Trường từ vựng – SGK Ngữ văn 8, tập 1

truong-tu-vung-sgk-ngu-van-8-tap-1

Trường từ vựng

I – THẾ NÀO LÀ TRƯỜNG TỪ VỰNG?

1. Các từ in đậm (mặt, mắt, da, gò má, đùi, đầu, cánh tay, miệng) trong đoạn trích sau có nét chung nào về nghĩa?

Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc(18)? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

* Ghi nhớ:

– Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

2. Lưu ý.

a) Một trường từ vựng có thể bao gồm nhiều trường từ vựng nhỏ hơn.

Ví dụ, trường từ vựng “mắt” có những trường nhỏ sau đây:

– Bộ phận của mắt: lòng đen, lòng trắng, con ngươi, lông mày, lông mi,…
– Đặc điểm của mắt: đờ đẫn, sắc, lờ đờ, tinh anh, toét, mù loà,…
– Cảm giác của mắt: chói, quáng, hoa, cộm,…
– Bệnh về mắt: quáng gà, thong manh, cận thị, viễn thị,…
– Hoạt động của mắt: nhìn, trông, thấy, liếc, nhòm,…

b) Một trường từ vựng có thể bao gồm những từ khác biệt nhau về từ loại

(Xem các ví dụ ở mục (a): thuộc trường “mắt” có các danh từ như con ngươi, lông mày,… các động từ như nhìn, trông,… các tính từ như lờ đờ, toét,…)

c) Do hiện tượng nhiều nghĩa, một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau.

Ví dụ: ngọt:

– trường mùi vị (cùng trường với cay, đắng, chát, thơm,…)
– trường âm thanh (cùng trường với the thé, êm dịu, chối tai,…)
– trường thời tiết (trong rét ngọt, cùng trường với hanh, ẩm, giá,…)

d) Trong thơ văn cũng như trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường dùng cách chuyển trường từ vựng để tăng thêm tính nghệ thuật của ngôn từ và khả năng diễn đạt (phép nhân hoá, ẩn dụ, so sánh,…)

Ví dụ:

Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng để lấy lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa:

– Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!

Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đạp nhè nhẹ vào lưng nó và dấu dí:

– À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!… Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…

(Nam Cao, Lão Hạc)

Trong đoạn văn này, tác giả đã chuyển các từ in đậm (tưởng, mừng, mừng (à), cậu, chực, cậu Vàng (đâu nhỉ), cậu Vàng (của ông), cậu Vàng (ông nuôi) từ trường từ vựng “người” sang trường từ vựng “thú vật” để nhân hoá.

II – LUYỆN TẬP

1. Đọc văn bản Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, tìm các từ thuộc trường từ vựng “người ruột thịt”.

2. Hãy đặt tên trường từ vựng cho mỗi dãy từ dưới đây:

a) lưới, nơm, câu, vó.
b) tủ, rương, hòm, va li, chai, lọ.
c) đá, đạp, giẫm, xéo.
d) buồn, vui, phấn khởi, sợ hãi.
e) hiền lành, độc ác, cởi mở.
g) bút máy, bút bi, phấn, bút chì.

3. Các từ in đậm (hoài nghi, khinh miệt, ruồng rẫy, thương yêu, kính mến, rắp tâm) trong đoạn văn sau đây thuộc trường từ vựng nào?

Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực(8). Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…
(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

4. Xếp các từ mũi, nghe, tai, thính, điếc, thơm, rõ vào đúng trường từ vựng của nó theo bảng sau (một từ có thể xếp theo ở cả 2 trường):

– Khứu giác.
– Thính giác.

5*. Tìm các trường từ vựng của mỗi từ sau đây: lưới, lạnh, tấn công (xem ví dụ phân tích từ ngọt ở mục 1.2).

6. Trong đoạn thơ sau, tác giả đã chuyển các từ in đậm từ trường từ vựng nào sang trường từ vựng nào?

Ruộng rẫy là chiến trường.
Cuốc cày là vũ khí,
Nhà nông là chiến sĩ,
Hậu phương thi đua với tiền phương.

(Hồ Chí Minh)

7. Viết một đoạn văn có ít nhất năm từ cùng trường từ vựng “trường học” hoặc trường từ vựng “môn bóng đá”.


* Bài học:

TRƯỜNG TỪ VỰNG

I. Thế nào là trường từ vựng:

*  Ví dụ:

– Các từ: mặt, mắt, da, gò má, đùi, đầu, cánh tay, miệng

→ Là các danh từ chỉ người

→ Nét nghĩa chung: Chỉ bộ phận của cơ thể người

→ Cùng một trường từ vựng.

* Ghi nhớ: 

Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

2. Lưu ý.

a. Một trường từ vựng có thể bao gồm nhiều trường từ vựng nhỏ hơn.

Ví dụ:

– Các trường từ vựng mắt:

+ Bộ phận của mắt: lòng đen, con ngươi, lông mi, lông mày…

+ Hoạt động của mắt: ngó, trông, liếc, nhìn…

+ Bệnh ở mắt: cận thị, viễn thị

+ Cảm giác của mắt: chói, quáng…

b. Một trường từ vựng có thể bao gồm những từ khác biệt nhau về từ loại.

Ví dụ: trường từ vựng “mắt”:

– Tính từ: trắng, đen, vàng,….

– Danh từ: Mi mắt, đồng tử, giác mạc,….

– Động từ: nhắm, chớp, nhìn,…

c. Một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau.

Ví dụ: từ “đậu”.

– Thuộc trường từ vựng học tập: đậu đại học,

– Thuộc trường từ vựng cây cối: cây đậu,…

– Thuộc trường từ vựng hoạt động: đậu xuống đất,….

d. Trong thơ văn, cuộc sống, người ta thường dùng cách chuyển từ vựng để tăng tính nghệ thuật.

Ví dụ: từ “xanh” trong câu thơ:

Xanh kia thăm thẳm từng trên.

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”

Nghĩa gốc: Xanh →  màu xanh

Nghĩa chuyển: “Xanh” → bầu trời, ông trời, định mệnh.

II. Luyện tập:

1. Bài tập 1:

– Các từ thuộc trường từ vựng “người ruột thịt”: cô, mẹ, bà, cậu, con, cháu.

2. Bài tập 2:

a. Lưới, nơm, câu, vó → dụng cụ đánh bắt cá.

b. Tủ, rương, hòm, va ly, chai, lọ → Dụng cụ dung để chứa đựng .

c. Đá, đạp, giẫm, kéo → Hành động của chân.

d. Buồn, vui, phấn khởi, sợ hãi → các trạng thái tâm lí.

đ. Hiền lành, độc ác, cởi mở →  Tính cách.

e. Bút máy, bút bi, phấn, bút chì → dụng cụ dung để viết.

III. Dặn dò:

– Học ghi nhớ, làm bài tập 3, 4, 5, 6 vào vở bài tập.

– Chuẩn bị: Bố cục văn bản, trả lời câu hỏi SGK. Xem các bài tập


* Soạn bài:

Trường từ vựng

Câu 1:

– Các từ in đậm: mặt, mắt, da, gò má, đùi, đầu, cánh tay, miệng để chỉ bộ phận cơ thể con người.

→ Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

LUYỆN TẬP

Câu 1:

Các từ thuộc trường từ vựng “người ruột thịt” trong văn bản Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng: Thầy (tôi), mẹ (tôi), em (tôi), cô (tôi), mợ (cháu, con, mày), anh em (tôi)…

Câu 2:

a) Lưới, nơm, câu : dụng cụ đánh bắt cá

b) Tủ, rương, hòm, va-li, chai, lọ: dụng cụ đề đựng

c) Đá, đạp, giẫm, xéo: hoạt động của chân

d) Buồn vui, phấn khởi, sợ hãi: trạng thái tâm lí

e) Hiền lành, độc ác, cởi mở: tính cách

g) Bút máy, bút bi, phẩn, bút chì: dụng cụ đế viết

Câu 3:

Các từ in đậm: hoài nghi, khinh miệt, ruồng rẫy, thương yêu, kính mến, rắp tâm thuộc trường từ vựng thái độ, tình cảm.

Câu 4:

Khứu giác Thính giác
mũi, thính, điếc, thơm tai, nghe, thính, điếc, rõ

Câu 5:

– Từ ” lưới” thuộc trường từ vựng:

+ Trường “dụng cụ đánh bắt cá

+ Trường ” phương án bao vây bắt người”: giăng lưới bắt tội phạm, lưới trời, lưới phục kích, lưới mật thám.

– Từ “lạnh” thuộc trường từ vựng:

+ Trường “nhiệt độ”

+ Trường tính cách, thái độ

+ Trường “màu sắc”

– Từ “tấn công” thuộc trường:

+ Trường “hành động bạo lực”

+ Trường từ vựng về ” hoạt động thể thao”

Câu 6:

Trong đoạn thơ trên, tác giả đã chuyển những từ in đậm từ trường “quân sự” sang trường “nông nghiệp”.

Câu 7: (Học sinh tự làm)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.