Văn bản MỘT SỐ GIỌNG ĐIỆU CỦA TIẾNG CƯỜI TRONG THƠ TRÀO PHÚNG (Trần Thị Hoa Lê)

van-ban-mot-so-giong-dieu-cua-tieng-cuoi-trong-tho-trao-phung-tran-thi-hoa-le

MỘT SỐ GIỌNG ĐIỆU CỦA TIẾNG CƯỜI TRONG THƠ TRÀO PHÚNG
(Trần Thị Hoa Lê)

(Ngữ văn 8, tập 1, Kết nối tri thức)

Thơ trào phúng là một bộ phận sáng tác văn học đặc thù, mà đối tượng miêu tả, thể hiện của nó là sự bất toàn của con người, cuộc sống. Phương tiện đặc sắc mà thơ trào phúng sử dụng để chống lại cái bất toàn ấy là tiếng cười với nhiều giọng điệu khác nhau. Một số giọng điệu cơ bản của tiếng cười trong thơ trào phúng là: hài hước, mỉa mai – châm biếm, đả kích…

Hài hước là cách đùa cợt nhẹ nhàng cùng những yếu tố khác lạ phóng túng, phá vỡ các khuôn khổ quen thuộc. Bài thơ tự trào của Phạm Thái là một ví dụ điển hình cho lối hài hước như một cách vượt lên cảnh ngộ, vượt lên những nỗi đắng cay của kẻ bất đắc chí, tự thấy mình đáng cười, vô tích sự:

Có ai muốn hỏi tuổi tên gì?
Vừa chẵn ba mươi gọi chú Lì.
Dăm bảy câu thơ, gầy gối hạc,
Vài ba đứa trẻ, béo răng nghẽ.
Tranh vờn sơn thủy, màu nhem nhuốc,
Bầu dốc kiền khôn, giọng bé be.
Miễn được ngày nào cho sướng kiếp,
Sống thì nuôi lấy, chết mang đi.

(Phạm Thái, Tự trào I)

Hai cặp câu thực và luận của bài thơ bát cú sử dụng những từ ngữ, hình ảnh đăng đối theo lối chế giễu (gầy gối hạc – béo răng nghê, màu nhem nhuốc – giọng bét be) đã dựng nên bức chân dung nhà nho tài hoa nhưng không gặp thời vận, đành tìm thú vui trong việc làm thơ, dạy trẻ, vẽ tranh, uống rượu; và chuyển hóa nỗi buồn thời thế thành ra tiếng cười hài hước tự chế nhạo lối sống coi nhẹ mọi được – mất, sinh – tử của mình.

Mỉa mai – châm biếm là cách tạo ra những yếu tố vô lí hoặc thiếu lô-gic, đảo lộn trật tự thông thường, tạo nên tiếng cười phê phán, thanh lọc những thói xấu như thói tự mãn, kiêu căng, đạo đức giả, keo kiệt,… Nguyễn Khuyến đã châm biếm về tình huống trớ trêu của “quan tuần” mất cướp. Quan tuần phủ đứng đầu một tỉnh (nhỏ) – người lẽ ra phải trị được quân trộm cướp thì lại bị kẻ cướp “lèn” cho một vố rõ đau:

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại mang ông bỏ giữa đồng.
Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ!
Thân già da cóc, có đau không?
Bây giờ mới sẽ sầy da trá,
Ngày trước đi đâu mất mảy lông!
Thôi cũng đùng nên ki cóp nữa,
Kẻo mang tiếng dại với phương ngông!

(Nguyễn Khuyến, Hỏi thăm quan tuần mất cướp)

Tình huống mỉa mai “quan tuần mất cướp” đã cho thấy sự bất lực, đáng thương và đáng cười của ông quan này. Khai thác “tai nạn” bất thường, vô lí xảy ra với một ông quan tỉnh, Nguyễn Khuyến có dịp chê cười những ông quan xấu tương tự – vừa giàu có kếch sù vừa keo kiệt, bủn xỉn; làm quan nhiều quyền lực nhưng đến cái thân mình cũng không đảm bảo được an toàn.

Nói cách khác, mia mai – châm biếm là một thủ pháp tạo nên tiếng cười bằng cách khẳng định một cách có vẻ như nghiêm túc, có lí những điều vô lí, không thể chấp nhận; tạo nên sự hoài nghi, phê phán, thanh lọc đối với cái xấu, cái đáng cười. Đó là cách “chế nhạo ngầm, đeo mặt nạ nghiêm trang”: khen để mà chê, khẳng định để mà phủ định, đề cao để mà hạ thấp,… Mia mai Nha lệ thương dân, Kép Trà đã khái quát được tình cảnh khốn khổ của người dân quê hương ông, xứ đồng trũng “chiêm khê mùa thối” liên miên lụt lội, lại còn è cổ chịu thêm gánh nặng “quan tham”:

Nước lụt năm nay khó nhọc to,
Thương dân nha lệ dốc lòng lo,
Chửa nhai tre hết còn nhai bạc,
Mới bắt trâu xong lại bắt bò.
Mấy xã Bạch Sam anh lệ nuốt,
Trăm phu Chuyên Nghiệp chú thừa no.
Còn đê, còn nước, dân còn khổ,
Ai bảo Duy Tiên huyện vẫn cò.

(Kép Trà, Nha lệ thương dân)

Trong bài thơ thất ngôn bát cú này, tác giả sử dụng lối nói ngược (phản ngữ), giả như khen ngợi “nha lệ thương dân”, “dốc lòng” lo cứu dân trong tình cảnh mưa lớn, vỡ đê, nước lụt; song tiếng cười mỉa mai cất lên ở bốn câu thơ thực (3 – 4) và luận (5 – 6) đã phơi bày thực chất lợi dụng thiên tại để nhũng nhiễu, bòn rút dân nghèo của đám nha lệ đó. Chúng “thương dân” bằng cách nhai tre, nhai bạc, bắt trâu, bắt bò, nuốt, no khiến cho người dân đã nghèo đói vì thiên tại lại khổ sở thêm vì nhân hoạ.

Đả kích là một cấp độ khác của tiếng cười trào phúng, thường mang giọng điệu phủ nhận gay gắt đối tượng, thể hiện quan niệm nhân sinh, đạo đức của tác giả. Đó có thể là những hình thức ngôn từ mang tính “mắng chửi” quyết liệt, có phần suồng sã, thô mộc, nhằm mục đích cảnh tỉnh sự tha hoá đạo đức đang diễn ra tràn lan trong xã hội. Trường hợp bài thơ Đất Vị Hoàng của Trần Tế Xương là một ví dụ tiêu biểu:

Có đất nào như đất ấy không?
Phổ phường tiếp giáp với bờ sông.
Nhà kia lỗi phép, con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng.
Keo cú, người đâu như cứt sắt
Tham lam, chuyện thở rặt hơi đồng
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,
Có đất nào như đất ấy không?

(Trần Tế Xương, Đất Vị Hoàng)

Bài thơ có lối kết cấu thủ vĩ ngâm, câu đầu, câu cuối hoàn toàn giống nhau, tạo nên cảm giác về một vòng xoay bế tắc, luẩn quẩn của xã hội giao thời cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Dưới cái nhìn của nhà thơ trào phúng, tâm điểm “vòng xoay bế tắc” đó chính là tình trạng đạo đức gia đình và xã hội xuống cấp nghiêm trọng: gia đình thì mất tôn ti trật tự, người trên hư hỏng, người dưới hỗn hào, thiếu tôn trọng lẫn nhau (con khinh bổ, vợ chửi chồng); xã hội thì đầy rẫy những thói keo kiệt, tham lam, chạy theo đồng tiền (người đâu như cứt sắt, chuyện thở rặt hơi đồng). Ẩn đằng sau tiếng cười đả kích tập trung ở hai liên thơ giữa, độc giả có thể nhận ra nỗi đau xót ám ảnh của nhà thơ thông quan ba “câu hỏi” được trùng điệp từ câu thơ đầu tới câu thơ cuối (Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,/ Có đất nào như đất ấy không?). tuy nhiên, với giọng đả kích và ngôn từ thô mộc, suồng sã, những bài thơ trào phúng kiểu này có thể gây ra hiệu ứng trái ngược trong sự tiếp nhận của độc giả.

Như vậy, tiếng cười trong văn chương nói chung, thơ trào phúng nói riêng thật phong phú và đa sắc màu như chính cuộc sống. Tiếng cười ấy thật cần thiết để đẩy lùi cái xấu, hướng mỗi con người đến những giá trị cao đẹp hơn.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.