Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài (Bài 1, Ngữ văn 7, tập 1, Kết nối tri thức)

bai-1-tom-tat-van-ban-theo-nhung-yeu-cau-khac-nhau-ve-do-dai-ngu-van-7-ket-noi-tri-thuc

Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài.

Đề bài:

Để trình bày ngắn gọn nội dung chính của một văn bản, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu,… người ta thường sử dụng thao tác tóm tắt văn bản. Ở bài học này, em sẽ học cách tóm tắt một văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài, đảm bảo trung thành với nội dung chính của văn bản gốc.

* Yêu cầu:

– Phản ánh đúng nội dung của văn bản gốc.

– Trình bày được những ý chính, những điểm quan trọng của văn bản gốc.

– Sử dụng các từ ngữ quan trọng của văn bản gốc.

– Đáp ứng được những yêu cầu khác nhau về độ dài của văn bản tóm tắt.

* Phân tích bài tóm tắt tham khảo:

Tóm tắt văn bản Sơn Tinh Thủy Tinh trong Ngữ văn 6, tập 2

– Cả 2 văn bản tóm tắt :

+ Đều phản ánh đúng được nội dung của văn bản gốc “Sơn Tinh Thủy Tinh”

+ Trình bày được những ý chính, những điểm quan trọng: Vua Hùng Vương thứ 18 muốn kén rể cho con gái Mị Nương xinh đẹp; Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn; cuộc giao tranh giữa hai chàng, ….

+ Sử dụng các từ ngữ quan trọng của văn bản gốc: Vua Hùng Vương thứ mười tám, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh, cầu hôn, lễ vật, đánh nhau, ….

+ Đáp ứng được yêu cầu khác nhau về độ dài của văn bản tóm tắt: Văn bản 1 dung lượng ngắn; Văn bản 2 dung lượng dài hơn. Nhưng cả hai văn bản đều ngắn hơn so với văn bản gốc.

Gợi ý:

1. Trước khi tóm tắt.

– Đọc kĩ văn bản gốc.

– Xác định nội dung chính cần tóm tắt.

+ Xác định nội dung khái quát, cốt lõi của toàn văn bản

+ Tìm ý chính của từng phần hoặc đoạn và xác đinh quan hệ giữa các phần hoặc các đoạn

+ Tìm các từ ngữ quan trọng

+ Xác định ý chính của văn bản

+ Xác định đúng nội dung khái quát, cốt lõi

+ Xác định các phần trong văn bản.

Ví dụ: Tóm tắt văn bản “Bài học đường đời đầu tiên” sách Ngữ văn 6 tập 1.

– Xác định nội dung khái quát, cốt lõi:  Bài văn miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Do bày trò trêu chọc chị Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra được bài học đường đời đầu tiên cho mình.

– Tìm ý chính của từng phần hoặc đoạn: 

+ Phần 1: Từ đầu đến “đứng đầu thiên hạ rồi” : Giới thiệu vẻ đẹp và tính cách của Dế Mèn.

+ Phần 2: Còn lại: Câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên của dế Mèn.

– Tìm các từ ngữ quan trọng của văn bản: Dế Mèn, Dế Choắt, Chị Cốc, khỏe mạnh cường tráng, nghịch dại, ân hận, bài học đường đời đầu tiên, …

– Đánh dấu vào văn bản hoặc ghi ra giấy những ý chính của văn bản. 

– Tìm ý chính của từng phần:

– Xác định yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt.

+ Xác định ý lớn và ý nhỏ của văn bản gốc.

+ Tùy theo yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt mà lựa chọn ý lớn hay ý nhỏ từ văn bản gốc

2. Viết văn bản tóm tắt.

– Sắp xếp các ý chính của văn bản gốc theo một trình tự hợp lí.

– Dùng lời văn của em kết hợp với những từ ngữ quan trọng trong văn bản gốc để viết văn bản tóm tắt.

– Chú ý bảo đảm yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt.

3. Chỉnh sửa.

Rà soát, chỉnh sửa văn bản tóm tắt theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Nội dung đúng với văn bản gốc Lược bỏ các thông tin không có trong văn bản gốc và những ý kiến bình luận của người tóm tắt (nếu có).
Trình bày được những ý chính, những điểm quan trọng của văn bản gốc. Bổ sung những ý chính, điểm quan trọng của văn bản gốc (nếu thiếu), lược bớt các chi tiết thừa, không quan trọng (nếu có)
Sử dụng những từ ngữ quan trọng của văn bản gốc. Bổ sung những từ ngữ quan trọng có trong văn bản gốc (nếu thiếu)
Đáp ứng được những yêu cầu khác nhau về độ dài. Rút gọn hoặc phát triển văn abnr tóm tắt để đảm bảo yêu cầu về độ dài.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

* Bài tóm tắt mẫu tham khảo:

Tóm tắt văn bản “Bài học đường đời đầu tiên” sách Ngữ văn 6 tập 1.

Bài làm 1:

Truyện kể về nhân vật Dế Mèn, một chú dế khỏe mạnh, cường tráng nhưng tính tình kiêu căng, xốc nổi. Bởi ăn uống điều độ nên chẳng bao lâu Dế Mèn đã trở thành một chàng dế cường tráng. Nghĩ mình hơn người khác, Dế Mèn dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm. Bên hàng xóm có hang của Dế Choắt vốn gầy gò, ốm yếu. Một hôm, Dế Mèn sang chơi, liền chê Dế Choắt là nhà cửa tuềnh toàng. Nhưng khi Choắt nhờ đào giúp cho một cái ngách sang bên nhà Dế Mèn để phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào bắt nạt còn chạy sang, thì Mèn đã từ chối, rồi trở về nhà. Một lần, Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc. Chị ta tức giận, thấy Dế Choắt liền trút cơn giận lên người cậu. Dế Choắt chết khiến Dế Mèn vô cùng ân hận, đứng trước mộ của Dế Choắt hàng giờ để nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

Bài làm 2:

Dế Mèn là chàng dế thanh niên cường tráng biết ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực. Tuy nhiên Dế Mèn tính tình kiêu căng, tự phụ luôn nghĩ mình “là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Bởi thế mà Dế Mèn không chịu giúp đỡ Dế Choắt – người hàng xóm trạc tuổi Dế Mèn với vẻ ngoài ốm yếu, gầy gò như gã nghiện thuốc phiện. Dế Mèn vì thiếu suy nghĩ, lại thêm tính xốc nổi đã bày trò nghịch dại trêu chị Cốc khiến Dế Choắt chết oan. Trước khi chết, Dế Choắt tha lỗi và khuyên Dế Mèn bỏ thói hung hăng, bậy bạ. Dế Mèn sau khi chôn cất Dế Choắt vô cùng ân hận và suy nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

Tóm tắt văn bản Bánh chưng, bánh giầy trong Ngữ văn 6, tập hai.

Bài làm 1:

Vua Hùng về già muốn truyền ngôi cho các con nên ra điều kiện: không kể con trưởng, con thứ, miễn ai làm vừa ý Tiên Vương sẽ được nối ngôi. Các lang đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ trên rừng dưới biển dâng cho vua cha. Riêng có Lang Liêu, người con thứ mười tám, sau khi mộng thấy thần đã làm một loại bánh hình vuông, một loại bánh hình tròn để dâng vua. Vua vô cùng hài lòng mang bánh lễ Tiên Vương, và được kế ngôi vua. Từ đó, bánh chưng, bánh giầy trở thành lễ vật không thể thiếu trong dịp Tết lễ.

Bài làm 2:

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, lúc về già, nhà vua muốn truyền ngôi lại cho con. Nhưng vua lại có tới hai mươi người con trai nên không biết chọn ai. Sắp đến ngày lễ Tiên vương, vua Hùng ra điều kiện: “Không nhất định phải là con trưởng, chỉ cần làm vừa ý vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi cho”. Các hoàng tử sai người đi khắp nơi tìm những của ngon vật lạ. Người buồn nhất là Lang Liêu, con trai thứ mười tám của vua. Trước kia, mẹ của Lang Liêu bị vua ghẻ lạnh, ốm mà chết. So với anh em, chàng là người thiệt thòi nhất. Từ nhỏ đã quen với việc đồng áng, trong nhà chỉ toàn khoai lúa, Lang Liêu không biết lấy gì để lễ Tiên vương. Một đêm, Lang Liêu nằm mơ thấy thần báo mộng: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”. Khi tỉnh dậy, chàng nghe theo lời thần, lấy thứ gạo nếp vốn quen thuộc, làm ra hai loại bánh hình vuông hình tròn để dâng lên vua cha. Nhà vua rất hài lòng, quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu. Vua đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng, tượng trưng cho Trời. Còn bánh hình tròn tượng là bánh giầy, tượng trưng cho Đất. Lá bọc bên ngoài ngụ ý đùm bọc lẫn nhau. Từ đấy, nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi mới có tục ngày Tết làm bánh chưng, bánh giầy.

Tóm tắt văn bản Thánh Gióng trong Ngữ văn 6, tập hai.

Bài làm 1:

Đời Hùng Vương thứ sáu, làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ, phúc đức nhưng không có con. Một hôm bà vợ ra đồng ướm vào vết chân to, về nhà thụ thai. Mười hai tháng sau sinh cậu con trai khôi ngô. Lên ba tuổi mà chẳng biết đi, không biết nói cười. Giặc xâm lược, nhà vua chiêu mộ người tài, cậu bé cất tiếng nói yêu cầu vua rèn roi sắt, áo giáp sắt, ngựa sắt để đánh giặc. Cậu ăn khỏe, lớn nhanh như thổi. Cả làng phải góp gạo nuôi. Giặc đến, chú bé vùng dậy, vươn vai biến thành tráng sĩ, giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt xông ra đánh tan giặc, roi sắt gãy tráng sĩ nhổ những cụm tre quật giặc. Tráng sĩ một mình một ngựa, lên đỉnh núi cởi bỏ giáp sắt cùng ngựa bay lên trời. Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ, giờ vẫn còn hội làng Gióng và các dấu tích ao hồ.

Bài làm 2:

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng mãi vẫn chưa có nổi một mụn con. Một hôm, bà vợ đi ra đồng trông thấy một vết chân rất to liền đặt bàn chân mình lên ướm thử, không ngờ về nhà liền mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra được một cậu con trai. Cậu bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Lúc bấy giờ, giặc Ân đến xâm lược nước ta, nhà vua muốn tìm người tài đánh giặc cứu nước. Sứ giả đi đến làng Gióng thì kì lạ thay, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Cậu bảo sứ giả về tâu với vua sắm cho một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt để đánh giặc. Từ sau hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vừa. Giặc đến, vừa lúc sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt đến, cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ đánh tan quân giặc. Tráng sĩ đánh giặc xong cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn tôn là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại quê nhà.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.