộ lời ăn tiếng nói hàng ngày mà con người dùng để thông tin, suy nghĩ, trao đổi ý nghĩ, tình cảm với nhau, đáp ứng những nhu cầu tự nhiên trong cuộc sống.
– Các dạng thể hiện của ngôn ngữ sinh hoạt
+ Dạng nói, gồm các kiểu : đối thoại, độc thoại và đàm thoại (qua các phương tiện nghe nhìn).
+ Dạng lời nói bên trong, gồm các kiểu :
- Độc thoại nội tâm : là tự mình nói với mình nhưng không phát ra thành tiếng.
- Đối thoại nội tâm : tự tưởng tượng ra một người nào đó đang trò chuyện với mình, đối đáp như một cuộc thoại.
- Dòng tâm sự : là những suy nghĩ bên trong thành một chuỗi mạch lạc, trong đó có thể có cả đối thoại và độc thoại nội tâm.
– Đặc trưng của văn bản sinh hoạt:
- Tính cụ thể
- Tính cảm xúc
- Tính cá thể
2. Phong cách ngôn ngữ khoa học:
– Phong cách ngôn ngữ khoa học là phong cách được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học. Ðây là phong cách ngôn ngữ đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu. Khác với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách này chỉ tồn tại chủ yếu ở môi trường của những người làm khoa học (ngoại trừ dạng phổ cập khoa học).
– Văn bản khoa học gồm 3 loại chính: các văn bản khoa học chuyên sâu, các văn bản khoa học giáo khoa, các văn bản khoa học phổ cập.
– Ngôn ngữ khao học là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học tiêu biểu là trong các văn bản khoa học: KH tự nhiên, KH xã hội và nhân văn, KH công nghệ
– Đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ khoa học:
+ Tính khái quát, trừu tượng: Không chỉ ở nội dung mà còn ở cả phương thức ngôn ngữ – trước hết là các thuật ngữ khoa học. Tính khát quát, trừu tượng của phong cách ngôn ngữ khoa học còn thể hiện ở kết cấu văn bản (phân thành chương, mục, đoạn…) phục vụ cho hệ thống các luận điểm khoa học từ lớn đến nhỏ.
+ Tính lí trí, logic: biểu hiện từ ngữ phải đơn nghĩa, câu văn là một đơn vị thong tin, đơn vị phán đoán logic, đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, mạch lạc câu, đoạn, văn bản.
+ Tính khách quan, phi cá thể: ngôn ngữ có màu sắc trung hòa, ít biểu lộ sắc thái, cảm xúc.
3. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
– Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách được dùng trong sáng tác văn chương. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là dạng tồn tại toàn vẹn và sáng chói nhất của ngôn ngữ toàn dân. Phong cách văn chương không có giới hạn về đối tượng giao tiếp, không gian và thời gian giao tiếp.
– Ngôn ngữ trong các văn bản nghệ thuật được phân chia thành 3 loại:
- Ngôn ngữ tự sự
- Ngôn ngữ trữ tình
- Ngôn ngữ sân khấu.
– Ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ thể hiện chức năng thông tin mà điều quan trọng là nó thực hiện chức năng thẩm mĩ: biểu hiện cái đẹp, khơi gợi, nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ ở người tiếp nhận.
Nó là ngôn ngữ được tổ chức, xếp đặt, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ.
– Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có 3 đặc trưng:
+ Tính hình tượng: làm hiện lên những điêu cụ thể về đối tượng nào đó: hình hài, màu sắc, âm thanh… để tạo hình tượng, thường dung nhiều phép tu từ.
Hệ quả của tính hình tượng là ngôn ngữ nghệ thuật có tính đa nghĩa, tính hàm súc.
+ Tính truyền cảm: làm cho người đọc cũng vui buồn, yêu thích như chính người viết tạo sự hòa đồng, giao cảm, cuốn hút… gợi cảm xúc nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ tự sự, miêu tả và biểu cảm…
+ Tính cá thể hóa:
– Ngôn ngữ thể hiện một giọng riêng, một phong cách riêng không dễ bắt chước, pha trộn, đó là kết quả của quá trình sang tạo của nhà văn. Tính cá thể còn thể hiện ở vẻ riêng của từng nhân vật, từng sự việc, hình ảnh, tình huống…
4. Phong cách ngôn ngữ chính luận:
– Phong cách ngôn ngữ chính luận là phong cách được dùng trong lĩnh vực chính trị xã hội. Người giao tiếp bằng phong cách ngôn ngữ chính luận thường bày tỏ chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm chính trị, tư tưởng của mình đối với những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội.
– Ngôn ngữ chính luận là ngôn ngữ được dung trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng (khẩu ngữ) trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng… theo một quan điểm chính trị nhất định.
– Phong cách ngôn ngữ chính luận có 3 đặc trưng cơ bản:
- Tính công khai về quan điểm chính trị.
- Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận.
- Tính truyền cảm. thuyết phục
– Các đặc trưng đó được thể hiện ở những phương tiện diễn đạt nhằm mục đích trình bày ý kiến hoặc bình luận, đánh giá vấn đề theo quan điểm chính trị nhất định.
5. Phong cách ngôn ngữ hành chính:
– Phong cách ngôn ngữ hành chính là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính. Ðấy là giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác.
– Ngôn ngữ hành chính là ngôn ngữ được dung trong các văn bản hành chính để giao tiếp trong phạm vi cơ quan nhà nước hay các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế. Hoặc giữa các cơ quan với cá nhân hay giữa cá nhân với nhau trên cơ sở pháp lí.
– Phong cách ngôn ngữ hành chính có 3 đặc trưng cơ bản:
+ Tính khuôn mẫu: kết cấu văn bản thống nhất: phần đầu, phần chính, phần cuối, có mẫu chung, được in ấn sẵn.
+ Tính minh xác: sử dụng từ đơn nghĩa. Mỗi câu văn diễn đạt một ý, không dung tu từ, lối biểu đạt hàm ý, chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
+ Tính công vụ: là tính chất công việc chung của cả cộng đồng hay tập thể.
– Phong cách ngôn ngữ hành chính có hai chức năng: thông báo và sai khiến.
+ Chức năng thông báo thể hiện rõ ở giấy tờ hành chính thông thường, ví dụ như: văn bằng, chứng chỉ các loại, giấy khai sinh, hoá đơn, hợp đồng…
+ Chức năng sai khiến bộc lộ rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của cấp trên gởi cho cấp dưới, của nhà nước đối với nhân dân, của tập thể với các cá nhân.
6. Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn):
– Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn) là phong cách được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những vấn đề thời sự. (Thông tấn: có nghĩa là thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi).
– Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
– Ngôn ngữ báo chí được sử dụng ở những loại tiêu biểu là bản tin, phóng sự, tiểu phẩm.
– Ngôn ngữ báo chí có 3 đặc trưng cơ bản:
- Tính thời sự
- Tính ngắn gọn
- Tính sinh động, hấp dẫn
– Các đặc trưng đó được thể hiện ở những phương tiện diễn đạt đảm bảo chức năng thông tin của báo chí và tạo nên phong cách ngôn ngữ báo chí.