Có ý kiến nhận xét: “Tiếp nhận đòi hỏi người đọc sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn để cảm nhận cái thông điệp thẩm mĩ mà tác giả gửi đến cho người đọc văn học”.
Với kinh nghiệm đọc sách của bản thân, anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
Bài tham khảo:
Nhà văn, anh phải như chàng trai Samet đi nhặt những “hạt bụi quý” trong cuộc đời mênh mông vô tận và những người đọc phải thật sâu sắc và hết mình mới thấy được bông hồng vàng giá trị tác giả gửi gắm. Franz Kafka- người được mệnh danh là Dan-te của thế kỉ 20 đã chắt lọc “vị muối của đời” để viết lên tác phẩm Hóa thân gây sức ám ảnh sâu sắc với độc giả. Giật mình, hoang mang và hoài nghi là những cảm xúc đầu tiên chúng ta cảm thấy khi lần đầu bước vào vùng đất của hóa thân.
“Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ”. Tại sao trong một cuộc đời bình thường mà đột nhiên con người ta phải “hóa thân”? Câu chuyện không dài, nhưng cứ khiến ta phải băn khoăn và đọc đi đọc lại hàng chục lần. Mạch chuyện rất dễ để tóm tắt, rằng Gregor biến thành côn trùng, anh từ một người kiếm tiền chính trở thành gánh nặng cho gia đình, dần dần mọi người không còn công nhận anh nữa và coi anh là con quái vật.
Những người thân yêu nhất cũng ghê tởm và khiếp sợ Gregor. Thế nhưng, khi càng tiếp xúc và hiểu sâu hơn về tác phẩm, trong tôi, và chắc chắn cả những bạn đọc khác nữa đều gợi lên một cảm giác đau lòng và thương tiếc đến kì lạ. Anh biến thành côn trùng, không phải do bệnh tật, mà có lẽ vì bản thân chính anh đã trốn tránh hiện thực khắc nghiệt phải mệt mỏi kiếm tiền, phải sống là một Gregor Samsa như mong ước của mọi người.
Ta chợt nhận ra rằng, cuộc hóa thân không hề đơn giản và đơn thuần như cách nhà văn miêu tả vào một “sáng tỉnh giấc băn khoăn” của Gregor. Sự chế ngự của đồng tiền, nghĩa vụ của gia đình và nỗi sợ hãi, chán ghét với việc làm đã dẫn đến việc biến đổi nhân hình của Gregor. Kafka đã khéo léo lồng ghép những cảm xúc, triết lý đằng sau con chữ, buộc người đọc phải tự tìm tìm kiếm và khám phá.
Những khó hiểu ban đầu đã dần được thế chỗ bằng cơn bão cảm xúc đang đến với trái tim bạn đọc. Tác giả như đang đưa ta trên một hành trình kì lạ mà có lẽ, chính ông cũng không biết điểm đến là ở đâu. Mỗi người với một nhận thức, cách cảm nhận khác nhau lại mang một suy nghĩ riêng về cuộc đời của gia đình Samsa. Nhưng có lẽ, ai ai cũng ám ảnh bởi hình ảnh Gregor “côn trùng”, cùng thái độ bình thản kì lạ khi biến đổi về nhân hình của anh. Có lẽ, áp lực đè nặng trên vai Gregor khi ấy rất lớn. Anh muốn nghỉ ngơi, anh tìm mọi cách để trốn tránh hiện thực khắc nghiệt đang chờ đón.
Khi người đọc sống với Hóa thân bằng cả tâm hồn, ta thấy mình dường như được “hóa thân” với nhân vật chính trong truyện. Không chỉ là những xúc cảm của tình thương nữa, trong mỗi chúng ta có một khao khát được tham gia thay đổi diễn biến mạch truyện. Các nhân vật được đưa vào một bối cảnh đầy bất ngờ, nhưng cách họ đón nhận lại rất thản nhiên. Tôi rất muốn cho người nhà của Gregor hiểu được nỗi khổ của anh, giúp họ suy nghĩ tích cực hơn với hình dạng côn trùng, để rồi biết đâu đấy, sẽ có một ngày anh trở lại làm Gregor của ngày xưa? Khi ấy mọi người trong gia đình cùng nhau kiếm tiền và san sẻ gánh nặng, gia đình sẽ lại hạnh phúc.
Nhưng sau tất cả, Kafka đã chọn để “quái vật”, “gánh nặng” Gregor chết đi và bố mẹ cùng em gái anh “nhẹ nhõm xuống phố”. Đây thật sự là một kết truyện gây ám ảnh. Đến cùng đâu mới là ý nghĩa của sự hóa thân? Phải căng sự thay đổi và biến mất của Gregor không có ích gì? Một lần nữa, cảm xúc băn khoăn lại đến với bạn đọc. Nhà văn không tả nhiều, nhưng những lời kể của ông lại có sức gợi mãnh liệt. Giá trị đầy ắp trong từng câu, từng từ. Chỉ có những độc giả chân chính, sống với tác phẩm “toàn tâm, toàn trí, toàn hồn” mới khai mở được thông điệp thẩm mĩ ấy.
Gregor biến mất, nhưng anh đã thay đổi suy nghĩ của cả gia đình, họ chăm chỉ làm việc và kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Và hơn hết, anh thay đổi nhận thức của của chính chúng ta- những người đang đọc câu chuyện, thức tỉnh một chân lý về giá trị, áp lực cuộc sống để ta sống đẹp và sống có ích hơn với đời.
Đôi khi ta cũng cần biết vì chính bản thân mình, sống vì mình. Đừng để bản thân quá mệt mỏi để rồi phải trốn tránh hiện thực, phải “hóa thân” biến đổi nhân dạng. Đọc những trang văn của Franz Kafka, ta giật mình tự vấn lương tâm, có phải liệu ta đang quá vô tâm hời hợt với cuộc đời của chính mình?