Tổng kết tác phẩm văn xuôi lớp 11

tong-ket-tac-pham-van-xuoi-lop-11

Tổng kết tác phẩm văn xuôi lớp 11

“Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân

I. Tìm hiểu chung:

1.Tác giả

Người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái Đẹp

– Con người tài hoa, uyên bác và có ý thức cá nhân phát triển rất cao.

– Ông thật sự yêu quý nghề văn và giàu lòng yêu nước.

2. Tác phẩm

Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác:  Tác phẩm Người lái đò sông Đà  rút từ tập tùy bút  Sông Đà (1960), kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Vẻ đẹp của thiên nhiên Tây bắc qua hình tượng con sông Đà với hai tính cách trái ngược:

+ Vẻ hung bạo, dữ dằn: đó là cảnh đá “dựng vách thành”, lòng sông bị thắt lại như cái yết hầu; là cảnh nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè, là những “hút nước” sẵn sàng nhấn chìm, đập tan chiếc thuyền nào lọt vào; là những thạch trận, phòng tuyến, luồng thác,…sẵn sàng “ăn chết” con thuyền và người lái đò. Nó như một loài thủy quái khổng lồ, nham hiểm mang “diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một” của con người.

+ Vẻ trữ tình, thơ mộng: con sông có dòng chảy uốn lượn như “áng tóc trữ tình” của thiếu nữ diễm kiều; nước sông Đà biến đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng; bờ sông mang một vẻ đẹp nguyên sơ “hoang dại như một bờ tiền sử,…như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa”; sông Đà “đằm đằm ấm ấm” như một cố nhân,…

2. Vẻ đẹp con người lao động Tây Bắc qua hình ảnh người lái đò :

+ Ông là người trí dũng tuyệt vời. Ông sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục mọi “cửa tử”, “cửa sinh”, vượt qua trận “thủy chiến” ác liệt với đá nổi, đá chìm, với những “trùng vi thạch trận” và những phòng tuyến đầy nguy hiểm. Người lái đò vượt qua chúng bằng những động tác táo bạo, chuẩn xác. Ông hiện lên như là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, tài trí.

+ Ông lái đò là người tài hoa nghệ sĩ. Ông đối đầu với ghềnh thác cuồng bạo bằng sự tự tin, ung dung nghệ sĩ. Do nắm chắc “binh pháp” của thần sông, quy luật phục kích của lũ đá, ông rất bình tĩnh vượt thác một cách tài tình khôn ngoan và nhìn thử thách bằng cái nhìn giản dị, lãng mạn. Sau khi đọ trí, thi tài với con sông thuỷ quái, ông lại ung dung đốt lửa nướng cơm lam, say sưa nói về những loài cá mà không hề bận tâm đến chuyện vượt thác.

3. Nghệ thuật:

– Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị.
– Ngôn ngữ đa dạng, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.
– Câu văn có nhịp điệu, lúc thì hối hả, mau lẹ, khi thì chậm rãi.

4. Ý nghĩa văn bản:

Người lái đò sông Đà  không chỉ giới thiệu, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc mà còn thể hiện tình yêu mến, gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân đối với đất nước và con người Việt Nam.


“Ai đã đặt tên cho dòng sông?” – Hoàng Phủ Ngọc Tường

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước, nhà văn gắn bó mật thiết với xứ Huế, có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; có sở trường về thể tùy bút, bút kí, là “một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc); có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, với những liên tưởng mạnh mẽ và một lối hành văn mê đắm, tài hoa trong sáng tác.

2. Tác phẩm

Xuất xứ:  Tác phẩm được viết năm 1981, tại Huế, in trong tập sách cùng tên. Tác phẩm gồm ba phần, đoạn trích là phần thứ nhất.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Vẻ đẹp phong phú, nhiều mặt của sông Hương:

+ Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên gắn với thủy trình sông Hương.

+ Ở thượng lưu, khởi nguồn của dòng chảy, giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ, con sông có vẻ đẹp hoang dại, “phóng khoáng” cá tính. Ra khỏi rừng, sông Hương “dịu dàng và trí tuệ” như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.

+ Ở ngoại vi thành Huế, sông Hương đã thay đổi tính cách. Nó uốn mình theo những “đường cong thật mềm”, màu nước như biến ảo, phản quang “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Có lúc sông Hương “trầm mặc”, lúc lại mang vẻ đẹp “triết lí, cổ thi”…

+ Giữa lòng thành Huế, sông Hương đã “vui hẳn lên…. Mềm hẳn đi”. Nó chảy chậm, điệu chảy lửng lờ với đường nét tinh tế, đẹp như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”… vì quá yêu và không muốn rời xa thành phố thân thương.

+ Trước khi từ biệt Huế, sông Hương “lưu luyến” đôi dòng gặp lại thành phố như nỗi vương vấn, “lẳng lơ kín đáo của tình yêu”,…

+ Vẻ đẹp từ góc độ văn hóa: nhà văn đã gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế; liên tưởng đến Nguyễn Du và  Truyện Kiều. Tác giả cho rằng “có một dòng sông thi ca về sông Hương”, “dòng sông ấy không tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”.

+ Vẻ đẹp từ góc độ lịch sử: sông Hương là “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ biếc” ghi dấu bao chiến công oanh liệt từ thời Đại Việt, tới Nguyễn Huệ, đến Cách mạng tháng Tám 1945, chiến dịch Mậu Thân,…

+ Vẻ đẹp trong trí tưởng tượng của nhà văn: sông Hương mang vẻ đẹp của một cô gái Di – gan “phóng khoáng và man dại” (ở thượng nguồn), một thiếu nữ Huế tài hoa, dịu dàng mà sâu sắc, đa tình mà kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình… (ở nội ô thành Huế)

2. Nhân vật tôi:

+ Một cái tôi uyên bác với sự hiểu biết phong phú, có chiều sâu về lịch sử, địa lí sông Hương, văn hóa Huế  và nhiều lĩnh vực khác.

+ Một cái tôi tài hoa với khả năng quan sát, liên tưởng tinh tế, ngôn ngữ biến ảo, giàu chất thơ,…

+ Một cái tôi đầy nhân cách với sự trân trọng, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống và một tình yêu tha thiết với cảnh sắc quê hương.

– Đặc trưng lối viết kí Hoàng Phủ Ngọc Tường: phóng túng, tài hoa, giàu thông tin văn hóa, lịch sử và giàu chất trữ tình lãng mạn.

3. Nghệ thuật:

– Sáng tạo những trang văn đẹp tạo bởi kho từ vựng phong phú, uyển chuyển và giàu hình ảnh.

– Biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh,… gắn liền với những liên tưởng bất ngờ thú vị.

– Kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp kể và tả làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông.

3. Ý nghĩa văn bản:

Ca ngợi dòng sông Hương, rộng hơn là vùng đất cố đô đẹp, thơ mộng, ca ngợi lịch sử vẻ vang, văn hóa và tâm hồn Huế, qua đó bộc lộ tình yêu tha thiết, sâu lắng và niềm tự hào lớn lao của nhà văn đối với dòng sông quê hương, với xứ Huế và với đất nước.


Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả

Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn viết theo xu hướng hiện thực. Tô Hoài có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc đặc biệt là những nét lạ trong phong tục tập quán ở nhiều vùng khác nhau của đất nước và thế giới. Ông được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi, nhà  Hà Nội học, và nhà văn  của đề tài miền núi.

          3.2. Tác phẩm

Xuất xứ:

Tác phẩm được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc (1953), giải Nhất giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Đoạn trích thuộc phần đầu của tác phẩm, kể về cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài.

II. Đọc – hiểu văn bản.

1. Số phận của người dân miền núi Tây Bắc dưới xã hội cũ:

+ Nhân vật Mị – người con dâu gạt nợ (Là cô gái trẻ, đẹp, yêu đời, giàu sức sống, vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt làm “con dâu gạt nợ” cho nhà thống lí Pá Tra. Cuộc đời cực nhục làm Mị mất hết cảm giác, mất hẳn ý thức về đời sống)

+ Nhân vật A Phủ – người ở trừ nợ (Là một thanh niên nghèo, sớm mồ côi, A Phủ rất khỏe mạnh, bộc trực, giàu bản lĩnh và yêu tự do. Vì đánh A Sử, con trai thống lí, A Phủ bị bắt, bị tra tấn dã man, phải làm người ở trừ nợ. Để mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, phải chịu bao đau đớn, tuyệt vọng).

2. Sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc lớn lao của người dân miền núi Tây Bắc:

+ Khi mới về làm dâu, Mị định ăn lá ngón tự tử. Song vì cha, Mị đã chấp nhận cuộc sống trâu ngựa. Mùa xuân đến,  (thiên nhiên, tiếng sáo gọi bạn,..) Mị đã thức tỉnh (kỉ niệm sống dậy, sống với tiếng sáo, ý thức về thời gian, thân phận,…) và muốn đi chơi (thắp đèn, quấn tóc,..) Khi bị A Sử trói vào cột, Mị “ như không biết mình đang bị trói”, vẫn thả hồn theo tiếng sáo.

+ Hành động cắt dây trói cứu A Phủ và tự giải thoát: Lúc đầu, thấy A Phủ bị trói, Mị dửng dưng “vô cảm”. Rồi một đêm, qua ánh lửa, nhìn thấy “dòng nước mắt chảy xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị xúc động, nhớ lại mình, đồng cảm với người, nhận ra tội ác của bọn thống lí. Tình thương, sự đồng cảm giai cấp, niềm khát khao tự do mãnh liệt, … thôi thúc Mị cắt dây trói, cứu A Phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình. Như vậy, ở Mị – cô gái trẻ trung, hồn nhiên, cho dù phải chịu kiếp sống nô lệ, vẫn tiềm tàng một sức sống mạnh mẽ, khát vọng yêu đương và tự do mãnh liệt.

+ A Phủ: khát khao tự do, ngay từ nhỏ đã không chịu làm nô lệ. Khi bị trói đứng, A Phủ khát khao sống nên đã tìm cách day đứt dây trói. Khi được Mị cắt dây trói, A Phủ khuỵu xuống, nhưng khát vọng sống khiến anh “quật sức vùng lên, chạy”.

3. Giá trị tư tưởng của tác phẩm:

+ Lên án những thế lực phong kiến, thực dân áp bức tàn bạo.

+ Thông cảm với số phận đau khổ của người nông dân nghèo miền núi; khẳng định phẩm chất tốt đẹp, những khát vọng và con đường đến với cách mạng của họ.

+ Đề cao tình hữu ái giai cấp, sự đồng cảm của những người nghèo cùng cảnh ngộ.

4. Nghệ thuật.

– Xây dựng những nhân vật sinh động, có cá tính rõ nét (Mị và A Phủ)

– Ngòi bút tả cảnh đặc sắc (bức tranh thiên nhiên thơ mộng, bức tranh sinh hoạt, phong tục riêng,…)

– Thành công trong nghệ thuật kể chuyện (cách giới thiệu nhân vật, cách kể, cách dẫn dắt khéo léo,…)

– Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và có nhiều sáng tạo.

– Giọng trần thuật ăn nhập với nội dung và tư tưởng truyện

5. Ý nghĩa văn bản:

Vợ chồng A Phủ  thể hiện số phận đau khổ của người dân lao động miền núi, tố cáo tội ác của bọn phong kiến, thực dân, phản ánh con đường giải phóng và ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của họ.


“Vợ nhặt” – Kim Lân

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả

Kim Lân (1920 – 2007) là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn và được dư luận chú ý qua những tác phẩm về đề tài nông thôn.

2. Tác phẩm

– Xuất xứ: Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này.

– Bố cục:

+ Phần 1 (từ đầu đến “hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”): cảnh Tràng dẫn vợ về nhà
+ Phần 2 (tiếp đó đến “cùng đẩy xe bò về”): Lí giải việc Tràng nhặt được vợ
+ Phần 3 (tiếp đó đến “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”): Cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới
+ Phần 4 (còn lại): Cảnh buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.

II. Đọc – hiểu văn bản.

1. Ý nghĩa nhan đề:

– Nhan đề gợi tình huống éo le, kích thích trí tò mò người đọc. Thông thường, người ta có thể nhặt thứ này, thứ khác, chứ không ai “nhặt” “vợ”. Bởi dựng vợ gả chồng là việc lớn, thiêng liêng, có ăn hỏi, có cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt, không thể qua quýt, coi như trò đùa.

– “Vợ nhặt” là điều trái khoáy, oái ăm, bất thường, vô lí. Song thực ra nó lại rất có lí. Vì đúng là anh Tràng đã nhặt được vợ thật. Chỉ một vài câu bông đùa của Tràng mà có người đã theo về làm vợ. Điều này đã thực sự khiến một việc nghiêm túc, thiêng liêng trở thành trò đùa và ngược lại, điều tưởng như đùa ấy lại chính là sự thực. Từ đây, bản thân nhan đề tự nó đã gợi ra cảnh ngộ éo le, sự rẻ rúng của giá trị con người. Chuyện Tràng nhặt được vợ đã nói lên tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945

2. Hình ảnh các nhân vật:

+ Tràng: là người lao động nghèo, tốt bụng và cởi mở. Anh luôn khao khát hạnh phúc gia đình. Câu “nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” đã ẩn chứa niềm khát khao có một gia đình. Có vợ, tuy có “hơi chợn”, nhưng cái mừng lấn át cái lo. Buổi sáng đầu tiên khi có vợ, anh thấy “êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Nhìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, Tràng thấy yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm với gia đình, nhận ra bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

+ Bà cụ Tứ: lúc đầu ngạc nhiên vì thấy trong nhà có người đàn bà lạ. Khi hiểu ra người đàn bà ấy là con dâu mình, bà càng ngạc nhiên, vừa mừng, vừa lo cho con, thương con, thương dâu và nghĩ đến trách nhiệm làm mẹ. Hiểu ra “cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thường”, người mẹ lại buồn tủi “nước mắt cứ chảy ròng ròng”. Trong cái mừng, cái tủi ấy, người đọc vẫn cảm thấy niềm vui, niềm tin của bà cụ (cố làm cho không khí vui lên với những ý nghĩ tốt đẹp về tương lai).

+ Nhân vật Thị – người vợ nhăt: Không có quê hương, gia đình, tên tuổi. Có khát vọng sống mãnh liệt. Quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết gì về Tràng, chấp nhận theo không về không cần sính lễ vì Thị sẽ không còn phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ. Thị là người ý tứ và nết na. Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người. Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hi vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.

– Giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc của tác phẩm:

+ Tình cảnh bi thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945

+ Sự đồng cảm xót thương với số phận của người nghèo khổ; lên án tội ác dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật; thấu hiểu và trân trọng tấm lòng nhân hậu, niềm khao khát hạnh phúc rất con người, niềm tin vào cuộc sống, tương lai của những người lao động nghèo; dự cảm về sự dổi đời và tương lai tương sáng của họ.

3. Nghệ thuật:

Xây dựng được tình huống truyện độc đáo.

– Lối trần thuật tự nhiên, hấp dẫn làm nổi bật sự đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật.

– Tạo không khí và dựng đối thoại ấn tượng, hấp dẫn.

– Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, được chắt lọc kĩ lưỡng giàu sức gợi.

4. Ý nghĩa văn bản:

– Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 và khẳng định: ngay trên bờ vực của cái chết, con người vẫn hướng về sự sống, tin tưởng ở tương lai, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.


HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐỀ VỀ TÁC PHẨM VĂN XUÔI

Đề 1: Hãy phân tích cuộc “giao tranh” giữa người lái đò và dòng sông Đà trong đoạn trích tùy bút  Người lái đò sông Đà  để chứng minh rằng: Nguyễn Tuân đã tìm kiếm thành công “chất vàng mười của thiên nhiên” cùng “ thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng” ( Ngữ văn 12, tập một, tr.185)

Đề 2: Đọc bút kí Người lái đò sông Đà  có người nhận xét: Có cảm tưởng như Nguyễn Tuân đang đề thơ lên núi rừng Tây Bắc, lên sóng nước sông Đà. Một áng văn xuôi tràn trề cảm xúc với thiên nhiên, đất nước.  Bằng cảm nhận về hình tượng sông Đà trong đoạn trích sau, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định:

“Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình…..→ Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – lai Châu”.

Đề 3: Anh/chị hãy làm sáng rõ “cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường” trong đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, tr.197)

Đề 4: Cảm nhận về vẻ đẹp của sông Hương ở thượng nguồn trong đoạn trích  Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, tr 197). Từ đó nhận xét về cái tôi uyên bác, tài hoa của tác giả.

Đề 5: Trong truyện “Vợ chồng A Phủ”, nhân vật A Phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng cũng như nghệ thuật của tác phẩm. Anh/ chị hãy phân tích nhân vật A Phủ, từ đó nêu ngắn gọn về vai trò của nhân vật trong tác phẩm.

Đề 6: Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, ở phần mở đầu truyện, nhà văn Tô Hoài tả nhân vật Mị: “một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Đến cuối truyện, khi chứng kiến “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ khi bị trói, Mỵ suy nghĩ: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…Người kia việc gì mà phải chết.”

(Tô Hoài – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015,Tr.4 và tr.13)

Phân tích hình ảnh nhân vật Mị trong hai lần được miêu tả như trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

Đề 7: Trả lời phỏng vấn về tác phẩm Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân bày tỏ: “Cái điểm sáng mà tôi đưa vào trong truyện là những suy nghĩ về nhân phẩm con người. Tôi chú ý: tuy trong cảnh nghèo đói nhưng con người ta vẫn giữ gìn đạo lí”.(Hương Giang, Nhà văn Kim Lân nói về truyện ngắn Vợ nhặt,  Báo Văn nghệ  số 19, ngày 8/5/1993)

Anh/ Chị hãy làm rõ những điểm sáng đó qua nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ Nhặt (Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, tr,23)

Đề 8:  Cảm nhận của anh/chị về khát vọng sống của nhân vật người vợ nhặt trong truyện Vợ nhặt ( Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập 2, tr.23). Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo mà nhà văn thể hiện qua nhân vật này.

Đề 9: Phân tích tình huống truyện độc đáo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, tr.23)

Đề 10: Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa” – lời nhân vật Paven Cooc – sa – ghin trong Thép đã tôi thế đấy (Ô-xtơ-rốp-xki). Ghi lại những suy nghĩ của mình sau khi học Vợ nhặt để làm rõ ý kiến trên.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.