Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?

phuong-phap-hoc-tot-mon-van

Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?

II. Môn học Ngữ văn là gì?

Ngữ văn là một trong những môn học quan trọng nhất trong chương trình phổ thông hiện nay. Ngữ văn hiểu một cách đơn giản là môn học về ngôn ngữ và văn học. Cũng có thể hiểu, Ngữ văn là học về cái đẹp của ngôn ngữ.

II. Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?

1. Chăm chỉ đọc:

Sách văn học, báo, tạp chí… Đọc kỹ văn bản để nắm được tính chỉnh thể của một văn bản từ hình thức đến nội dung. Quá trình đọc nên thật sự sống với thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học qua bối cảnh, hình tượng nghệ thuật, không gian – thời gian nghệ thuật,…  Quá trình đọc không chỉ nắm bắt vấn đề mà nên kết hợp suy nghĩ về những vấn đề bản thân cảm thấy thắc mắc… để có sự thẩm thấu và tiếp nhận được các lớp giá trị chứa đựng trong văn bản: giá trị nội dung, giá trị xã hội, giá trị sống…

2. Ghi chép và ghi nhớ:

Song song với hành động đọc là ghi chép để hỗ trợ cho trí nhớ thêm chắc chắn, để làm giàu vốn tư liệu phong phú và chính xác. Ghi chép phải có mục đích lựa chọn: ghi lời hay ý đẹp bắt gặp được từ ca dao, tục ngữ, thơ ca, nhận định – đánh giá… ghi những bình luận của tác giả về tác phẩm, ghi lại cảm nghĩ, những điều cảm thấy thú vị hay trăn trở của cá nhân về các vấn đề đã đọc được… Ghi chép phải gắn liền với mục đích vận dụng để có thể sử dụng đúng chỗ cần thiết khi làm văn (Mở bài, kết bài, so sánh để đánh giá về một vấn đề, Vận dụng mở đoạn hay kết đoạn, chuyển đoạn…).

3. Nắm vững giá trị cốt lõi:

Những cái thật hay, thật giá trị thuộc về kiến thức, tư liệu văn và thơ. Mỗi ngày nên có điều kiện để thuộc một ít, thuộc càng nhiều càng yêu văn học.

4. Tích cực suy nghĩ:

Nhìn là một cách thu lượm vốn sống kiến thức thực tế. Phải nhìn với một nhu cầu hiểu biết thực tế, nhìn với con mắt tinh tế phát hiện. Nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng phải rút ra được những vấn đề có ý nghĩa, vấn đề có tính quy luật. Khi nhìn phải biết nhận xét so sánh, liên tưởng. Nói chung không thể không luyện cho mình một cách nhìn, cách nghĩ giàu chất liên tưởng thẩm mỹ.

5. Cảm thụ:

Biết rung động trước những cái hay, cái đẹp của tác phẩm; biết tìm ra tứ của bài thơ (tức là bản sắc rất riêng cuả bài thơ ấy, của thi sĩ ấy); biết phân tích hình tượng và cảm hứng thơ cũng như biết rút ra ý nghĩa và những triết lý về đạo đức, nhân sinh từ những hình tượng và cảm xúc thơ ấy; biết khai thác biện pháp nghệ thuật (Cấu trúc, nhạc tính, yếu tố tạo hình và những thủ pháp tu từ khác); thấy rõ tính cách, hành động, suy nghĩ, tâm trạng… của nhân vật để hiểu rõ cuộc sống, cảnh huống, số phận, khát vọng… của nhân vật và những vấn đề đặt ra của tác phẩm văn xuôi…

III. Làm thế nào để viết được bài văn hay?

1. Tích lũy tri thức:

Vốn tri thức văn hoá, văn học, vốn hiểu biết về cuộc sống, về con người và xã hội. Phải có những kiến thức lý luận về mối quan hệ giữa hiện thực đời sống với việc phản ảnh hiện thực đời sống trong các tác phẩm văn học.

2. Đáp ứng đề bài:

Viết thừa là sai. Tránh viết huyên thuyên, viết tất cả những gì muốn trình bày: Viết lan man sẽ làm loãng ý đã chuẩn bị cho vấn đề cần viết. Càng cần phải tránh lối nói liều, nói quá đi trong khi vốn hiểu biết của mình về vấn đề đó còn quá ít ỏi. Biết chủ động lối biểu cảm trong lời văn, tránh bày tỏ cảm xúc quá mức, quá đà để dẫn đến lỗi khoe chữ, lộng ngôn : Cường ngôn sáo ngữ.

3. Dẫn chứng chuẩn xác, có chọn lọc:

Dẫn chứng làm văn nghị luận văn học phải là những chỗ (chi tiết, hình ảnh, câu văn…) biểu hiện của sáng tạo nghệ thuật và gửi gắm nội dung tư tưởng của tác giả. Dẫn chứng làm văn nghị luận xã hội có tính thời sự càng thuyết phục.

4. Xác định vấn đề cốt lõi:

Khi đi vào giải quyết một đề làm văn cụ thể cần xác định ngay vấn đề cốt lõi của đề bài, bàn luận thật đúng, thật trúng và ngay trong phần giải quyết vấn đề, phải chứng tỏ sự hiểu biết đúng ấy bằng lập luận, lí lẽ, dẫn chứng…, không được vòng vo.

Làm một bài văn nghị luận về thơ là một sự diễn nôm câu thơ, viết bài nghị luận về văn xuôi thì kể lể trần thuật, văn thuyết minh thì suy diễn khô khan, tự sự một cách lan man, biểu cảm hời hợt và miêu tả thì thiếu chính xác.

5. Bố cục rõ ràng, chặt chẽ:

Phần mở đầu nên viết gọn, tinh tế và dẫn dắt được vấn đề nghị luận một cách rõ ràng, hấp dẫn; Phần thân bài phải giải quyết thấu đáo yêu cầu của đề bài qua các ý liên quan, các ý được triển khai phải chặt chẽ, liên kết, sáng tỏ; Kết luận phải có tính hệ thống và nâng cao, mở rộng vấn đề, tránh lối hứa hẹn suông, bày tỏ được cảm tưởng của người viết và khơi gợi thêm suy nghĩ cho người đọc.

Câu văn cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy lý luận với sự nồng nàn của cảm xúc thẩm mỹ. Đồng thời phải hàm súc, tức viết thế nào mà nói được nhiều nhất và bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất. Cần nâng cao tính thẩm mỹ của văn chương; Tính chính xác, truyền cảm, hình tượng, cá thể hoá một cách phù hợp với văn cảnh chung.

6. Làm văn chứ không phải sáng tác:

Muốn làm văn tốt phải có ý thức luyện tập từ việc viết những cái đơn giản hằng ngày. Khi viết bất cứ một cái gì cũng cần có thói quen cân nhắc, sắp xếp ý, kết cấu cho hợp lý, chấm câu cho đúng, dùng từ ngữ cho chính xác, cho hay. Không bao giờ cho phép mình tuỳ tiện, dễ dãi với chữ nghĩa.

Những điều trên cần được vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt đối với người viết văn thì mới tạo ra được những bài văn hay, giàu giá trị.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.