Cảm nghĩ về cây tre

cam-nghi-ve-cay-tre

Cảm nghĩ về cây tre

  • Mở bài:

“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”.

(Nguyễn Duy)

Từ xưa đến nay, đặc biệt là ở những làng quê, cây tre luôn là một người bạn thân thiết và hữu ích của con người. Cây tre đi vào cuộc sống của người dân từ sinh hoạt ngày thường, trong lao động sản xuất và cả trong thơ ca, nhạc hoạ. Có thể nói, tre và người đã sống gắn bó khăng khít trong mấy nghìn năm qua.

  • Thân bài:

Tre thuộc loài thân cỏ nhưng có thân rất cao lớn. Có thể nói đây là loài thân cỏ cao lớn nhất hiện nay. Thân tre thẳng tắp, bên trong rỗng. Chính đặc điểm này khiến thân tre rất dẻo dai, kiên cường trước gió bão. Bão tố có thể vật đổ các loài cây khác nhưng ít khi ta thấy cây tre, búi tre bị bật gốc hay gãy đổ. Bởi thế, người ta thường ví phẩm chất người ngay thẳng, chính trực như cây tre trước gió bão.

Thân tre chia thành nhiều đốt, càng lên cao, độ dài từng đốt tre càng ngắn lại. Ở mỗi đốt tre có một mắc tre. Chính những mắc tre này sẽ phát triển thành cành nhánh. Trên cành nhanh mang gai và lá. Gai tre cứng cáp, sắc nhọn. Lá tre thô nhám, dễ gãy. Lớp vỏ bên ngoài thân tre có màu xanh sẫm, bóng, càng lên cao chàng nhạt hơn, chuyển sang xanh non.

Rễ tre mọc thành chùm rất dày. Một bộ phận phát nông trên bề mặt để hút chất dinh dưỡng nuôi xây, một bộ phận đâm sâu vào lòng đất để tìm nguồn nước và giúp cây đứng vững. Rễ tre tuy nhỏ rất cứng cáp, lại đan vào nhau bền chặt. Bởi thế, người ta thường trồng tre ở bờ sông, bờ suối để giữ bờ đất. Từ bao đời nay, cây tre như một người anh hùng giúp con người giữ đất đai trước sự tàn phá khủng khiếp của các dòng nước chảy.

Cây tre đem lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống con người. Lũy tre rợp bóng mát trên lối đi vào làng. Thân tre dùng làm nhiều đồ dùng trong nhà như nông, sàn, rổ, thúng,…  Người ta còn dùng tre để làm nhà cửa, cầu giao thông, đồ mỹ nghệ,… Những vật dụng làm từ cây tre cũng rất bền bỉ, sử dụng được dài lâu.

Từ ngàn xưa, tre đã cùng con người đánh giặc giữ nước. Câu chuyện Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà đánh tan giặc Ân, tre dựng phòng tuyến quanh làng, gập tre, chông tre ngăn bước quân thù thể hiện sức mạnh đoàn kết và sự gắn bó giữa con người và cây tre.

Cây tre gắn bó với những hoạt động ý nghĩa. Ngày hội làng diễn ra dưới bóng tre xanh. Cây nêu ngày tết vươn vút trời cao, cổng tre giản dị mà uy nghiêm đầu làng. Đôi đũa tre từ bao năm nay trở thành biểu tượng của lối sống hiền hòa mà khéo léo, mang đậm ý nghĩ triết lí của người Việt ta.

Tuổi thơ miền quê, chẳng ai không thân thiết với cây tre. Những ngày hái măng tre cho mẹ kho cá, gai cào xước cả tay vẫn còn nhớ mãi. Chiếc mo tre giả làm nón quan đội đầu, lấy lá tre khô um khói trong những cuộc chơi đánh trận giả còn vang vọng tiếng cười. Tre đi vào thơ ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của vẻ đẹp thanh tao, cứng cỏi, phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam.

Yêu biết mấy hàng tre quê hương. Dù đi qua bao mùa mưa bão, tre vẫn kiên cường, bất khuất vươn mình lên cao. Bên cạnh cây tre già ngã xuống, đã có mấy cây tre non vươn lên. Quanh năm, tre tỏa bóng che mát những đường quê. Tre sống ân tình, thủy chung với con người. Tre khiêm nhường và bình dị như phẩm chất của người nông dân Việt nam bao đời gắn bó với đất. với làng.

  • Kết bài:

Cho dù ngày nay sắt thép đã một phần thay thế cho vai trò của cây tre nhưng bóng tre xanh quanh bờ, dọc sông suối, hình ảnh cây tre cao vút trời xanh mãi mãi là biểu tượng vẻ đẹp của làng quê Việt Nam, in đậm trong kí ức của mỗi con người.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.