Ngày hội đọc sách (Bài 10, Ngữ văn 7, tập 2, Kết nối tri thức)

bai-10-ngay-hoi-doc-sach-ngu-van-7-ket-noi-tri-thuc

Ngày hội đọc sách.

Đề bài

GIỚI THIỆU SẢN PHẨM SÁNG TẠO TỪ SÁCH.

Tham gia giới thiệu các sản phẩm sáng tạo từ sách của cá nhân và tập thể: truyện tranh, pô-xtơ giới thiệu nhân vật, các hình thức tóm tắt tác phẩm,… Có thể sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ kết hợp lời giới thiệu, thuyết trình ngắn để giải thích về sản phẩm sao cho sinh động, hấp dẫn với người nghe.

TRÌNH BÀY Ý KIẾN VỀ TÁC DỤNG, Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH.

Sách vừa là người bạn, vừa là người thầy suốt đời của mỗi chúng ta. Sau chuỗi hoạt động của dự án đọc trong bài 10, em hãy cùng các bạn trao đổi ý kiến, thảo luận về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc sách giúp mọi người cùng nhận ra tầm quan trọng của việc đọc sách với quá trình học tập và phát triển bản thân.

Gợi ý:

1. Trước khi nói.

a. Chuẩn bị nội dung và phương tiện để trình bày.

– Lựa chọn và xác định nội dung cần trình bày:

+ Xem lại sản phẩm sáng tạo từ sách và chọn sản phẩm độc đáo, thú vị mà em muốn giới thiệu

+ Lập dàn ý cho bài nói trước khi trình bày ý kiến về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc sách, đánh đấu những nội dung cần nhấn mạnh, cần làm rõ và thuyết phục người nghe

– Xác định các phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp để hỗ trợ cho bài nói.

b. Tập luyện.

– Tập luyện một mình để ghi nhớ nội dung và chọn cách diễn đạt phù hợp

– Trình bày trước các bạn trong nhóm học tập, cùng các bạn trao đổi để có thể lắng nghe góp ý nhằm điều chỉnh nội dung trình bày và diễn đạt sao cho rõ ràng, mạch lạc, có sức thu hút

2. Trình bày bài nói.

– Trình bày một cách rõ ràng các nội dung đã chuẩn bị

– Nhấn mạnh những đặc điểm nổi bật của sản phẩm sáng tạo từ sách hoặc làm rõ quan điểm của em về việc đọc sách qua lí lẽ xác đáng và bằng chứng cụ thể

– Sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp để phần trình bày hấp dẫn hơn

3. Sau khi nói.

– Người nghe:

+ Nghe và ghi vắn tắt những đặc điểm nổi bật của sản phẩm sáng tạo từ sách hoặc quan điểm về việc đọc sách để có thể trao đổi, nêu câu hỏi sau khi người nói trình bày

+ Nêu ý kiến về nội dung bài nói và cách trình bày

– Người nói:

– Nghe góp ý và phản hồi những ý kiến của người nghe về nội dung bài nói một cách phù hợp, rõ ràng, có thể bổ sung những điểm cần làm rõ thêm

– Trao đổi lại với người nghe về cách trình bày để có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh một cách hiệu quả

* Bài nói tham khảo.

Bài mẫu 1:

Chào các bạn yêu, hôm nay mình xin giới thiệu với các bạn một cuốn sách mà mình rất yêu thích. Đó chính là cuốn sách “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Cuốn sách “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quả thực là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Cuốn sách đã mang đến cho người đọc những cảm nhận thú vị về mối tình trẻ con của Ngạn và Hà Lan. Cả Ngạn và Hà Lan đều là những đứa trẻ ngây thơ, chúng yêu quý nhau bằng tình cảm hết sức hồn nhiên, trong sáng. Thế nhưng khi môi trường sống thay đổi, Hà Lan lớn lên, rời quê đi lên thành phố, cô đã dần cảm thấy ngôi làng Đo Đo trở nên nhàm chán, thấy cuộc sống ở thành phố sôi động và thích thú hơn nhiều. Chỉ còn mỗi Ngạn vẫn khư khư ôm mối tình cũ với Hà Lan…

Câu chuyện được tiếp diễn với sự kiện Hà Lan sa chân vào một mối tình với cậu bạn Dũng, thế rồi có con với anh ta nhưng lại bị chính anh ta khước từ. Lúc này người duy nhất ở bên chăm sóc Hà Lan và con chỉ có Ngạn. Thế nhưng với những mặc cảm trong quá khứ , Hà Lan đã không thể nào đến với Ngạn, bỏ lại mối tình dang dở với anh chàng thầy giáo chân quê – Ngạn. Đọc truyện, người đọc như được cuốn vào một thế giới với những tình cảm trong sáng của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan lúc còn nhỏ, được cảm nhận giá trị nhân văn sâu sắc của tình người, tình bạn và tình yêu. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa bạn đọc cùng nhân vật trải qua những cảm xúc thật khó tả, mang đến cho ta một chân lý sâu sắc được kết lại ở cuối tác phẩm “Trên đời này có hai thứ không thể bỏ lỡ là chuyến xe cuối cùng trở về nhà và người thật lòng thương ta”.

Qua câu chuyện trên, mình đã thấy được một bài học ý nghĩa trong cuộc sống, đó là: “Trên đời này có hai thứ không thể bỏ lỡ là chuyến xe cuối cùng trở về nhà và người thật lòng thương ta”. Mình mong các bạn cũng thấy được ý nghĩa cũng như những tác dụng tuyệt vời mà việc đọc sách đem lại cho bản thân, đặc biệt là đọc những cuốn sách hay.

Bài mẫu 2:

Chào các bạn yêu, hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn một cuốn sách mà mình rất yêu thích. Đó chính là cuốn sách “Những kẻ mộng mơ” của Elvis Nguyễn.

Có thể khẳng định rằng, cuốn sách này sẽ hấp dẫn bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự thu hút của nó đến từ cách mà tác giả phối màu và trang trí bìa sách. Cuốn sách nhỏ gọn, dài khoảng 17cm, rộng 12cm, tông màu trắng xám rất phù hợp với nội dung của cuốn sách. Mặt bìa bọc bìa bóng sáng, trơn nhẵn. Tác giả thật tinh tế và biết cách chiều lòng bạn đọc khi đính kèm theo cuốn sách những tấm ảnh nhỏ xinh dùng để người đọc viết lại cảm nhận của bản thân.

Hẳn rằng mỗi người chúng ta ai cũng đã có lần cảm thấy rằng mình thật vô dụng, rằng cuộc sống quá nhàm chán khiến ta bất lực, con người ta cảm thấy thật đơn độc, mệt mỏi và đánh mất bản thân mình. Vậy thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Cuốn sách giúp ta tìm lại chính mình, dẫn lối mình đến với bình yên và hạnh phúc. Cuốn sách không hẳn là tản văn hay tiểu thuyết mà có lẽ đơn giản chỉ là một cuốn nhật kí, nhật kí của những người đang theo đuổi đam mê, người theo đuổi danh vọng hay kẻ đang tìm kiếm tình yêu hoặc một thứ gì khác. Bởi vậy ta có thể nhìn thấy được bản thân mình ở trong đó. Tuổi trẻ đầy những hoài bão nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi đau, những vấp ngã khiến ta cảm nhận rõ vị mặn chát của những tổn thương. Ta cảm nhận được vị cuộc đời : “Chúng ta ngủ vùi tuổi thanh xuân của mình trong một quãng đời. Khi tỉnh giấc chúng ta cố gắng tìm hiểu xem mình là ai. Tại sao mình lại tồn tại ở trên đời?”. Vậy tuổi trẻ có gì? Có lẽ là sự cô đơn, sự yếu đuối cùng cực khi đối mặt với cuộc sống. Với lời văn giản đơn không quá màu mè trau chuốt mang lại cho ta nhiều cảm giác chân thực, đầy những cảm xúc lẫn lộn. Ta như có sự đồng điệu với tác giả, từ đó soi chiếu vào bản thân, tìm sự giải thoát cho những khúc mắc trong quá khứ, mở lòng bao dung cho những điều đã qua để trưởng thành, để bắt đầu một hành trình mới.

Trong những tháng ngày, bản thân mệt mỏi muốn chùn bước, cuốn sách là liều thuốc xoa dịu tâm hồn tôi, làm tôi cảm thấy mình được sẻ chia, thấu hiểu. “Tuổi trẻ chúng ta như một giấc mộng dài không lối thoát. Cho tới ngày chúng ta tỉnh giấc và tìm ra hướng đi cho riêng mình”. Tuổi trẻ của tôi đã có lúc là một trang giấy trắng vì sự lạc lối mất phương hướng nhưng đã có lúc nó cũng là trang giấy úa vàng nhuốm màu vì những giọt mồ hôi và cả nước mắt.

“Có những thứ ở lại. Có những thứ sẽ đi. Một lúc nào đó. Một nơi nào đó. Chúng ta bám víu cảm xúc, sự mất mát. Mà trưởng thành. Quên hết tất cả, hay chấp nhận hiện thực rằng chúng ta đã xa?” Mong ai đó an yên cùng tôi….

Tôi mong các bạn thấy được những bài học, thông điệp tuyệt mà sách đem lại cho bản thân, đặc biệt là những cuốn sách hay.

Bài mẫu 3:

Chào các bạn yêu, hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn một cuốn sách mà mình rất yêu thích. Đó chính là cuốn sách Đôn Ki-hô-tê của nhà văn Xéc-van-tét.

Xéc-van-tét (1547 – 1616) là nhà văn lỗi lạc của Tây Ban Nha. Cuốn tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê cảa ông là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời đại Phục hưng, nó đã làm cho tên tuổi Xéc-van-tét trở thành bất tử.Ông viết tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê khi thời đại của lối sống hiệp sĩ đã qua rồi. Trong thời đại công nghiệp, không ai còn sống theo kiểu đó nữa. Tuy nhiên, trong xã hội lúc bấy giờ, không ít người nuối tiếc quá khứ một thời, cố bám víu lấy nó bằng cách xây dựng cho mình những ảo vọng, những lí tưởng phù du, xa rời thực tế. Họ say mê đọc những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ được bày bán nhan nhản trên hè phố khiến cho đầu óc ngày càng mê muội. Xéc-van-téc nhận thấy rõ căn bệnh xã hội này và tiểu thuyết Đôn Ki- hô-tê ra đời là một thông điệp của nhà văn trước hiện tượng đó.

Tác phẩm kể về nhân vật Đôn Ki-hô-tê, một quý tộc sa sút, say mê truyện hiệp sĩ và mong ước trở thành một hiệp sĩ. Bất chấp bị người nhà ngắn cản, Đôn Ki-hô-tê lên đường tìm kiếm lý tưởng của mình. Trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, ốm đau, kiệt sức bây giờ lão ta mới nhận ra cái hại của những cuốn truyện hiệp sĩ. Lão viết di chúc và chết trong thầm lặng!

Xéc-van-téc viết Đôn Ki-hô-tê không phải để ca ngợi tinh thần hiệp sĩ mà là để phê phán một tư tưởng đã quá lỗi thời. Ông sáng tác một tác phẩm theo đúng kiểu tiểu thuyết hiệp sĩ nhưng đọc lên ai cũng hiểu ông muốn nói gì. Ông xây dựng một nhân vật hiệp sĩ già nua (dấu hiệu của sự hết thời), đầu óc chứa đầy những ý tưởng tốt đẹp nhưng phi thực tế, do đó không sao thực hiện nổi bởi lực bất tòng tâm và hoàn cảnh xã hội cũng không còn như trước nữa. Những thất bại liên tiếp trong trạng thái u mê của nhân vật này chính là lời cảnh tỉnh đối với những người chỉ thích sống trong hoài niệm cùng những lí tưởng viển vông.

Đặt trong sự phát triển chung của tiểu thuyết thế giới, Đôn Ki-hô-tê được coi là một kiệt tác. Giọng văn hóm hỉnh, các giả định đầy kịch tính với bao chiến công và thất bại thảm hại của chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Man-tra, cho thấy tài kể chuyện, dựng cảnh và chế giễu của ngòi bút nghệ thuật Xéc-van-tec.

Tác phẩm chế giễu tàn dư của lí tưởng hiệp sĩ phong kiến, báo hiệu sự xuất hiện của thời đại Phục hưng với những con người mới, tính cách và nghị lực mới. Về một mặt nào đó, tác phẩm đề cao tình yêu thương nhân loại, yêu quý tự do, bình đẳng, ghét thói xa hoa, ăn bám, quý trọng danh dự, tôn thờ đạo nghĩa.

“Đôn Ki-hô-tê” sáng ngời vẻ đẹp của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.