Soạn bài: “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư Sơn bộc bố) (Lí Bạch) – SGK Ngữ văn 7

xa-ngam-thac-nui-lu-li-bach-11687-2

Soạn bài: “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư Sơn bộc bố) (Lí Bạch)

I. TÌM HIỂU CHUNG:

Tác giả, tác phẩm: Xem chú thích (*) Sgk/111.

– Nêu vài nét về nhà thơ Lí Bạch? 

* Lí Bạch “Tiên thơ” (ông tiên làm thơ), là nhà thơ Đường nổi tiếng nhất. Tính tình phóng khoáng, văn hay, võ giỏi, thích rượu, đi nhiều, làm thơ rất nhanh và rất hay. Ông có nhiều bài rất hay viết về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu, tình bạn, …

II. TÌM HIỂU VĂN BẢN:

Câu thơ đầu: vẻ đẹp huyền ảo của cảnh thác nước:

Nắng rọi Hương lô khói tía bay

Ánh nắng rọi qua làn hơi khói nước ánh lên sắc màu. Đó là một cảnh tượng hùng vĩ, tuyệt đẹp.

Câu thứ hai: Tả cảnh thác nước từ trên đỉnh cao đổ ầm ầm xuống núi đã biến thành dải lụa trắng trẻo lơ lửng giữa vách núi và dòng sông:

Xa trông dòng thác trước sông này

Ở câu thơ thứ hai, bản dịch thơ đã không dịch được chữ nào của nguyên tác? Điều đó ảnh hưởng gì đến cảm xúc và cảm nhận của người đọc?

– Câu 2 tả cảnh thác nước từ trên đỉnh cao đổ xuống ầm ầm đã biến thành dải lụa trắng rủ xuống yên lặng và bất động treo giữa vách núi và dòng sông.

– Chữ “quải” (treo) đã biến cái động thành cái tĩnh.

– Bản dịch thơ vì bỏ chữ “treo” nên ấn tượng hình ảnh dòng thác gợi ra mờ nhạt và hình ảnh liên tưởng ảo giác dải Ngân Hà tuột khỏi mây ở câu cuối thiếu cơ sở.

Tác giả đang đứng ở đâu để ngắm thác nước? Từ ngữ nào cho em biết điều đó?

– Qua từ “vọng”, “dao” ta biết được Lí Bạch đã đứng từ xa có thể là chân núi để quan sát và miêu tả thác núi Hương Lô.

Vị trí này có thuận lợi gì trong việc phát hiện đặc điểm của thác nước?

– Vị trí này không cho phép khắc hoạ tỉ mỉ nhưng giúp tác giả phát hiện được toàn cảnh về vẻ đẹp và sắc thái hùng vĩ của thác.

Câu thơ thứ nhất tả cái gì và tả như thế nào?

– Vẽ ra được cái nền của bức tranh toàn cảnh trước khi miêu tả vẻ đẹp của bản thân thác nước.

*  Trước Lí Bạch 300 năm, nhà sư Tuệ Viễn trong “Lư sơn kí” có viết: Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói. Cái mới của Lí Bạch là tả vẻ đẹp của Hương Lô dưới ánh nắng mặt trời làm cho làn hơi nước chuyển thành màu tím vừa rực rỡ vừa kì ảo.

Câu thứ ba: Tả thác nước trực tiếp nhưng đồng thời lại giúp người đọc thấy được thế núi cao và sườn núi dốc.

Nước cao đổ xuống ba nghìn thước

Câu 3 nói lên điều gì? (Tả thác nước như thế nào? Con số ba nghìn thước có phải là con số chính xác không? Tác dụng gì?)

– Với hai động từ “phi” (bay), “trực” (thẳng đứng), câu thơ đã miêu tả đang từ thế tĩnh lại chuyển sang thế động. Tả thác nước trực tiếp nhưng đồng thời lại giúp người đọc hình dung được thế núi cao và sườn núi dốc đứng. Con số 3000 thước là con số ước phỏng hàm ý rất cao, làm tăng độ nhanh, sức mạnh, thế đổ của dòng thác. (ghi)

Câu thơ cuối: Tiếp tục tả về vẻ đẹp huyền ảo của thác nước.

Ngỡ dải ngân hà tuột khỏi mây

Câu thơ cuối gợi lên cho người đọc điều gì? Hình ảnh so sánh có vô lí không? Vì sao?

(Thảo luận (bàn).

– “Nghi” (ngờ): Sự thật không phải như vậy; “Lạc” (rơi).

– Chữ “Lạc” dùng rất đắt: Vì dải Ngân hà vốn nằm theo chiều ngang của bầu trời, còn dòng thác đổ theo chiều thẳng đứng. Phép so sánh này có phần vô lí nhưng đặt trong văn cảnh này làm người đọc cảm thấy chân thực, tự nhiên. Bởi núi Hương Lô có mây mù bao phủ mà từ xa nhìn thác nước như treo lơ lửng, giống từ trên cao tuột xuống, làm dễ liên tưởng đến dải Ngân hà.

Qua phân tích trên em cảm nhận gì về tâm hồn và tính cách của nhà thơ?

– Tâm hồn yêu thiên nhiên đắm say tha thiết với tính cách phòng khoáng, mạnh mẽ của một “tiên thơ” lãng mạn bậc nhất trong các nhà thơ Đường.

* Ghi nhớ: Học Sgk/112.

II. LUYỆN TẬP

Đề bài: cảm nghĩ về bì thơ Vọng Lư sơn bộc bố của lí Bạch

Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Bài thơ được sáng tác lúc cuối đời khi ông thất chí, trở lại với cuộc sống ngao du sơn thủy. Lư Sơn là một thắng cảnh phía Nam thành phố cừu Giang, tỉnh Giang Tây. Bài thơ này ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Thời điểm sáng tác là lúc những ảo tưởng chính trị của tác giả đã tan vỡ, nhà thơ lui về với thiên nhiên với đạo để mong tự giải thoát mình khỏi những điều tầm thường trong cuộc sống. Nhưng ở đây, ta cũng thấy được trái tim thi hào ngân vang một cung đàn huyền diệu, biểu lộ tình yêu với thiên nhiên đất nước.

  • Thân bài:

Xa ngắm thác núi Lư là một trong nhũng bài thơ tiêu biểu nhất về đề tài thiên nhiên của Lí Bạch. Với bút pháp miêu tả vừa phóng khoáng, vừa giàu sức tưởng tượng, sự liên tưởng vừa độc đáo, vừa chính xác, bài thơ đã tái hiện khung cảnh thác nước núi Lư được nhìn từ xa thật kì vĩ, tráng lệ và huyền ảo. Đồng thời, bài thơ còn thể hiện tình yêu sâu sắc và sự cảm nhận tinh tế của tác giả đối với thiên nhiên, bộc lộ sự yêu mến, trân trọng, tự hào của Lí Bạch đối với thiên nhiên và tình yêu đất nước. Qua bài thơ, chúng ta cũng thấy được tài thơ điêu luyện và tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng của thi tiên.

Ngay ở nhan đề bài thơ, ta đã thấy được điểm nhìn để quan sát và miêu tả cảnh của nhà thơ. Nhà thơ nhìn ngắm cảnh vật từ xa (vọng: nhìn, ngắm từ xa). Điểm nhìn này tuy không khắc hoạ được cảnh vật chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có ưu thế là giúp nhà thơ ngắm nhìn được bao quát toàn bộ cảnh vật. Đây là điểm nhìn rất có hiệu quả trong việc khắc họa sự hùng vĩ của thác nước.

Câu thơ thứ nhất đã vẽ nên cái phông nền cho toàn cảnh bức tranh thác nước:

“Nhật chiếu hương Lô sinh tử yên”

(Mặt trời chiếu xuống núi Hương Lô sinh ra màu khói tía)

Qua nét bút của nhà thơ, ngọn núi Hương Lô đã hiện lên thật sống động với đặc trưng nổi bật mà người đời đã đặt tên cho nó theo những đặc điểm ấy. Đỉnh núi vừa cao, vừa tròn, mây trắng bay lơ lửng, trông xa như một lò hương đang tỏa khói nên có tên gọi là Hương Lô (lò hương). Tuy nhiên, sự miêu tả độc đáo của Lí Bạch đã đem đến cho ngọn núi Hương Lô một vẻ đẹp mới. Ông đã miêu tả nó dưới ánh mặt trời khiến làm hơi nước phản quang chuyển thành một màu tím vừa rực rỡ, vừa kì ảo. Bằng cách sử dụng động từ “sinh”, Lí Bạch đã khắc hoạ được vẻ đẹp sống động của cảnh vật núi Lư dưới ánh mặt trời. Dường như, khi xuất hiện ánh sáng mặt trời thì mọi vật mới sinh sôi, nảy nở, mới trở nên sống động, đẹp đẽ hơn.

Câu thơ thứ hai đã vẽ lên vẻ đẹp mềm mại của thác nước:

“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”

(Từ xa nhìn thác nước treo như con sông trước mặt)

Đứng xa ngắm dòng nước chảy từ trên cao xuống, nhà thơ liên tưởng dòng thác như một dải lụa trắng treo trước dòng sông. Vì ở xa ngắm nên dưới mắt nhà thơ, thác nước vốn tuôn trào đổ ầm ầm xuống núi đã biến thành một dải lụa mềm mại được treo lên giữa vách núi và dòng sông. Chữ “quải” (treo) đã biến cái “động” thành cái “tĩnh”, thể hiện sự quan sát và cảm nhận vừa rất tinh tế, vừa rất chính xác. Ở bản dịch thơ, vì lược bớt từ “treo” nên chưa diễn tả được điều này. Nét vẽ của tác giả ở đây thật điêu luyện và độc đáo.

Ở câu thơ thứ ba, cảnh vật lại được nhìn ờ trạng thái động:

“Phi lưu trực há tam thiên xích”

(Bay chảy thẳng xuống từ ba nghìn thước)

Tác giả trực tiếp tả dòng thác nhưng đồng thời đã gợi tả dược thế núi cao và sườn núi dốc đứng. Lí Bạch đã cực tả hình ảnh thác nước chảy vừa nhanh vừa mạnh, vừa cao, vừa dốc đứng qua các từ ngữ “phi lưu” (chảy như bay), “trực há” (thẳng xuống). Độ dài của dòng thác cũng được tác giả chú ý miêu tả qua cụm từ “tam thiên xích” (ba nghìn thước). Bằng việc sử dụng nhũng từ ngữ, hình ảnh đặc sắc, tác giả đă khắc hoạ được vẻ đẹp và khí thế hùng manh của thác nước.

Thác nước không những chảy nhanh, chảy manh và dốc thẳng đứng mà còn rất dài, rất cao. Nhà thơ dã miêu tả hình ảnh thác nước bằng những nét vẽ thật táo bạo, mạnh mẽ. Hình ảnh thơ ở đây cũng rất hùng vĩ và khoáng đạt. Nhà thơ không dùng động từ “chảy” hay “đổ” để miêu tả thác nước mà khắc họa bằng “phi lưu” (chảy như bay). Thủ pháp phóng đại đã làm hình ảnh thác nước mang sức mạnh phi phàm. Đây là một trong những nét đặc trưng của phong cách Lí Bạch. Ông thường lấy cái hùng dể vận tứ, vươn tới miêu tả những hình ảnh thiên nhiên hào phóng, phi thường, mang chiều kích của vũ trụ với trí tưởng tượng bay bổng, đầy lãng mạn.

Câu thơ cuối cùng tiếp tục khắc hoạ rõ nét và sâu sắc hơn vè đẹp của thác nước núi Lư:

“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

(Ngỡ là Ngân Hà rơi khỏi chín tầng mây)

Vẻ đẹp kỳ diệu của thác nước núi Lư đã khiến cho tác giả ngỡ ngàng, thán phục. Tác giả đã có sự liên tường hết sức độc đáo: Liên tường dòng thác như là dải Ngân Hà – dòng sông quen thuộc trong các truyền thuyết Trung Hoa – rơi xuống từ chín tầng mây. Bằng các từ nghi (ngỡ), lạc (rơi xuống) và hình ảnh Ngân Hà, Lí Bạch dã diễn tả được vẻ dẹp huyền ảo của thác nước. Dường như thác nước không phải là cảnh vật của trần thế mà là tạo vật của chốn thần tiên. Nó có vẻ đẹp lấp lánh kì ảo của thần thoại, của huyền sử. Nó không phải là cảnh thiên nhiên đơn thuần mà là cảnh mang tính chất huyền thoại.

Bài thơ đã thể hiện tình yêu sâu sắc và sự cảm nhận tinh tế của tác giả đối với cảnh thiên nhiên đồng thời cũng bộc lộ sự yêu mến, trân trọng, tự hào của Lí Bạch đối với vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước Trung Hoa. Qua bài thơ, người đọc cũng thấy được tài thơ điêu luyện, tâm hồn và tính cách hào phóng, mạnh mẽ của nhà thơ.

Bài thơ sử dụng lối nói phóng đại đổ miều tả cảnh thiên nhiên nhưng không vì thế mà cảnh bớt đi phần chân thực, tự nhiên. Mặc dù sử dụng những hình ảnh kì vĩ, mang tính chất phóng đại tưởng như vô lí nhưng vẻ đẹp cùa thác nước núi Lư vẫn hiện lên rất sống động, chân thực qua ngòi bút của tác giả. Đó là nhờ tác giả đã kết hợp được một cách tài tình giữa cái “thực” và cái “hư”, cái “chân” và cái “ảo”.

Cảnh thiên nhiên trong bài thơ không đơn thuần là một cảnh đẹp tự nhiên như vốn có của tạo hoá mà còn là một cảnh đẹp dưới con mắt nhìn tưởng tượng và hên tưởng đầy sáng tạo độc đáo, biến ảo của tác giả. Mỗi câu thơ đều thể hiện một cách nhìn mói mẻ, là một sự liên tưởng thú vị. Cả bài thơ là toàn bộ bức tranh thác nước núi Lư được nhìn từ nhiều góc độ, được vẽ nên bằng trí tưởng tượng phong phú và sự quan sát, cảm nhận tinh tế, đặc sắc của tác giả. Từ ngữ dùng trong bài thơ cũng rất độc đáo: “sinh” (sinh ra), “quải” (treo), “phi lưu” (chảy như bay), “trực há” (thẳng xuống), “lạc” (rơi) đã lột tả được thần thái của cảnh vật một cách vừa sinh động vừa chân thực.

Tác giả đã lựa chọn điểm nhìn từ xa (vọng) rất phù hợp cho việc quan sát và miêu tả cảnh vật. Đây là điểm nhìn cho phép bao quát toàn bộ cảnh thác nước, làm nổi bật được sự hùng vĩ, tráng lộ của cảnh vật.

Bố cục bài thơ 1 – 3 tạo được trình tự miêu tả hợp lý: Câu thơ đầu tiên làm phông nền cho toàn cảnh bức tranh thác nước. Các câu thơ sau khắc họa cụ thể chi tiết hơn những vẻ đẹp của thác nước. Cách dùng từ ngữ đặc sắc, độc đáo; sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, tinh tế. Sử dụng lối miêu tả phóng đại, hình ảnh thơ mang tính chất kì vĩ, tráng lộ đã khắc họa được cảnh vật thiên nhiên vừa chân thực, sinh động, vừa huyền ảo.

Bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, giàu hình ảnh. “Sự hun đúc của thiên nhiên cộng với tinh thần lãng mạn khiến ông có một tâm hồn hào phóng, một tấm lòng rộng mở và ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành phong cách thơ ca của ông. Đối với thiên nhiên, ông quan sát trong thời gian dài, lại có tình yêu say đắm, nồng nàn nên có thể tìm được những vè đẹp sâu xa thầm kín của thiên nhiên. Trong thơ ca của ông, không những thể hiện được vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên bằng một phong cách trong sáng, siêu phàm, mà còn thể hiện cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên bằng một phong cách hào phóng, mạnh mẽ.”

  • Kết bài:

Tưởng như bài thơ chỉ đơn thuần tả cảnh vật thiên nhiên nhung ẩn sau bài thơ là “cái tình” sâu sắc và đẹp đẽ của nhà thơ. Bài thơ đã thể hiện sự yêu mến, trân trọng và tự hào của nhà thơ Lí Bạch đối với thác nước núi Lư – một danh thắng nổi tiếng của quê hương, đất nước tác giả. Đồng thời thể hiện được tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước sâu sắc và đằm thắm của tác giả.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tìm hiểu bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tư) của Lý Bạch - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.