Ý nghĩa các hình tượng trong các tác phẩm Ngữ văn 9

Ý nghĩa các hình tượng trong các tác phẩm Ngữ văn 9

Hình tượng đồ vật, sự vật trong tác phẩm văn học chính là bức thông điệp sâu sắc của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời.

Phân tích hai trong số các hình tượng đồ vật, sự vật sau để làm rõ nhận định trên: cái bóng (Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ), những chiếc xe không kính (Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật), bếp lửa (Bếp lửa, Bằng Việt), chiếc lược ngà (Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng), ánh trăng (Ánh trăng, Nguyễn Duy)


Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích:

Hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thứ trực tiếp bằng cảm tính. Hình tượng nghệ thuật chính là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng trí tưởng tượng sáng tạo. Hình tượng nghệ thuật tái hiện đời sống, nhưng không phải sáng tạo, sao chép y nguyên những hiện tượng có thật mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông qua trí tưởng tượng và tài năng của người nghệ sĩ.

Hình tượng đồ vật, sự vật chính là sự tái hiện các hiện tượng của thế giới vật chất khách quan vào trong tác phẩm văn học, vừa như yếu tố phối cảnh, tĩnh vật, vừa thể hiện thế giới nội tâm, tâm hồn của con người.

Các đồ vật, sự vật vô tri vô giác của đời sống khi được nhà văn nhào nặn bằng sự sáng tạo và bầu máu nóng nhiệt huyết, trở thành những hình tượng giàu chất biểu tượng, thể hiện những thông điệp sâu sắc về con người và cuộc đời.

2. Bàn luận:

Nhận định cho rằng: “Hình tượng đồ vật, sự vật trong tác phẩm văn học chính là bức thông điệp sâu sắc của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời” là hoàn toàn xác đáng.

Sự tồn tại của hình tượng đồ vật trong tác phẩm văn học là tất yếu:

Văn học là tấm gương phản ánh của cuộc sống, hình tượng văn học bao giờ cũng là hình ảnh chủ quan của thế giới khác quan, cho nên mọi yếu tố của hiện thực cuộc sống đều có thể bước vào văn học, bao gồm cả những sự vật, đồ vật bình dị nhất như một ánh trăng, một bếp lửa… Nếu như nhà khoa học nhìn đồ vật như một khách thể, từ chối nhập vai nó để có thể ý thức toàn vẹn đối tượng nghiên cứu, thì nhà nghệ sĩ sẵn sàng làm điều đó, anh ta chắt lọc tâm hồn, cảm xúc và tư tưởng của mình vào từng đồ vật, sự vật mà anh ta sắp đặt trong thế giới nghệ thuật của mình.

Trong tác phẩm nghệ thuật cái quan trọng không phải là thể hiện vẻ giống nhau bên ngoài của sự vật, mà là cái ý nghĩa nội tại mới mẻ do chủ thể sáng tạo đặt vào cho nó, là việc qua nó truyền đạt được đặc tính của văn hóa, chính trị, đạo đức thời đại, dân tộc nơi nó phát sinh. Trong thế giới nghệ thuật, đồ vật không bao giờ xuất hiện tình cờ. Một khi nó được xếp đặt vào đâu, đều cho thấy mối quan hệ cụ thể nào đó, thái độ nào đó của người sáng tạo trong việc xác định mục đích, vai trò thích hợp của nó ở chỗ đó.

Hình tượng đồ vật chính là bức thông điệp về con người:

Như vậy, mỗi hình tượng đồ vật xuất hiện trong tác phẩm của nhà văn đều mang một nội dung tư tưởng rõ rệt. Nội dung đó, trước hết phải là “một bức thông điệp về con người”. Vì sao vậy? Bởi con người chính là đối tượng phản ánh trung tâm của văn học. Marxim Gorki cho rằng: “Văn học là nhân học”. Nghệ thuật phản ánh hiện thực trên một phạm vi hết sức rộng lớn và đa dạng, nhưng tất cả các sự vật và hiện tượng ấy đều được xét dưới mối quan hệ thẩm mỹ với con người.  Nếu các ngành khoa học tìm đến các sự vật hiện tượng để tìm ra bản chất, quy luật của nó thì nghệ thuật lại quan tâm và khám phá mối quan hệ của con người với thế giới xung quanh.

Trong tác phẩm văn học, mọi đồ vật đều gắn kết con người. Hay nói cách khác, thế giới đồ vật (cả nhân tạo và thiên tạo) đã tạo thành một môi trường sống tất yếu có mối quan hệ hữu cơ với con người, chúng chính là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa khám phá bản chất cũng như tâm hồn con người, để nhận ra được những buồn, vui, yêu, ghét ẩn khuất trong tâm hồn con người, để nhận ra những khát vọng bả năng sâu kín cũng như những ước vọng cao cả, hướng thượng.

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà trong thế giới nhân vật bao la của mình, đại văn hào Balzac chia làm ba loại: đàn ông, đàn bà, và những đồ vật xung quanh họ. Đồ vật chính là sợi dây kết nối gắn bó với các hình tượng con người, chúng không phải là sự sao chép vô hồn từ hiện thực cuộc sống mà là một sự sáng tạo độc đáo có dụng ý nghệ thuật.

Qua hệ thống hình tượng đồ vật, nhà văn khơi dậy trong người đọc những nhận thức sâu sắc về cuộc sống:

Đích đến cuối cùng của văn chương chính là cuộc đời. Tố Hữu cho rằng: “Cuộc đời là điểm khởi đầu và đi tới của văn chương”. Trang sách đóng lại, cuộc đời thật sự của tác phẩm văn học mới mở ra, khi nó sống dậy trong tâm trí bạn đọc và đi vào cuộc sống.

Cho nên, hệ thống hình tượng đồ vật trong tác phẩm văn học không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, mà trước hết nó thể hiện chức năng nhận thức, giáo dục của văn học, giúp tác phẩm văn học thật sự trở thành “thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo, thay đổi thế giới xấu xa, tàn nhẫn, vừa làm lòng người trong sạch hơn, phong phú hơn” (Thạch Lam). Các hình tượng đồ vật gọi thức trong người đọc những “sự thật ở đời”, những “tiếng lầm than cất ra từ những kiếp đau khổ kia”, nó giúp người đọc hiểu thêm về thế giới tự nhiên, thế giới xã hội, và quan trọng nhất, là hiểu rõ chính mình.

Để từ đó, mỗi hình tượng văn học  nói chung và hình tượng đồ vật nói riêng tiếp thêm cho người đọc nghị lực sống, sức mạnh để cải tạo cuộc sống, khiến con người sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

3. Chứng minh:

Hình tượng cái bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:

Cái bóng là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương:

Cái bóng là biểu tượng cho tình yêu của Vũ Nương với chồng. Khi nàng chỉ vào bóng mình mà nói với con đó là chồng, đó là sự đồng nhất mình với chồng, là sự gắn bó về tâm hồn. Đó là biểu hiện của tình yêu thương chồng, cảm thấy tâm hồn của hai người gắn bó như hình với bóng.

Cái bóng biểu tượng cho tình mẫu tử của Vũ Nương với con. Vũ Nương dựng nên hình ảnh một người cha để tâm hồn con trẻ không tổn thương, không cảm thấy trống vắng.

Cái bóng oan nghiệt – kẻ bức tử Vũ Nương:

Nguồn cơn của cái bóng chính là chiến tranh. Nếu chiến tranh không nổ ra, gia đình ly tán, sẽ không bao giờ có sự xuất hiện của cái bóng, và Vũ Nương sẽ không phải chết. Chiến tranh là đau thương, mất mát, chia lìa, cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bi kịch thương tâm khi Vũ Nương.

Cái bóng là cái cớ cho sự ghen tuông vô lý của Trương Sinh, trở thành hung thủ đẩy Vũ Nương vào đường cùng, vào cái chết. Trương Sinh là một kẻ đa nghi, lại “con nhà hào phú, không có học”, nghi oan cho vợ thì hồ đồ, bảo thủ không cho vợ cơ hội thanh minh, không lắng nghe mà chỉ buộc tội. Thói đa nghi, thủ cựu đó là tính cách của Trương Sinh, nhưng chính tư tưởng phong kiến, “trọng nam, khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dung túng cho sự vũ phu, gia trưởng của hắn. Chính tư tưởng bảo thủ, độc ác của xã hội phong kiến đã cho phép người đàn ông ngang nhiên chà đạp, khinh thường người phụ nữ và bức tử họ.

Cái bóng của sự giải oan và những nuối tiếc muộn màng:

Sau khi Vũ Nương gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn, một lần bé Đản trỏ lên cái bóng trên vách nói rằng “Cha Đản lại đến kia kìa!”, Trương Sinh nhận ra mình đã nghi oan cho vợ, nhưng đã quá muộn.

Nguyễn Dữ đã sáng tạo ra một cái kết với chi tiết kì ảo, để giải oan cho Vũ Nương. Vũ Nương gặp Phan Lang ở động Linh Phi, nhờ đó mà nàng được Trương Sinh lập đàn giải oan. Qua đó, kết thúc truyện thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc, làm bật lên ước mơ công bằng của người phụ nữ và cũng là của chính tác giả Nguyễn Dữ. Tuy kết thúc có hậu nhưng tác phẩm vẫn mang một âm hưởng bi thương: Vũ Nương chỉ đứng ở giữa dòng cảm tạ rồi biến mất, chứ không thể gặp lại Trương Sinh nữa. Nàng cũng không thể gặp con, bé Đản mãi mãi mất mẹ. Gia đình mãi mãi tan vỡ. Thiên chức làm mẹ của Vũ Nương mãi mãi bị tước đoạt. Ở đây, Sắc màu kì ảo càng làm đậm thêm tính chất hiện thực của tác phẩm: Những người phụ nữ tốt đẹp như Vũ Nương không thể tìm thấy hạnh phúc ở đời thực, chỉ có thể tìm được hạnh phúc khi về thế giới bên kia. Đó là sự thật đau đớn, là một lời tố cáo xã hội phong kiến sâu sắc.

Qua hình tượng cái bóng, Nguyễn Dữ đã gửi đến chúng ta bức thông điệp giàu tính nhân văn về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: hiền dịu, nết na, giàu đức hy sinh, và quan trọng nhất là luôn khát khao hạnh phúc.

Đồng thời, hình ảnh cái bóng cũng là tiếng nói tố cáo để ta thấy được sự thật đau đớn trong xã hội phong kiến: Cái bóng chính là biểu tượng cho bi kịch của cuộc đời người phụ nữ thời phong kiến, mong manh đến đau đớn. Vũ Nương chết, vì lời nói ngây thơ của con trẻ. Vũ Nương chết, vì sự hồ đồ của chồng. Vũ Nương chết, vì chính tình yêu của mình dành cho chồng, cho con. Vũ Nương chết, vì không thể thoát khỏi cái bóng của mình! Rủi ro, oan khiên đến với người phụ nữ từ những sự việc nhỏ nhất trong đời sống như cái bóng, họ không có cách nào để chống đỡ, ngoài lấy cái chết để bảo vệ danh dự cho bản thân.

Hình tượng “Ánh trăng” trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Duy:

Ánh trăng tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, gắn bó với nhân vật trữ tình từ thuở ấu thơ đến những tháng ngày gian khổ nơi chiến trường. Thời cuộc đổi thay, con người thay đổi và lãng quên nhưng ánh trăng vẫn tròn đầy không thay đổi. ( 4 khổ thơ đầu)

Ánh trăng tượng trưng cho sự thức tỉnh vừa nghiêm khắc vừa bao dung

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Qua hình tượng ánh trăng, Nguyễn Duy đưa đến thông điệp về sự ăn năn, thức tỉnh, một trạng thái cao cả, hướng thượng trong tâm hồn mỗi con người. Sự ăn năn, thức tỉnh chính là kết quả của một quá trình đấu tranh nội tâm gay gắt nơi mỗi người phải chiến đấu với phần con của mình, là sự giằng co giữa Thiện và Ác, Vị kỉ và Vị tha, Cao thượng và Thấp hèn, Can đảm và Hèn nhát… để vươn tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Đây là cuộc đấu tranh dai dẳng trong tâm hồn mỗi người, là lửa thử vàng để làm nên những nhân cách tốt đẹp.

Đồng thời, qua hình tượng ánh trăng, Nguyễn Duy cũng đã khái quát nên những giá trị chân chính trong cuộc đời. Như Nguyễn Khải nói: Nói cho cùng, để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”. Ánh điện, cửa gương, vật chất cám dỗ, xét cho cùng chỉ là những giá trị tức thời, rồi sẽ bỏ con người bất kì lúc nào. Chỉ có ánh trăng, tượng trưng cho nguồn cội, cho quá khứ ân nghĩa thủy chung, tượng trưng cho bài học đạo lý làm người “uống nước nhớ nguồn”, tượng trưng cho tấm lòng bao dung, nhân hậu, tượng trưng cho thái độ tự phản tỉnh của mỗi người trong cuộc đời, mãi mãi không biến đổi, giúp soi sáng con người trên đường đời, mới thực là giá trị bền vững, để ta sống đẹp, sống đúng với hai tiếng con người.

Cả hình tượng cái bóng và hình tượng ánh trăng, dù thuộc hai tác phẩm sáng tác trong thời kì khác nhau, là sản phẩm của hai phong cách văn học khác nhau, viết về các đề tài rất khác nhau, nhưng lại gặp nhau trong dòng chảy chủ nghĩa nhân văn cao cả của văn học dân tộc. Dù viết về đề tài gì, ra đời trong hoàn cảnh này, thì cuối cùng văn học cũng không nằm ngoài mục đích đề cao cái tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu xa, cất lên tiếng nói để đòi quyền sống chính đáng, quyền sống ý nghĩa cho con người.

Qua hình ảnh cái bóng, Nguyễn Dữ cất lên hồi chuông tha thiết kêu gọi đấu tranh chống lại xã hội phong kiến phi nhân bạo tàn để người phụ nữ được hưởng hạnh phúc chính đáng. Còn với hình ảnh ánh trăng, Nguyễn Duy đã thực sự nghiêm khắc trong cuộc chiến với chính mình nội tại nơi tâm hồn mỗi người, để bản thân vươn đến những giá trị tốt đẹp.

Để làm nên những hình tượng đồ vật thành công, ngoài yếu tố nội dung tư tưởng sâu sắc, thì thủ pháp nghệ thuật cũng cần được coi trọng. Hình tượng cái bóng được tạo nên bởi nghệ thuật tự sự đặc sắc: cái bóng góp phần tạo nên một cốt truyện kịch tính, chặt chẽ, cuốn hút người đọc. Hình tượng ánh trăng là sự kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình, chất tự sự và chất triết lý, vừa có sức nặng của tư tưởng vừa dễ dàng đi vào lòng người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang