Các thành phần chính của cốt truyện trong tác phẩm văn học

cac-thanh-phan-chinh-cua-cot-truyen-trong-tac-pham-van-hoc

Các thành phần chính của cốt truyện trong tác phẩm văn học.

Quá trình phát triển của một cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của một mâu thuẫn, có thắt nút, phát triển và vươn tới cao điểm, rồi đi vào chiều hướng kết thúc và giải quyết cụ thể. Trình tự của sự vận động là trình tự phát triển biện chúng theo những quy luật nội tại với những bước phát triển kế tiếp và làm cơ sở cho nhau. Những xung đột xã hội nảy sinh và phát triển trong đời sống đều theo nguyên tắc chung đó.

Tuy nhiên, nhà văn nhận thức xung đột xã hội, khai thác nó và trình bày vào trong sáng tác văn học lại chịu sự chi phối của quy luật tái tạo nghệ thuật, của nguyên tắc điển hình hóa. Những bước phát triển của cốt truyện có thể được tổ chức và sắp xếp lại để làm nổi rõ hơn chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Các thành phần của cốt truyện trong một tác phẩm không phải bao giờ cũng xếp đặt theo lôgíc hình thức. Lê Bá Hán cho rằng: “Phần đầu là cái không tiếp theo cái khác, trái lại theo quy luật tự nhiên phải có gì tồn tại hoặc tiếp theo nó, phần cuối là cái mà theo tính tất yếu hay theo lệ thường đều phải theo sau cái gì và sau nó không còn khác tiếp sau; còn phần giữa là cái phải tiếp sau cái khác và cái khác nữa lại đi theo sau nó. Vậy những cốt truyện được xây dựng một cách khéo léo phải theo những định nghĩa đó chứ không được tùy tiện bắt đầu và kết thúc ở chỗ nào cũng được”.

Mỗi cốt truyện thường bao gồm các thành phần: trình bày, thắt nút, phát triển, điểm đỉnh, kết thúc. Năm thành phần đó có ý nghĩa tương đối và cần được nhận thức một cách linh hoạt khi đi vào tìm hiểu và phân tích tác phẩm, tuy từng mỗi thành phần của cốt truyện có một vị trí và chức năng riêng. Thế nhưng, không phải bất cứ cốt truyện nào cũng bao hàm đầy đủ các thành phần như vậy. Vì vậy, cần tránh thái độ máy móc khi phân tích thành phần của cốt truyện.

Vấn đề không phải là xác định một cách hình thức mỗi thành phần mà là thâm nhập sâu sắc vào nội dung cụ thể của tác phẩm, khảo sát các chặng đường phát triển có ý nghĩa quyết định đối với số phận nhân vật, đặc biệt là các nhân vật chính. Có như thế, việc phân tích các thành phần của cốt truyện mới đem lại hiệu quả thiết thực cho nghiên cứu khoa học và cảm thụ nghệ thuật. Cơ sở sâu xa của cốt truyện là một xung đột xung đột đang vận động. Vì vậy, quá trình phát triển của một cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của xung đột, bao gồm các bước hình thành, phát triển và kết thúc.

Nhìn chung, một cốt truyện thường có các thành phần chính sau:

1. Phần trình bày.

Trình bày là phần giới thiệu khái quát về bối cảnh và các nhân vật. Qua phần trình bày, người đọc có thể sơ bộ hiểu được các nhân vật đặc biệt là các nhân vật chính về mặt quan cảnh mà các nhân vật đặc biệt là các nhân vật chính về mặt quan hệ gia đình, lứa tuổi, nghệ nghiệp, tài năng, lai lịch và hoàn cảnh mà các nhân vật đó đang sinh sống và hoạt động. Trong phần này, thường mâu thuẫn chưa vận động và phát triển. Chưa có những sự kiện đặc biệt làm thay đổi tình thế, đặt nhân vật trước những thử thách hoàn cảnh trong phần trình chưa phát huy năng động tính, thường được người kể chuyện hoặc tác giả trực tiếp giới thiệu.

Ví dụ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, phần trình bày nhằm giới thiệu tài sắc của chị em Thúy Kiều và sinh hoạt của gia đình Viên ngoại. Phần này thường có một sự kiện mở đầu có tác dụng như là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ xung đột cơ bản của tác phẩm. Cảnh Lí tưởng sai Trưởng tuần đóng cổng làng để thu thuế, cảnh thu thuế ở đình làng, cảnh nghèo đói túng thiếu của gia đình chị Dậu là phần giới thiệu của tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố.

Phần trình bày có khi cũng là phần nhập đề nhưng không phải mọi nhập đề đều đảm nhiệm chức năng của phần trình bày. Trong truyện ngắn Chí Phèo, để nhập đề, Nam Cao miêu tả đoạn Chí Phèo say rượu vừa đi vừa chửi. Lối nhập đề này đã gợi ngay được sự chú ý của người đọc vào Chí Phèo kiểu người đặc biệt, từ đó tác giả dẫn ngay vào phần trình bày để giới thiệu lai lịch của nhân vật này.

2. Phần thắt nút tạo tình huống.

Thắt nút là khởi điểm sự vận động của mâu thuẫn và xung đột. Nó thường được đánh dấu bằng một sự kiện nào đó đặc biệt. Sự kiện này đặt các nhân vật trước một sự lựa chọn, đòi hỏi sự tham gia của các nhân vật vào xung đột. Trong toàn bộ cốt truyện, phần thắt nút chiếm một trường độ không dài nhưng có ý nghĩa đột xuất và quan trọng. Trong kịch, phần thắt nút được xác định rõ rệt hơn các thể truyện và kí.

Phần thắt nút có nhiệm vụ bộc lộ trực tiếp những mâu thuẫn được tích tụ một cách âm ỉ từ trước, các nhân vật sẽ đứng trước những thử thách, đòi hỏi phải bày tỏ những thái độ, chọn lựa cách xử sự, hành động, phản ứng, từ đó bộc lộ rõ tính cách. Sự kiện này có tác dụng làm thay đổi tình thế ban đầu, lôi cuốn các nhân vật cùng tham gia vào xung đột và qua đó, các nhân vật sẽ bước đầu bộc lộ những nét bản chất của chúng. Theo Lê Bá Hán, “phần thắt nút trong Truyện Kiều là cảnh gia đình Kiều gặp cơn gia biến, Kiều phải bán mình chuộc cha. Những sự kiện đó làm thay đổi tình thế ban đầu, đặt nhân vật vào những hoàn cảnh và thử thách mới”. Chính sự kiện này, người đọc thấy được sự hy sinh cao cả của Kiều và cũng từ đây xung đột bùng nổ giữa một bên là những con người giàu lòng nhân ái và một bên là những thế lực phong kiến đen tối, bạo tàn. Còn phần thắt nút của tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là cảnh tuần đinh, lính lệ đến đánh đập anh Dậu để đòi sưu thuế.

3. Phần phát triển tình huống truyện.

Phát triển là phần quan trọng của cốt truyện bao gồm nhiều cảnh ngộ, nhiều sự kiện và biến cố khác nhau. Tính cách của nhân vật chủ yếu được xác định qua phần phát triển. Phần này có một trường độ bao quát hơn cả trong cốt truyện so với các thành phần khác. Tính cách có thể thay đổi và hoàn chỉnh thông qua những môi trường khác nhau trong phần phát triển.

Ví dụ: trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, phần phát triển bao gồm chẳng đường từ khi Chí Phèo trở về làng đến khi gặp Thị Nở. Trên chẳng đường này, Chí đã làm biết bao nhiêu việc mù quáng và tội lỗi, bản chất của hắn bị tha hóa. Từ một thanh niên hiền lành, y trở thành một kẻ hung bạo. Tính cách của hắn ngày càng phát triển theo chiều hướng đó để dẫn đến những tình thế căng thẳng.

Phần phát triển cũng là phần vận động của biến cố và mâu thuẫn để đẩy đến chỗ căng thẳng nhất. Trong toàn bộ cốt truyện, phần dài nhất và quan trọng nhất là phần phát triển. Khác với phần thắt nút chỉ dùng một sự kiện, phần này bao gồm một chuỗi sự kiện hoặc biến cố nối tiếp nhau nhằm làm cho xung đột phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Đồng thời, qua đó khẳng định bản chất của các tính cách trong những tình huống khác nhau. Đây là phần quan trọng và dài nhất của cốt truyện bao gồm nhiều cảnh ngộ, sự kiện và biến cố khác nhau. Tính cách nhân vật chủ yếu được xác định trong phần này. Nó có thể được thay đổi thông qua các bước ngoặt, môi trường khác nhau.

Ví dụ: phần phát triển trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là cuộc đời 15 năm lưu lạc, từ “chữ trinh đáng giá nghìn vàng” đến “tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa”, là những chuỗi dài bi kịch “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, là sự tiếp xúc với đủ các hạng người trong xã hội, là nỗi đau khổ này đến nỗi đau khổ khác của Kiều. Trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, phần phát triển bao gồm những sự kiện: mấy đứa con bị đói, chồng bị bắt, chị Dậu một mình tất tả ngược xuôi cho đến lúc người nhà lí trưởng ném cái xác lạnh ngắt, mê man bất tỉnh của anh Dậu vào nhà.

4. Điểm đỉnh của tình huống.

Nối tiếp phần phát triển, giai đoạn căng thẳng nhất của cốt truyện được gọi là đỉnh điểm. Ở đó, nhà văn cho thấy cách giải quyết của mình đối với xung đột đã được miêu tả hoặc cho thấy những khả năng trong việc giải quyết xung đột đó. Phần này, còn được gọi là cao trào, là phần bộc lộ cao nhất của xung đột. Lúc này, xung đột đã phát triển đến độ gay gắt, quyết liệt, đòi hỏi phải phải được giải quyết theo một chiều hướng nhất định. Điểm đỉnh là mâu thuẫn phát triển đến điểm đỉnh là phát triển đến độ cao nhất trong cả quá trình vận động. Nó có ý nghĩa quyết định với số phận của nhân vật. Tình thế đặt ra có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của nhân vật.

Ví dụ: trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ khi Kiều gặp Từ Hải, câu chuyện có xu hướng đi vào điểm đỉnh. Mâu thuẫn căng thẳng nhất khi Từ Hải chết và Kiều bị ép lấy Thổ quan. Từ Hải chết, bi kịch của đời nàng lên đến cực điểm. Nhân vật bị dồn vào một tình thế bi đát nhất không còn lý do để tồn tại và tất yếu Thúy Kiều phải tự vẫn để kết thúc số phận ngang trái, nặng nề của mình.

Điểm đỉnh thường là một khoảnh khắc, một thời điểm ngắn nhưng có tác dụng quyết định đối với nhân vật trung tâm. Trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, từ khi Chí Phèo gặp Thị Nở, câu chuyện đi vào điểm đỉnh. Thị Nở đã đem lại cho Chí Phèo những giờ phút êm ấm nhất trong toàn bộ cuộc đời ngang ngược của Chí. Hắn có điều kiện để tỉnh táo nhìn ngắm lại cuộc đời mình và chợt hiểu ra một cách xót xa quá khứ đau đớn của mình để rồi lo lắng cho tương lai. Chí Phèo có thể trở lại làm người lương thiện hay không hay lại tiếp tục bị xô đẩy trên con đường tội lỗi? Tình thế lúc này rõ ràng mang ý nghĩa thử thách và đặt nhân vật trước hai khả năng, trước hai con đường, có ý nghĩa quyết định. Chí Phèo bị từ chối, mâu thuẫn lên đến cao điểm, thực tế xã hội tàn nhẫn lại đẩy hắn đi vào con đường thứ hai. Trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là lúc chị Dậu bị dồn vào đường cùng đã xô tên Cai Lệ và túm tên người nhà Lí trưởng “lẳng một cái, ngã nhào ra thềm”.

5. Phần kết thúc (mở nút).

Kết thúc là sự giải quyết cụ thể của mâu thuẫn. Kết thúc chấm dứt một quá trình vận động và giải quyết những mặt đối lập của xung đột. Có những kết thúc đóng kín lại một quá trình, lại có những kết thúc hé mở ra một chặng đường mới. Phần này cho thấy kết quả của xung đột đã được miêu tả.

Ví dụ: Phần kết thúc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là Kiều được cứu sống, là đoạn đoàn viên của Kiều với Kim Trọng và gia đình sau 15 năm lưu lạc. Một kết thúc thiếu tính hiện thực, nó được tạo ra do quan niệm “có hậu” của tác giả hơn là do sự chi phối của quy luật khách quan. Thường các tác phẩm chỉ có một cách kết thúc nhưng cá biệt cũng có tác phẩm kết thúc bằng nhiều cách khác nhau.

Phần kết thúc thường tiếp nối sau ngay điểm đỉnh của cốt truyện vì điểm đỉnh không thể kéo dài mà xu hướng nhân vật khi phát triển qua điểm đỉnh thường dẫn ngay đến kết thúc. Ở đó, nhà văn cho thấy cách giải quyết của mình đối với xung đột đã được miêu tả, hoặc cho thấy những khả năng trong việc giải quyết xung đột đó. Đây là phần giải quyết xung đột của cốt truyện một cách cụ thể. Ở đây, tác giả trình bày những kết quả của toàn bộ xung đột của cốt truyện. Một cốt truyện tốt, bao giờ phần kết thúc cũng được giải quyết một cách tự nhiên, phù hợp với qui luật của cuộc sống. Tuy nhiên trong văn học cổ thường có phần kết thúc phù hợp với ước muốn chủ quan của con người.

Ví dụ: Trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị Dậu từ lúc bị bắt lên hầu quan phủ, sau đó phải xa chồng, xa con để đi làm vú hầu quan cố nhà quan Tỉnh, đến lúc chị choàng dậy mở cửa chạy té ra sân: “Trời tối đen như mực, như cái tiền đồ của chị”, là phần kết thúc của tác phẩm.

Việc xác định các thành phần của một cốt truyện suy cho cùng cũng là để nắm được vững chắc chủ đề và tư tưởng của tác phẩm thể hiện trực tiếp qua những bước phát triển của tính cách và cũng là để nắm được đầy đủ chẳng đường đi của từng tính cách nhân vật trong tác phẩm.

Như vậy, các thành phần chính trên đây tạo một cốt truyện đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế văn học, không phải lúc nào cốt truyện cũng đầy đủ cả năm thành phần, đồng thời cũng không phải được trình bày theo thứ tự như trên. Ở một số cốt truyện, có thể thiếu mất một vài thành phần, ở một số cốt truyện khác, có thể không có phần mở đầu hoặc nhiều khi lại bắt đầu bằng phần kết thúc hoặc một biến cố gần với điểm đỉnh. Vì vậy, khi tìm hiểu và xác định các thành phần của cốt truyện, không nên gò ép những biến cố hay sự kiện vào thành phần này hay thành phần khác với những lí do có tính chất hình thức. Cần tìm hiểu và phân tích sự xây dựng cốt truyện có thể hiện được những xung đột xã hội, sự phát triển của nó có phù hợp với quy luật cuộc sống và có thể hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả hay không.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.