Việt Nam quê hương ta (Nguyễn Đình Thi) (Bài 3, Ngữ văn 6, tập 1, Chân trời sáng tạo)

bai-3-doc-hieu-van-ban-viet-nam-que-huong-ta-nguyen-dinh-thi

Đọc hiểu văn bản:

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TA
(Nguyễn Đình Thi)

* Nội dung chính: Với hình ảnh bình dị, quen thuộc, lời thơ dạt dào cảm xúc “Việt Nam quê hương ta” (Nguyễn ĐìnhThi) đã gợi ra vẻ tươi đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc đất nước ta. Đồng thời, khắc họa những phẩm chất, đức tính tốt đẹp ở con người Việt Nam: chịu thương chịu khó, anh dũng, thủy chung,…

I. Chuẩn bị đọc.

Câu 1.  Nếu chọn một hình ảnh làm biểu tượng cho Việt Nam, em sẽ chọn hình ảnh nào? Vì sao?

Trả lời:

– Em tùy chọn những hình ảnh mà mình cho là phù hợp và giải thích lí do chọn lựa.

– Ví dụ: Em chọn hình ảnh bông hoa sen vì đây là loài hoa nổi bật của Việt Nam với sự giản dị, thanh tao và “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” giống như phẩm chất con người Việt Nam vậy.

Câu 2. Em biết bài thơ hoặc bài hát nào về quê hương?

* Bài hát:

– Hãy đến với con người Việt Nam (Xuân Nghĩa)
– Quê hương Việt Nam (Anh Khang)
– Xinh tươi Việt Nam (Nguyễn Hồng Thuận)

* Bài thơ:

– Quê Hương (Đỗ Trung Quân)
– Việt Nam Quê Hương Ta )Nguyễn Đình Thi)
– Quê Hương (Tế Hanh)

II. Trải nghiệm cùng văn bản.

Câu 1. Tám dòng thơ này giúp em hình dung gì về phong cảnh và con người Việt Nam?

Trả lời:

Tám dòng thơ này giúp em hình dung:

– Phong cảnh Việt Nam là phong cảnh bình dị, gần gũi, thân quen nhưng cũng không kém phần trù phú.

– Con người Việt Nam là những con người cần cù trong sản xuất; gan dạ, anh hùng trong chiến đấu. Và họ cũng chịu nhiều thương đau, trải qua bao cuộc chiến tranh ác liệt và những mất mát hi sinh nhưng vẫn sáng ngời những phẩm chất đẹp đẽ.

Câu 2. Những dòng thơ này gợi cho em nghĩ đến đặc điểm nào của truyền thống dân tộc?

Trả lời:

– Những câu thơ này gợi cho em nghĩ đến truyền thống anh hùng, anh dũng trong đấu tranh của nhân dân. Những người dân lành khi kẻ thù xâm lăng, họ sẵn sàng vùng lên chiến đấu để bảo vệ đất nước.

III. Suy ngẫm và phản hồi.

Câu 1. Em hãy chỉ ra cách gieo vần và ngắt nhịp của bốn dòng thơ đầu.

Trả lời:

– Cách gieo vần của 4 câu thơ đầu: ơi-trời; hơn-rờn-sơn

– Cách ngắt nhịp: câu 1 và câu 3 nhịp 2/2/2, câu 2 và câu 4 nhịp 2/2/2/2

Câu 2. Trong văn bản tác giả tập trung miêu tả những hình ảnh nào tiêu biểu của con người Việt Nam và nói đến những vẻ đẹp nào của quê hương?

Trả lời:

– Hình ảnh tiêu biểu của con người Việt Nam : những người lao động cần cù, chịu khó, những truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha, những tấm lòng chung thuỷ, sự tài hoa của người dân đất Việt.

– Vẻ đẹp của quê hương: cánh đồng lúa, cánh cò, núi đồi, dãy núi bao la, mênh mông. Là những vùng thiên nhiên trù phú, đẹp tươi và che chắn cho con người Việt Nam từ bao đời.

Câu 3. Tìm và nêu tác dụng của những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ đặc sắc mà tác giả sử dụng để miêu tả cảnh sắc quê hương trong bốn dòng thơ đầu.

Trả lời:

– Các biện pháp tu từ trong đoạn thơ đầu :

+ Nhân hoá: Việt Nam đất nước ta ơi

+ So sánh không ngang bằng: Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

+ Liệt kê : biển lúa, cánh cò, mây mờ

 Tác dụng: khiến cho hình ảnh đất nước trở nên gần gũi, thân quen, làm tăng mức độ của đất trời Việt Nam không đâu sánh bằng. Từ đó toát lên vẻ đẹp của quê hương đất nước.

Câu 4. Tìm và nêu tác dụng của hình ảnh, từ ngữ đặc sắc được dùng để khắc hoạ vẻ đẹp của con người Việt Nam trong đoạn thơ còn lại.

Trả lời:

Những vẻ đẹp của con người Việt Nam đã được khắc hoạ trong đoạn thơ đó là:

– Sự vất vả, cần cù trong lao động: vất vả in sâu, áo nâu nhuộm bùn.

– Sự anh hùng, mạnh mẽ, kiên cường trong chiến đấu (chịu nhiều đau thương, chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên, đạp quân thù xuống đất đen) nhưng khi trở về cuộc sống đời thường lại hiền lành, chịu thương chịu khó (súng gươm vứt bỏ lại hiền hơn xưa).

– Sự thuỷ chung, khéo léo, chăm chỉ : yêu ai yêu trọn tấm lòng thuỷ chung, tay người như có phép tiên, trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.

Câu 5. Tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước được thể hiện như thế nào trong văn bản? Hãy chỉ ra một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện trực tiếp tình cảm ấy.

Trả lời:

Tình cảm của tác giả trong văn bản:

+ Sự tự hào về đất nước, quê hương qua những khung cảnh thiên nhiên và văn hoá, con người như (mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn, Quê hương biết mấy thân yêu).

+ Sự đồng cảm với những vất vả, hi sinh của người dân (bao nhiêu đời đã chịu nhiều đau thương, mặt người vất vả in sâu).

→ Qua đó thể hiện tình cảm yêu mến, quý trọng và tự hào đối với dân tộc và những gì mà cha ông đã dựng xây cho Tổ quốc.

Câu 6. Văn bản gợi cho em suy nghĩ và cảm xúc gì về con người và cảnh sắc quê hương?

Trả lời:

– Văn bản đã gợi cho em về một đất nước Việt Nam với rất nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, giàu sức sống và những con người cần cù, chịu khó trong lao động, anh hùng, kiên cường trong chiến đấu và hiền lành, chăm chỉ, thuỷ chung trong cuộc sống đời thường.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.