Nội dung bài viết:
Tổng kết phần văn bản nhật dụng
I – KHÁI NIỆM VĂN BẢN NHẬT DỤNG
Chương trình Ngữ văn THCS xác định rõ:
“Khái niệm văn bản nhật dụng không phải là khái niệm thể loại, cũng không chỉ kiểu văn bản. Nó chỉ đề cập tới chức năng, đề tài và tính cập nhật của nội dung văn bản mà thôi”.
Như vậy, điểm đầu tiên và chủ yếu cần nhấn mạnh là “chức năng, đề tài và tính cập nhật của nội dung văn bản”. Cập nhật có nghĩa là kịp thời, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, cuộc sống hiện tại. Tính cập nhật thể hiện rõ nhất ở chức năng và đề tài: đề cập, bàn luận, thuyết minh, tường thuật, miêu tả, đánh giá,… những vấn đề, những hiện tượng,… gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng.
Mỗi môn học đều có thể đề cập một khía cạnh nào đó trong các vấn đề bức thiết nói trên, tuy nhiên, Ngữ văn là môn học có thể chọn được những văn bản hay, do đó có thể gây được tác động sâu và mạnh.
Giá trị văn chương không phải là yêu cầu cao nhất đối với văn bản nhật dụng. Tuy nhiên, đó vẫn là một yêu cầu quan trọng vì văn có hay mới làm cho người đọc thấm thía về tính chất thời sự nóng hổi của chính vấn đề được đặt ra và còn giúp cho việc bồi dưỡng, rèn luyện không ít kiến thức, kĩ năng đặc thù của môn Ngữ văn.
II – NỘI DUNG CÁC VĂN BẢN NHẬT DỤNG ĐÃ HỌC
Văn bản nhật dụng phải gắn chặt với thực tiễn mà thực tiễn lại luôn thay đổi trong khi một trong những yêu cầu lớn của nội dung giáo dục, của chương trình, SGK là đảm bảo tính tương đối ổn định. Bởi vậy, các văn bản nhật dụng được chọn trong SGK, tuy có tính cập nhật cao song đều là những văn bản “viết về những vấn đề xã hội có ý nghĩa lâu dài hơn là chỉ có tính chất nhất thời”.
Ở lớp 6, đó là những bài viết về di tích lịch sử (Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử), về danh lam thắng cảnh (Động Phong Nha), về quan hệ giữa thiên nhiên và con người (Bức thư của thủ lĩnh da đỏ).
Ở lớp 7, đó là những bài viết về giáo dục, về vai trò của người phụ nữ (Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê), về văn hoá (Ca Huế trong sông Hương).
Ở lớp 8, đó là vấn đề môi trường (Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000), tệ nạn ma tuý, thuốc lá (Ôn dịch, thuốc lá), dân số và tương lai loài người (Bài toán dân số).
Ở lớp 9, đó là vấn đề quyền sống của con người (Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em), bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh (Đấu tranh cho một thế giới hoà bình), hội nhập với thế giới và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc (Phong cách Hồ Chí Minh).
III – HÌNH THỨC VĂN BẢN NHẬT DỤNG
Những nội dung trên “đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyên tắc giúp học sinh hoà nhập với xã hội” như yêu cầu của chương trình đã đặt ra. Mặt khác, những nội dung trên đã được thể hiện, trình bày dưới những hình thức văn bản đa dạng (tác phẩm văn chương có ít nhiều hư cấu, thư, bút kí, hồi kí, thông báo, công bố, xã luận,…), bằng các phương thức biểu đạt khác nhau. Một số văn bản đã có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các phương thức biểu đạt như tự sự và miêu tả (Cuộc chia tay của những con búp bê), thuyết minh và miêu tả (Động Phong Nha, Ca Huế trên sông Hương), tự sự, miêu tả và biểu cảm (Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử), nghị luận và biểu cảm (Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, Đấu tranh cho một thế giới hoà bình), thuyết minh, nghị luận và biểu cảm (Ôn dịch, thuốc lá). Có một số văn bản mang tính chất hành chính sử dụng nhiều yếu tố nghị luận như Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000, Tuyên bố thế giới về sự sống còn, Quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.
Bởi vậy, mặc dù “văn bản nhật dụng không phải là khái niệm thể loại, cũng không chỉ kiểu văn bản”, ta vẫn có thể xem một số “văn bản nhật dụng có giá trị như một tác phẩm văn học”, qua đó, ta vẫn có thể vận dụng và củng cố những kiến thức và kĩ năng đã được học và luyện tập ở các phần khác trong phân môn Tập làm văn và Tiếng Việt.
IV – PHƯƠNG PHÁP HỌC VĂN BẢN NHẬT DỤNG
Để đảm bảo hiệu quả mong muốn trong việc học loại văn bản đặc biệt này, cần lưu ý các điểm sau:
1. Bên cạnh việc đọc các chú thích về nghĩa của từ, cần lưu ý đặc biệt đến loại chú thích về các sự kiện (lịch sử, xã hội, chính trị, khoa học,…) có liên quan đến vấn đề được đặt ra trong văn bản.
2. Phải tạo được thói quen liên hệ vấn đề được đặt ra với cuộc sống bản thân cũng như tình hình đời sống của cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ, gần gũi (tổ, lớp học, gia đình, khối phố, thôn xã) đến cộng đồng lớn (dân tộc, nhân loại) mà trước hết là cộng đồng nhỏ, gần gũi.
Hầu hết các vấn đề đặt ra trong văn bản nhật dụng đều có liên quan nhiều mặt đến cuộc sống của địa phương. Bởi vậy, học văn bản nhật dụng “cũng là một cách giúp cho học sinh hoà nhập với địa bàn sinh hoạt của các em”.
3. Không chỉ “liên hệ để liên hệ” mà về những vấn đề đã đặt ra, mỗi học sinh cần có kiến giải riêng, quan điểm riêng, và ở một số trường hợp cụ thể, còn có thể đề xuất những kiến nghị và giải pháp (như về vấn đề thuốc lá, rác thải sinh hoạt…).
4. Vì nội dung mà văn bản đặt ra rất đa dạng nên cần và có thể vận dụng kiến thức các môn học khác để làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trong văn bản nhật dụng và ngược lại.
5. Như đã trình bày ở trên, hình thức của văn bản nhật dụng rất đa dạng. cần phải căn cứ vào những đặc điểm hình thức của văn bản và phương thức biểu đạt trong lúc phân tích nội dung.
* Ghi nhớ: – Tính cập nhật về nội dung là tiêu chuẩn hàng đầu của văn bản nhật dụng. Điều đó đòi hỏi lúc học văn bản nhật dụng, nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn cuộc sống. |
* Soạn bài:
I. Khái niệm văn bản nhật dụng
Câu 1:
Văn bản nhật dụng không phải là kiểu văn bản. Trong chương trình đã học 6 phương thức biểu đạt, ứng với sáu kiểu văn bản là: tự sự, biểu cảm, miêu tả, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công vụ. Văn bản nhật dụng chỉ tính chất cập nhật, gần gũi, bức thiết đối với đời sống. Đó là những vấn đề thường được nhắc đến trên báo chí, các phương tiện truyền thông hằng ngày. Ví dụ như tệ nạn xã hội, các quyền trẻ em, vấn đề môi trường,…Văn bản nhật dụng do đó bao gồm nhiều kiểu văn bản, nhiều thể loại khác nhau: truyện, kí, thơ, văn nghị luận.
Câu 2: Các văn bản nhật dụng đã học:
Lớp 6:
Tên văn bản | Tác giả | Nội dung | Hình thức thể hiện |
---|---|---|---|
Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử | Thuý Lan | Di tích lịch sử | Tự sự, miêu tả và biểu cảm |
Bức thư của thủ lĩnh da đỏ | Xi-át-tơn | Quan hệ giữa thiên nhiên và con người | Nghị luận và biểu cảm |
Động Phong Nha | Trần Hoàng | Danh lam thắng cảnh | Thuyết minh và miêu tả |
Lớp 7:
Tên văn bản | Tác giả | Nội dung | Hình thức thể hiện |
---|---|---|---|
Cổng trường mở ra | Lí Lan | Giáo dục | Tự sự và biểu cảm |
Mẹ tôi | Ét-môn-đô đơ A-mi-xi | Vai trò của người phụ nữ | Tự sự |
Cuộc chia tay của những con búp bê | Khánh Hoài | Mái ấm gia đình | Tự sự và miêu tả |
Ca Huế trên sông Hương | Hà ánh Minh | Văn hoá | Thuyết minh và miêu tả |
Lớp 8:
Tên văn bản | Tác giả | Nội dung | Hình thức thể hiện |
---|---|---|---|
Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000 | Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội | Môi trường | Nghị luận |
Ôn dịch, thuốc lá | Nguyễn Khắc Viện | Tệ nạn ma tuý, thuốc lá | Thuyết minh, nghị luận và biểu cảm |
Bài toán dân số | Thái An | Dân số và tương lai loài người | Nghị luận |
Lớp 9:
Tên văn bản | Tác giả | Nội dung | Hình thức thể hiện |
---|---|---|---|
Đấu tranh cho một thế giới hoà bình | G.G.Mác-két | Bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh | Nghị luận và biểu cảm |
Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em | Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em | Quyền trẻ em | Nghị luận |