Thuyết trình về một vấn đề xã hội (Ngữ văn 10, tập 1, Cánh Diều)

thuyet-trinh-ve-mot-van-de-xa-hoi-ngu-van-10-canh-dieu

Nói và nghe:

Thuyết trình về một vấn đề xã hội.

1. Định hướng.

a) Trong phần Viết, các em đã rèn luyện viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Phần này tiếp tục rèn luyện thuyết trình về một vấn đề xã hội. Yêu cầu chính là trình bày trước người nghe những ý kiến (nhận xét, đánh giá, bàn luận, …) của em về vấn đề dó.

b) Để thuyết trình về một vấn đề xã hội, các em cần:

– Lựa chọn vấn đề thuyết trình.

– Xác định thời lượng thuyết trình và đối tượng người nghe để lựa chọn nội dung, cách trình bày phù hợp.

– Chuẩn bị dàn ý bài thuyết trình và các tư liệu, tranh ảnh, thiết bị hỗ trợ (nếu có).

– Sử dụng ngôn ngữ kết hợp với nét mặt, ánh mắt, giọng điệu, phù hợp với nội dung bài thuyết trình.

2. Thực hành.

Chọn một trong hai vấn đề sau đây để thuyết trình trước lớp:

– Vấn đề 1: Suy nghĩ của em về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác.

– Vấn đề 2: Làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống nhân đọc các đoạn trích Hê-ra-clét đi tìm táo vàng, Chiến thắng Mtao Mxây.

a) Chuẩn bị: 

– Đọc kĩ để bài, xác định yêu cầu và lựa chọn vấn đề thuyết trình.

– Lựa chọn hình thức thuyết trình (có thể thuyết trình kết hợp với slide trình chiếu của máy tính, hình ảnh, sơ đồ, …).

– Tập thuyết trình.

b) Tìm ý và lập dàn ý:

Lập dàn ý cho bài thuyết trình về một vấn đề xã hội đã xác định (Dựa vào nội dung phần Viết, có thể bổ sung, thêm bớt cho phù hợp với yêu cầu của bài thuyết trình).

Mở đầu Giới thiệu vấn đề thuyết trình.
Nội dung chính Thuyết trình tuần tự nội dung một cách hợp lí.
Kết thúc Nêu vấn đề em quan tâm, cần thảo luận và bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người nghe.

c) Thực hành nói và nghe:

– Người chủ trì: Nêu vấn đề, thống nhất cách thức trình bày, thảo luận (ví dụ: mục đích, nội dung chính, yêu cầu, …), mời người nói trình bày ý kiến.

Người nói

Người nghe

– Giới thiệu bài thuyết trình theo dàn ý đã chuẩn bị.

– Nói rõ ràng, âm lượng phù hợp; tránh đọc bài viết đã chuẩn bị sẵn; kết hợp ngôn ngữ nói và cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ: sử dụng hình ảnh, sơ đồ minh hoạ (nếu cần): đảm bảo thời gian quy định.

– Đảm bảo sự thống nhất giữa nội dung với hình thức, các phương tiện hỗ trợ thuyết trình phù hợp. Chú ý cách diễn đạt tạo sự hấp dẫn về vấn đề thảo luận, ….

– Trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

– Lắng nghe, xác định và ghi lại các thông tin chính của bài thuyết trình, những nội dung cần hỏi lại.

– Thể hiện thái độ chủ ý lắng nghe, sử dụng các yếu tố cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

– Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài thuyết trình.

– Thảo luận: Sau khi người nói trình bày xong, người chủ trì mời người nghe phát biểu ý kiến hoặc nêu câu hỏi, tranh luận,…

– Kết thúc thảo luận: Người chủ trì tổng hợp ý kiến của cả nhóm về vấn đề thảo luận, những điểm đã thống nhất và những điểm còn tranh luận (nếu có).

Vấn đề 1:

Suy nghĩ của em về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác.

Dàn ý:

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác

II. Thân bài:

– Giải thích; “nhận lỗi”, “đổ lỗi”

– Biểu hiện của hiện tượng

– Nguyên nhân của hiện tượng

– Hậu quả

– Giải pháp khắc phục

– Phê phán

– Bài học nhận thức

III. Kết bài:

– Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề

Bài làm:

  • Mở bài:

Người xưa từng nói: “Nhân bất thập toàn”, nghĩa là không ai sinh ra đã trở nên hoàn hảo. Sai lầm là một biểu hiện thường thấy trong cuộc sống con người. Có những sai lầm mới có những thành công. Từ con người bình thường đến các vĩ nhân đều có những sai lầm nhất định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Lời xin lỗi luôn là một hành động cần thiết trong cuộc sống. Mỗi khi sai lầm xảy ra để hạn chế những hậu quả đáng tiếc và làm cho tâm hồn được bình yên hơn thì lời xin lỗi thực sự cần thiết.

  • Thân bài:

“Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. “Nhận lỗi”: là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ.

Con người trong cuộc sống sẽ có những lúc không tránh khỏi những tình huống éo le, khó đỡ và phạm phải lỗi lầm. Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm, phạm phải nhiều lỗi lầm theo những mức độ khác nhau, việc nhận lỗi và sửa chữa chúng sẽ khiến bản thân ta tốt lên từng ngày, hoàn thiện nhân cách đồng thời lấy lại niềm tin của người khác đối với bản thân mình. Lỗi lầm chỉ mang lại cho bản thân những điều tiêu cực như: gây ra tổn thương cho người khác, làm mất lòng tin, chính bản thân ta sẽ cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi,… nhưng khi biết sửa lỗi nó sẽ mang đến cho ta những bài học bổ ích. Người biết nhận lỗi và sửa lỗi là người biết nhìn nhận thực tế, sẽ được người khác nhìn nhận và đánh giá cao. Người biết nhận lỗi và sửa lỗi là những người có bản lĩnh, biết thay đổi để bản thân tốt hơn, xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được học hỏi. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người khi gây ra lỗi lầm không biết sửa chữa, nhận lỗi về mình; lại có những người vì lợi ích của bản thân mà cố ý gây ra lỗi lầm, tổn thương cho người khác,… những người này đáng bị chỉ trích.

  • Kết bài:

Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất, chúng ta hãy cố gắng hoàn thiện bản thân, trở thành một con người có đạo đức, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc đúng chỗ và phấn đấu làm một công dân tốt cho xã hội.

Bài tham khảo:

Một trong những tư duy của người thành công là tự nhận trách nhiệm về mình, tránh trách móc, đổ lỗi cho người khác.

Phần lớn chúng ta ít nhiều đều có khuynh hướng đổ lỗi lên người khác cho những thiếu sót, những hạn chế trong việc nuôi dạy con, trong việc làm kinh tế gia đình, trong sự thăng tiến công việc,… của chính mình. Chẳng hạn, nếu con bạn có khuyết điểm gì đó thì bạn sẽ đổ lỗi cho chồng (hoặc vợ) bạn. Một ông chồng thấy đứa con học kém, không nghe lời người lớn thì đổ lỗi cho vợ mình như: Tại cô hay bênh con, ít quan tâm đến con nên nó mới thế đấy… hay nặng hơn là đổ lỗi cho ông bà ngoại, cho họ hàng bên vợ: Cái gen bên nhà cô thế đấy, bên nhà tôi ai cũng học giỏi và tính tình vui vẻ,… Thậm chí còn đổ lỗi cho nhà trường, cho cô giáo chủ nhiệm, cho ngành giáo dục,…

Số đông chúng ta đều tự nhận về mình những điều hay, điều tốt là do công sức của mình, do “gen nhà mình”,… Chẳng hạn, con học giỏi là do tôi chỉ bảo cho con nhiều, do gen bên nhà tôi, con xinh đẹp là do con giống tôi,…. Rất ít người tự nhận trách nhiệm về mình khi gặp một sự cố, một sự thiếu sót nào đó. Số đông luôn tự nhận mình là tốt rồi, những điều chưa tốt là do người khác và không có trách nhiệm gì về những việc tiêu cực đó cả.

Nếu con trẻ chúng ta sống trong môi trường có bố luôn đổ lỗi cho mẹ và ngược lại, mẹ luôn đổ lỗi cho bố, mỗi người chỉ nhận những cái hay cái tốt về mình thì rồi các con cũng sẽ như thế. Những đứa trẻ sống trong môi trường này sẽ chẳng bao giờ tìm ra giải pháp mà cứ mải tìm cách đổ lỗi cho người khác. Đầu óc chúng sẽ chỉ chất chứa sự oán trách, thù hằn và vô vọng, sẽ mất đi sự sáng suốt để có sự chọn lựa khôn ngoan. Đổ lỗi cho người khác còn có nghĩa là bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của riêng ta.

Nhưng, nếu không nhận trách nhiệm về mình, luôn đổ lỗi cho người khác thì sẽ không bao giờ hoàn thiện được bản thân mình, không tiến bộ lên được, không hạn chế được những điều tiêu cực xảy ra và hạn chế những thành công trong tương lai của đứa trẻ.

Vì vậy, để giúp con, rèn cho con mình biết cách chịu trách nhiệm với việc chúng làm, cha mẹ hãy luôn có thái độ sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình để làm gương cho trẻ. Chẳng hạn, khi con bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, bố mẹ hãy nói với thầy cô giáo của con rằng: “Đó là lỗi của tôi”, hoặc nói với con rằng “Đó là lỗi của bố/mẹ…”, sau đó, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giúp con tiến bộ. Trong trường hợp này nếu bố/mẹ về nhà lại trách mắng con, đổ lỗi cho con là “lười học, ngu, dốt, …” thì kết quả có khi lại xấu hơn…

Còn nhớ, lúc con tôi học lớp 2, có một hôm do cháu không nhớ thời khóa biểu có tiết học thuộc lòng vào ngày hôm sau, nên khi đến lớp con không thuộc bài. Bị cô giáo cho điểm kém, về đến nhà con lo sợ lắm, nhưng tôi nói luôn: “Đó là lỗi của mẹ” và sau đó hai mẹ con ngồi với nhau nói chuyện rất lâu, giúp con giải tỏa tâm lí lo sợ và con cũng tự nhận: “Đó là lỗi của con, lần sau con sẽ cẩn thận hơn và có kế hoạch học sớm hơn để học hết bài cô giáo giao về nhà”.

Điều đặc biệt tránh là bố mẹ không nên đổ lỗi cho nhau hoặc đổ lỗi, chê trách thầy cô giáo, đổ lỗi cho ông bà, … trước mặt con cái. Mỗi người cần nhớ rằng khi các con chúng ta còn nhỏ thì trách nhiệm dạy dỗ con cái là thuộc về chúng ta, vì vậy mỗi sơ suất của con cái, hoặc của các thành viên trong gia đình đều có phần trách nhiệm của các thành viên còn lại.

Nếu ai cũng tự nhận một phần trách nhiệm về mình thì mọi rắc rối sẽ trở nên rất đơn giản, khi đó mọi thành viên trong một gia đình, một cộng đồng, một cơ quan, đơn vị, … sẽ thân thiện với nhau hơn. Người tự nhận trách nhiệm cũng là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là mẫu của những người chủ, những người lãnh đạo…

Vì vậy, hơn hết, bất luận việc gì xảy ra mỗi người hãy tự nhận một phần trách nhiệm về mình, tránh trách móc, đổ lỗi cho người khác.

Xem thêm:  Suy nghĩ về hiện tượng đổ lỗi cho người khác trong xã hội ngày nay

Vấn đề 2:

Làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống nhân đọc các đoạn trích Hê-ra-clét đi tìm táo vàng, Chiến thắng Mtao Mxây.

Dàn ý:

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận

– Dẫn dắt qua hai văn bản

II. Thân bài:

– Giải thích “số phận”

– Biểu hiện

– Nguyên nhân

– Ý nghĩa

– Phản đề

– Ý kiến đánh giá, bình luận

III. Kết bài:

– Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề

Bài làm:

  • Mở bài:

Cuộc sống xung quanh ta không phải toàn màu hồng như chúng ta nghĩ chính vì lẽ đó không phải ai sinh ra đều có cuộc sống hạnh phúc. Một danh nhân đã nói: “Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi”. Thật vậy, nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công trong cuộc sống như: thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thương binh Nguyễn Trọng Hợp,… Họ đã vượt lên và chiến thắng số phận khiến bao người phải cảm phục.

  • Thân bài:

Cuộc sống chúng ta có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng vẫn có “Những người không chịu thua số phận”. Đó là những con người có ý chí, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Họ không đầu hàng trước số phận mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và ý nghĩa. Chắc trong chúng ta cũng biết đến cậu học trò Nguyễn Ngọc Kí, vốn là một tấm gương sáng cho nghị lực vươn lên khó khăn. Tấm gương Nguyễn Ngọc Kí được đưa vào sách giáo khoa để dạy đạo đức cho học sinh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân lại bị liệt cả hai tay khiến cho Nguyễn Ngọc Kí gặp nhiều trở ngại trong quá trình học tập thực hiện ước mơ của mình. Nhưng cậu không từ bỏ, quyết tâm rèn luyện học tập bằng chính đôi chân của mình trở thành một giá giáo ưu tú xuất sắc như cậu từng ao ước. Không chỉ có Nguyễn Ngọc Kí, mà nhiều tấm gương như Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn… Từ những câu chuyện đó chúng ta thấy được một tinh thần nghị lực kiên cường phấn đấu không mỏi mệt. Họ chính là biểu tượng, tượng đài cho những con người không chịu thua số phận mà chúng ta không khỏi khâm phục, ngưỡng mộ và tôn trọng họ.

Trước hết, theo chúng ta, điều gì đã thúc đẩy họ có cho mình một nghị lực phi thường như vậy? Đối với những con người gặp hoàn cảnh khó khăn ấy, họ nhận thức được so với những người bình thường khác họ gặp phải trở ngại, khó khăn, khác biệt gì. Chính vì họ nhận thức được bản thân mình đang gặp trở ngại gì, vì thế họ khao khát ước muốn hào nhập, muốn sống cuộc sống như những người bình thường khác. Họ muốn bản thân mình không hề yếu kém hơn ai trong mắt những người xung quanh. Sự khao khát cùng với những lời động viên chân thành từ những người thân, bạn bè, và những người xung quanh cũng tạo nên động lực để họ cố gắng hết mình, biến ước mơ của mình đã hóa thành nghị lực, sự quyết tâm cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được những gì bản thân mình mong muốn. Hay có thể nói chính sự “không chịu thua số phận” giúp họ có tinh thần, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội… “Tàn” nhưng không “phế”, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội.

Không những thế những người không chịu thua số phận ấy, họ đã biến chính những khuyết điểm của bản thân mình trở thành sức mạnh, trở thành những nỗ lực để họ quyết tâm làm mọi việc. Họ nhận ra rằng số phận nằm trong tay mỗi con người và họ quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân, để trở thành người có ích. Họ khao khát được đóng nhiều đóng góp nhiều cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau: phục vụ mình, làm ra của cải nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, cống hiến cho xã hội… Họ là những tấm gương sáng, tấm gương vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để cất lên những tiếng ca ca ngợi cuộc đời, nhen lên niềm tin lẽ sống cho mọi người…

Trong cuộc sống có rất nhiều những tấm gương để chúng ta học tập. Nguyễn Ngọc Ký, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, từ khi còn nhỏ đã mắc căn bệnh hiểm nghèo khiến anh bị liệt toàn thân, nhưng anh vẫn cố gắng học tập, mở trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, giúp đỡ họ có một hướng đi trong cuộc đời mình, có niềm tin vào cuộc sống… Những con người như Nick Vujicic – chàng trai người Úc sinh ra với cơ thể không tay không chân, nhưng anh trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới, được mọi người biết đến như một tấm gương của sự vượt khó… Vua đầu bếp Christine Hà, cô gái người Việt bị mù nhưng đam mê nấu nướng đạt giải thưởng vua đầu bếp Mỹ. Không đao to búa lớn, đấy chính là cuộc đời họ – “những người không chịu thua số phận” là thông điệp cao cả về lối sống có ích. Làm thơ, viết văn, dạy học… bằng những công việc thầm lặng, họ đã cống hiến cho xã hội như cây xanh làm đẹp cho đời, điểm tô cho cuộc sống Họ chính là những tấm gương điểm hình chứng minh cho sự lỗ lực, nghị lực quyết tâm phi thường của mình khiến chúng ta cần phải noi theo.

Bên cạnh những tấm gương vươn lên trong học tập đáng tự hào ấy vẫn có những con người sống thực dụng, lười nhác, mỗi khi gặp khó khăn thường rất dễ nản lòng, chưa thật sự cố gắng đã đầu hàng số phận, dễ buông xuôi hoặc ý lại, hoặc phản ứng tiêu cực… Sống hèn nhát, không dám đối diện với sự thật nên khó thành công trong mọi việc. Đó là những con người đáng phê phán trong xã hội ta.

Vậy trước những tấm gương đó chúng ta cần phải làm gì với những con người đã và đang gặp khó khăn trong cuộc sống ấy. Chúng ta hãy chung tay gíup đỡ, động viên những con người khuyết tật, những con người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sông. Mỗi chúng ta cần học tập ở chính sự nỗ lực và quyết tâm phi thường không ngừng phấn đấu của họ để bản thân chúng ta cũng như họ, cố gắng hết mình cống hiến cho đất nước để hoàn thành trách nghiệm của chính bản thân mình và cũng chính là để cho cuộc sông của mình thêm ý nghĩa.

  • Thân bài:

Những con người vươn lên hoàn cảnh ấy là một tấm gương để chúng ta phản chiếu chính bản thân mình, là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những con sống chưa đúng. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng hết mình dựng xây lên một đất nước tươi đẹp. Bạn hãy tự đi trên đôi bàn chân của chính mình, chắc chắn bạn sẽ tới cái đích mà bạn mong muốn!

Xem thêm:  Suy nghĩ về những tấm gương vượt lên trên số phận để thành công trong cuộc sống

Nghị luận: Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.